Các nhà tâm lý học khuyên chúng ta nên vượt qua những khoảnh khắc khó xử. Bởi ngay cả những cuộc trò chuyện không thoải mái, nó cũng có ích cho chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ
Hãy nghĩ về cuộc trò chuyện cuối cùng của bạn với một người mà bạn không quen biết. Bạn có thấy nhiều khoảnh khắc rất khó xử? Bạn có thấy người kia thú vị? Hay bạn có vui vì đã có trò chuyện với họ? Nghiên cứu từ một nhóm các nhà tâm lý học xã hội cho thấy hầu hết câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên sẽ là có.
Các nhà nghiên cứu đã tổ chức một hội thảo dành cho các cá nhân để tìm hiểu cách trò chuyện với người lạ tốt hơn và hỏi những người tham gia về những cuộc trò chuyện đó - cả trước và sau khi chúng xảy ra.
Kết quả cho thấy cả trước và sau khi trò chuyện, mọi người đều có xu hướng thấy người nói chuyện với mình thú vị. Tuy nhiên, họ lại không nghĩ rằng đối phương cũng nghĩ về họ như vậy. Và hầu hết mọi người đều nói rằng các cuộc trò chuyện ấy thực sự diễn ra "suôn sẻ" hơn họ nghĩ.
Khá khó để trò chuyện với người lạ, bởi còn quá nhiều điều chưa biết
Nói chuyện với người mà bạn không biết giống như đến một vùng chưa được khám phá vậy. So với việc nói chuyện với người yêu, bạn thân hay gia đình, việc chưa biết khiến mọi thứ trở nên khó khăn và có thể khiến chúng ta sợ sệt.
Có thể người kia sẽ nói rất nhiều, cũng có thể chúng ta sẽ nói quá nhiều. Họ có thể ngừng hoạt động. Có thể chúng ta sẽ thấy nhạt nhẽo, gượng gạo đến khó chịu và họ cũng vậy.
Luôn tồn tại những chuẩn mực xã hội bất thành văn trong mọi hoàn cảnh, những chuẩn mực mà chúng ta có xu hướng làm theo, nhưng có thể không phải lúc nào chúng ta cũng chắc chắn về điều đó. Liệu việc tiết lộ một sự thật nào đó về bản thân có khiến chúng ta trở nên đáng tin cậy hay dễ mến hơn? Mạnh dạn có khiến người khác ấn tượng hay chỉ khiến họ mất hứng?
Ngay cả những cuộc trò chuyện "không thoải mái" cũng giúp chúng ta sống vui vẻ hơn
Dù có những lần ấp úng vụng về, cùng những bước đi sai lầm và không chắc chắn thì việc trò chuyện với người mới (thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ mà chúng ta có thể sẽ không bao giờ gặp lại) là một việc làm hữu ích cho chúng ta. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả những tương tác xã hội tối thiểu (chẳng hạn như nói chuyện, nhắn tin với người lạ trong một quán cà phê) cũng giúp tâm trạng thoải mái hơn.
Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đã chọn các cá nhân một cách ngẫu nhiên khi họ bước vào một quán cà phê đông đúc ở trung tâm thành phố Vancouver, rồi hướng dẫn một số người hãy cố gắng trò chuyện với nhân viên pha chế và những người khác sao cho hiệu quả nhất có thể trong quá trình chờ lấy cà phê.
Nhóm được chỉ dẫn cho biết họ rời quán cà phê với tâm trạng vui vẻ hơn và có cảm giác thân thuộc với cộng đồng hơn so với nhóm còn lại.
Tuy rằng, không thể từ dữ liệu này mà đánh giá cụ thể xem phương pháp làm tâm trạng thoải mái có hiệu quả như thế nào khi so sánh với các phương pháp khác và liệu hiệu quả ấy sẽ kéo dài bao lâu, nhưng Tiến sĩ, giáo sư tâm lý học Elizabeth Dunn trường Đại học British Columbia nói rằng: "Nhưng đó là những việc đơn giản mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện và đem lại hiệu quả".
Người khác muốn bạn thể hiện con người thật của bạn, để họ cũng có thể thể hiện con người thật của mình
Trong một nghiên cứu khác từ Tiến sĩ Elizabeth Dunn và tiến sĩ Gillian Sandstrom, một nhóm sinh viên được yêu cầu đi đến các quầy hàng và đếm lại tất cả những lần tương tác xã hội của họ trong ngày hôm ấy. Kết quả là, những người tương tác nhiều hơn có chỉ số hạnh phúc và vui vẻ cao hơn.
