Chính thức trở thành "nhà giáo" trong thời Covid-19, Gen Z nghĩ gì?

Những nhà giáo trẻ không ngại "vượt khó" để cùng các trò "vượt dịch".

Gen Z, một thế hệ đặc biệt từ hoàn cảnh sống đến tính cách, vừa là thế hệ lớn lên trong sự phát triển của công nghệ, vừa là thế hệ "trưởng thành" từ đại dịch. Và năm nay là năm tốt nghiệp của rất nhiều bạn trẻ, trong đó có những người "chập chững" cầm mái chèo, mạnh dạn bước lên con đò đưa các trò hướng đến bờ bên kia của dòng sông tri thức. 

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0

Cùng lắng nghe Gen Z chia sẻ về những cảm xúc và câu chuyện chưa kể khi chính thức trở thành "nhà giáo" trong thời Covid nhé!

"Nhiều thách thức, áp lực nhưng cũng là trải nghiệm thú vị"

Không chỉ Gen Z mà tất cả chúng ta đã không còn xa lạ với dịch Covid-19, ai nấy đều đã có khoảng thời gian dài từ hoang mang đến định hình và cố gắng. Các bạn trẻ này cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần trước khi bước chân vào ngành giáo dục trong tình trạng bệnh dịch vẫn phức tạp như hiện nay. 

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0

Phương Thảo, 23 tuổi, giảng viên tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ rằng: "Bản thân mình cũng là một Gen Z và cũng đã trải qua 1,2 kỳ học bằng hình thức trực tuyến nên mình cũng đã dần quen với việc 'sống chung với lũ'. Nếu nói về cảm nhận thì có lẽ là cảm nhận sau mỗi tiết học.

Dù đã quen với việc dạy và học online nhưng sau tiết học nào mình cũng nói với sinh viên: 'Ước gì nhanh hết dịch để cô trò mình gặp nhau trên trường'. Mình rất muốn gặp sinh viên và cũng rất thương các bạn ý không được đến trường gặp thầy cô, gặp nhau. Việc học online làm mất đi cơ hội để các bạn ấy gắn kết và lưu giữ kỉ niệm đáng quý".

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không chỉ ngành giáo dục mà các ngành khác cũng đều bị ảnh hưởng rất nhiều, nhiều người nhẹ thì nghỉ việc ngắn hạn, nặng thì mất việc. 

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0

Vì thế mà Nguyễn Hoàn, 23 tuổi, giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bắc Giang, nói rằng bản thân cảm thấy may mắn vì ngay sau khi tốt nghiệp đã có thể vào đúng ngành: "Lần đầu tiên làm gì mình cũng hồi hộp và lo lắng.

Việc đi dạy cũng vậy, mình vừa hồi hộp không biết mình trường học, đồng nghiệp, học sinh sẽ như thế nào, lo rằng mình chưa đủ kinh nghiệm 'thực chiến' với lũ học trò nhất quỷ nhì ma ấy. Nhưng đến giờ thì mọi thứ đã khá ổn rồi, vừa dạy vừa sống chung với dịch bệnh, trường học khang trang và đồng nghiệp vui tính, dễ mến, học sinh có ngoan, có chưa ngoan. Nhưng nhìn chung là khá ổn".

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0

Còn Trung Kiên, 23 tuổi, giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bắc Giang, chia sẻ rằng bạn cảm thấy việc chính thức đặt chân vào ngành giáo dục trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp mang đến cho bạn nhiều thách thức, áp lực nhưng cũng là trải nghiệm thú vị để chính bạn tiến bộ.

"Điểm khó khăn nhất khi dạy học online là… đường truyền mạng"

Nếu dạy học trực tiếp tạo điều kiện để người giảng dạy tiếp xúc với học sinh, sinh viên, dễ dàng trao đổi, nắm bắt được lượng kiến thức, hoạt động của các trò thì dạy học trực tuyến lại mang đến sự linh động về thời gian. Tuy nhiên lại bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài, dẫn đến khó nắm bắt được mức độ tiếp thu của người học.

