Người trong nghề kể chuyện làm báo: "Nghề này tuy khổ nhưng... sướng"

Chuyện nghề của những người trẻ làm báo trong thời đại kỷ nguyên số chứa đựng sự "máu lửa" như thế nào?

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) hằng năm là mỗi dấu mốc đáng nhớ với những người làm báo. Bên cạnh sự trân quý những tình cảm của độc giả thì đây còn là dịp để họ trải lòng mình với chuyện nghề. Trong đó, chuyện nghề của những người trẻ làm báo lại có nét rất đặc biệt…

Hỏi họ làm nghề báo có thấy khổ không? Câu trả lời là...

BTV Ngọc Phượng tại Đài truyền hình TP.HCM: "Khổ nhưng đáng để mình theo đuổi"

Mình là Ngọc Phượng, đang là Biên tập viên tại HTV - Đài truyền hình TP.HCM, đây là một vị trí công việc đáng mơ ước kể từ lúc mình mới thi đại học.

Khoảng thời gian cân nhắc thi vào đại học, mình rất thích xem thời sự và khi thấy các anh chị phóng viên, BTV ở trên truyền hình mình đã rất ngưỡng một. Phần vì đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và cả ngoại hình. Khi đó mình thấy quá khó với mình và chưa bao giờ nghĩ là mình làm được. Nhưng mình vẫn mơ ước một ngày nào đó có thể xuất hiện trên truyền hình. Thế là mình quyết định thi vào Khoa Báo chí và Truyền thông của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Rất may là nghề đã chọn mình và cho mình nhiều cơ hội để làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền hình để mình nuôi nấng ước mơ đó.

Mình đã gắn bó với nghề hơn 5 năm kể từ năm nhất đại học. Thời gian đầu mình cộng tác cho kênh truyền hình Let's Việt ở chương trình Let's Cà Phê Sáng. Đến năm 2018, mình được có cơ hội làm việc cho Truyền hình Quốc Hội Việt Nam. Đến đầu năm 2022, mình mới đậu vào Đài truyền hình TP.HCM sau 2 tháng thi tuyển gắt gao.

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0
Hình ảnh của phóng viên Ngọc Phượng những ngày đầu vào nghề

Trải nghiệm đáng nhớ nhất là khoảng thời gian lần năm nhất ĐH được cộng tác ở truyền hình Let's Việt. Vì đó là lần đầu mình bước chân vào một kênh truyền hình, mọi thứ đối với mình đều lạ lẫm. Nhưng cảm giác lần đầu tiên cầm micro có logo của đài để dẫn ngoài hiện trường và hiện tên phóng viên Ngọc Phượng lên màn hình TV, thì đó là những cảm xúc vô cùng xúc động mà mình nhớ mãi. Với một sinh viên năm nhất như mình lúc đó thì trải nghiệm này thật sự đáng quý.

Mình nhớ mãi một lần tác nghiệp ở bệnh viện Quân Y 175, đó là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng trực thăng để cấp cứu cho người dân ở xã đảo hoặc những người làm nhiệm vụ ngoài biển đảo. Vì việc cấp cứu cho người dân ở ngoài đảo rất xa xôi và khó khăn nên việc áp dụng trực thăng cấp cứu cho người dân có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Hôm đó mình được tác nghiệp tại bãi đáp trực thăng của Quân Y 175. Sân bay trực thăng thì to và chiếc trực thăng cũng rất lớn, gió mạnh chưa từng thấy, và khi máy bay trực thăng cất cánh, hầu hết các anh chị em phóng viên đều phải tìm một chỗ để bám vào. Lúc đó quần áo, tóc tai, đồ vật tác nghiệp của ai cũng bay tứ tung hết...

