Trên khắp thế giới, đại dịch đã và đang tạo ra những tưởng tượng kỳ lạ về đêm ở con người.
Giấc mơ không phải là một thứ gì đó xa lạ mà nó có thể được coi là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Nhìn vào vẻ bề ngoài, chúng ta thường nghĩ rằng mỗi người sẽ có những giấc mơ riêng lẻ và rời rạc nhưng khi nhìn vào giấc mơ của nhiều người, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả giấc mơ của mọi người đều có thể bị ảnh hưởng bởi cùng một trải nghiệm.
Điều này đặc biệt thể hiện trong những sự kiện lớn như các vụ tấn công, hay gần nhất là đại dịch toàn cầu - Covid-19.
Giấc mơ của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi cùng một trải nghiệm
Trong một phân tích về những giấc mơ sau vụ tấn công ngày 11/9 ở Hoa Kỳ - bao gồm một nghiên cứu theo dõi các đối tượng ghi lại giấc mơ của họ khi các cuộc tấn công xảy ra - cho thấy hậu quả của sự việc này ảnh hưởng đến giấc mơ của mọi người theo những cách khác nhau.
Những người phản ứng đầu tiên và những người sống sót thường mơ những phiên bản thực tế về những chấn thương mà họ đã trải qua; một số cơn ác mộng bị mắc kẹt, tái diễn hết đêm này sang đêm khác; trong khi những người khác lại mơ về những sự việc mới và thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, ngay cả những người chỉ đơn thuần xem các cuộc tấn công qua truyền hình cũng trải qua những giấc mơ đầy lo lắng và ác mộng. Những giấc mơ của họ thường thay thế hoặc pha trộn những gì thực sự đã xảy ra với một loạt các thảm họa khác, như bị sóng thần cuốn đi hoặc bị rung chuyển bởi một trận động đất, mà các nhà nghiên cứu hiểu là sự ẩn dụ cho những cảm xúc mà họ cảm nhận thấy.
Khi virus Corona thể mới lây lan rộng rãi và phần lớn thế giới chuyển sang thế cô lập, các nhà nghiên cứu giấc mơ bắt đầu gấp rút thiết kế các nghiên cứu và các cuộc khảo sát có thể cho phép họ tiếp cận một số khu vực cô lập nhất, những giấc mơ diễn ra bên trong bộ não của của cá nhân.
Điều đầu tiên mà hầu như ai cũng nhận thấy là đối với nhiều người, thế giới trong mơ của họ dường như đột nhiên rộng lớn hơn và dữ dội hơn. Một nghiên cứu về hơn 1.000 người Ý sống trong khoảng thời gian bị giãn cách xã hội nghiêm ngặt cho thấy khoảng 60% trong số họ ngủ không ngon, trong khi trước khi Covid-19 xuất hiện, chỉ một phần ba người Ý cho biết họ thấy khó ngủ.
Và họ cũng nhớ nhiều giấc mơ của mình hơn so với bình thường và báo cáo rằng những giấc mơ đó có cảm giác thật một cách bất thường, xúc động và kỳ lạ.
Tại Vũ Hán, một nghiên cứu với đối tượng 100 y tá được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu cho thấy 45% trong số họ gặp ác mộng - một tỷ lệ mà Tore Nielsen, Giám đốc của Dream and Nightmare Laboratory tại Đại học Montreal, lưu ý rằng nó "gấp đôi tỷ lệ mơ thấy ác mộng trong suốt cuộc đời của bệnh nhân tâm thần ngoại trú Trung Quốc và cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ của 5% dân số mắc chứng rối loạn ác mộng".
Tại Pháp, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Lyon phát hiện ra rằng khả năng nhớ giấc mơ của mọi người đã tăng 35% vào tháng tiếp theo sau khi quy định giãn cách xã hội được áp dụng, trong khi một cuộc khảo sát với 3.000 người Mỹ cho thấy gần một phần ba số họ nhận thấy bản thân đột nhiên nhớ nhiều giấc mơ hơn.
Lý do khiến mọi người mơ nhiều hơn kể từ khi Covid-19 xuất hiện?
