Mạng xã hội năm 2021 ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến người dùng. Điểm danh xem có bao nhiêu điều dưới đây nói trúng "tim đen" bạn nhé!
Mạng xã hội "không màu hồng" như chúng ta tưởng
Nếu so sánh về tốc độ lây lan và khả năng sinh "biến chủng" mới, tin giả và vi-rút Corona có lẽ đều một chín một mười. Khi đại dịch COVID-19 gieo rắt những nỗi đau về thể xác thì tin giả lại âm thầm làm huỷ hoại niềm tin của chúng ta về một xã hội tốt đẹp.
- Tin "giả" nhưng tác động "thật"
Còn nhớ khi Sài Gòn "đóng cửa" hoàn toàn vào tháng 7, vô số tin giả cũng được dịp ngoi lên nhằm gây hoang mang dư luận. Hàng trăm "bài thuốc" thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe được truyền miệng với công dụng thần kỳ là chữa COVID. Hay những thông tin thất thiệt khẳng định vaccine COVID kém chất lượng khiến nhiều người lo sợ, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương.
Theo giáo sư tâm lý học Geoffrey Beattie, tin giả có hiệu quả nhanh và phổ biến nhất là những tin giật gân, đặc biệt có đi kèm các từ khoá "chết", "tai nạn". Nguyên nhân là vì não bộ chúng ta được lập trình để phát hiện mối đe doạ có thể xảy ra. Càng đọc những tin tức đó, chúng ta càng thoả mãn, từ đó ranh giới giữa thật – giả ngày càng mong manh.
Nội dung liên quan
- Mạng xã hội và "vỏ bọc hoàn hảo"
Mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa (tiếng Anh: Peer Pressure). Đây là khi các cá nhân chịu ảnh hưởng bởi một nhóm người cùng nhóm xã hội và buộc mình phải thay đổi giá trị, hành vi để phù hợp với chuẩn mực của nhóm.
Nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng người dùng mạng xã hội thường xuyên có nguy cơ trầm cảm cao hơn 2.7 lần. Nhiều người cảm thấy tự ti, buồn bã hơn khi nhìn thấy cuộc sống sung túc, thành công của người khác. Từ ham muốn đó, nhiều người vô tình tạo dựng cho mình "vỏ bọc ảo" để mong muốn được công nhận.
Áp lực này khiến chúng ta dễ bị tác động, đặc biệt với những người không có khả năng thiết lập giá trị bản thân, ít hiểu biết về bản thân minh. Tuy vậy đừng lo! Áp lực này có thể giảm bớt nếu bạn biết giới hạn và trân trọng chính bản thân mình. Bắt đầu từ những việc khiến cơ thể và tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn vui vẻ hơn trong cuộc sống và ít phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người khác.
Nội dung liên quan
- "Toxic hoá" mọi thứ
Từ những ý kiến trông rất bình thường, nhưng mạng xã hội đang khiến chúng ta toxic hoá mọi thứ. Những ngày cuối năm 2021, chúng ta choáng ngộp bởi vô số drama nổ ra. Mỗi lần như vậy, hàng nghìn comment với toàn lời lẽ lăng mạ, công kích được thốt ra nhằm hạ bệ nhau.
Nhiều người toxic mọi thứ vì bản thân khó chấp nhận những quan điểm trái ngược. Việc cho rằng mình luôn đúng và thiếu sự bao dung với mặt đối lập của người khác vô tình cũng là những nguyên nhân vào dấy lên những tranh cãi không đáng có trên mạng xã hội.
Nhiều người cho phép bản thân làm tổn thương người khác với mục đích duy nhất là thoả mãn niềm vui cho bản thân giữa cuộc sống quá nhiều áp lực. Việc tiếp xúc nhiều thông tin tiêu cực khiến chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi, lo âu bởi hành động tiêu thụ tin tức vô tội vạ.
Mạng xã hội vẫn còn rất nhiều điều tích cực
Một năm trở lại đây, mạng xã hội đã biến đổi không ngừng cả về lượng lẫn về chất. Sự bùng nổ của nền tảng mới TikTok bên cạnh những ông lớn "sừng sỏ" như Facebook, YouTube càng khiến bức tranh mạng xã hội trở nên muôn màu muôn vẻ hơn bao giờ hết.
