Ngày nhà giáo Việt Nam "khác biệt" nhưng vô cùng "đặc biệt"!

"Thưa thầy, em đã thuộc bài học sáng nay trong bài giảng, có bụi phấn bay trên tóc thầy".

Những câu hát quen thuộc lại được vang lên vào những ngày lễ hiến chương để nhắc nhớ cho bao thế hệ học trò về những người từng "gõ đầu" mình trong những tháng ngày đi học. Đó là những người đã gieo mầm đến bao thế học trò, mỉm cười nhìn từng học sinh lớn khôn và trưởng thành. Nhưng trong không khí hôm nay ai cũng hiểu, có một ngày Nhà giáo Việt Nam lạ thường đến khác biệt. Lặng lẽ và vẫn đang vượt qua những cơn bão giông…

Chỉ mất khoảng vài giây để có ngay kết quả về công tác giảng dạy, học tập của ngành giáo dục cả nước trong năm học đầy khó khăn và thử thách này. Những con số về F0, F1 của thầy cô, học trò vẫn cứ nhảy số liên tục và hiện hữu đến ngày hôm nay. Trường học khắp các tỉnh vẫn lặng lẽ ở đó đợi ngày mở cửa, giáo viên mầm non vẫn "thất nghiệp" bươn chải đủ nghề để chờ đến ngày trở về với học trò.

Một năm học "ám ảnh" và đầy thử thách với toàn ngành giáo dục, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành bị mất việc làm với 12.341 người, ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 người (chiếm 82,08%) bị huỷ hoặc hoãn hợp đồng lao động.

Những con số đầy nặng nề do dịch bệnh gây nên, nhưng thầy cô vẫn ở đó, gieo mầm và tiếp tục sự nghiệp giáo dục, làm công tác giảng dạy và truyền lửa đến các thế hệ học trò của mình. Dù biên cương hải đảo, vùng sâu vùng xa, hay thành phố lớn, thầy cô vẫn đang ngày ngày cố gắng vì sự nghiệp giáo dục, đón chờ một "ngày tết" của ngành giáo dục nói chung và của riêng mình. 

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Không thể phủ nhận rằng, những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên giáo dục là vô cùng lớn. Hai năm trôi qua với bao kì học online, những câu chuyện học và dạy diễn ra vô cùng khó khăn, thử thách. Những công văn về việc mở cửa lại trường học vẫn chưa ấn định ngày, trường học mở cửa lại có ca nhiễm, cả một kỳ thi đại học đầy cam go cho học sinh cuối cấp chưa từng có tiền lệ,...

Tất cả những điều đã qua và đang thử thách cả thầy và trò. Ngày 20/11, đây là khoảnh khắc chúng ta nhìn lại, được gửi lời tri ân đến toàn ngành giáo dục và gửi chút yêu thương bản thân mỗi người đến người thầy, người cô của riêng mình. Cảm ơn những người lái đò vẫn vượt qua tất cả bão giông để đưa tri thức đến bao lớp học sinh. Mọi hoàn cảnh đã vượt khó để giữ vững những khát khao và đam mê của mình với sự nghiệp trồng người.

Cơn bão dịch bệnh ập đến, không chỉ 2020 mà còn cả năm học 2021, chúng ta vẫn luôn phải chuẩn bị tinh thần "đón" đại dịch trở lại bất cứ lúc nào. Ta lại phải chào nhau qua chiếc màn hình máy tính, cùng nhau vượt qua tất cả những thử thách bởi "Cô vy", kết nối với nhau qua màn hình máy tính không chỉ thử thách việc dạy và học mà còn khiến sự kết nối giữa người với người trở nên đặc biệt hơn.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Ngược về những ngày tháng 6/2021, TP.HCM bắt đầu những đợt bùng phát dịch ra cộng đồng. Các ca nhiễm Covid-19 ngày càng lan rộng, chẳng ai có thể ngồi yên ở đó nhìn thành phố cảm nặng, ai cũng góp phần mình vào công tác chung, chạy tìm mẫu số chung đẩy lùi dịch bệnh. Những người thầy, người cô cũng gác lại sách vở, nghỉ ngơi khi hè về để lên đường chống dịch, họ cũng trở thành những "chiến sĩ áo trắng". 

Bắt đầu hành trình chống dịch của mình, thầy Tín Nguyên đã không ngần ngại viết đơn đăng ký tham gia vào đội tình nguyện của trường THCS Hoàng Diệu (Tân Phú). 

