Tất cả những thứ "thành kiến" mà người ta khó chấp nhận thì Sài Gòn lại bao dung với tất cả.
Tôi không sinh ra ở Sài Gòn và cũng chẳng may mắn được lớn lên tại mảnh đất trù phú này. Tôi chỉ như một kẻ "ở nhờ" giữa Sài Gòn đất chật người đông. Nhưng Sài Gòn đối với tôi và cả người sống ở đây ấm áp trong cả trái tim người đến và người đi.
Sài Gòn đông người nhưng nếu tính ra thì người gốc Sài Gòn sẽ chẳng là bao nhiêu. Mảnh đất này từ xưa đến nay vẫn bao dung để chứa trọn những đứa con từ phương xa tới.
Sài Gòn đất chật người đông nhưng... công bằng
Người ta nói Sài Gòn nắng nóng bốn mùa mà mưa đến thì ngập đường, ngập chợ. Nhưng khi gắn bó với nơi này một thời gian, người ta không còn lầm bầm vì những bực dọc ở đây mà thay vào đó là tình yêu dành cho mảnh đất này.
Người Sài Gòn không khách sáo lễ nghi. Người Sài Gòn nói ghét là ghét, thương là thương. Ghét thì ngó lơ không cần bận tâm đến nhau, thương thì vui vẻ đến với nhau, không vẽ môi, uốn lưỡi bằng lời giả dối. Cuộc sống ở Sài Gòn dễ thở là vì thế!
Ở cái thị thành xô bồ này người ta luôn bận rộn với những gánh lo của đời mình, thật sự không có ai mà rảnh rỗi đi soi mói người này, dè bỉu người kia. Sài Gòn vốn công bằng với tất cả mọi người. Chính vì thế mà người ta tìm đến thành phố này mang theo một niềm tin và một sự hy vọng về cuộc đời mới.
Và có lẽ điều duy nhất ở cái thành phố này mà người ta thấy nó dễ thở nhất là tất cả những thứ "thành kiến" mà người ta khó chấp nhận thì Sài Gòn lại bao dung với tất cả, chỉ cần người ta được sống cuộc đời của chính mình.
"Những nét mực" hay những "mảnh vải rách thời thượng" mà đến Sài Gòn là người ta chấp nhận hết
Bạn có thấy một điều mà từ lâu đã trở thành khá "hiển nhiên" này không? Đó chính là ở Sài Gòn có anh bán rau xăm đen nhẻm đầy người, người ta cũng không quan tâm. Có chị kia mặc áo hai dây, tóc nhuộm đỏ hoe đi trên đường phố họ cũng mặc kệ. Người ta không có đủ thời gian mà để ý đến vẻ bên ngoài mà thứ người ta quan tâm là cách bạn sống như thế nào, bạn đối xử với cuộc đời ra sao.
Ở Sài Gòn, ai cũng có quyền được sống cuộc đời của chính mình với những thú vui, sở thích mà đôi lúc ở nông thôn người ta cho là hư hỏng. Đơn giản là chuyện xăm mình, nhuộm tóc, quần sọt áo dây. Người ta đôi khi nhìn vào hình xăm để đánh giá một con người, "Thằng này là dân giang hồ máu mặt", "Con nhỏ này là thứ không đàng hoàng". Nhìn vào tóc xanh, tóc đỏ mà cho người ta là vô học, ăn chơi lêu lỏng.
Nghiễm nhiên mà nói, ở dưới quê người ta chưa được khai phá về tư tưởng, cái nhìn còn hạn chế. Còn ở Sài Gòn, người dân ở đây có cơ hội tiếp cận thông tin cởi mở hơn nên cách nhìn về những thứ mà người ta vẫn luôn có thành kiến cũng thoải mái dần.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn luôn khao khát được trốn chạy khỏi những khuôn phép của làng quê để đến Sài Gòn mà sinh sống. Bởi lẽ, ngoài thứ đặc sản mà Sài Gòn có được là tình người, nó còn có cả sự tôn trọng đối con người ở trên mảnh đất này. Không phân biệt sang - hèn, giàu - nghèo, sở thích, giới tính hay hình xăm lớn nhỏ miễn là người ta sống đàng hoàng, tử tế.
