Ra mắt cùng một thời điểm với làn sóng tranh cãi dữ dội từ phía khán giả, liệu Nhà Không Bán hay Chuyện Ma Gần Nhà xứng đáng là bộ phim kinh dị mở màn năm 2022?
Từ lâu, những bộ phim thuộc thể loại kinh dị của Việt Nam sản xuất đã không nhận được nhiều đánh giá cao từ phía công chúng bởi những lần "mừng hụt". Thế nhưng song hành với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, thì nền điện ảnh nước nhà cũng dần cải thiện, mở ra nhiều cánh cửa hơn cho thể loại "khó xơi" này. Tạm nghỉ ngơi với năm 2021 nhiều biến động, nền điện ảnh Việt nói chung và thể loại phim kinh dị nói riêng đã mang đến cho người xem nhiều tác phẩm với chủ đề mới lạ, đánh sâu vào những câu chuyện đời thường.
Và năm 2022 với sự phục hồi của phòng vé Việt, hai tác phẩm kinh dị Nhà Không Bán và Chuyện Ma Gần Nhà đã khiến cộng đồng mạng bùng nổ. Không chỉ vì sức hút của dòng phim này mà còn những tranh cãi bên lề về nội dung, kỹ xảo cũng như cách truyền thông, quảng bá của từng bộ phim. Thế nhưng suy cho cùng, Nhà Không Bán và Chuyện Ma Gần Nhà liệu có xứng đáng với danh xưng mở màn một "kỷ nguyên" mới của phim kinh dị Việt, làm hài lòng hầu hết những khán giả đã dành sự mong đợi đến thưởng thức?
Khán giả Việt quá khó tính, hay nhà sản xuất chưa khiến bộ phim tròn vai?
Nếu đặt Nhà Không Bán với Chuyện Ma Gần Nhà lên bàn cân để so sánh, thì cả hai tác phẩm đều thiếu đi những yếu tố quan trọng để có thể làm hài lòng khán giả, đầu tiên có lẽ là về kịch bản của bộ phim. Ở Nhà Không Bán, một tác phẩm của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường - người mới "lấn sân" sang lĩnh vực điện ảnh, thì Nhà Không Bán lại mang hơi hướng của một bộ phim truyền hình hơn là một tác phẩm có thể mang lên màn ảnh rộng. Kịch bản không quá khó đoán cùng một nội dung đã đi theo lối mòn, khai thác những căn nhà tối tăm, u ám ở miền Tây sông nước.
Điều mà Nhà Không Bán đang thiếu đó chính là quên khai thác những khía cạnh khác của nhân vật lại quá xoáy sâu vào những chi tiết thừa của bộ phim - đơn cử như vai diễn Betty. Nếu đạo diễn Hoàng Tuấn Cường có thể "đào" thêm những sự kiện trong quá khứ của ông Cả - nhấn mạnh những tội ác trong quá khứ hay chế độ thực dân tàn ác, chắc chắn khán giả sẽ càng rùng mình vì câu chuyện của bộ phim.
Thế nhưng đối với Chuyện Ma Gần Nhà, một "đứa con" của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân thì ngược lại. Nếu xem xét lại những bộ phim trước đó do Trần Hữu Tấn làm đạo diễn như Bắc Kim Thang hay Rừng Thế Mạng, thì Chuyện Ma Gần Nhà cũng có điểm chung với những người anh em của mình: nội dung khá khó hiểu. Thường lấy chất liệu dân gian ngày xưa để xây dựng nên tác phẩm của mình, nên những dự án của đạo diễn Trần Hữu Tấn khiến người xem "vỡ òa" vì một loạt cú twist cực lạ.
Ngược lại với Nhà Không Bán, thì Chuyện Ma Gần Nhà lại quá "tham" kịch bản, nhồi nhét cả 3 câu chuyện rất ổn vào thời lượng của một bộ phim chiếu rạp, điều này đã khiến phần đông khán giả không hiểu được cốt truyện cũng như biến nội dung Chuyện Ma Gần Nhà trở nên khá "vụng về". Cũng dễ dàng nhận ra, mức độ khó hiểu tăng dần qua từng câu chuyện, và đây có lẽ là ý đồ của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã cài cắm vào bộ phim.
Có thể thấy, phim kinh dị Việt - đơn cử là Chuyện Ma Gần Nhà đã dần đầu tư vào kịch bản, khai thác nhiều chất liệu mới hơn mà chưa có ai chạm đến. Cùng với đó, "kiểm duyệt" ngày nay đã khá thoáng hơn, đây là một yếu tố tiên quyết để các nhà sản xuất có thể mạnh tay sản xuất những dự án nặng đô mà không lo ngại "đứa con" của mình bị cắt đi.
