Bạn thuộc kiểu người lý trí hay mua vì đam mê, thích thì bỏ vào giỏ hàng?
Trong những năm trở lại đây, có thể nói rằng ngày 11/11 đã trở thành "ngày hội mua sắm" lớn nhất năm. Trước đó, hàng tháng, các sàn thương mại điện tử cũng thường xuyên tổ chức các đợt khuyến mãi vừa và nhỏ, thu hút không ít lượng "chốt đơn" từ giới trẻ.
Và trong các kiểu bạn trẻ Gen Z mua sắm hiện nay, nhóm đối tượng mua sắm trực tuyến chiếm phần lớn, xuất hiện không ít câu chuyện "dở khóc dở cười" sau mỗi đợt trắng đêm mua đồ giảm giá.
Kiểu "thừa còn hơn thiếu"
Đây là kiểu mua đồ "vì đam mê" nhất trong muôn vàn kiểu mua đồ. Rất nhiều bạn trẻ chỉ bỏ giỏ hàng trước rồi đến lúc hàng được giảm giá hoặc đến lúc thực sự có nhu cầu hay cần mua thì mới tính sau.
Một kiểu tâm lý quen thuộc của các bạn trẻ, không khác gì với hiện tượng nhấn lưu rất nhiều bài viết vào mục "Lưu" của Facebook nhưng sau đó là "không có sau đó nữa", hay giống với hiện tượng nhiều bạn sinh viên chụp ảnh bài giảng để "xem sau" vì lười chép bài nhưng sau đó cũng vì lười mà bỏ qua cả bước "xem sau" đó…
Nhìn chung, kiểu săn sale này vô hại, nhưng xin lưu ý rằng: Số lượng hàng hóa "đông đảo" trong giỏ hàng có thể khiến bạn "ngỡ ngàng, ngơ ngác đến bật ngửa" khi xem lại đó!
Kiểu "vung tay quá trán"
Những người thuộc kiểu mua sắm này thường là tuýp người "thiếu nghị lực". Trên mạng xã hội trước ngày diễn ra các đợt khuyến mãi xuất hiện không ít những lời "thề thốt, hứa hẹn" rằng "Mình sẽ không mua gì đâu", "Nghèo lắm rồi, không chốt đơn đâu nhé". Nhưng cũng chính những người bạn "hài hước" này lại đăng "story" "than" cảnh chờ chiếc xe giao hàng hiện đỏ còn hơn chờ mẹ đi chợ về vào ngày hôm sau đó.
Kiểu mua sắm bất chấp, thấy đồ giảm giá hời, không mua thì tiếc nên thành ra "quá tay". Và chắc là do "cái tay" chứ lý trí sẽ giả bộ không biết gì hết...
"Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu" khi chốt đơn nhiều quá rồi, thanh toán xong xuôi cả rồi và cái nghèo lại ập đến. Những đợt trước, khi sinh viên vẫn còn "tự lập" xa quê thì chúng ta có thể sẽ nhìn thấy hình ảnh nhiều bạn sinh viên vì mua sắm quá tay mà sau đó cũng mua liền một thùng mì tôm "ăn dần". Còn những ngày này, dù hơi nghèo về tài chính một chút nhưng vì ở nhà với bố mẹ nên vẫn có thể ăn no, mặc ấm.
Thói quen "tiêu xài không biết ngày mai" thực chất không phải là một thói quen tốt và ăn mì tôm cũng vậy. Tốt hơn hết là mọi người nên kiềm chế một chút để vừa có thể mua được đồ cần mua và vẫn có thể ăn uống đầy đủ. Bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch là việc làm cần ưu tiên hàng đầu!
Kiểu "lý trí"
Đây là kiểu người nên được trao huy chương "tấm gương vàng trong làng mua sắm" vì tinh thần "bất khuất" trước cám dỗ của đồng loạt mã giảm giá và sự "dụ dỗ" của bạn bè. Những bạn trẻ này sẽ chỉ bỏ giỏ hàng những món sẽ mua và mua những món đồ thực sự cần thiết.
Một cái đầu lạnh là điều thực sự cần thiết, đặc biệt là trong mùa dịch này. Tiêu xài hợp lý một chút sẽ giúp chúng ta sống thoải mái hơn và có thể dự trữ được một khoản tiền nào đó cho những sự việc xảy ra đột xuất. Trở thành người làm chủ hoàn cảnh, tại sao không?
Còn bạn, bạn thuộc kiểu Gen Z nào khi mua đồ?
Nguồn: TH&PL