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0
Điểm khó khăn nhất khi dạy học trực tuyến có lẽ là... đường truyền mạng (Ảnh: iStock)

Chia sẻ về điểm khó khăn nhất khi dạy học một cách linh hoạt theo cả hai hình thức này, Phương Thảo cho rằng có lẽ là "đường truyền mạng". Một vấn đề không cũ nhưng cũng không mới.

"Trong tình trạng người người, nhà nhà phải học online thì không phải lúc nào đường truyền internet cũng ổn định. Có nhiều giờ học mà sinh viên của mình bị đẩy ra vào lại cả chục lần nhưng cuối cùng vẫn báo nghỉ vì mạng kém quá. Chính bản thân mình cũng từng trải qua những tiết học 'đang vui thì đứt dây đàn', mình đang hăng say giảng bài thì thấy chữ 'loading' to đùng trên màn hình mà chẳng biết xử lý làm sao", Phương Thảo chia sẻ.

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0
Dạy học thời Covid khiến việc kết nối với học sinh trở nên khó khăn hơn (Ảnh: iStock)

Và cũng chính đường truyền mạng khiến việc kết nối với học sinh đối với Hoàn trở nên khó khăn hơn. 

"Chúng ta đã quá quen với những lý do như: 'mic em hỏng', 'cam em hỏng', 'mạng em lag' hay thậm chí là 'mạng cô lag lắm, em không nghe được', v.v.. Điều đó đòi hỏi giáo viên chúng mình cần có những biện pháp rắn và hiệu quả để có thể kết hợp vừa kiểm soát vừa đảm bảo chất lượng dạy học". 

"Chiến thuật" dạy học của Gen Z: Mềm mỏng mà cứng rắn

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những tiết dạy học trực tuyến không chỉ bao gồm nội dung giảng dạy trong giáo án mà những nhà giáo trẻ này luôn biết cách linh hoạt và cởi mở với các trò.

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0
"Chiến thuật" dạy học của Gen Z: Mềm mỏng mà cứng rắn (Ảnh: NUADU Education)

"Mỗi khi chuẩn bị vào tiết học online, mình đều sẽ hỏi han các em học sinh tình hình dịch nơi các em sống xem có ổn không, hỏi thăm sức khỏe gia đình học sinh. Trong giờ học, mình liên tục phát vấn để các em trả lời, những câu trả lời đúng, mình đều cho điểm cao, còn chưa đúng, mình vẫn cho một điểm cộng. 

Một phần để khuyến khích, khích lệ các em, một phần để các em không bị áp lực khi học online và có cảm giác thích thú như khi học trên trường. Mình cũng không chắc có được coi là chiến thuật không, nhưng khi áp dụng thì mình thấy học sinh của mình đều rất hưởng ứng", Hoàn chia sẻ.

Trong khi đó, Trung Kiên luôn dặn dò học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà và đưa ra những hình thức phát vấn, trắc nghiệm trong quá trình giảng dạy để nắm bắt được mức độ tập trung và tiếp thu của các trò. Từ đó có thể đánh giá các trò một cách chính xác nhất.

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0
Phương Thảo cho rằng việc học sinh bật camera cả giờ chưa phải là giải pháp hay (Ảnh: Vincent Nicandro)

Và trong những giờ học trực tuyến, Phương Thảo cho rằng việc học sinh bật camera cả giờ chưa phải là giải pháp hay. Thay vào đó, Thảo thường yêu cầu sinh viên bật camera đột xuất để kiểm tra. Cùng với đó, trong giờ học, Thảo không hỏi câu hỏi chung chung cả lớp trả lời mà gọi tên từng sinh viên theo danh sách và đảm bảo một giờ học, sinh viên nào cũng được gọi.

Ưu thế để trở thành một nhà giáo khi là Gen Z?

Trung Kiên cho rằng ưu thế này chính là độ tuổi không chênh lệch nhiều nên dễ gần gũi và giao tiếp với học sinh.

