Chánh văn Hoàng Anh Tú: "Tôi thấy làm báo không khổ"

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, đã có một cuộc trò chuyện ngắn cùng "người bạn của bao thế hệ tuổi teen" - anh Chánh Văn - để lắng nghe anh tâm sự về chặng hành trình làm báo trong suốt 23 năm của mình.

Nhà văn - Nhà báo Hoàng Anh Tú được nhiều người trẻ Việt Nam nhớ đến trong tư cách người giữ mục Công ty Divu dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò. 12 năm làm anh Chánh Văn và có tổng cộng 23 năm làm báo cho thế hệ tuổi teen, anh cho biết đến tận bây giờ khi lật mở lại từng trang báo đều cảm thấy thiết tha khi nhớ về. 

picture

Hoàng Anh Tú (Anh Chánh Văn)

"Người bạn" của bao thế hệ tuổi teen

23 năm làm báo cho tuổi teen khiến tôi không thoát ra khỏi đám đó chăng?

Trong khoảng 12 năm làm anh Chánh Văn, đến tận bây giờ khi đọc lại những trang báo ngày đó, cảm xúc của anh thế nào?
12 năm làm anh Chánh Văn với gần 1.000 số báo, mỗi số báo đều để lại trong tôi những thiết tha khi nhớ về. Thậm chí đến tận giờ, giở bất cứ một số báo nào ra, đọc từng câu hỏi mà tôi đã trả lời, tôi vẫn có thể nhớ lại được cảm xúc của mình khi trả lời các em hồi đó. Là bởi mỗi câu trả lời ấy đều là những câu viết rút ruột của mình, đều được viết bằng trăn trở suy nghĩ rất nhiều.

12 năm làm Chánh Văn, đã bao lần tôi lặng đi hàng giờ khi đọc được những lá thư tâm sự đẫm nước mắt của những em học trò không cảm nhận được tình cảm bố mẹ dành cho mình, những lá thư hoang mang của những đứa trẻ chưa lớn nhưng đã không còn nhỏ nữa, nhìn cuộc đời với những bất an vì lo lắng, không biết mình phải làm sao giữa bộn bề áp lực.

Người lớn chúng ta nhìn về lũ trẻ con đều chỉ nghĩ về những nụ cười hồn nhiên của chúng mà không biết rằng sau những ánh mắt tinh nghịch kia lũ trẻ còn xiết bao tâm sự mà chúng giấu trong lòng và chỉ kể cho anh Chánh Văn. Tôi đã thật may mắn khi được các em tin tưởng, gửi gắm những bí mật của các em.
chanh van hoang anh tu toi thay lam bao khong kho - anh 0
Vì sao đến bây giờ, thôi làm anh Chánh Văn, anh vẫn hướng đến đối tượng độc giả tuổi teen là chủ yếu? 
Có lẽ vì tôi đã làm báo cho tuổi teen quá lâu (cười). 23 năm làm báo cho tuổi teen khiến tôi không thoát ra khỏi đám đó chăng?

Như tháng 9 tới đây, vở nhạc kịch tôi viết cũng là dành cho lứa tuổi teen Làm Bạn Với Bầu Trời, vở nhạc kịch sẽ do Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện.
"Anh Chánh Văn" ngày xưa trong các trang báo dành cho lứa tuổi học trò và Nhà văn Hoàng Anh Tú lúc này có sự thay đổi như thế nào theo chính anh cảm nhận?
Cũng chẳng khác mấy. Tôi vẫn là tôi, vẫn thiết tha với lũ học trò bằng rất nhiều những talkshow ở các trường.

Có khác chăng, ngoài đám teen, tôi còn làm anh Chánh Văn cho cả những cha mẹ chúng, chính là những cô bé, cậu bé học trò trước kia đã đọc những lời văn của tôi trên báo Hoa Học Trò.
Anh đã có những trải nghiệm đáng nhớ gì về nghề báo trong suốt 23 năm gắn bó?
Làm báo cho tuổi teen nên những trải nghiệm của tôi luôn xoay quanh đám tuổi teen. Là những cuộc giao lưu của báo với học sinh các trường khắp mọi miền Tổ Quốc. Là những lần nhận lệnh của tòa soạn về trường này trường nọ tìm hiểu những thông tin mà các em học trò gửi gắm.