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0
Phóng viên Ngọc Phượng trong một lần tác nghiệp tại bãi đáp trực thăng của Quân Y 175

Đó là lần tác nghiệp rất sóng gió và hỗn loạn, vì vừa vui, vừa lạ, vừa sợ,... Nhưng khi nhìn thấy trực thăng cất cánh mình cảm thấy rất tự hào khi được là một trong những người được chứng kiến công trình đồ sộ, hoành tráng của TP.HCM lần đầu được đưa vào sử dụng cho lợi ích cộng đồng, lợi ích về y tế. Việc luôn có mặt trong những sự kiện như vậy giúp mình có những trải nghiệm mới mẻ và cảm thấy mình có ích khi giúp đưa những thông tin tích cực như thế đến với mọi người.

Nhưng nếu hỏi mình làm nghề báo khổ không, mình xin trả lời là có, rất khổ! 

Thứ nhất, đây là một ngành nghề tri thức, tiếng nói của mình có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, mang tính định hướng cao, nếu mình đi làm mà như đi chơi, không tập trung công sức vào sản phẩm của mình thì chắc chắn nó sẽ không có giá trị. Đã khổ về chất xám, thời gian còn không cố định, đôi lúc mình làm quá thời gian đến khuya. Khi đi tác nghiệp lại nắng nôi, xa xôi, nhưng phải trên tinh thần đảm bảo mình có thể tác nghiệp được, có thể chỉn chu vẻ bề ngoài để lên hình. 

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0

Nhiều khi mình gặp người dân ở ngoài cũng phải biết cách giao tiếp với họ dù là vui hay buồn thì cũng phải giữ một tinh thần ổn định nhất. Đây là một nghề phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và chất xám của mình. Hầu như chuyện cá nhân mình sẽ không có thời gian dành cho nó. Dù thấy nghề rất khổ nhưng những "cái sướng" của nghề, những "cái được" mà nghề cho mình rất xứng đáng với những điều lao tâm mình bỏ ra. 

Khi mình đã thực sự xem nghề này là đam mê thì mình sẽ không còn thấy khổ nữa. Vì thời gian mình bỏ ra đi làm giống như thời gian mình được trải nghiệm. Đi nhiều thì mệt nhưng tầm nhìn của mình sẽ được mở mang để một ngày nào đó mình sẽ trở thành một người làm báo có tâm và có tầm. Mỗi lần đi là mỗi lần cho mình động lực để làm nghề, để thấy mình còn quá nhỏ bé nên phải cố gắng để phát triển bản thân hơn.

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0

Nguyệt Nhi - phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM: "Hiện trường càng khó, mình càng muốn đi"

Mình là Nguyệt Nhi, 25 tuổi, phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM. Trong những công việc của người làm báo, mình đã chọn làm phóng viên ảnh. Một công việc mà khi ra đường mình đã vác gần chục ký trên vai. Trong đó gồm: máy ảnh, laptop, các loại lens… phục vụ cho công việc. Sức nặng của chiếc ba lô có đôi khi cũng làm mình rất mệt nhưng vì những tấm ảnh đúng, đủ và đẹp cho báo nên mình đã và đang ra sức chinh phục nhiều khoảnh khắc trong dòng chảy của thời sự, đời sống.

Kỷ niệm làm nghề ấn tượng nhất với mình có lẽ là tác nghiệp trong tâm dịch 2021. Mình đã đi qua các bệnh viện dã chiến, các phòng ICU - nơi mà sự sống luôn trong lằn ranh sinh tử. Khi tác nghiệp mình nghĩ mình có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng mình luôn muốn đi đến cùng để có thể ghi lại những thước ảnh, câu chuyện chân thật nhất ở giai đoạn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đầy mất mát, đau thương.

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0
Nguyệt Nhi tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến

Mình yêu quý nghề của mình bởi vì nó cho mình được gặp nhiều người, nhiều câu chuyện muôn màu của xã hội. Có những người thật thời thượng, cũng có những người thật bình dân, thậm chí là rất nghèo.

Mình tự nhận mình rất "máu" trong công việc. Hiện trường nào càng khó, nếu trong khuôn khổ cho phép (về quy định tổ chức, pháp luật) mình càng muốn đi đến cùng để có được tấm ảnh tâm đắc.

