Nữ sinh trường CNTT: Từ học sinh lớp 11 đến tân sinh viên đại học cách nhau 2 lần tham gia chống dịch

Là tình nguyện viên tham gia 2 đợt dịch đầu tiên và cuối cùng, giờ đây khi nhìn lại, Lê Thị Ngọc Diễm đã có những chia sẻ chân thành với một góc nhìn mới mẻ về trải nghiệm chống dịch của mình.

Đã hơn nửa năm kể từ khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy rằng với đại đa số người dân, đại dịch tựa như cơn ác mộng chẳng ai muốn gợi lại. Nhưng khi bình tĩnh suy ngẫm từ một góc độ khác, nó vẫn mang lại đâu đó nhiều giá trị tích cực cho bao người.

Gắn bó với công tác chống dịch ngay từ đợt dịch đầu tiên, với Lê Thị Ngọc Diễm (sinh viên năm nhất, trường Đại học Công nghệ Thông tin), nếu không nói đến sức tàn phá của dịch bệnh, khoảng thời gian này đã cho cô bạn rất nhiều món quà vô giá. Đó là tình cảm giữa người với người, là những người bạn, người anh em ngày đêm "kề vai sát cánh", là những bài học, kinh nghiệm sống hữu ích và là những trải nghiệm độc nhất trong đời.

Trưởng thành qua hai đợt chống dịch

nu sinh truong cntt tu hoc sinh lop 11 den tan sinh vien dai hoc cach nhau 2 lan tham gia chong dich - anh 0

Là đoàn viên năng nổ với các hoạt động tình nguyện ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát, chứng kiến cơn đại dịch ngày một lan rộng, Ngọc Diễm liền xác định dùng sự gan dạ và ý chí của mình để hỗ trợ công tác phòng chống dịch cùng thành phố. Ý chí đó chiến thắng nỗi e ngại bị nhiễm Covid-19, chiến thắng cả những bất an ban đầu của người thân khi lo lắng cho những rủi ro có thể xảy đến với con gái.

"Ba mẹ khuyên nhủ mình rất nhiều, có những thời điểm còn cấm đoán mình luôn. Nhưng mình vẫn nói đó là nhiệm vụ của mình, nếu ai cũng sợ thì chẳng có ai làm. Mà nếu chẳng có ai làm thì lấy đâu ra nhân lực để hỗ trợ cho người dân" - Diễm nhớ lại.

Đó là khởi đầu cho những gắn bó của Ngọc Diễm với vai trò tình nguyện viên chống dịch. Ở đợt dịch lần thứ nhất, cũng là lần đầu tham gia, cô bạn bấy giờ còn là một nữ sinh lớp 11. Ấy vậy mà khi đợt dịch lần cuối cùng bùng phát, Diễm lúc này đã là tân sinh viên đại học. Tuy nhiên, với Diễm, đó không phải là thay đổi duy nhất.

nu sinh truong cntt tu hoc sinh lop 11 den tan sinh vien dai hoc cach nhau 2 lan tham gia chong dich - anh 0
Ngọc Diễm cùng các tình nguyện viên trong công tác chống dịch

Ở đợt đầu, nhiệm vụ của Diễm chỉ là nhập liệu, thu thập thông tin từ các F0 trong khu cách ly, cần mẫn mỗi ngày từ 8h sáng đến 8h tối. Đến đợt thứ tư, dịch bệnh khi này bùng phát cao hơn, kéo thêm nhiều hệ lụy và nguy hiểm, cô sinh viên bắt đầu tham gia công tác test covid và cùng các y, bác sĩ đi đến từng nhà dân. Ban đầu, Diễm chỉ được giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ bảo hộ, dụng cụ test, về sau đã được trực tiếp đảm nhiệm công tác lấy mẫu và kiểm tra kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, cô bạn còn tham gia công tác hỗ trợ an sinh cho người dân cũng như vận chuyển lương thực, thực phẩm đến từng hộ gia đình. 

Trong tình thế khẩn trương, gấp gáp, không phải đơn vị nào cũng tạo điều kiện tập huấn kỹ năng cho các tình nguyện viên, nên ban đầu cô bạn cũng gặp không ít bỡ ngỡ. Vì thế, những gì Diễm tích lũy được đến nay đều là do tự quan sát, học hỏi là phần nhiều. 

"Giữa lúc di chuyển hay nghỉ trưa, mình thường tranh thủ thời gian để hỏi các anh chị y bác sĩ về các quy cách đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, cách xử lý các loại rác thải sao cho an toàn hay thậm chí là thời điểm nào phải xịt tay, xịt khuẩn. Đó là những kỹ năng không được học ở trường, ở đoàn thanh niên mà phải tự học ngay từ thời điểm làm việc".

nu sinh truong cntt tu hoc sinh lop 11 den tan sinh vien dai hoc cach nhau 2 lan tham gia chong dich - anh 0

Khoảng thời gian dài chống dịch cũng tôi luyện cho cô bạn một ý chí quyết tâm vững vàng và tinh thần trách nhiệm đáng trân trọng. Nếu như trước đây, Diễm chỉ làm việc với tâm thế là "làm cho xong việc rồi về", thì ở đợt thứ hai tham gia, cô sinh viên đã ý thức rằng phải làm cho hoàn chỉnh, nghiêm túc. Chẳng hạn như "biết sáng là phải dậy sớm, tối chưa xong việc thì không được về mà phải hoàn thành một cách chỉn chu, dù cho có phải ở lại đến 9, 10h tối hay thậm chí là nửa đêm".

Cái ý chí ấy còn là tiền đề cho sự khắt khe của Diễm đối với bản thân. Diễm tiết lộ: "Thông thường, chính quyền địa phương sẽ giao chỉ tiêu phải tiêm 100 mũi vaccine nhưng mình không hài lòng với số lượng đó. Mình cho rằng 100 mũi chỉ là con số giúp giảm bớt gánh nặng cho tình nguyện viên thôi. Vì thế, ngày nào mình và các 'anh em' cũng cố gắng đẩy lên con số 300-400 liều. Bởi dù gì, mục tiêu lớn nhất của mình là đảm bảo đời sống tốt nhất cho người dân, dù có đang trong thời điểm dịch bệnh".

Thời kỳ đó lấy đi sức khỏe, nước mắt, tình yêu thương và kỷ niệm của mình

Không chỉ là câu chuyện về sự trưởng thành, quá trình chống dịch của Diễm còn song hành với những gian nan, thách thức. Diễm kể, khó khăn lớn nhất là sự hạn chế về thời gian nghỉ ngơi. Trong công tác hỗ trợ tại các điểm tiêm vaccine, vì số lượng người đến tiêm đông nên lượng công việc trải dài suốt cả ngày.

Sau công tác tiêm phòng, kéo dài từ 7h sáng tới 6h tối, tưởng như đã hoàn thành công việc nhưng các tình nguyện viên còn phải tiếp tục tiến hành nhập liệu đến tận khuya mới chính thức kết thúc một ngày. 

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Diễm còn đã sụt hẳn 5kg vì quá tập trung vào công việc: "Theo lịch hẹn người dân đến tiêm là 7h sáng, nhưng thực tế, trước đó cả tiếng, mọi người đã xếp hàng đứng kín khu vực vào rồi. Mà nếu trong trường hợp mưa, nắng, mình cũng không thể để người dân đợi bên ngoài nên buộc phải thu xếp đến sớm nhất để có thể tiếp người dân ngay lập tức".

nu sinh truong cntt tu hoc sinh lop 11 den tan sinh vien dai hoc cach nhau 2 lan tham gia chong dich - anh 0
Hình ảnh Ngọc Diễm làm công tác nhập liệu

Lại có những ngày, cô bạn cùng một nhóm 4, 5 người ngồi trên chiếc xe ba gác đến trao quà an sinh cho người dân. Giữa cái nắng Sài Gòn, giữa cơn mưa nặng hạt, che trên đầu chỉ là tấm bạt thô sơ, nhưng bản thân chỉ lo lắng những túi gạo, túi quà pha mưa, pha gió mà ẩm mốc. 

Nhưng cái khó, cái khổ thì chỉ kéo dài trong khoảnh khắc. Kết thúc đại dịch, kết thúc những buổi tình nguyện, bao khó khăn quen thuộc mỗi ngày chợt hóa thành ký ức. Riêng với Diễm, sức khỏe, nước mắt, tình yêu thương và cả kỷ niệm đều theo khoảng thời gian đó mà trôi đi.

Cô bạn tâm sự: "Trong quá trình chống dịch, mình không chỉ tiếp xúc với các đoàn viên thanh niên mà còn rất nhiều cá nhân khác nhau, làm nhiều nghề khác nhau. Tất cả cùng chung ý chí là giúp thành phố nhanh chóng vượt qua cơn đại dịch. Đó là giai đoạn duy nhất trong đời mình quen biết được những người cùng chung lý tưởng, mục đích với mình, giai đoạn duy nhất trong đời được làm chung với bác sĩ, dân quân, bộ đội. Mình trân trọng trải nghiệm đó từ những lần duy nhất này vì sẽ không bao giờ có lại được những thời khắc, kỉ niệm hay cơ hội như vậy nữa". 

nu sinh truong cntt tu hoc sinh lop 11 den tan sinh vien dai hoc cach nhau 2 lan tham gia chong dich - anh 0

Dù có trải qua bao lâu, vết thương do đại dịch gây ra cũng khó có thể nào lành. Nhưng nhìn từ góc độ khác, nó cũng giúp người ta biết trân trọng hơn tình người và các giá trị sống chung quanh. Sức trẻ sẽ sống mãi, trong màu áo xanh tình nguyện, họ sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình vì công cuộc chung của thành phố thân yêu. Và ở đâu đó, có lẽ sẽ còn có những câu chuyện như của Ngọc Diễm:

"Những ngày cuối bộ đội về thì có tổ chức ăn uống thì mình có ngồi nghĩ lại thì bật khóc. Vì lúc làm thì cực, không nghĩ gì hết nhưng quả thật, mình và mọi người đã cùng nhau trải qua rất nhiều. Bộ đội phải chia xa người dân để đi về còn mình thì phải chia xa những người anh em, đồng chí mình gắn bó. Nếu có thể, mình vẫn muốn quay trở lại thời gian tham gia chống dịch vì đó sẽ là trải nghiệm độc nhất trong đời mình".

Tình nguyện viên khu K1 bệnh viện Hùng Vương: Thực tế vất vả hơn cả "Ranh Giới"!

Sinh viên năm 2 RMIT: "Tết đến vẫn sẽ trong tâm thế sẵn sàng khi có lời kêu gọi đi chống dịch"

"Bình thường mới" của TNV chống dịch: Nhìn về những bệnh nhân đã hồi phục thay vì mất mát

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