Nói chung cũng không có nhiều chuyến đi gian khổ hay hiểm nguy như các đồng nghiệp báo dành cho người lớn. Đa phần những chuyến đi tác nghiệp của chúng tôi đều là rất nhiều nụ cười. Bởi những cuộc đi tác nghiệp liên quan đến bạo hành hay khẩn cấp chúng tôi đều liên hệ với các cơ quan chức năng và chúng tôi chỉ đóng vai trò giám sát nhiều hơn.

Làm báo cho tuổi teen thứ đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo có lẽ chính là những hồi đáp của bạn đọc dành cho mỗi số báo của mình. Là nhìn "thế hệ 8X" - tên gọi xuất phát từ báo chúng tôi trưởng thành. Và cái thuật ngữ "thế hệ 8X" tờ báo tôi đã lan tỏa và trở thành tên gọi chính thức trên mọi trang báo, truyền hình, mạng xã hội. Tôi tự hào và hãnh diện vì mình chính là cha đẻ của thuật ngữ 8X. Và còn nhiều tên gọi, tiếng lóng khác mà giờ đây đã trở nên phổ biến. Như núi đôi, như nguyệt san, như đèn dầu, như đồng nghiệp lãng mạn hay Bến Hàn Quốc… 
chanh van hoang anh tu toi thay lam bao khong kho - anh 0
Nhiều người trong nghề cho rằng nghề báo là nghề khổ nhất vì phải làm việc không giới hạn về thời gian, cũng không có bất kỳ ngày nghỉ nào và còn có những nguy hiểm, còn với anh thì sao?
Tôi thì thấy làm báo không khổ. Có thể vì tôi luôn cảm thấy hạnh phúc trong suốt những năm tháng làm báo của mình. Vất vả bao nhiêu luôn đem đến quả ngọt sau đó.

Cho đến bây giờ, tất cả các đồng nghiệp của tôi dù không còn làm nghề báo đi nữa họ cũng chưa bao giờ hối hận vì đã có những năm tháng làm báo. Ai nói làm báo khổ, tôi nghĩ rằng là bởi họ chưa từng sống chết với nghề mà thôi.

Nghề báo vốn không phải có năng khiếu là thành nhà báo được!

Trải qua hơn hai thập kỷ làm báo, anh cảm nhận như thế nào về sự tác động của kỷ nguyên số vào thị trường báo chí ngày nay?
Bước vào kỷ nguyên số, nơi thông tin bùng nổ như hiện nay thực sự đã đem lại nhiều sự hữu ích, tiện lợi. Kiến thức được tìm thấy dễ dàng. Thông tin được cập nhật nhanh chóng. Thế giới đã phẳng và gần như tức thời dù bạn ở đâu. Nhưng cùng với nó, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra. Tin giả, tin thiếu kiểm chứng hay nhiễu loạn thông tin cũng là đáng lo. Chưa kể, với sự bùng nổ thông tin, lũ trẻ đang không được an toàn do chính người lớn chúng ta còn loay hoay trong việc bảo vệ lũ trẻ. 
chanh van hoang anh tu toi thay lam bao khong kho - anh 0
Vậy anh có sự nhìn nhận như thế nào về những người làm báo trong thời đại kỷ nguyên số bùng nổ như vậy?
Các đồng nghiệp của tôi đã và đang thích ứng trong thời đại kỷ nguyên số. Họ đã sử dụng công nghệ làm cho mỗi bài báo của họ sâu hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những đồng nghiệp trở nên lười biếng hơn vì mọi thứ sẵn có.

Nhiều người làm "báo fastfood", đặc biệt là ở những tòa soạn có hệ thống kiểm duyệt, biên tập lỏng lẻo. Nhiều bài báo google ra đời, nhiều bài báo chép lại từ Facebook cũng xuất hiện.

