Nhập học đại học: Gặp khó với yêu cầu gởi hồ sơ, giấy tờ qua bưu điện, tân sinh viên mất đi trải nghiệm ngày đầu nhập học.
Ngày 15 và 16/9 vừa qua, các trường Đại học đã công bố điểm chuẩn đại học theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia. Sau khi biết điểm chuẩn, các thí sinh trúng tuyển đã tiến hành xác nhận nhập học và làm thủ tục, chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên 4 năm tới.
Học hành, thi cử, chờ đợi kết quả, hoàn thiện thủ tục nhập học, rồi chuẩn bị hành trang bắt đầu cuộc sống tự lập là những điều mà bất cứ tân sinh viên nào cũng phải trải qua. Nhưng có lẽ mọi thứ diễn ra ở năm nay có phần khác biệt hơn nhiều đối với những chú dê vàng.
Khác với không khí nhập học mọi năm, hình ảnh những ông bố bà mẹ kéo vali lên thành phố cùng con nhập học, những cô cậu tân sinh viên háo hức bước vào cuộc sống mới. Năm nay, những ngày mưa tháng 9 vẫn bóng tân sinh viên, cổng trường đại học lặng thinh chưa rõ ngày trở lại, mọi thứ diễn ra đều qua hình thức online.
Với các bạn tân sinh viên, được bước sang ngưỡng cửa mới của cuộc đời là học đại học, ngoài niềm vui ra ai nấy cũng đều hồi hộp và tò mò về cuộc sống sắp tới. Đặc biệt với các sinh viên xa nhà, các bạn lại bắt đầu một hành trình mới tự lập hơn, không có gia đình bên cạnh, nhưng có lẽ điều đó vẫn sẽ chưa xảy ra, vì dịch bệnh, giãn cách vẫn đang thực hiện khắp các tỉnh, thành phố.
"Chúng em sợ học online, nay lại phải nhập học online"
Dịch bệnh đã không cho phép các tân sinh viên được làm điều đầu tiên trong cuộc sống của mình là bước vào cổng trường đại học, được ba mẹ đưa lên thành phố để cùng nhau nhìn bước ngoặt đầu tiên của tuổi 18. Việc nhập học ở năm học đặc biệt này cũng chỉ là thủ tục qua màn hình thiết bị máy tính, điện thoại. Cả gia đình cũng không phải hối hả chuẩn bị đồ cho con đi xa.
Nhiều thí sinh đã trúng tuyển đại học đang gặp khó với yêu cầu gửi hồ sơ gốc như lý lịch, chứng nhận tốt nghiệp tạm thời qua bưu điện. Việc nhập học online cũng làm cho các tân sinh viên có chút bối rối và gặp vài trục trặc trong quá trình thực hiện thủ tục nhập học. Phụ huynh, thí sinh ở TP.HCM và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội gặp khó khi chuẩn bị hồ sơ nhập học và nộp hồ sơ gốc qua bưu điện theo yêu cầu của nhà trường.
Chia sẻ về việc nhập học online, Phạm Hoàng (Tân sinh viên ngành Nhân học, ĐHKHXH&NV) cho biết: "Ngày 26/09 là hết hạn nhập học nên mình chuẩn bị khá nhanh, ngay khi có điểm chuẩn mình đã tra cứu và làm xác nhận nhập học. Dù gia đình ở TP.HCM nhưng mình cũng chút khó khăn trong quá trình nhập học, đóng học phí vì nhà mình vẫn đang là vùng đỏ, trung tâm của dịch. Các bước nhập học rất may là mình cũng không gặp trục trặc hay khó khăn gì".
Cũng giống như Hoàng, Hoàng Nam cũng ở Sài Gòn nhưng cũng ở vùng đỏ, nên quá trình nhập học của cậu bạn cũng gặp khó khăn. Thủ tục và hồ sơ đã được gửi đi nhưng việc chuyển học phí Nam phải nhờ bà con thực hiện và đi đóng giúp, vì nhà cậu bạn đang phải thực hiện chỉ thị 16, không thể ra đường khi không có giấy đi đường.
Hải Dương (tân sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) cũng có một quá trình nhập học đáng nhớ. Cậu bạn đã phải đăng nhập rất nhiều lần và dò từng thông tin, việc gửi hồ sơ cũng hồi hộp vì sợ trường không nhận được.
"Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì mọi hoạt động đều trở nên khó khăn hơn nhiều phần, hành trình bước vào cánh cổng đại học cũng vậy. May mắn là Cà Mau quê mình đang thực hiện chỉ thị 15. Để có thể đi chuyển học phí cũng như gửi hồ sơ xác nhận nhập học về trường, mình đã phải mất gần 4 5 tiếng để đợi ở bưu điện và ngân hàng, thông tin từ việc làm thủ tục cũng phải thật kĩ, nhiều lần rồi mới dám gửi đi".
"Hôm mình nhập hồ sơ cũng có xíu trục trặc nhưng mà nhìn chung thì không có khó khăn, gia đình mình thì lúc đầu cũng không chịu nhập học online tại vì chưa biết trường ra sao. Gia đình mình muốn lên tận trường xem cơ sở vật chất với xem ký túc xá hoặc tìm trọ cho mình luôn, nhưng trong tình hình giãn cách lúc này thì phải chấp nhận thôi". Thu Uyên và gia đình đã vô cùng lo lắng về việc nhập học online.
Việc nhập học online đã khiến cho các bạn tân sinh lo lắng vì thông tin, hồ sơ được gửi qua đường bưu điện có bị thất lạc hay không. Những bạn ở vùng cam, vùng đỏ cũng được nhà trường, các bạn trong tổ tư vấn tuyển sinh hỗ trợ nhiệt tình để hoàn thành việc nhập học.
"Chỉ mong dịch mau qua, chúng em được nhìn thấy trường mình theo học, được lên thành phố"
2k3 được xem là thế hệ đã chịu ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình học tập, thi cử suốt khoảng thời gian qua vì dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Kỳ thi đã kết thúc, nhưng dịch thì chưa chịu dừng lại, cuộc chiến chống dịch vẫn ở đó, cần có sự chung tay của tất cả cộng đồng. Những chú dê vàng, các bạn lại tiếp tục là những chiến sĩ - chiến sĩ chống dịch, chiến sĩ đẩy lùi "cô vy". Giờ đây khi gặt hái được quả ngọt, đã có cho mình một cổng trường đại học để bước vào nhưng vẫn chưa thể chạm tay đến, bước vào chặng đường đại học "thực tế".
Giờ đây, các cô cậu tân sinh viên đã rất nôn nao trong lòng, sẵn sàng để xách vali rời khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống đại học của riêng mình. Các bạn mong muốn có được một ngày chào đón tân sinh viên không phải qua màn hình máy tính, được ngồi trên giảng đường đại học và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ hơn trong 4 năm sắp đến.
"Mình sẽ được tham quan trường, được dẫn ba mẹ đến ngôi trường đại học của mình và gặp gỡ bạn bè, anh chị khóa trên đồng thời trải nghiệm nhiều hoạt động ngày hôm đó. Mình nghĩ ngày đó sẽ rất sôi nổi vì tất cả các khoa sẽ cùng tụ họp lại để đón tân sinh viên.
Mình mong là được đi học trực tiếp, tham gia trại chào đón tân sinh viên và cast câu lạc bộ mà em thích. Tại đối với con dê vàng như tụi em thì đã phải học online rất nhiều buổi Cực kỳ chán nản và áp lực, lại chẳng có một buổi lễ trưởng thành ý nghĩa cuối cấp nữa" - Phạm Hoàng bày tỏ.
"Nếu nhập học trực tiếp, mình nghĩ rằng ngày tựu trường sẽ rất là vui và đáng nhớ. Được gặp gỡ thầy cô, làm quen trò chuyện với những người bạn mới. Được đặt chân nhìn ngắm nơi mà sắp tới mình sẽ gắn bó. Bây giờ mọi thứ đều phải thông qua màn hình, mà đôi khi cách nhau 1 màn hình thôi cũng như cách cả thế giới rồi. Việc giao lưu làm quen cũng trở ngại hơn" - Như Ý cho biết.
"Mong muốn lớn nhất của mình chắc cũng giống mọi người là Sài Gòn hết dịch để tân sinh viên bắt đầu 1 hành trình mới, ở một ngôi trường mới" - Phương Lan (tân sinh viên Đại học Kinh tế) chia sẻ.
Nguồn: TH&PL