Việc chúng ta mơ nhiều hơn có thể phản ánh sự lo lắng lúc này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cảm xúc của cuộc sống khi chúng ta thức được phản ánh trong giấc mơ thường xuyên hơn những sự kiện thực tế, trong khi những giấc mơ giàu cảm xúc nhất của chúng ta lại là những giấc mơ mà chúng ta dễ nhớ nhất.
Một yếu tố khác có thể kể đến là sự điều hòa thời gian. Khi ngủ, chúng ta bước vào giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh) - giai đoạn của giấc ngủ khi hầu hết các giấc mơ cảm xúc, giàu tính tường thuật của chúng ta xảy ra - khoảng 90 phút một lần. Càng về khuya, những giai đoạn REM này càng diễn ra dài hơn: Giai đoạn đầu có thể chỉ kéo dài năm phút, so với giai đoạn kéo dài bốn mươi phút sau đó.
Bởi vì giấc ngủ REM bị dồn về phía buổi sáng, một đêm ngủ ngắn có thể là một thảm họa đối với giấc mơ. Khi bạn ngủ sáu giờ thay vì tám giờ, bạn sẽ không mất đi một phần tư cuộc sống trong mơ của mình mà bạn sẽ mất gần một nửa hoặc mất cả những giấc mơ sẽ sống động, kỳ lạ và đáng nhớ nhất.
Trong cuốn sách Tại Sao Chúng Ta Ngủ, nhà thần kinh học Matthew Walker nửa đùa nửa thật rằng những giấc mơ là thời điểm mà mọi người trên Trái đất trở nên "rối loạn tâm thần một cách rõ ràng", trải qua ảo giác, ảo tưởng, mất phương hướng, cảm xúc không ổn định và mất trí nhớ.
Nói cách khác, những giấc mơ chỉ là một hiện tượng phụ thần kinh còn sót lại sau những phần có ý nghĩa của giấc ngủ. Chúng mang theo dư âm về những gì đã xảy ra trong cuộc sống của chúng ta khi thức, nhưng không có tác động lâu dài và không có mục đích riêng.
"Tôi đã mơ thấy toàn bộ nhân loại đang dần dần biến mất"
Khi đại dịch ngày một phức tạp, những giấc mơ về căn bệnh này bắt đầu bị trộn lẫn với những giấc mơ về những tác động phụ của nó, đặc biệt là khi sống cuộc sống bị giãn cách.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những người đau khổ nhất trong cuộc sống khi thức đã báo cáo rằng họ mơ thấy nhiều giấc mơ về đại dịch hơn. Trong một nghiên cứu của Phần Lan, phân tích ngôn ngữ thuật toán cho thấy hơn một nửa số giấc mơ chứa nội dung cụ thể về đại dịch, như sự lo lắng về giãn cách xã hội, nhiễm bệnh hoặc người già gặp khó khăn.
Trong khi các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Ý đang phải trải qua những cơn ác mộng thực tế về việc gặp trục trặc khi đặt ống khí quản bị, thì những người ở Mỹ thường mơ về những mối đe dọa rùng rợn đang đến gần.
Trong khi người dân Trung Quốc mơ thấy khẩu trang ngay lập tức khi đại dịch xuất hiện thì phải mất một thời gian dài khẩu trang mới xuất hiện trong giấc mơ của người Mỹ. Cuối cùng khi nó xảy ra, những giấc mơ thường là về những nhận thức đột ngột rằng những người nằm mơ đã quên đeo khẩu trang hoặc đeo nó không đúng cách, cùng nỗi sợ hãi rằng họ hoặc người khác đã tiếp xúc với virus.
Thời gian trôi qua và đại dịch tiếp tục kéo dài, một người có những giấc mơ chia sẻ: "Tôi đã mơ rằng mình sẽ không bao giờ có thể trở lại cuộc sống bình thường, trở nên già nua và bị cách ly với những đứa cháu tương lai của mình".
Một người khác nói rằng: "Tôi đã mơ rằng toàn bộ nhân loại đang dần dần biến mất".
Có thể thấy, cuộc sống trong mơ và cuộc sống khi thức gắn liền với nhau đến mức một số nhà nghiên cứu bắt đầu tự hỏi liệu việc phủ sóng truyền thông về những giấc mơ đại dịch có đang tạo ra một vòng lặp phản hồi, khiến mọi người mơ những giấc mơ mà họ đã đọc hay không.
Nguồn: TH&PL