"Tôi cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, như thế lớn lao quá, nói đúng hơn chỉ là góp một việc nhỏ bé mình có thể làm, để một mục đích duy nhất, một bàn tay chung triệu triệu bàn tay, để thành phố sớm khỏe lại trong trạng thái bình thường mới, tôi lại được đến trường dạy học và gặp học trò".  

Công việc ấy đã được người thầy giáo dạy Lý gắn bó suốt hơn 4 tháng qua, dịch chuyển từ điểm tiêm này đến điểm tiêm khác, từ những ngày đầu hè đến khi khai giảng, dạy học online diễn ra. Và giờ đây mong mỏi lớn nhất là được sớm trở lại trường học, được dạy và dìu dắt con đò cuối vượt qua kỳ thi chuyển cấp.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Khó khăn, áp lực đối với những giáo viên mầm non là điều ai cũng được biết đến, bao tháng ngày xa trường, xa trẻ, có người chẳng thể gồng gánh nỗi với cuộc sống mưu sinh, bỏ nghề để bươn chải bằng công việc khác. Nhưng họ vẫn đợi chờ, chờ được trở về với những đứa con yêu mà mình ngày ngày chăm sóc. 

"Mùa dịch bùng phát năm nay đã làm cho nền kinh tế và mảng giáo dục tạm ngưng suốt mấy tháng qua. Điều tôi nhớ nhất là không kịp chia tay các cô cậu học trò nhỏ của mình, chẳng kịp chuẩn bị cho các em một hành trang vững chắc để vào lớp 1. Gần 5 tháng, tôi chẳng thể đi dạy, khó khăn về phí sinh hoạt nhưng cũng không vì thế mà nhìn thành phố bệnh nặng, vì mình vì mọi người, tôi có tuổi trẻ và hết mình vì công cuộc chung của toàn thành phố" - Cô Hoài Diệu chia sẻ. 

Những ngày dịch lan rộng, ngày nào thầy Nguyên, cô Diệu cùng nhiều thầy cô khác cũng có mặt tại các điểm tiêm ngừa, truy vết suốt những tháng ngày vừa qua, có bữa đến nửa đêm mới xong. "Chúng tôi là lực lượng giáo viên trẻ, có sức khỏe, chúng tôi phải ra trận thôi"...

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0
ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Cổng trường vắng vẻ hơn, vơi đi sự xôn xao, các ông bố bà mẹ cũng không còn đưa con đến cổng trường, cô cậu học sinh cũng không háo hức gặp lại nhau. Lỡ hẹn một ngày khai giảng năm học mới, cũng chẳng kịp gặp lại nhau vào một ngày "Tết" giáo dục như thế này. 

Giờ đây, mọi thứ hiện hữu vẫn là sự âu lo về dịch bệnh, về những ngày học trực tuyến đang được diễn ra. Lần đầu tiên cả thầy và trò cùng nhau tri ân một ngày đặc biệt theo một cách khác biệt như thế này. Nhưng hơn hết vẫn vẹn nguyên sự gắn kết của thầy trò, nỗ lực của ban ngành vì sự nghiệp giáo dục. 

Một năm học đặc biệt, những dấu mốc cũng trở nên đặc biệt, chúng ta chính là những nhân chứng của lịch sử, đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn của đại dịch thế giới. Khoảng cách nhưng chẳng xa cách, vẫn một tinh thần "tôn sư trọng đạo"  được diễn ra theo một cách khác biệt nhất từ trước đến giờ. 

"Thầy trò còn chưa bao giờ nhìn thấy nhau, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm dành cho nhau qua những lời chúc chân thành của các bạn học sinh trong đầu hoặc là cuối giờ học, có bạn ấm úng mãi chẳng nói được thành câu, đáng yêu lắm" - Thầy Huân chia sẻ về ngày 20/11 của mình. 

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Nhận lớp, trở về trường cũ giảng dạy ngay sau khi nhận trên tay tấm bằng đại học, thầy Đạt cũng chẳng thể nào quên những khoảnh khắc đặc biệt của riêng mình trong sự nghiệp trồng người. 

"Tôi chẳng có một buổi lễ tốt nghiệp giống như những anh chị khóa trước, lặng lẽ nhận bằng và may mắn hơn hết tôi được trở về ngôi trường cấp ba mình theo học để công tác. Thầy cô trở thành đồng nghiệp, tôi hiểu và thương hơn học trò của mình, vì tôi đã có hơn 1000 ngày đầy ý nghĩa ở ngôi trường Nguyễn Quang Diêu này".

