Cứ tưởng các kỳ thi “tại nhà” sẽ giảm được căng thẳng nhưng trên thực tế nó đã khiến nhiều bạn phải “trầm cảm” vì nhiều vấn đề.
Câu chuyện thi cử vốn là một phần trong những kí ức đầy ám ảnh của nhiều người bởi áp lực từ điểm số hay rớt môn đè nặng, từng thế hệ phải dìu dắt nhau bước qua giai đoạn này với nhiều cách thức khác nhau. Nhưng hiện tại thì mỗi cá nhân phải tự bơi khi xung quanh chẳng có ai ngoài phụ huynh và gia đình, thậm chí cô đơn một mình trong căn phòng ngủ lặng thinh.
Việc học trực tuyến vốn đã có nhiều điều khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, nay vì tình hình dịch bệnh đã khiến việc tổ chức thi cũng phải diễn ra theo hình thức này. Sinh viên, học sinh "đau đầu" vì chẳng biết phải bắt đầu lại từ đâu với chuỗi ngày ăn rồi ngủ sau màn hình của lớp học. Số khác dù chăm chỉ đến đâu cũng phải "khóc thét" vì lo sợ với cách thức thi hoàn toàn mới.
Nội dung liên quan
Chuẩn bị trước ngày thi
"Nước tới chân mới nhảy" dường như đã không còn phù hợp với nhiều bạn bởi hiện nay họ đã trang bị cho mình được những kỹ năng để bơi trong khối tài liệu cao ngút trời và những deadline liên tiếp kéo dài. Bất kể thi online hay offline thì lời hứa "ngày mai sẽ học bài" dường như rất khó thể thực hiện, vậy "ngày mai" là ngày nào?
Bên cạnh việc ôn thi tích cực và hiệu quả nhiều bạn lại bình tĩnh để an nhiên vượt qua kỳ thi với nhiều cách khác nhau, ví như ngủ cho bớt sợ hay chơi đùa trong hoang mang, thậm chí phó mặc cho số phận… Đó là những bước chuẩn bị của nhiều gen Z khi có thông báo sắp đến kỳ thi trong thời điểm dịch bệnh.
Chẳng có lời nhắc nhở nào quá khắt khe từ giáo viên, không có được gánh nặng tâm lý từ phòng ôn thi cùng nhiều người. Giờ đây, các bạn đã đặt niềm tin trọn vẹn vào những thế lực tâm linh như cách hiệu quả đến biết định tương lai "nở hoa" hay sẽ "bế tắc", chọn 1 tụ bài hay kê khai năm sinh để quyết định liệu có nên thực sự ôn bài hay không?
Khâu ôn tập cũng được nhiều sinh viên, học sinh quan tâm đến nhưng chợt nhận ra học online trong suốt nhiều tháng nhưng sách vỡ thì chẳng có bất kỳ chữ viết nào, vì vậy lựa chọn cậy nhờ vào đứa bạn thân là hết sức quan trọng. Những dòng tin nhắn được gửi đi và nhận lại kết quả bất ngờ bởi cái tâm trong từng bức hình được gửi qua, thậm chí sự im lặng đến đáng sợ từ những người "cùng chí tuyến".
Trong ngày diễn ra kỳ thi và sau khi hoàn thành
Vì thi online nên hình thức cũng có nhiều thay đổi, đó là sự lựa chọn việc vận dụng rất nhiều những nền tảng khác nhau để làm trắc nghiệm. Rủi ro đã tăng cao khi cứ ngỡ đề dễ và khoanh bừa cũng sẽ ra, kết quả là những con số đầy "ấn tượng" được nhiều bạn chia sẻ bởi tin vào những mẹo vặt ôn thi trên mạng xã hội.
Cụm từ "xin vía" được nhiều bạn trẻ vận dụng tối đa trong mùa thi này bằng cách chia sẻ bản điểm A+ hay những con điểm 10 khi đi thi online như cách chuyền may mắn đến những người thi sau. Nhưng thực tế cuộc sống thì luôn luôn phũ phàng, nếu không học mà yêu cầu điểm cao thì chỉ có nằm mơ mới có thể đạt được, tuy nhiên "có thờ có thiêng" nên các bạn vẫn tích cực chia sẻ đầy đủ trên trang cá nhân của mình.
Nhiều bạn còn lấy chính những số điểm này sáng tạo nên những meme để tấu hài trên các hội nhóm, như cách để xua tan đi sự buồn phiền cho một kỳ học đầy biến động. Sự quyết tâm xé nháp để làm lại luôn nhiệt huyết nhưng cơn buồn ngủ cứ ập đến thì làm sao còn đủ tỉnh táo nhớ đến sự hăng hái của bản thân.
Bên cạnh đó thì cũng có nhiều bạn rất đầu tư cho việc thi online bằng cách tự sắp xếp cho mình một không gian vô cùng hiệu quả để bước vào kỳ thi một cách suông sẻ. Nhưng sai lầm nào cũng phải bị trả giá nếu chỉ tin vào những thế lực không tên dẫn dắt vào con đường không ôn thi, dù đường truyền có ổn đến đâu, không gian yên tĩnh như thế nào thì cũng tự khắt thốt lên "cái đề nó lạ với em lắm!"
Đừng nghĩ học online thi offline mới chính là nỗi đau, thực tế thì kỳ thi nào cũng sẽ có những áp lực như nhau, quan trọng vẫn là cách chúng ta dành sự chú tâm và tập trung ôn luyện kỹ càng. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất ngay tại thời điểm cuộc sống dần ổn định này là sự lựa chọn "thi online" hay "thi offline", câu trả lời được đồng lồng nhiều nhất là "em không thích thi".
Nguồn: TH&PL