Tôi cho rằng làm báo thời đại công nghệ như hiện nay khó khăn hơn thời của chúng tôi rất nhiều. Nó đòi hỏi sự tự giác và nỗ lực cao hơn. Bởi nếu các nhà báo không nỗ lực, họ sẽ bị thay thế bởi máy móc khi mà AI đã phát triển, AI đã có thể làm thơ, viết tiểu thuyết. Họ còn phải cạnh tranh cả với những người dùng mạng xã hội, khái niệm nhà báo công dân đã thành hình và rất có thể sẽ vượt qua họ để tạo ra độc giả riêng của họ. 
Thời nay đã thay đổi cách làm báo và thay đổi ngay cả những người làm báo ra sao để luôn kịp thời, theo "gu" của độc giả?
Tôi vẫn cho rằng nhà báo không viết báo theo gu của độc giả. Nhà báo viết báo theo những đòi hỏi của độc giả thì đúng hơn. Là nhà báo cần phải hiểu độc giả của mình muốn đọc gì, đang quan tâm đến điều gì và cung cấp cho độc giả bài báo được viết bằng sự đào sâu của mỗi nhà báo, chuyên môn sâu của mỗi cây bút.

Mỗi nhà báo phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi chứ không thể chỉ là người quan sát, ghi chép lại. Báo chí của thời đại này đòi hỏi những giá trị của cây bút chứ không chỉ là bài viết. Đã đến lúc mỗi tòa soạn cần có những cây bút của mình chứ không chỉ là những bài báo hay. Mỗi nhà báo sẽ tạo ra giá trị cho tòa soạn bằng những bài viết dưới tên mình. 
chanh van hoang anh tu toi thay lam bao khong kho - anh 0
Có phải gu của độc giả ngày nay là thích đọc những thông tin nhanh, giật gân và "chuộng" đọc những gì tiêu cực hơn là tích cực?
Thông tin nhanh, giật gân là của mạng xã hội. Báo chí không làm công việc đó. Bạn đọc muốn đọc những tin tức tiêu cực họ có thể tìm thấy đầy trên mạng xã hội rồi.

Tôi vẫn tin rằng một tờ báo có giá trị là một tờ báo tử tế và có những cây bút, nhà báo tử tế. Chỉ có như vậy báo chí mới tồn tại được trước sức mạnh của mạng xã hội. Độc giả sẽ tìm đến báo thay vì đọc mọi tin tức trên mạng xã hội.
Vậy theo anh người làm báo ngày nay cần có bản lĩnh như thế nào để không bị sóng mạng xã hội "cuốn" vào những giá trị sai lệch?
Tôi nghĩ mỗi nhà báo cần là một người tử tế trước nhất. Họ phải cam kết trách nhiệm của họ không chỉ với độc giả họ đang phục vụ mà còn là chính người thân của họ, những độc giả đầu tiên và sát sườn của họ. 
"Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo" - một câu đùa vu vơ trên mạng không biết bắt nguồn từ đâu đã dần trở thành câu cửa miệng của không ít người mỗi khi nhắc đến cụm từ "nhà báo". Anh nghĩ như thế nào về những định kiến không hay như thế này về nghề?
Nhiều lắm! Như câu: Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét. Tôi không buồn vì những câu nói đó. Tôi chỉ buồn vì trong đội ngũ nhà báo có những người đang chứng minh cho câu nói đó, định kiến đó thành ví dụ cụ thể, dẫn chứng đầy đủ. Đó mới là thứ khiến tôi đau lòng.
Báo chí vẫn là một trong những ngành nghề hot thu hút giới trẻ, theo anh, các bạn cần có tố chất gì để có thể làm được công việc này?
Thời đại này đã có khái niệm nhà báo công dân. Đó là những người không làm ở bất cứ một tòa soạn nào, không có thẻ nhà báo, không có nhuận bút. Thế nên tôi vẫn khuyên cô con gái út của mình, cô bé đang ước mơ mai sau lớn lên làm nhà báo rằng thứ nhất nhà báo cần đó chính là sự chính trực.

Sau đó mới là năng lực quan sát, phản biện hay kỹ năng viết, truyền tải thông tin. Để trở thành một nhà báo, người trẻ muốn theo đuổi nghề cần học cách truyền đạt thông tin một cách hấp dẫn nhất. Và nghề báo vốn không phải có năng khiếu là thành nhà báo, thứ cần nhất chỉ là sự học hỏi không ngừng, tìm hiểu mọi thông tin quanh mình và "đọc vị" được những gì đã và đang diễn ra. 
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Chánh văn Hoàng Anh Tú: Nội dung độc hại, xâm phạm văn sử trên Netflix ăn mòn giới trẻ Việt

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2022)

Chặng đường lịch sử tạo nên truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