- Mảnh đất giúp định vị thương hiệu cá nhân
Mạng xã hội đang dần trở thành một bàn đệm hoàn hảo để chúng ta đưa tên tuổi của bản thân đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, xây dựng nó bằng cách nào lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Điểm lại một số hiện tượng "vụt sáng thành sao" như Khá Bảnh, Lệ Rơi, Cô Ba Vàng Ngọc, … phần nào cũng cho thấy được một khía cạnh khác của sự nổi tiếng "vô tội vạ" thông qua mạng xã hội.
Tuy vậy, không thể phủ nhận phần lớn các Social Star thành công đều nhờ vào sự đầu tư chỉnh chu về hình ảnh và quá trình hoạt động nghiêm túc trên các nền tảng mạng xã hội. Chẳng hạn, khi nhắc đến lối sống tối giản chúng ta sẽ nhớ đến Youtuber "The Hanoi Chanmomile" Nam Anh, nhắc đến thời trang cao cấp sẽ nhớ đến "Cô Em Trendy" Khánh Linh hay nhắc đến những điệu nhảy hot trend thì không ai khác ngoài TikToker Nhật Minh.
Nội dung liên quan
- Nơi lan toả giá trị ý nghĩa đến cộng đồng
Quá nhiều chỉ trích cực đoan nhắm vào mạng xã hội khiến con người dần quên rằng nó vẫn chỉ là công cụ, sử dụng như thế nào lại là việc của chúng ta. Gác lại những điều tiếng tiêu cực, vẫn còn đó rất nhiều giá trị tốt đẹp hàng ngày được lan tỏa thông qua những nền tảng này.
Câu chuyện trên là minh chứng rõ nét cho những đóng góp tích cực mà mạng xã hội đã và đang mang lại. Nhờ vào mạng lưới rộng lớn, Youtube giúp cho những phóng sự giá trị thế này đến được với nhiều người dùng hơn và kết nối họ vì những mục tiêu mang tính hành động chung.
Qua đó, chúng ta thấy rằng mạng xã hội vẫn đang âm thầm đóng góp một phần trong hành trình lan toả giá trị tốt đẹp của những lát cắt đời sống- xã hội hằng ngày.
- "Đế chế thông tin" của nhân loại
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã thay đổi cục diện trên toàn thế giới. Nhu cầu thông tin của con người trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và họ cần một nền tảng có khả năng đáp ứng tốt được điều này. Dĩ nhiên, mạng xã hội tiếp tục trở thành một giải pháp tối ưu với tiêu chí "nhanh – gọn – trực quan".
Ngày càng nhiều các đầu báo lớn và uy tín như Tuổi trẻ, Thanh niên, VnExpress,… nhận ra tiềm năng và tích cực sản xuất thông tin trên các nền tảng như YouTube, TikTok. Những clip được đăng tải từ tài khoản mạng xã hội của các báo này luôn nhận được lượt tương tác và bình luận rất cao, nhất là từ khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại Việt Nam. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ xu hướng chuyển dịch trong việc tiếp cận thông tin của người dùng từ các phương tiện truyền thống như TV, báo đài sang các nền tảng mạng xã hội thông dụng.
Nội dung liên quan
Sự tham gia của các trang thông tin chính thống trong năm vừa rồi đã khiến cho bộ mặt chung của mạng xã hội trở nên tích cực hơn, đặc biệt khi tin giả vẫn còn là vấn nạn nhức nhối trên nền tảng này. Mạng xã hội ngày càng chứng tỏ được vai trò là một kênh trung gian truyền tải thông tin chính xác và nhanh chóng đến công chúng, đồng thời tiếp nhận những phản hồi và gửi về cho cá nhân/ tổ chức sản xuất nội dung đó.
Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một "đế chế thông tin" được thiết lập trên mạng xã hội – nơi công chúng có thể tiếp cận mọi thông tin như trên Google nhưng ở một dạng thức trực quan hơn.
Nguồn: TH&PL