Với Phương Thảo, đó là sự năng động: "Mình nắm bắt được những gì học sinh của mình quan tâm và hiểu được tâm lý của các bạn ấy không chỉ dưới góc nhìn của một nhà giáo mà còn dưới góc nhìn của những người 'cùng lứa'".

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0
Đặc trưng tính cách giúp những nhà giáo trẻ tận dụng và nắm bắt xu hướng, vấn đề nóng của xã hội để gắn kết với học sinh, sinh viên và thực tế hơn (Ảnh: Promethean)

Còn với Hoàn, "có lẽ là sức trẻ": "Đây là thời đại 4.0, mọi thứ đều gắn với chuyển đổi số. Mà những thứ như công nghệ thông tin, máy móc thì Gen Z chúng mình 'nhạy' hơn các thế hệ khác nhiều".

Không chỉ vậy, các đặc trưng này của Gen Z còn giúp những nhà giáo trẻ tận dụng và nắm bắt xu hướng, vấn đề nóng của xã hội để gắn kết với học sinh, sinh viên và thực tế hơn, chứ không chỉ dừng lại ở giảng dạy "lý thuyết suông".  

Miêu tả tinh thần của một nhà giáo Gen Z bằng 2 từ?

Thích ứng

"Vừa phải thích ứng giữa việc dạy theo hình thức truyền thống và hình thức online, vừa phải thích ứng trong môi trường làm việc mới sau khi ra trường và phải thích ứng với rất nhiều biến đổi không ngừng của thời đại", Phương Thảo nói.

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0

Nhiệt - động

"Gen Z chúng mình cũng 'nhiệt huyết' với nghề, chọn sư phạm vì có niềm yêu thích với dạy học chứ không phải câu nói 'chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm'. Không chỉ vậy, Gen Z 'năng động' trong mọi việc. Làm giáo viên không chỉ có dạy học mà còn có rất nhiều hoạt động, chương trình, cuộc thi dành cho giáo viên. Và Gen Z chúng mình chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong", Nguyễn Hoàn chia sẻ.

"Với mình, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một ngày Tết"

Với Phương Thảo, 20/11 là "một ngày Tết" - ngày Tết của những người cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Trong khi đó, với Trung Kiên, 20/11 là ngày "được tôn vinh", rất đáng trân trọng nhưng cũng kèm theo đó là trách nhiệm cao cả.

chinh thuc tro thanh nha giao trong thoi covid 19 gen z nghi gi - anh 0
20/11 với các nhà giáo Gen Z là một ngày Tết, một ngày để tri ân và tôn vinh

Còn với Hoàn, năm nay không chỉ là một năm "chuyển giao" cuộc đời sang một trang mới mà còn là một năm "chuyển giao" của cảm xúc, đưa cô giáo trẻ đến với "lần đầu tiên" đầy ý nghĩa.

"Với mình của những năm còn là học sinh, sinh viên thì ngày 20/11 là ngày tri ân, là ngày mình gửi những bó hoa tươi thắm, những lời chúc tốt đẹp, lòng biết ơn sâu sắc nhất đến những thầy cô đã dìu dắt, hướng dẫn mình.

Nhưng với mình của hiện tại, ngày 20/11 đã có ý nghĩa hơn thế nữa. Đấy là ngày của mình, ngày mình nhận những lời tri ân đến từ học sinh. Đó có thể là món quà nhỏ, có thể là một bông hoa hay một điểm mười đỏ tươi. Điều đó giúp mình càng củng cố thêm nhiệt huyết với nghề, tâm huyết với những bài giảng sau này".

Cách tổ chức ngày Nhà giáo độc đáo trên thế giới, bất ngờ nhất là Nhật Bản!

20/11 thời Covid-19, bớt được những cuộc họp lớp: Nhẹ nhõm hay hụt hẫng?

Lớp học online "nhộn nhịp" bởi những màn pha trò giữa học sinh và giáo viên

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