"Nghề nào cũng vậy, nếu mình đã chọn thì sẽ không hối tiếc... nhất là nghề giáo"

Món quà ý nghĩa nhất cho 20/11, có lẽ là được đứng trên bục giảng, nhìn thấy các bạn sinh viên ở phía dưới giảng đường.

Hai năm Covid-19 trôi qua với bao kỳ học online, những tiếng "thở dài" ngao ngán trước màn hình máy tính khiến toàn ngành giáo dục trở nên nặng trĩu. Những công văn về việc mở cửa lại trường học vẫn chưa ấn định ngày, có nơi "mở" rồi lại "đóng" vội vàng vì có ca nhiễm… Trong ngày 20/11 năm nay, có lẽ món quà quý giá nhất của tất cả nhà giáo đó là được đứng trên bục giảng và gặp gỡ những người học trò của mình.

Là một trong những giảng viên trẻ của trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM, cô Nguyễn Thảo Chi hiện đang là Phó phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của trường đã có những dòng chắp bút tâm sự trong quá trình giảng dạy với 2 năm Covid đầy biến động vừa qua. 

Mấy ngày nay cô Chi bận bịu với nhiều sự kiện tổ chức online cho trường từ sáng đến tận khuya, nên chỉ kịp tranh thủ vài phút nghỉ ngơi giữa trưa để trải lòng đôi chút với về sự nghiệp hiến chương của mình.

nghe nao cung vay neu minh da chon thi se khong hoi tiec nhat la nghe giao - anh 0
Cô Nguyễn Thảo Chi hiện đang công tác tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

"20/11 năm nay, cũng là lúc tôi vừa tròn 3 năm tuổi nghề đứng trên bục giảng. 

10 năm gắn bó với nhà trường trong những công tác hành chính và truyền thông, nhưng phải đến tận năm 2018 tôi mới có thể chạm đến ước mơ giảng dạy mà mình từng theo đuổi sau khi tốt nghiệp đại học.

Nếu tính tuổi đời, tôi đã hơn 30, một độ tuổi không còn nhỏ. Nhưng với tuổi nghề chính thức, tôi chỉ mới có 3 tuổi! Chỉ là một đứa trẻ "mầm non" trong nghề, có lẽ chính vì thế mà trong tôi luôn đầy ắp những câu hỏi tại sao và làm thế nào?

Để có thể đứng trên bục giảng, đặc biệt là công tác giảng dạy đại học cần có thời gian chuẩn bị về năng lực chuyên môn, bằng cấp, các kỹ năng nghiệp vụ và khoảng thời gian theo học hỏi từ các thầy cô đi trước. Sau khi tự tin về năng lực, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố trên, tôi mới sẵn sàng đứng trên bục giảng và truyền tải kiến thức của mình đến các em sinh viên. 

nghe nao cung vay neu minh da chon thi se khong hoi tiec nhat la nghe giao - anh 0
Hình ảnh cô Thảo Chi trong những ngày đầu tiên đứng lớp tại giảng đường đại học

Chắc chắn thầy cô nào cũng rất nhớ ngày đầu tiên được lên lớp, tôi cũng vậy. Trước khi vào lớp tôi thật sự rất hồi hộp. Lớp đầu tiên của tôi là lớp thỉnh giảng ở một trường khác, các bạn sinh viên rất năng động và có chút quậy phá. Nhưng lạ một chỗ là khi bước qua cửa lớp, cảm xúc lo lắng đó hoàn toàn tan biến. Có lẽ, khi đã chạm đến đích của ước mơ, tôi đã được thỏa mãn và sống trọn vẹn trong giây phút đó.

Tự nhủ rằng "mình sẽ làm được", tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho lớp học đầu tiên này và buổi học kết thúc trong êm đẹp bằng tất cả sự nhiệt thành. Các bạn trong lớp đã dành cho cô giáo nhiều bất ngờ: những món quà noel, những dòng tin nhắn yêu mến, chiếc bánh kem trao tặng… Suốt khoảng thời gian đó, tôi cứ vừa dạy vừa rút kinh nghiệm, mỗi một lớp khác nhau đều là những cái đầu tiên khác nhau và đáng quý. 