Rốt cuộc thì, chúng ta đâu có chọn giữa Sài Gòn hay bất kỳ nơi nào, cũng không phải tiền hay vật chất. Ở một nơi sâu thẳm trong hành trình của cuộc đời, chúng ta vẫn đang đi tìm những điều sâu xa và ý nghĩa hơn. Sài Gòn hay một nơi nào khác cũng chỉ là một lớp vỏ, ôm ấp lấy ước mơ của mỗi người. Cái quan trọng là sống ở đâu mà người ta thấy mình được công nhận và tôn trọng như một người bình thường.
Ở Sài Gòn người đồng tính có cuộc sống cực kỳ thoải mái!
Tôi vào thành phố được ba năm hơn và điều tôi nhận ra là "thật hiếm có ở đâu mà người ta thương 'pê đê' như ở Sài Gòn và cũng không có nơi nào nhiều 'pê đê' như Sài Gòn". Cái thời mười lăm, mười sáu tuổi, vô tình biết đến "Ca 3" - một địa điểm có thể coi là thánh địa của giới "pê đê" Sài Thành thế hệ 8x và đầu 9x. Nơi mà không có một ánh mắt kì thị, cũng như soi mói.
Vì ở đây, ai cũng như ai, tất cả đều chỉ muốn tìm đến một nơi để có thể giải tỏa hết những căng thẳng trong cuộc sống, được sống thật với bản thân.
Từ cái thời này, ở Sài Gòn người ta đã dành rất nhiều phần ưu ái cho đời sống của những người trong thế giới lục sắc. Không có nơi nào như Sài Gòn, người ta có thể không ưa một người vì tính cách của họ chứ không phải vì giới tính của họ. Sài Gòn vốn công bằng với tất cả mọi người, ai cũng có quyền được tỏa sáng. Cũng chính vì thế mà "pê đê" luôn tìm đến thành phố này để sống được cuộc đời của chính mình.
Nội dung liên quan
Bạn có thể nhận ra rất nhiều người trẻ đến với Sài Gòn tạo nên dấu ấn riêng và trong số đó không ít người thuộc giới tính thứ 3. Cái chúng ta nhìn thấy là cái tấm tình cao rộng mà họ tạo ra, là một sự hiện hữu đầy mạnh mẽ của tài năng. Người đồng tính, người chuyển giới góp mặt rất nhiều trong hàng doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng,.. ở Sài Gòn. Họ được xã hội công nhận không chỉ về tài năng mà còn về đạo đức.
Ở Sài Gòn, người đồng tính có cuộc sống cực kỳ thoải mái. Không chỉ gạt được gánh nặng bị người khác phán xét mà họ còn được tự do yêu đương, tự do được sống với giới tính thật của mình. Sẽ rất khó để tìm được thành phố nào có nhiều hoạt động cũng như địa điểm dành riêng cho cộng đồng LGBTQ+ như ở Sài Gòn.
Thậm chí, cũng chỉ có trường đại học đầu tiên ở Sài Gòn ủng hộ cộng đồng này, đó là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - môi trường giáo dục ủng hộ và tôn trọng cộng đồng LGBTQ+.
Suy cho cùng, dù bạn có là ai cũng không quan trọng, có xuất phát điểm từ đâu cũng không quan trọng. Nhưng khi đến Sài Gòn, bạn chỉ cần chân thành và cuồng nhiệt, Sài Gòn vẫn sẽ hồn hậu dang tay ôm bạn và chấp nhận chính con người của bạn.
Chờ ngày Sài Gòn kẹt xe trở lại, để tất cả mọi người có thể tụ về đây và tiếp tục sống một cuộc đời sòng phẳng!
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL