Sinh viên năm 2 RMIT: "Tết đến vẫn sẽ trong tâm thế sẵn sàng khi có lời kêu gọi đi chống dịch"

Là một trong số ít những bạn trẻ từ chối cuộc sống "bình thường mới" để tiếp tục công cuộc chống dịch, Tăng Quốc Nguyên đã có những chia sẻ ấm lòng cùng về khoảng thời gian đặc biệt vừa qua của mình.

Đã 3 tháng "bình thường mới" trôi qua kể từ đầu tháng 10/2021, tuy vậy, giữa cuộc sống vẫn còn đó những diễn biến phức tạp vì đại dịch khiến nhiều người càng thêm lo âu về cuộc sống. Đặc biệt là thời điểm Tết đang cận kề, những bất an về sức khoẻ trở thành gánh nặng tâm lý cho nhiều người, nhất là những người con xa quê với một cái Tết đầy chông chênh. 

Dẫu vậy, vẫn còn đó rất nhiều những nhân viên y tế, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu vẫn đang gắng sức "bám trụ" vì lợi ích chung của cộng đồng. Họ chấp nhận đánh đổi một cái Tết trọn vẹn bên gia đình và "vẫn sẽ trong tâm thế sẵn sàng khi có lời kêu gọi đi chống dịch" - đó là lời khẳng định của Tăng Quốc Nguyên (sinh viên năm 2 Đại học Quốc tế RMIT), một tình nguyện viên với sức bền chống dịch đã 7 tháng hơn tại Sài Gòn. 

sinh vien nam 2 rmit tet den van se trong tam the san sang khi co loi keu goi di chong dich - anh 0

Bình thường mới là của mọi người, nhưng với mình Sài Gòn chưa khỏe!

Còn nhớ lúc Sài Gòn trở thành "điểm đỏ" chống dịch của cả nước, chúng ta từng chứng kiến không ít những hình ảnh đẹp và xúc động từ các tình nguyện viên trên khắp ngõ ngách của Sài Gòn. Nào là những bàn tay "móp méo" vì 24/24 phải đeo găng chứa đầy dung dịch và lớp mồ hôi, hay cái ô che mưa cho một ông cụ phải ngồi chờ đợi đến lượt test covid đầy xúc động, đó còn là hình ảnh "5 anh em trên một chuyến xe khử khuẩn" phải khoác vai đội mưa tầm tã trên hành trình đi dập dịch. 

Gặp gỡ lại Nguyên - một trong những thành viên của đội khử khuẩn di động trên chiếc xe "lịch sử" ấy - khá bất ngờ khi đến giờ cậu ấy vẫn "miệt mài" chống dịch như chưa từng có "bình thường mới" trở lại. 

Nguyên nói với : "Mặc dù bình thường mới trở lại, nhưng Sài Gòn đã khỏe lại đâu... nên mình vẫn gắng ở lại để cùng đồng hành với mọi người. Đến nay đã được 7 tháng rưỡi mình đi chống dịch". 

sinh vien nam 2 rmit tet den van se trong tam the san sang khi co loi keu goi di chong dich - anh 0

Hồi tưởng lại những ngày tháng "căng thẳng" của Sài Gòn trước đây, Nguyên nói rằng đó là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất mà bản thân chưa từng muốn được sống lại thời điểm ấy một lần nào nữa. 

"Thời tiết quá khắc nghiệt, ngày thì nắng nóng kinh khủng, ngày thì mưa tầm tã. Mình cứ dãi nắng, dầm mưa suốt khoảng thời gian đó và suýt ngất xỉu. Trong công việc đi khử khuẩn, đó cũng là lần đầu tiên mình vác trên lưng máy phun nặng gần 40 kg. Thời gian đầu không quen và có một lần mình đã làm rơi máy phun xuống chân và suýt nữa là bị dập chân" - Nguyên kể. 

Suốt khoảng thời gian dài chống dịch vừa qua, cũng là lần đầu tiên chàng sinh viên Đại học RMIT phải xa nhà, xa những người mình yêu quý để lặn lội trên chiến trường chống dịch. Đó cũng là lần đầu tiên cậu bạn khoác lên người đồ bảo hộ vừa dày, vừa nóng, vừa ngộp. Phơi dưới cái nắng gần 40 độ, những đợt mưa tầm tã và giông gió, Nguyên nói nhiều lúc mình bị mất nước đến nỗi suýt xỉu trên đường. 

Trên chuyến xe 5 người khoác vai nhau và đội mưa đến địa điểm xịt khử khuẩn, Nguyên tiết lộ: "Sau hôm đó điện thoại mình bị hư vì thấm nước mưa và không thể liên lạc được cho bất kì ai, đến tận ngày hết giãn cách luôn. Đôi lúc cũng xảy ra cãi vã giữa mình với đồng đội trong lúc làm nhiệm vụ và cuối cùng nhiệm vụ ngày hôm đó hỏng bét".

sinh vien nam 2 rmit tet den van se trong tam the san sang khi co loi keu goi di chong dich - anh 0

Không chỉ là những khó khăn trong quá trình đi chống dịch, mà thời điểm đó còn tạo nên cho Nguyên những ám ảnh tâm lý khi chứng kiến nhiều câu chuyện thương tâm vì Covid-19. Nguyên kể, đội của mình thường phải đi xịt khuẩn tại những địa bàn vùng đỏ của Sài Gòn. Có những hôm cậu bạn phải nhìn thấy những đoàn người khiêng lần lượt ba, bốn chiếc hòm từ trong ra... là những nạn nhân đã tử nạn vì đại dịch. 

"Một lần mình đi khử khuẩn trên địa bàn quận 8, vào một căn nhà khử khuẩn mà phía dưới kế bên chỗ mình đứng là một người đã mất, chỉ bó chiếu lại và chưa ai đem đi cả. Kèm theo tiếng gào khóc thảm thương của người nhà. Và đặc biệt có vài hôm mình đến quận Bình Tân khi đi ngang qua lò thiêu Bình Hưng Hoà mình đã chứng kiến cảnh hàng chục chiếc xe cấp cứu, xe tải, xe hơi, mỗi xe chở ba, bốn cái hòm xếp thành hai hàng dài gần một cây số để chờ vào hỏa táng. Mình vốn là người mạnh mẽ mà chứng kiến cảnh đó vẫn không thể chịu nổi" - Nguyên nhớ lại. 

sinh vien nam 2 rmit tet den van se trong tam the san sang khi co loi keu goi di chong dich - anh 0

Chẳng ai muốn chống dịch mãi cả...

Mặc dù cuộc sống đã bình thường mới trở lại nhưng dịch vẫn còn khá phức tạp. Sài Gòn thời gian gần đây cũng không còn như hồi đỉnh điểm của dịch bệnh nữa nhưng mỗi ngày ca nhiễm vẫn cao và ca tử vong vẫn còn khá nhiều. Đây cũng chính là lý do để Nguyên duy trì động lực dập dịch đến thời điểm hiện tại, góp sức cùng mọi người "đến đâu hay đến đó".

Nguyên chia sẻ, từ lúc Sài Gòn bình thường mới trở lại việc lấy mẫu cộng đồng hay khử khuẩn không còn quyết liệt như trước nữa. Và cũng từ lúc hết phong tỏa thì đội phun khử khuẩn cũng giải thể. Thay vào đó là những điểm tiêm vaccine ngày càng nhiều nên cậu bạn đã chuyển đến làm tình nguyện viên tại các điểm tiêm. 

sinh vien nam 2 rmit tet den van se trong tam the san sang khi co loi keu goi di chong dich - anh 0

Chia sẻ về kể hoạch đón tết năm nay, Nguyên đã có một quyết định khá táo bạo: "Tết ta này mình muốn lên kế hoạch tận hôm hưởng một chuyến du lịch nhiều ngày cho riêng bản thân mình. Mình biết rằng ý kiến này sẽ có nhiều người chỉ trích nhưng mình vẫn muốn như vậy. Xem như chuyến du lịch của riêng mình như một món quà xứng đáng cho mình sau một thời gian dài lao vào cuộc chiến chống covid đầy gian khổ và nguy hiểm. Có gian lao, khổ cực, có khắc nghiệt thì sự bình yên, thành quả tốt đẹp sẽ đến. Nhưng mình vẫn đảm bảo 5K lúc đi du lịch là được". 

Theo đó Nguyên sẽ tạm ngưng việc chống dịch trong suốt những ngày Tết sắp tới cho chuyến du lịch một mình đặc biệt. "Nhưng trong tâm thế vẫn sẵn sàng khi có lời kêu gọi đi chống dịch tiếp", Nguyên khẳng định. 

sinh vien nam 2 rmit tet den van se trong tam the san sang khi co loi keu goi di chong dich - anh 0

Như bao mong muốn của tất cả mọi người, Nguyên mong rằng dịch bệnh sẽ mau sớm đầy lùi hoàn toàn, khi đó người dân mới thực sự an tâm quay trở lại cuộc sống như những ngày trước dịch.

"Mình cũng có kế hoạch, cũng có ước mơ, cũng có dự định cho tương lai, cũng có cuộc sống riêng cho mình. Nhưng vì dịch mà mình phải tạm gác tất cả để lên đường. Ai rồi cũng sẽ quay lại cuộc sống của mình như trước đây. Không phải cứ đi chống dịch mãi thế này được. Cũng sẽ đến một lúc dịch covid này sẽ chấm dứt mãi mãi. Đó là điều mong muốn lớn nhất của mình" - Nguyên nói. 

Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.  

Hội Gen Z "xuân này con không về": Chấp nhận làm Tết để có lương nhân ba!

Hội Gen Z: Chỉ sợ gần Tết lại "dương tính", kế hoạch nghỉ Tết coi như phá sản!

Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt: Hãy xác định tâm lý "ai cũng đang là F0" thay vì "mình cũng sẽ là F0"!

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