Những chuyên gia này cũng nói rằng khác biệt tính không ảnh hưởng nhiều đến những dữ liệu này, bởi dù là người hướng ngoại hay người hướng nội thì chúng ta đều là những sinh vật xã hội.
Làm thế nào để trò chuyện với người lạ tốt hơn?
Can đảm lên và bớt lo lắng đi
Ngay cả khi bầu không khí có không thoải mái, hãy can đảm mở đầu một cuộc trò chuyện. Biết đâu người đó sẽ thích bạn nhiều hơn bạn nghĩ và cả hai bạn sẽ thích trò chuyện nhiều hơn bạn tưởng? Và đừng ngại nói chuyện với một người có vẻ khác với bạn. Nói chuyện với một người khác với mình, đó có thể sẽ là một trải nghiệm thú vị và sáng tạo .
Hãy tò mò
Hỏi đặt câu hỏi. Người đó có mặc trang phục thu hút sự chú ý? Tại sao họ lại quyết định đến sự kiện này? Nghiên cứu thực sự chỉ ra rằng những người đặt nhiều câu hỏi hơn được đối phương thích hơn so với những người đặt ít câu hỏi. Một câu hỏi có thể bắt đầu cuộc trò chuyện lại cũng có thể thúc đẩy cuộc trò chuyện tiếp tục.
Đừng sợ làm trái "văn mẫu" thường thấy
Bỏ qua "văn mẫu" (bạn làm nghề gì, sống ở đâu, v.v.) đi, hãy đặt những câu hỏi khiến đối phương thấy "Con người này thật thú vị". Hoặc có thể bắt đầu bằng một câu nói "vu vơ", chẳng hạn như: "Bức tranh này đẹp quá", "Không thể tin được là hôm nay đường lại tắc như thế". Những câu nói vu vơ như này đóng vai trò như những lời mời chia sẻ những tò mò.
Và cho dù bạn đang đặt câu hỏi, trả lời hay nói những câu vu vơ thì cũng hãy thành thực nhé! Mọi người muốn chúng ta thể hiện con người thật của mình để họ cũng có thể làm vậy.
Dành cho ai đó một lời khen
Chuyển sự tập trung sang người khác sẽ khiến đối phương cảm thấy thoải mái hơn. Khi nói chuyện lần đầu với những người chúng ta không quen, chúng ta thường lo lắng rất nhiều, sợ bản thân sẽ nói gì sai hoặc làm gì sai rồi khiến người kia khó chịu. Vì thế mà chuyển sự tập trung sang người khác có thể giúp chúng ta vượt qua những khoảnh khắc khó xử, gượng gạo.
Nói về điểm chung của cả hai
Ít nhất, hai bạn đang ở cùng một nơi và tận hưởng cùng một thời tiết. Đừng ngại tìm hiểu sâu hơn và tìm ra những điểm chung thú vị: có thể là có một người bạn chung, có chung sở thích...
Chúng ta thường có xu hướng quá để ý đến sự khác biệt giữa người với người, giữa họ và mình. Nhưng thực tế, có thể chúng ta có rất nhiều điểm chung, chỉ là chúng ta chưa biết đó là gì mà thôi.
Trò chuyện nhiều hơn với người bạn không quen
Trò chuyện nhiều với người lạ không chỉ khiến chúng ta vui vẻ hơn mà còn giúp nâng cao khả năng trò chuyện và khả năng đặt những câu hỏi hay và trả lời một cách thú vị hơn.
Chúng ta thường sợ sự từ chối của xã hội - rằng người đó sẽ không mấy hứng thú hoặc sẽ phớt lờ chúng ta. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy điều ngược lại rằng hầu hết mọi người luôn sẵn sàng tham gia vào một cuộc trò chuyện mới khi được người khác gợi ý.
Đừng để khó xử khiến bạn mắc lỗi
Thường thì quá trình trò chuyện với một người lạ sẽ diễn ra theo các giai đoạn như: Đầu tiên, họ nhìn bạn như thể muốn hỏi "Ủa, mình có quen người này không ta?". Sau đó, họ nhận thức được rằng họ không hề quen biết bạn. Tiếp đến là "Rồi bạn có bất bình thường không đó?". Rồi họ vượt qua tất cả những điều đó và nhận ra bạn là một người thân thiện.
Có thể sẽ có nhiều lúng túng nhưng nếu cố gắng, chúng ta sẽ đạt được những cuộc trò chuyện thực sự và biết đâu lại "thu nạp" được thêm một người bạn mới cực kỳ hợp gu?
Nguồn: TH&PL