Mình luôn tâm niệm rằng, những người trẻ nên làm việc bằng một tinh thần của người công nhân. Và mình cũng vậy, mình muốn làm một công nhân cho nghề nghiệp của chính mình. Một người công nhân hữu dụng là người hiểu và thuần thục việc mình làm sau đó là đổi mới, sáng tạo.

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0

Châu Tuấn - phóng viên báo Tuổi Trẻ: "Nếu đã chọn nghề thì phải chấp nhận chuyện không có ngày nghỉ"

Mình là Châu Tuấn, phóng viên ban chính trị - xã hội, chuyên mảng giao thông của báo Tuổi Trẻ khoảng 4 năm nay. Năm 2020, khi các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Huế, Quảng Bình bị ngập sâu do lũ lụt. Lúc đó các phóng viên thường trú tại những địa bàn trên hoặc phóng viên ở các tỉnh lân cận sẽ được tăng cường, hỗ trợ. Tuy nhiên, lũ kéo dài, còn gây sạt lở nhiều nơi. Do đó, toà soạn báo Tuổi Trẻ đã điều động thêm mình gấp rút ra Quảng Trị hỗ trợ đồng nghiệp.

Lúc nhận lệnh là 9h, khoảng 12h là bay. Chỉ có 3 tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Ở một nơi xa lạ, chưa hiểu rõ về địa hình nhưng mình cũng phải tự chủ động thuê xe máy, chạy dọc quốc lộ và hỏi người dân nơi ngập nặng, bị ảnh hưởng nhiều nhất và lội nước đến những địa điểm ấy. Vấn đề lớn đối với mình là không biết bơi nhưng "máu nghề" đã khiến mình vượt qua nỗi sợ đó.

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0

Phải có những chuyến đi thực tế như vậy mình mới thấy và hiểu rõ được nỗi khổ của người dân mình khi bão lũ tới. Có những gia đình bị cô lập nhiều ngày vì dòng nước lũ, lực lượng chức năng phải dùng thuyền bè để đưa từng gói mì tôm chỉ để cầm cự qua ngày. Còn có những gia đình mất người thân chỉ sau một cơn mưa kéo dài chừng vài tiếng.

Mình đã được chứng kiến một đám tang chừng chục người khiêng quan tài đi trên một con đường ven bờ ruộng chỉ rộng khoảng nửa mét, xung quanh là ruộng nước mênh mông, thỉnh thoảng nhô lên một vài nấm mồ còn sót lại. Trong quá trình tác nghiệp tại Quảng Trị, có một lần mình xém rớt xuống một cái giếng không có nắp đậy, bị che phủ hoàn toàn bởi nước lụt. Cũng may nhờ người dân nhắc kịp thời khi mình chỉ còn cách giếng này khoảng 1 mét. Từ đó mình lại suy nghĩ ra đề tài làm sao để cải thiện tình hình nước giếng sau nước lụt rút.

nguoi trong nghe ke chuyen lam bao nghe nay tuy kho nhung suong - anh 0

Đối với mình, nghề báo là nghề đòi hỏi phóng viên phải luôn trong tâm thế trực chiến, đặc biệt là với những người làm chính trị, thời sự. Tuy có vất vả nhưng khi hoàn thành đề tài, giúp được bà con, một công trình dân sinh nào đó được hoàn thành qua ngòi bút của mình thì khó có từ ngữ nào diễn tả được niềm vui của mình lúc đó. Nếu đã chọn nghề thì mình nghĩ cần phải chấp nhận chuyện đi làm không có ngày nghỉ.

Giá trị mà mình theo đuổi khi làm nghề ngoài miếng cơm manh áo thì có thể viết những bài báo đem lại những giá trị thiết thực, thay đổi một hiện tượng xấu trong xã hội. Nhân ngày 21/6, mình cũng kính chúc các đồng nghiệp, anh chị, những người làm báo có nhiều sức khoẻ, tràn đầy niềm vui trong cuộc sống và luôn ngay lưng thẳng bút. 

Anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú: 'Tự tử có tính lây lan'

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2022)

Chặng đường lịch sử tạo nên truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