Hai năm Covid-19 cũng là nỗi niềm băn khoăn rất lớn của toàn ngành giáo dục khi hình thức dạy học thay đổi, tất yếu phương pháp dạy cũng phải thay đổi theo. Với 3 năm tuổi nghề ít ỏi, tôi cũng loay hoay mãi với mớ rào cản đầy hỗn độn trước mắt. 

nghe nao cung vay neu minh da chon thi se khong hoi tiec nhat la nghe giao - anh 0
Trước khi chính thức trở thành giảng viên, cô Thảo Chi đã có 10 năm công tác tại trường với công việc hành chính và truyền thông

Tôi phải học lại phương pháp sư phạm, tìm kiếm những cách tiếp cận mới để sinh viên không bị nhàm chán khi học qua những ô vuông của Zoom và Google Meet. Thậm chí tôi còn học kĩ năng như một diễn viên diễn trước ống kính một mình, và tập luyện giọng để nói được nhiều hơn, đỡ mệt hơn… 

Đứng trước mỗi buổi dạy online, tôi còn phải tìm các những cách dạy mới, giáo án mới, các bài tập mới,... do đó, thời gian dể chuẩn bị cho môn học cũng kéo dài thêm. Còn lại, bản thân mình phải tự "ám thị" và tưởng tượng sự tương tác với các bạn sinh viên, nếu không rất dễ cảm thấy áp lực bị động khi nói chuyện một mình...

nghe nao cung vay neu minh da chon thi se khong hoi tiec nhat la nghe giao - anh 0
"Với 3 năm tuổi nghề ít ỏi, tôi cũng loay hoay mãi với mớ rào cản đầy hỗn độn trong việc dạy online" 

May mắn thay! Cả thầy và trò đều thấu hiểu sự khó khăn của nhau để cùng hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dù khoảng cách nhưng không xa cách, chúng tôi đã có những kỉ niệm online cùng nhau đầy tiếng cười theo một cách rất riêng. Kỉ niệm của những lần dạy online mà tôi nhớ nhất là sau khi thao thao bất tuyệt thì mới phát hiện ra đường truyền mạng bị sự cố và tôi đã nói một mình hết 10 phút, may có sinh viên gọi để báo cho cô biết! 

Từ khai giảng, dạy học, đến các hoạt động phong trào cho sinh viên và giờ là lễ 20/11… tất cả đều đã chuyển sang hình thức online. Với vai trò là một phó phòng Truyền thông của trường, tôi nhận thấy việc sản xuất các chương trình online thật sự áp lực và cần đầu tư nhiều hơn so với các chương trình trực tiếp. 

nghe nao cung vay neu minh da chon thi se khong hoi tiec nhat la nghe giao - anh 0
Với vai trò là Phó phòng truyền thông cho trường, cô Chi phải đảm dương nhiều sự kiện online với cách thức tổ chức mới lạ, đòi hỏi sự đầu tư 

Tôi đã từng thức hai đêm liền để chuẩn bị cho chương trình khai giảng online. Tuy vất vả hơn nhưng khi nhìn chương trình được diễn ra tốt đẹp tôi vẫn có những cảm xúc trọn vẹn như khi một chương trình trực tiếp được thành công. Những giây phút đó, tôi sẽ nhớ mãi trong cuộc đời làm việc của mình, một trải nghiệm không phải lúc nào cũng có, dù không mong đợi. 

Tôi mong ngày nào cũng là ngày 20/11, ngày nào cũng sẽ là ngày để chúng ta đều nhớ đến thầy cô, những người đã hướng dẫn và dạy dỗ ta trong đời, không nhất thiết phải là ngày 20/11 mới cần ghi nhớ. 

Nghề nào cũng vậy, nếu đã chọn thì sẽ không hối tiếc, đặc biệt là nghề giáo đầy cao quý này. Ngày 20/11, tôi không mong điều gì to tát, chỉ mong vẫn giữ được lửa nghề, giữ được năng lượng và chia sẻ được điều gì đó có ích cho các bạn sinh viên. 

nghe nao cung vay neu minh da chon thi se khong hoi tiec nhat la nghe giao - anh 0
Nghề nào cũng vậy, nếu đã chọn thì sẽ không hối tiếc, đặc biệt là nghề giáo đầy cao quý này

Món quà ý nghĩa nhất lúc này, có lẽ là được đứng trên bục giảng, nhìn thấy các bạn sinh viên ở phía dưới giảng đường. Ngành giáo dục có thể được "hồi phục" trở lại sau 2 năm khó khăn. Tôi nghĩ đó cũng là điều mà bất kì thầy cô nào cũng mong muốn trong ngày tri ân đặc biệt này.

Cô Nguyễn Thảo Chi - Giảng viên và Phó phòng Truyền thông ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia TP.HCM.

Ngày nhà giáo Việt Nam "khác biệt" nhưng vô cùng "đặc biệt"!

Giảng viên Midu: Đặc quyền của một người nổi tiếng khi "lấn sân" học đường

Tốt nghiệp cả rồi, bạn còn nhớ gì về những năm tháng học trò cùng thầy cô?

Chính thức trở thành "nhà giáo" trong thời Covid-19, Gen Z nghĩ gì?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