Năm học này khó khăn đến tất cả thầy cô và cả học trò, thầy Đạt vẫn luôn giữ vững tinh thần cùng sức trẻ của giáo viên mới ra trường. "Tôi nhớ đến câu nói của các thầy, cô mình, đó là "chân cứng đá mềm", tình hình có khó khăn đến đâu, miễn lòng người vững chí thì đều có thể vượt qua và vượt lên nó". Những ngày gắn bó với nơi này, thầy Đạt đã nỗ lực giảng dạy và truyền lửa dù là dạy học qua màn hình máy tính. 

2021 là năm chúng ta xây những kỷ niệm qua Internet. Những ngày tháng nghỉ học dài đằng đẵng khiến ta chỉ có thể vẫy tay chào nhau qua Zoom, qua Google Meet,... một ngày lễ khai giảng lỡ hẹn, một ngày lễ hiến chương lặng lẽ không quà cũng chẳng có hoa, thầy và trò vẫn đang chờ đợi một điều tốt đẹp sẽ đến vào một ngày không xa. Trường lớp lại rộn ràng tiếng thầy và trò, cổng trường lại mở toang để đám "nhất quỷ nhì ma" ấy ùa về. 

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Những lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến thầy cô giáo và toàn ngành giáo dục như một lời cảm ơn, tri ân đến thầy cô:

"Nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của sự dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc tốt, làm một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ca ngợi.

Ngày 20/11 là dịp cả xã hội bày tỏ sự tri ân tới nhà giáo, nhưng cũng là dịp nhà giáo cảm ơn toàn xã hội. Thay mặt cho ngành giáo dục tôi xin tri ân toàn thể các bậc phụ huynh, những người sử dụng lao động, các bạn học sinh, sinh viên lời cảm ơn vì đã ủng hộ cho ngành giáo dục và đào tạo. Sự "gieo mầm" hôm nay chắc chắn sẽ đem lại trái ngọt tương lai".

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0
ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Chẳng biết đến bao giờ mới có thể quay lại chốn giảng đường gặp gỡ tề tựu với thầy và bạn. 20/11 hàng năm, sân trường lại tấp nập từ các bạn học sinh, sinh viên cho đến các anh chị cựu học sinh, sinh viên về quây quần bên thầy cô với lòng biết ơn sâu sắc, họ - những "người lái đò" vẫn từng ngày cần mẫn, hết lòng để đưa học trò của mình sang sông với hy vọng các em trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Nếu bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ 2021 là một dấu mốc không thể nào quên trong quãng đời học sinh, sinh viên của mình. Trải nghiệm học tập của thầy trò trên nền tảng công nghệ 4.0 đầy ắp buồn vui, những câu chuyện dở khóc dở cười được chia sẻ khắp mạng xã hội, cũng nhờ đó mà chúng ta mới biết, thầy cô đã hết lòng với học sinh đến nhường nào.

Họ đã quen với phương pháp giảng dạy trực tiếp hay những thao tác trình chiếu đơn giản, nhưng xã hội vẫn còn mắc kẹt trong Covid-19. Họ phải thay đổi cách truyền đạt kiến thức sao cho học sinh vẫn hiểu được bài, thành tích học tập không bị ảnh hưởng. Dù dịch bệnh vẫn đang ở đó, nhưng thầy cô vẫn vững tin qua màn hình chiếu, kết nối và lạc quan vì học trò.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Bên cạnh đó, thầy cô cũng là những người bạn, những người đồng hành luôn cố gắng chia sẻ, hiểu và thông cảm cho học trò trong tình cảnh học online. Khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn, tạo động lực học tập cho học sinh, cùng nắm chặt tay nhau cập bến tri thức. Vậy mới thấy, thầy cô đã nỗ lực vì tương lai của đất nước thế nào, quả thật, nghề giáo là một nghề cao quý nhưng khó khăn cũng không ít.

"Muốn thì sẽ tìm cách", 20/11 không gặp được thầy cô trực tiếp nhưng không vì thế mà ngày lễ Hiến chương sẽ lặng lẽ trôi qua. Không gặp nhau trực tiếp thì ta chuyển qua gặp online, tạo ra những món quà theo phong cách 4.0, các bạn học sinh nô nức, rủ nhau chuẩn bị những bất ngờ để tri ân công lao thầy cô đã dốc lòng suốt một năm đầy khó khăn này.

