Có lẽ, phải từ sự kiện chấn động này, người ta mới chợt nhận ra mình đã phụ thuộc vào mạng xã hội nhiều đến mức nào!
Từ học tập, công việc, cuộc sống,... mọi thứ dường như đảo lộn khi hàng loạt dịch vụ của Facebook, bao gồm nền tảng chính: Instagram, WhatsApp và Messenger đều không thể truy cập.
Trang DownDetector cho biết Facebook đang gặp lỗi trên diện rộng. Lượng báo cáo sự cố dành cho Facebook tăng mạnh từ 22h30 ngày 4/10 với gần 20.000 báo cáo tại nhiều khu vực khác nhau như Mỹ, Indonesia, Ấn Độ...
Từ tiếng "kêu cứu" khắp mọi nơi trên thế giới vì sự cố nghiêm trọng của Facebook đã cho chúng ta thấy một thực tại rằng: Con người thật sự không thể sống thiếu mạng xã hội!
Ngay lúc này đây, hội chứng FOMO bắt đầu bùng nổ!
Fear Of Missing Out (FOMO) là một hội chứng tâm lý chỉ những người sợ bị bỏ rơi hay đánh mất cơ hội để làm điều gì đó. Ngày nay, cùng với sự phát triển của Internet, nỗi sợ này được mở rộng ra thành sợ bị bỏ lỡ những điều thú vị trên mạng, hay sợ lỡ mất những xu hướng mới nhất. Điều này khiến các Gen Z luôn trong trạng thái sẵn sàng hóng drama ở bất kỳ nơi nào, luôn "ăn dằm nằm dề" cùng với chiếc điện thoại để không bỏ lỡ bất kỳ sự kiện nào.
Và rồi, Facebook "bay màu" trong đêm...
Gen Z - thế hệ không rời khỏi smartphone - bắt đầu hoang mang lo lắng và sợ hãi. Ngay từ trước khi sự cố nghiêm trọng này xảy ra, Gen Z đã luôn là thế hệ bị gán với hội chứng tâm lý FOMO trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Họ cảm thấy tự hào khi thấu hiểu tường tận một drama đang diễn ra trên mạng xã hội, họ thở phào nhẹ nhõm "may quá mình không phải là người tối cổ" trước một tin tức đang hot! Đó chính là Gen Z, những tay săn tin tốc độ và không chấp nhận để bản thân "lạc lỏng" giữa biển thông tin trong thời đại công nghệ này!
Sự cố của Facebook đang khiến Gen Z toàn cầu như "phát điên" lên vì những gì đã bỏ lỡ trên mạng xã hội. Họ bắt đầu "tháo chạy" sang những nền tảng mạng xã hội khác như Zalo, Telegram, Twitter,... để tìm cách kết nối với bạn bè, người thân để đảm bảo rằng mình không bị... bỏ rơi.
Bên cạnh nỗi sợ bỏ lỡ, còn là nỗi sợ mất điểm tựa...
Mạng xã hội đang rất phát triển với ước tính khoảng 3,6 tỉ người dùng trên toàn cầu, và con số này dự kiến sẽ tăng đến gần 4,5 tỉ vào năm 2025. Và tự bao giờ đã trở thành một điểm tựa của hầu hết tất cả mọi người trong cuộc sống từ học tập, công việc,... và tất cả mọi thứ. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh, khi mọi thứ đều chuyển dần từ offline sang online thì mạng xã hội càng là một chỗ dựa để người ta "sống sót".
Khi điểm tựa mất đi, có lẽ tất cảm đều đang cảm thấy bị "tổn thất" nặng nề khi "chẳng thể làm gì được" nếu không có mạng xã hội.
"Mình còn tấm ảnh này chưa kịp đăng", "Mình kiếm tiền từ mạng xã hội mà, giờ chẳng lẽ... thất nghiệp", "Biết bao nhiêu group chat công việc quan trọng mình chưa kịp trả lời".... và hàng loạt những trăn trở khác từ người dùng mạng xã hội.
Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho ta thấy con người đã và đang phụ thuộc vào mạng xã hội như thế nào. Và sự kiện này đã cho chúng ta một "phép thử" để nhận ra: Mạng xã hội thật sự quan trọng dù nó là một con dao hai lưỡi.
Sự biến mất của Facebook sẽ tồn tại trong bao lâu không ai rõ, nhưng chúng ta - những kẻ bị gọi là "thế hệ cúi đầu" vì mạng xã hội - hãy thử một lần buông smartphone xuống và ngẩng cao đầu nhìn lại cuộc sống mà chúng ta đang sống. Đừng sợ bỏ lỡ những gì trên mạng xã hội, trong khi bạn đã bỏ lỡ quá nhiều những điều tốt đẹp ngoài đời thực.
Chúng ta vẫn còn nhiều cách thức liên lạc khác nhau: một cuộc gọi truyền thống, một tin nhắn sms thông thường như trước khi mạng xã hội phát triển,... Đừng quên rằng, mạng xã hội chỉ là một phần của cuộc sống, bạn còn rất nhiều cách khác nhau để không sợ bị "bỏ lỡ" một điều gì. Đây có thể là một trải nghiệm để bạn nhận ra mình phụ thuộc vào mạng xã hội như thế nào và tìm cách để hướng đến những điều tích cực hơn khi mạng xã hội "bình thường mới" trở lại.
Mạng xã hội có tác dụng tốt nhưng lạm dụng quá nhiều thì thành tiêu cực, một ví dụ điển hình cho điều tiêu cực đó chính là nỗi sợ của bạn ngay lúc này!
Nguồn: TH&PL