Ngày càng có nhiều người trẻ cảm thấy công việc hiện tại cùng những áp lực đang khiến họ không có thời gian và điều kiện dành cho cuộc sống.
Đứng trước vô số những yêu cầu vô hình từ cuộc sống hiện đại, người trẻ dần phải có những sự nỗ lực trong chính cuộc sống và công việc của mình. Tuy nhiên, điều này không đơn giản chỉ là cảm giác mệt mỏi, mà ở đó còn là sự căng thẳng trong trạng thái tinh thần khi mất đi sự cân bằng trong cuộc sống và công việc.
Họ luôn đứng giữa những ranh giới và cố gắng trong mệt mỏi khi sự ổn định về tương lai không chắc chắn, từ bỏ cũng không được nhưng ở lại cũng chẳng xong. Mong muốn của đa số người trẻ là vẫn có được một công việc ổn định và thời gian dành cho cuộc sống, thay vì những áp lực liên tục tại công ty, hơn hết là thu nhập và những nhu cầu chưa được đáp ứng trong cuộc sống.
Sự gia tăng trạng thái mất cân bằng ở người trẻ
Ngày càng ít người tin rằng công việc là tất cả và nhận thấy chúng có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của họ. Theo một cuộc khảo sát do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố thì chỉ khoảng 1/3 hoặc 33,5% người lao động cảm thấy công việc quan trọng hơn gia đình, giảm so với mức 42,1% chỉ hai năm trước. Sự thay đổi này đã cho thấy thứ họ cần chính là cuộc sống thay vì những sự bận rộn trong công việc.
Gần đây nhất là một thập kỷ trước, con số này là 54,5%. Giờ đây, 18,3% tin rằng gia đình quan trọng hơn công việc, tăng từ 13,7% cách đây hai năm, phần còn lại cho biết cả hai đều quan trọng như nhau. Mỗi con số đều là một minh chứng cho sự mất cân bằng trong công việc của người trẻ, khi cuộc sống có quá nhiều lo toan thì dường như điều này trở nên rất khó khăn.
Một nghịch lý được nhìn thấy thông qua điều này là mặc dù rất muốn vươn đến những mục tiêu cao hơn nhưng người trẻ cũng muốn có nhiều thời gian dành cho bản thân. Vấn đề đến từ những áp lực trong cuộc sống đã khiến họ không còn có quá nhiều thời gian và điều kiện để tận hưởng cuộc sống, cứ thế người trẻ tiếp tục cố gắng và trạng thái mất cân bằng ngày càng sâu sắc.
Tình trạng này cũng tiếp tục được dự đoán tăng cao khi trong xã hội ngày nay, con người thường bỏ qua tình trạng sức khỏe tinh thần, lao đầu vào làm việc với mong muốn đạt được mục tiêu và bỏ quên hành trình, nói cách khác là quên mất bản thân cần được nghỉ ngơi và tận hưởng. Điều này cũng không hẳn đến từ mỗi cá nhân, mà một phần là những định kiến vốn đã vô tình áp đặt lên người trẻ.
Điều kiện thay đổi nhưng trạng thái tinh thần vẫn hạn chế
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 36.000 người đã cho thấy khi được hỏi điều kiện sống của họ đã thay đổi như thế nào, 31,5% nói rằng họ đã cải thiện, nhưng 24,9% nói rằng họ trở nên tồi tệ hơn. Trong cùng một cuộc khảo sát khác thì kết quả nhận lại với 48,6% cho biết mọi thứ đã được cải thiện và chỉ có 9,1% ngược lại.
Những người trẻ tuổi có thể phải chịu đựng nhiều hơn trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này khi 25,6% trong số 20 người nói rằng họ đang sống trong điều kiện tồi tệ hơn trong khi tỷ lệ gần như tương tự hoặc 25,4% cũng nói rằng họ khá giả hơn. Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự sụt giảm trong các khoản quyên góp từ thiện, với 21,6% nói rằng họ đã quyên góp trong năm qua và 37,2% nói rằng họ sẵn sàng quyên góp trong tương lai. Cả hai con số này đã giảm đều đặn kể từ năm 2011 lần lượt là 14,8 điểm % và 8,6 điểm %.
Có thể thấy phía sau những cố gắng của họ trong công việc cũng phần nào giúp cải thiện được cuộc sống bản thân, điều này vẫn là một tín hiệu đáng mừng đối với người trẻ. Tuy nhiên, tình trạng người trẻ đối diện với các căn bệnh về tinh thần lại ngày càng gia tăng, thậm chí vấn đề này còn trở nên trầm trọng hơn với những người có địa vị cao trong xã hội.
Hạnh phúc trở thành vấn đề quá xa xỉ, họ đang dần không có quá nhiều thời gian cho chính mình với rất nhiều những khía cạnh khác nhau, tất cả đã nhường chỗ cho những mục tiêu và áp lực công việc. Để có được sự cân bằng, chúng ta phải chấp nhận vô số những rủi ro khác nhau nên dường như người trẻ vẫn đang rất ngại trong việc dành thời gian cho bản thân, nhất là khi họ vẫn đang sống trong một xã hội với rất nhiều định kiến về sự thành công.
Đây có phải là nguyên nhân cho những xu hướng bỏ việc?
Sau thời gian dịch bệnh, chúng ta đã được chứng kiến những cơn "địa chấn" trong xu hướng việc làm và chi tiêu của người trẻ, họ dần không còn xem việc kiếm tiền trở thành vấn đề quan trọng khi nhận thức được những sự bất ổn trong cuộc sống. Họ bắt đầu chuyển mình để tìm về những sự tận tưởng trong cuộc sống thay vì lựa chọn những áp lực từ công việc.
Sự mất cân bằng trước đó cùng thời gian giãn cách đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong hành vi của con người, điều này phần nào đang mang đến trạng thái ổn định nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Có thể thời điểm hiện tại, ta sẽ có nhiều điều kiện để phục hồi sức khỏe tinh thần nhưng chỉ sau một thời gian vấn đề ta phải đối diện là sự bất ổn kinh tế.
Trạng thái ổn định trong công việc và cuộc sống nếu nhìn nhận tích cực thì chúng không thật sự quá khó để có thể duy trì nếu ta biết tập trung cho mục tiêu cuộc sống của mình. Mọi áp lực đều đến từ những định kiến xã hội và chính bản thân chúng ta, nên hãy bỏ ngoài tai những lời nói tiêu cực và nỗ lực trong cuộc sống của chính mình.
Yêu bản thân nhiều hơn cũng là cách khiến chúng ta có được hạnh phúc trong cuộc sống, công việc vẫn cần song hành với trạng thái hài lòng, thoải mái. Đừng để chính điều này trở thành áp lực "giết chết" chúng ta từng ngày, hãy bắt đầu bằng cách yêu công việc hiện tại và trân trọng cảm xúc bản thân nhiều hơn.
Nguồn: TH&PL