Nếu bạn đang tự hỏi rằng tại sao mình lại mệt mỏi hơn sau một ngày làm việc face-to-face với chiếc màn hình thì yên tâm đi, bạn không cô đơn đâu.
Đã bao lâu kể từ lần cuối cùng bạn gặp mặt bạn học hay đồng nghiệp? Hẳn là một khoảng thời gian dài. Giờ đây chúng ta cũng có thể gặp lại bạn bè của mình nhưng lại qua...một chiếc màn hình, khoảng cách tuy rất gần mà lại rất xa phải không?
Ta sẽ đề cập đến Zoom, một công cụ tuyệt vời cho những cuộc hội họp trực tuyến và nó vô cùng hiệu quả. Nhưng gần đây, Zoom đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của chúng ta. Với số lượng lớn cuộc họp phải tham gia hằng ngày, cơ thể chúng ta đã "bật đèn đỏ" về tình trạng sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mỗi người.
Mặc dù chưa chính thức công bố nhưng hiện tượng này được "những cỗ máy chạy bằng cơm" thừa nhận rằng nó có ảnh hướng đến mình và gọi tên là chứng "mệt mỏi do Zoom" hay "Zoom Fatigue".
Zoom Fatigue là gì?
Bản chất đến từ cái tên, "mệt mỏi do Zoom" chính là sự kiệt sức vì tần suất sử dụng Zoom quá lớn. Tuy chúng ta đang làm việc ở "cái ổ" - nơi ta yêu thích và cảm thấy thoải mái nhất nhưng thực chất việc chỉ ngồi một chỗ trong thời gian dài khiến não và tất cả các bộ phận khác trên cơ thể chúng ta hoạt động quá mức và có dấu hiệu muốn "đình công".
Điều là hoàn toàn đúng với học sinh và giáo viên. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ rằng kể từ khi học trực tuyến trở nên phổ biến, sức khỏe của họ đã xuống cấp rõ rệt. Những "cửa sổ tâm hồn" luôn phải đối mặt với thiết bị công nghệ hàng giờ liền, cổ, vai và lưng thì phát ra tiếng "cót két" như tấm gỗ cũ.
Vậy tại sao những cuộc họp trực tuyến luôn mệt mỏi hơn việc gặp gỡ trực tiếp?
Mất kết nối
Khi bạn thuyết trình, bạn hoàn toàn không biết có ai đang để mắt đến bạn và liệu họ có đang quan tâm đến bạn hay họ đang làm một việc khác? Trong khi bạn đang truyền đạt kiến thức thì người khác có thể nhìn đi đâu đó hoặc vẽ một bức tranh nguệch ngoạc, đôi khi họ không chú ý nhưng thật sự họp trực tuyến đã làm họ mất tập trung. Và đó không phải là một phép xã giao thông thường.
Giao tiếp cần sự kết nối rất cao, đặc biệt là "eyes contact". Khi chúng ta giao tiếp qua màn hình, bộ não của ta sẽ phải tốn nhiều công sức để tìm kiếm và xử lí những hành động hình thế nhằm nắm bắt đúng cảm xúc và ý đồ của người nói. Kể cả khi ta có "make eyes contact", nó cũng chỉ là sự kết nối giữa những con mắt pixel với nhau. Đây hoàn toàn là một rào cản rất lớn.
Sự im lặng chết chóc
Ngay cả khi gặp gỡ trực tiếp, chúng ta đều ghét sự im lặng. Không ai phát biểu trên lớp, không có ý kiến khi họp nhóm, không có những câu chuyện để kể khi hẹn hò. Tất cả những điều trên đều tạo ra một không khí ngại ngùng đến đáng sợ.
Nhưng với gặp gỡ trực tuyến thì sao? Hãy xem rằng chúng ta vừa có một câu hỏi nhưng không một ai trả lời, mic của họ vẫn ở chế độ "mute" và máy ảnh thì tắt. Chúng ta tự hỏi rằng mình đang giao tiếp với ai và lí do tại sao mình không nhận được sự phản hồi, từ đó những lo âu sẽ "được nước lấn tới".
Ngoài ra, các vấn đề ngoại cảnh như đường truyền cáp quang kém, độ trễ của âm thanh hay trục trặc thiết bị cũng góp phần kéo tâm trạng của ta xuống.
Sự xuất hiện của những nhân vật "không mong muốn"
Đôi khi hình ảnh của các thành viên khác trong gia đình xuất hiện trong khung hình là việc khó tránh khỏi khi Work from home. Ta không thể làm việc khi một đứa bé cứ phá phách phía sau lưng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng làm việc của ta và gây không ít phiền toái đến đồng nghiệp. Vì thế, tạo ra môi trường riêng cho công việc là hoàn toàn cần thiết và không phải ai cũng có khả năng làm điều đó.
Xác định mình có đang mắc chứng "Zoom Fatigue" hay không qua những dấu hiệu và triệu chứng sau:
"Zoom Fatigue" có thể là cảm giác kiệt sức nói chung hoặc nó có thể tập trung hơn vào một số vấn đề về sức khỏe thể chất, tình cảm, xã hội hoặc động lực của bạn. Các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Cảm thấy mệt mỏi vì những cuộc gọi
- Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường ở cuối ngày làm việc
- Cảm thấy khó tập trung và tâm trí bạn như đang bỏ đi chơi thay vì phải tập trung vào cuộc họp
- Ăn nhiều hơn vì cảm thấy stress
- Thường xuyên đau đầu, căng mắt, đau bả vai hoặc cột sống lưng
Làm thế nào để khắc phục và đánh bại Zoom Fatigue?
Đặt chủ đề cho một lớp học Zoom
Nếu đã quá nhàm chán với những tiết học trực tuyến, hãy thử làm vài điều để lấy lại "mood". Gen Z luôn có nhiều trò để tạo niềm vui cho chính mình, đặc biệt gần đây là phần thay đổi hình nền. Vô số background chất chơi được Gen Z sử dụng trong buổi học của mình, một số còn gây "lú" cực mạnh khiến giảng viên phải bối rối.
Tránh "đa nhiệm"
Có vẻ như ta luôn muốn hoàn thành sớm công việc bằng cách làm nhiều việc khác nhau trong cùng một thời điểm. Nhưng thật đáng tiếc, khi chúng ta càng cố làm nhiều việc cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất. Vì bạn phải tắt và bật một số phần nhất định của não cho các loại công việc khác nhau nên việc chuyển đổi giữa các nhiệm vụ có thể khiến bạn tiêu tốn tới 40% thời gian làm việc của mình. Thế nên hãy cố tránh những việc làm chúng ta xao nhãng, đặc biệt là mạng xã hội.
Hãy cho mình thời gian nghỉ
Ở trong một cuộc họp quá dài khiến mắt bạn mệt mỏi, hãy để chúng nghỉ ngơi trong giây lát. Phớt lờ chiếc màn hình và nhìn ra ngoài trong vài giây, tốt hơn là hãy nhìn ngắm cảnh thiên nhiên. Tuy ít nhưng hành đồng này sẽ giúp mắt bạn thư giãn và tránh được nhiều tác động xấu. Nếu điều kiện cho phép, hãy đứng dậy và đi lại một chút. Ăn một chiếc bánh, uống một cốc nước, đó chính là cách ta biết ơn cơ thể mình.
Nội dung liên quan
Bỏ qua những cuộc họp không cần thiết
Các công cụ như Email, Messeger, Zalo,... sẽ giúp ta bàn luận mà không cần phải dán mắt vào màn hình. Đối với những cuộc họp không cần thiết, ta có thể soạn ra một văn bản chi tiết để trao đổi, nếu cần thiết hơn chỉ cần gọi một cuộc gọi thông thường, lúc đó bạn có thể thoải mái với hình ảnh của mình và đi vòng quanh trong khi giao tiếp.
Nguồn: TH&PL