Áp lực đồng trang lứa - căn bệnh thời đại là nỗi ám ảnh của bất cứ ai.
Những chuẩn mực của xã hội luôn là thứ đánh giá một con người như việc học trường chuyên, lớp chọn, công việc ổn định,... Đặc biệt là khi mạng xã hội phát triển, người ta cảm thấy thua kém và áp lực khi chứng kiến sự thành công của người khác.
Mỗi độ tuổi đều sẽ có những áp lực riêng bởi những định kiến và chuẩn mực ở độ tuổi đó, 18 tuổi phải vào đại học, phải học được trường top, 22 tuổi phải tốt nghiệp, phải kiếm được việc làm ở công ty lớn, trước 30 tuổi phải kết hôn, có nhà, có xe,... Không chỉ những lời nhận xét, mà bản thân mỗi người dường như đều có tâm lý so sánh khi thấy thành tựu của những người xung quanh.
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) có thể hiểu là một cá nhân chịu ảnh hưởng bởi một nhóm người đồng đẳng, hay nói dễ hiểu là cùng độ tuổi, cùng lĩnh vực chuyên môn, cùng môi trường,... Khiến cho cá nhân đó nảy sinh những so sánh và áp lực và cố gắng thay đổi giá trị, hành vi để phù hợp với chuẩn mực của nhóm.
Áp lực đồng trang lứa thường được thể hiện rõ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, những người đang bắt đầu cuộc sống độc lập, chưa có nhiều kinh nghiệm cuộc sống và dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, với bất cứ ai.
Nguyên nhân đến từ mong muốn được hòa nhập, được công nhận bản thân, hay nguyên nhân khách quan hơn là sự phát triển của mạng xã hội - nơi mọi người thoải mái thể hiện thành tựu của mình.
Vậy, làm sao để vượt qua áp lực đồng trang lứa?
Thực ra, áp lực đồng trang lứa không đáng sợ như bạn nghĩ, nó cũng có mặt tích cực và tiêu cực.
Biết điểm mạnh của bản thân
Việc liên tục so sánh bản thân với người khác là một sự so sánh khập khiễng bởi mỗi người đều sẽ có điểm mạnh của riêng mình, không ai giống ai. Hãy tập trung vào bản thân nhiều hơn và tìm kiếm điểm mạnh của mình.
Còn nếu bạn vẫn băn khoăn rằng bản thân chẳng có điểm mạnh như người khác thì việc tham gia các bài test như MBTI, Strengthsfinder hay The Types của Adobe sẽ giúp bạn hiểu hơn về mình, có thể những đặc điểm bạn không ngờ đến cũng là những điểm mạnh của bạn. Tập trung phát huy điểm mạnh của mình và học hỏi những thứ mới là cách hữu hiệu để bạn tự tin vào bản thân mình hơn.
Vạch ra hành trình của mình
Mỗi người cho dù là cùng độ tuổi, cùng môi trường hay cùng lĩnh vực chuyên môn thì đều có mục tiêu và định hướng cho riêng mình. Mỗi người có một xuất phát điểm và một lộ trình khác nhau để đạt được mục tiêu đó.
Hãy phân biệt điều gì dành cho mình, điều gì không và sự lựa chọn của mỗi người là khác nhau, việc so sánh không hữu ích bằng việc bạn biết bản thân muốn gì, cần gì và vạch ra lộ trình cụ thể để đạt được nó.
Biến nó thành động lực
Áp lực sẽ thật vô nghĩa nếu nó chỉ khiến bạn mệt mỏi và tự ti vào bản thân, dùng áp lực biến thành động lực để trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân là cách bạn "sử dụng" áp lực đồng trang lứa cho hành trình phát triển bản thân mình.
Nguồn: TH&PL