Không chỉ là một trong số những biểu tượng đặc trưng của Sài Gòn, chung cư này còn từng khiến giới truyền thông nước ngoài "dậy sóng" vì kiến trúc đặc biệt.
Sự tồn tại nửa thế kỷ
Ngày nay, chung cư 42 được giới trẻ xem như "thiên đường" cà phê, ăn uống và giải trí. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nơi đây đã từng chứng kiến biết bao sự đổi thay của Sài Gòn. Nằm im lìm giữa "khu đất kim cương" Quận 1 nhưng chung cư này vẫn giữ được sự hoài cổ mà hiếm nơi nào có được.
Nội dung liên quan
Chung cư 42 được xây dựng vào đầu năm 1960 và tọa lạc tại số 42 đường Nguyễn Huệ, đến nay chung cư đã tồn tại gần cả thế kỷ. Lúc mới xây, chung cư này là công trình cao nhất trục đường ngày ấy.
Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, nơi này từng không ít lần xuất hiện trên sách báo, tạp chí nước ngoài như một phần ký ức của người ngoại quốc về Sài Gòn. Tiêu biểu nhất phải kể đến quyển hồi ký bằng tranh của tác giả Marcelino Trương, người đã theo chân cha sống ở đây vào những năm 1960. Theo lời kể của những người lớn tuổi, chung cư 42 từng là nơi làm việc và lưu trú của các quan chức cấp cao trước năm 1975.
"Chốn thơ" giữa lòng Quận 1
Sau khi chiến tranh kết thúc, một số căn hộ được cấp cho các công nhân ở xưởng đóng tàu Ba Son, người lao động nghèo. Cho đến khi phố đi bộ Nguyễn Huệ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2015, giá đất xung quanh khu vực này bỗng nhảy vọt lên con số hơn cả tỷ đồng cho một mét vuông. Từ đấy, không ít du khách lần đầu đến Sài Gòn đã cảm thấy lạ lẫm với hình ảnh một tòa chung cư cũ giữa "khu đất kim cương" Quận 1.
Nội dung liên quan
Dựa theo xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu ăn uống và giải trí của người dân Sài Gòn tăng mạnh. Lúc này, chung cư 42 Nguyễn Huệ đã trở thành nơi tập trung đông các quán cà phê, nhà hàng từ giá bình dân đến cao cấp. Không chỉ có số lượng lớn hàng quán trải đều khắp 9 tầng lầu, nơi này còn trở thành địa điểm "check in" lý tưởng bởi kiến trúc hoài cổ độc đáo, không gian thoáng mát và view "triệu đô".
Từ đó, thay vì lựa chọn ở lại, nhiều người dân đã cho thuê mặt bằng và chuyển đến nơi khác sinh sống. Với kiến trúc "mở" đặc biệt, mỗi ô chung cư tại đây đều có phần "mặt tiền" quay ra phố đi bộ. Chính vì vậy, khi nhìn từ dưới lên, chung cư 42 trông giống như khối rubik khổng lồ với vô số sắc màu và kiểu cách khác nhau. Theo thống kê, số lượng quán cà phê và nhà hàng ở đây có lúc đã đạt ngưỡng gần 50 hộ.
"Dậy sóng" truyền thông nước ngoài bởi nét đẹp xưa cũ
Vào năm 2020, mạng xã hội Việt Nam và cả thế giới bất ngờ chia sẻ rộng rãi bài đăng của trang National Geographic UK về bức ảnh chung cư 42 Nguyễn Huệ do nhiếp ảnh gia Samsara Tran thực hiện với lời giới thiệu: "In Ho Chi Minh City, Vietnam, an old nine-story apartment building called the Café Apartment has been turned into a home for coffee shops, restaurants, and coworking spaces" (tạm dịch: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, một tòa chung cư cũ chín tầng được biến tấu trở thành nơi tập trung các quán cà phê, nhà hàng và không gian làm việc chung).
Ngay sau khi vừa đăng tải, bài viết đã hút hơn 50 nghìn lượt tương tác cùng hơn 20 nghìn người chia sẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Phía dưới phần bình luận, các du khách đã từng đến chung cư 42 đều để lại một tấm ảnh "checkin" cùng dòng đánh giá "5 sao" về nơi này.
Tạm kết
Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc các công trình có tuổi đời lớn rồi cũng sẽ đến lúc phải nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, chung cư 42 Nguyễn Huệ sẽ mãi là một biểu tượng khó quên trong lòng những người con của Sài Gòn. Sau này, khi nhắc đến khu chung cư cũ, người ta sẽ luôn nhớ đến vẻ bình yên tách biệt hoàn toàn với sự sầm uất bên ngoài phố xá cùng mùi cà phê rang thơm lừng tỏa ra từ các quán cà phê nhỏ xinh tại đây.
Nguồn: TH&PL