Kỹ xảo còn nhiều hạn chế, giảm bớt mức độ kinh dị của tác phẩm
Có thể thấy điểm chung của Nhà Không Bán và Chuyện Ma Gần Nhà là chưa dám mạnh tay đầu tư vào mặt kỹ xảo của tác phẩm. Trong khi Nhà Không Bán chỉ tập trung vào hình tượng quỷ nữ mặc áo dài trắng, xõa tóc dài - một tạo hình kinh dị đã quá đỗi quen thuộc với khán giả Việt trong rất nhiều tác phẩm. Thì Chuyện Ma Gần Nhà lại chịu chơi hơn với hình tượng cô Mía hoặc ma cụt đầu, nhưng thực sự những phân cảnh kinh dị vẫn chưa "tới". Và người xem cũng dễ dàng nhặt "sạn" kỹ xảo từ hai tác phẩm, khiến nội dung vụn vặt không là thứ duy nhất khiến thất vọng.
Không phải điện ảnh Việt Nam chưa phát triển để có thể tạo dựng những phân cảnh sử dụng kỹ xảo chất lượng, có thể thấy ekip của Squid Game hay All Of Us Are Dead có sự xuất hiện của người Việt, thế nhưng những tác phẩm nước nhà lại chưa được nhà sản xuất mạnh tay đầu tư. Và hy vọng trong tương lai gần nhất, những tác phẩm kinh dị nói riêng và những dự án cần kỹ xảo sẽ được chú trọng hơn, chắc chắn rằng kỹ xảo là một khía cạnh không thể thiếu để tạo nên sự thành công của một tác phẩm kinh dị.
Cả hai đều ổn ở dàn diễn viên, một điểm cộng "cứu vớt" nội dung của phim
Một điểm cộng cho cả hai tác phẩm là đều "tuyển chọn" được dàn diễn viên cực kỳ ổn áp. Ở Nhà Không Bán, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã chắt lọc được những gương mặt quen thuộc với khán giả Việt cùng với diễn xuất đã tạo nên sự thành công cho Nhà Không Bán. Những phân cảnh nặng về tâm lý, NSND Kim Xuân, NS Minh Hoàng, Hạnh Thúy đã "gồng gánh" bộ phim, mang đến những phân cảnh vô cùng xúc động nhưng không kém phần ma mị. Song song đó, hai cây hài Việt Hương - Hữu Tín giúp Nhà Không Bán trở thành một phim "thuần" giải trí hơn với những mảng miếng hài được tung hứng giữa hai nhân vật.
Không chỉ dàn nhân vật chính của Nhà Không Bán ổn áp, những vai phụ cũng được thể hiện xuất sắc bởi Nam Em, Văn Phượng, Bạch Công Khanh,... Song, nếu không có sự xuất hiện của Việt Hương và Hữu Tín, chắc chắn màu sắc của Nhà Không Bán sẽ trầm lắng, mang đến những phân cảnh đậm chất tâm lý gia đình - kinh dị hơn những gì mà khán giả mong đợi.
Còn đối với Chuyện Ma Gần Nhà, một bộ phim dựa trên 3 câu chuyện dựa trên truyền thuyết đô thị Việt Nam, thế nên bộ phim cũng sở hữu một dàn diễn viên cực kỳ hùng hậu. Tuy nhiên, với số lượng diễn viên đông đảo thì chắc chắn chất lượng diễn xuất của Chuyện Ma Gần Nhà cũng không thể đảm bảo. Tuy nhiên may mắn thay, những nhân vật chính của từng câu chuyện đều là những cái tên thực lực như Khả Như, Huỳnh Thanh Trực, Vân Trang,...
Thế nên, cả ba diễn viên chính đã đưa người xem đến nhiều câu chuyện cực kỳ gây cấn, hấp dẫn. Cùng với đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng đưa những gương mặt trẻ đã từng xuất hiện trong những dự án trước đó thử sức với dự án nặng đô lần này như Trịnh Tài, Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong, Huỳnh Như Đan,...
Tạm kết
Bên cạnh đó, một yếu tố khác nhau giữa Nhà Không Bán với Chuyện Ma Gần Nhà đó chính là cách truyền thông của hai bộ phim. Trái ngược với sự "im ắng", không đẩy mạnh truyền thông của Nhà Không Bán, thì Chuyện Ma Gần Nhà lại hoàn toàn khác. Với danh xưng "phim kinh dị nặng đô nhất Việt Nam" hay "phim ma thật, quỷ thật", nhưng nội dung lại không đạt như những lời khẳng định đó, điều này đã khiến nhiều khán giả cảm thấy mình bị "lừa".
Tuy nhiên nếu xem xét lại nhiều yếu tố như kịch bản, dàn diễn viên cùng với kỹ xảo, thì Chuyện Ma Gần Nhà vẫn xứng đáng là một tác phẩm để thưởng thức cùng với Nhà Không Bán - bộ đôi phim kinh dị đầy màu sắc, mở đường cho kỷ nguyên của thể loại có sức hút trường tồn này.
Nguồn: TH&PL