"Nghiện nhạc ngoại'' không phải là một vấn đề mới nhưng đã một lần nữa trở thành chủ đề gây tranh cãi trên cộng đồng mạng khi được đưa vào một đề thi của môn GDCD.
Từ khi được đưa vào để trở thành một môn thi tổ hợp trong kì thi THPT Quốc gia thì môn học này đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn đến từ các bạn học sinh cũng như là giáo viên và các bậc phụ huynh. Mới đây, trong một đề thi GDCD đã đưa vấn đề giới trẻ đang dần quan tâm nhạc nước ngoài nhiều hơn là nhạc truyền thống để trở thành một câu trong đề thi.
Cụ thể là trong một câu hỏi của đề thi đã hỏi như sau: ''Ngày nay, thế hệ trẻ chỉ quan tâm đến nhạc nước ngoài như: Nhạc Hàn Quốc, Nhạc Anh, Nhạc Trung,... và bài trừ thậm chí ghét bỏ các loại nhạc truyền thống của dân tộc như: hát cải lương, hát xoan, hát quan họ,... Việc làm đó nói lên điều gì?''. Chủ đề này một lần nữa đang gây tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Nhạc ngoại đang được "sính" hơn nhạc truyền thống?
Không thể phủ nhận ảnh hưởng vô cùng lớn của nhạc nước ngoài đến với giới trẻ ngày nay. Trong ảnh hưởng của internet hiện nay, việc tiếp cận những bài hát của Kpop hay US UK là rất dễ dàng. Điều đó vô hình chung khiến cho những ca khúc này "lấn" sâu vào đời sống của rất nhiều bạn trẻ.
Tuy nhiên, không thể nói là hầu hết các bạn trẻ đều chỉ thích nghe nhạc ngoại như câu hỏi trên được. Vẫn còn nhiều GenZ đã và đang theo đuổi nhiều dòng nhạc truyền thống của dân tộc với mong muốn lan tỏa điều này đến với nhiều người hơn nữa. Không một người Việt Nam nào lại muốn bỏ lại văn hóa, bỏ lại hồn túy nghìn năm qua của dân tộc mình ở phía sau, giới trẻ cũng ngoại lệ. Nhưng dưới sự lan tỏa mạnh mẽ của những thể loại nhạc nước ngoài thì âm nhạc dân tộc cũng có một phần nào đó "lép vế" hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Lê Nguyên Thảo (sinh viên năm 3 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng không phải là giới trẻ không quan tâm mà chỉ là nhạc dân tộc khá là kén người nghe nên sẽ không phù hợp cho lắm với đại đa số các bạn trẻ bây giờ
''Không phải quay lưng, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ hiện nay quan tâm và giữ gìn âm nhạc truyền thống, số khác sẽ nghe nhạc nước ngoài. Nói chung này là sở thích mỗi người thôi'' - Nguyên Thảo nói.
Bên cạnh đó, nếu xem xét một cách kĩ càng thì sự so sánh trong đề thi này khá khập khiễng giữa một bên là nhạc nước ngoài hiện đại và rất có sức hút và một bên là nhạc cổ truyền khá là kén người nghe và hơi khó tiếp cận đối với các bạn trẻ ngày nay.
Giới trẻ không phải là không quan tâm đến âm nhạc cổ truyền mà chỉ là thể loại này chưa có nhiều cơ hội để chạm tới Gen Z - Những đứa trẻ trong thời đại công nghệ với tâm thế hướng ngoại và yếu thích những điều mới mẻ. Chắc chắn rằng cũng không có hiện tượng bài trừ hay ghét bỏ đối với những tinh hoa văn hóa mà ông cha ta đã mất hàng trăm, hàng nghìn năm để xây dựng nên.
Vị thế của âm nhạc truyền thống đối với giới trẻ ngày nay
Âm nhạc truyền thống là tinh hoa được hình thành trong quá trình tích lũy văn hóa mất đến hàng trăm, hàng nghìn năm của dân tộc ta. Tuy nhiên, nhạc truyền thống là một thể loại nhạc khá kén người nghe, không phải ai cũng có thể nghe và hiểu được những ca từ trong một vở chèo cổ hay một vở cải lương. Phải biết, nắm rõ cũng như có niềm say mê đối với những bộ môn nghệ thuật này mới có thể ''cảm'' được những điều mà cha ông truyền lại thông qua những tác phẩm.
Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác nhau, trong đó có nhiều thể loại đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó đều là những báu vật vô giá của dân tộc. Tuy nhiên, đa số các bạn trẻ ngày nay lại chưa quan tâm nhiều đến âm nhạc truyền thống. Nhiều bạn chỉ biết chứ không có hứng thú nhiều với thể loại âm nhạc này. Ngược lại, có những bạn tuy có niềm hứng thú thì lại chưa có nơi đào tạo phù hợp.
Nguyễn Ngọc Vang (sinh viên năm 3 của trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, TP.HCM) cũng nghĩ rằng âm nhạc dân tộc hiện nay vẫn chưa phổ biến.
"Mình nghĩ nhạc dân tộc hiện nay không phổ biến lắm, bởi vì giới trẻ không nghe nhạc dân tộc để giải trí cũng như không áp dụng nhạc dân tộc vào các hoạt động sinh hoạt học tập và cộng đồng thay vào đó các bạn dùng nhạc ngoại nhiều hơn'' - Ngọc Vang chia sẻ.
Không thể nói các tất cả bạn trẻ đều không tôn trọng dân tộc mình hay sống vô trách nhiệm như đáp án đã cho trong đề thi GDCD. Nếu xét dưới góc độ đời sống thì nhạc dân tộc không phải là một thể loại phổ biến trong trong khi đó nhạc ngoại thì rất phổ biến và dễ tiếp cận. Chúng ta đều có thể tìm thấy một bài hát nước ngoài nào đó dễ dàng trên YouTube hay Spotify nhưng đối với một bài nhạc dân tộc thì lại không.
Việc các bạn trẻ cũng không có nhiều cơ hội để có thể tiếp cận đến và hững hoạt động truyền thông liên quan đến thể loại này cũng chưa nhiều, đồng thời nhiều bạn chọn theo ngành âm nhạc dân tộc thì thu nhập lại không được cao. Những điều này dễ khiến các bạn trẻ nản lòng với nhạc dân tộc.
Bài toán cho âm nhạc dân tộc?
Xoay quanh đề thi GDCD trên, nhiều bạn trẻ cũng thanh minh cho mình rằng mình có quyền được chọn thể loại nhạc mình nghe, không ai bắt buộc mình được. Suy cho cùng mục đích lớn nhất của việc nghe nhạc cũng là để giải trí, để có thể thư giãn sau những giờ học, giờ làm căng thẳng. Tuy nhiên, bên cạnh là những ''công dân toàn cầu'' thì chúng ta vẫn là người Việt Nam, giới trẻ vẫn nên dành nhiều sự quan tâm hơn cho các tác phẩm âm nhạc dân tộc - những báu vật vô giá của ông cha ta để lại.
Để đưa được nhạc dân tộc vào cuộc sống của giới trẻ thì truyền thông phải là lĩnh vực đi đầu, đưa thêm nhiều nội dung về các tác phẩm âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ, kích thích các bạn trẻ tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, từ đó khơi dậy niềm đam mê với âm nhạc truyền thống trong mỗi người. Ngoài ra, cũng nên đưa thêm đưa thêm các nội dung liên quan vào môi trường giáo dục để những nội dung này đến với các bạn nhiều hơn.
Hiện nay cũng có rất nhiều những sản phẩm truyền thông đã truyền tải âm nhạc dân tộc đến với đại đa số các bạn trẻ. Chẳng hạn như bộ phim Song Lang của đạo diễn Ngô Thanh Vân, một bộ phim với nội dung sâu sắc, đưa nghệ thuật Cải lương đến gần hơn với công chúng. Hay dự án biểu diễn nghệ thuật dân tộc trên các tuyến phố đi bộ của Thành phố Hồ Chí Minh, giúp không chỉ thu hút các bạn trẻ mà còn thu hút cả các du khách nước ngoài đến thưởng thức âm nhạc Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều dự án về phát huy âm nhạc dân tộc vẫn đang được thực hiện rất hiệu quả như Red music Society - dự án truyền bá những ca khúc nhạc đỏ, nhạc truyền thống hay Nhã âm - Dự án bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian. Những sản phẩm hay dự án này đang mang lại những điều tích cực trong việc đưa âm nhạc truyền thống tiếp cận được giới trẻ.
Hy vọng rằng trong tương lai, âm nhạc dân tộc sẽ được đón nhận nhiều hơn để sẽ không phải đưa vào đề thi như trên nữa.
Nguồn: TH&PL