Nhân ngày lễ hiến chương, đã ghi lại những chia sẻ, tấm lòng của các bạn học sinh, sinh viên đối với người thầy của mình:

"20/11 mình cảm thấy rất là biết ơn các thầy cô trong năm nay đã dốc lòng giảng dạy. Dù dịch bệnh xảy ra vô cùng phức tạp, song các thầy cô vẫn dạy online cho chúng mình một cách nhiệt tình và đầy năng lượng. Đó là động lực thúc đẩy học sinh tiếp thu bài giảng nhanh hơn cũng như là hiệu quả, năng suất tốt hơn! Đồng thời mình cũng rất là tiếc vì không thể trực tiếp tham gia các hoạt động, các dịp lễ và cả ngày lễ 20/11, đó là một niềm tiếc nuối to lớn trong mình - Vinh Nguyễn (Trường THPT Trần Văn Giàu) chia sẻ.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

"Mình thấy buồn và tiếc cho năm học cuối cấp, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè. Mình mong có nhiều thời gian gặp gỡ, bên cạnh thầy cô, bạn bè hơn nhất là vào những dịp quan trọng như 20/11. Vì mình biết hết năm học này tụi mình mỗi đứa sẽ một nơi, đi một con đường của riêng mình, chẳng rõ là khi nào có thể được tụ họp lại, cùng nhau tắm biển như năm lớp 10 hay cùng nhau nướng thịt, ca hát như lúc ở Dambri, đặc biệt là cùng nhau hát mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Có chút gì đó buồn buồn, đan xen với sự nuối tiếc" - Đinh Hiền (THPT Phú Nhuận) tâm sự.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Dấu ấn riêng biệt của năm 2021 được các bạn học sinh thể hiện qua những món quà có giá trị tinh thần và lưu trữ cao. Sau này nhìn lại, mỗi khi nhắc về thầy cô, nhắc về nhau còn nhớ ngày ấy đã khác biệt thế nào. Tất cả chúng ta đã tạo ra một ngày lễ đặc biệt, dù cho khoảng cách địa lý ngăn trở, nhưng tấm lòng, sự tri ân khiến thầy trò không xa cách nhau:

"Mình thấy năm nay việc học online là một vấn đề gây cản trở học sinh kết nối nhiều với giáo viên nhưng không vì thế mà học sinh không có cơ hội thể hiện lòng mến yêu thầy cô. Qua nhiều cách khác nhau, mình và lớp đã làm một video rất là ý nghĩa dành tặng cho thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Tuy ngắn nhưng tất cả thành viên trong lớp đều tham gia nên mình cảm thấy hạnh phúc vì ngày lễ cuối cấp thêm phần trọn vẹn" - Nhật Tân (THPT Phú Nhuận) cho biết.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Với tình hình dịch Covid-19 có phần căng thẳng trở lại, ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở nên vơi đi sự trọn vẹn khi không được gặp mặt nhau trực tiếp. Mọi thứ trở nên đơn giản hơn, thay vào đó nhiều trường lại tiến hành bằng việc tổ chức online, diễn văn nghệ... qua hình thức trực tuyến. Dù khoảng cách nhưng thầy trò vẫn không xa cách.

"Buồn vì không thể có một buổi lễ 20/11 trực tiếp nhưng nghĩ theo hướng tích cực thì 20/11 năm nay cũng rất hay và lạ. Cả lớp mình đã cùng nhau dành chút thời gian quay 1 clip nho nhỏ cùng chúc thầy cô, làm thiệp tặng từng giáo viên bộ môn, đặc biệt là lớp có hẳn 1 bản rap tặng cô Yến - GVCN. Những clip đó, những lá thư tâm tình và bản rap viết vội là một kỉ niệm đẹp, sau này nhìn lại thấy tụi mình và cô đã mạnh mẽ lắm, tụi mình cũng đăng lên Facebook để hằng năm được gợi nhắc đến ngày 20/11 đặc biệt này" - Đinh Hiền kể về ngày lễ 20/11 đặc biệt của lớp mình.

ngay nha giao viet nam khac biet nhung vo cung dac biet - anh 0

Sẽ sớm thôi, một ngày gần nhất các cô cậu học trò đến trường, lại ríu rít kể nhau nghe về một kỳ học online đã trải qua, về những dự định, mong ước trong những bước đường tương lai sắp đến. Sân trường sẽ được lấp đầy bằng tiếng nói cười rộn rã, thầy cô lại bên bục giảng, khảo bài và dìu dắt trực tiếp những chuyến đò qua sông. 

Nghề giáo là nghề cao quý, điều đó đã được xã hội ưu ái ghi nhận, việc của chúng ta là thể hiện nó một cách sinh động và cụ thể trong hiện thực. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gửi những lời cảm ơn chân thành, sự biết ơn đến tất cả các thầy cô, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, đang hàng ngày lao động, sáng tạo vượt qua những khó khăn của dịch bệnh Covid-19. 

Cổng trưởng rồi sẽ lại mở rộng đón thầy và trò trở lại trong tương lai...

Nguồn:TH&PL

Hạnh Moon|