Chứng sợ nói chuyện điện thoại: Nỗi lo mới của thế hệ trẻ?

Ngày càng có nhiều người phàn nàn về chứng sợ nói chuyện điện thoại (Call Phobia).

Chứng sợ nói chuyện điện thoại là gì?

"Chứng sợ nói chuyện điện thoại" (có tên tiếng anh là Call phobia) không phải là một căn bệnh chính thức, nhưng nó có thể được coi là một loại chứng sợ hãi, ám ảnh. 

Những người mắc phải chứng bệnh này rất ngại trả lời điện thoại, đôi khi còn nhờ ai đó nghe điện thoại hộ mình. Có người còn nói lắp khi đang nghe điện thoại hoặc viết ra những điều muốn nói với đối phương rồi luyện tập nói trước.

chung so noi chuyen dien thoai noi lo moi cua the he tre - anh 0
Những người mắc phải chứng bệnh này rất ngại trả lời điện thoại, đôi khi còn nhờ ai đó nghe điện thoại hộ mình

Anh Kim (24 tuổi, sinh viên đại học), người có số giờ nói chuyện điện thoại trong một tháng không đến một tiếng, cho biết: "Khi chuông điện thoại reo, tim tôi đập thình thịch và tôi trở nên căng thẳng. Việc giao tiếp bằng tin nhắn thoải mái hơn là gọi điện thoại. Ngay cả với bạn bè thân thiết, việc liên lạc bằng tin nhắn thay vì gọi điện thoại cũng thoải mái hơn rất nhiều. Nếu không phải là việc gấp thì chúng tôi sẽ trò chuyện bằng tin nhắn". Anh cũng nói thêm "Bình thường chỉ trao đổi, trò chuyện qua tin nhắn nên khi tự dưng nhận được cuộc gọi khiến tôi cảm thấy bối rối. Với cả, tôi cảm thấy áp lực hơn vì nói chuyện điện thoại là phải trả lời ngay lập tức".

Vì vậy, trước khi gọi điện thoại, cũng có trường hợp ghi lại những lời muốn nói với đối phương và luyện tập trước. Anh Lee (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng: "Nhiều khi tôi phải nói chuyện điện thoại trực tiếp với người giao dịch do đặc tính công việc. Nên trong trường hợp đó, tôi phải ghi ra trước những nội dung cần trao đổi. Phải như vậy thì tôi mới có thể nói đúng những gì tôi muốn nói mà không bị bối rối"

chung so noi chuyen dien thoai noi lo moi cua the he tre - anh 0
Có trường hợp nhiều người phải ghi lại nội dung cuộc nói chuyện và luyện tập nói trước cho đỡ áp lực

Nguyên nhân dẫn đến chứng sợ hãi này? 

Theo khảo sát của cổng thông tin nghề nghiệp, 91% nhân viên văn phòng đồng cảm với chứng sợ nói chuyện điện thoại.

Về lý do sợ nói chuyện qua điện thoại, họ có các câu trả lời như: "Sợ lỡ lời" (53,9%), "Vì không giỏi nói chuyện" (26,8%), "Vì quen với việc giao tiếp qua tin nhắn/Kakaotalk/Mail" (15,4%).

Có thể thấy, lý do mọi người trở nên sợ nói chuyện điện thoại là do phương thức giao tiếp đã thay đổi. Các chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân chủ yếu chính là "sự thường nhật hóa giao tiếp gián tiếp". Khi điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến thì con người cũng sử dụng nhiều hơn các ứng dụng giao tiếp bằng tin nhắn như Kakaotalk hay Messenger mà không cần thiết phải nhấc điện thoại lên để liên lạc.

chung so noi chuyen dien thoai noi lo moi cua the he tre - anh 0
Gen Z thường có xu hướng thích nhắn tin, gửi văn bản hơn là nói chuyện qua điện thoại

Ngoài ra, chúng ta có thể đặt đồ ăn, mua sắm, gọi taxi và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Một số nghiên cứu cho thấy càng là thế hệ trẻ quen thuộc với điện thoại thông minh thì lại càng ưa chuộng việc gửi tin nhắn thay vì gọi điện thoại trong giao tiếp hằng ngày. Theo Viện nghiên cứu 20slab Hàn Quốc, 61% Gen X thích gọi điện thoại và 39% thích gửi tin nhắn, văn bản, nhưng 67% Gen Z thích gửi văn bản, tin nhắn và chỉ 33% thích gọi điện thoại.

Jill Isenstadt, đại diện trung tâm tư vấn trực tuyến Joyable ở Mỹ phân tích rằng "Chứng sợ nói chuyện xảy ra do sợ tương tác". Chúng ta có thể vừa suy nghĩ vừa trả lời tin nhắn, nhưng nghe điện thoại thì không có thời gian để suy nghĩ mà phải trả lời ngay lập tức nên chúng ta cảm thấy khó khăn.

chung so noi chuyen dien thoai noi lo moi cua the he tre - anh 0
Nghe điện thoại phải trả lời ngay lập tức khiến chúng ta cảm thấy khó khăn

Đặc biệt, hiện nay, vượt ra khỏi "chứng sợ nói chuyện điện thoại", thì chứng ngại nói chuyện với người khác (Talk Phobia) cũng xuất hiện trong giới trẻ. Họ không chỉ cảm thấy không thoải mái khi gặp nhân viên bán hàng mà còn thấy áp lực khi trò chuyện với đồng nghiệp.

Anh Lee (23 tuổi, sinh viên) chia sẻ: "Khi nhân viên bán hàng ở cửa hàng mỹ phẩm nói chuyện với tôi, tôi chỉ muốn mua những thứ cần thiết và ra ngoài nhanh chóng. Tôi muốn xem hàng thoải mái hơn, nhưng nếu người khác nói chuyện với tôi, tôi cảm thấy rất khó chịu và tôi sẽ tránh né".

Vậy làm thế nào để vượt qua chứng sợ nói chuyện điện thoại?

Các nhà tâm lý học giải thích rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng đây là một chứng bệnh có thể khắc phục được. Điều quan trọng nhất là tạo sự quen thuộc với chính chiếc điện thoại. Joyable liên tục nhắc nhở những người mắc chứng sợ điện thoại rằng "Tình huống đó không hề đáng sợ". Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những người mắc chứng sợ hãi này nên khắc phục bằng cách bắt đầu với những cuộc gọi ít áp lực như cuộc gọi với người thân quen. 

chung so noi chuyen dien thoai noi lo moi cua the he tre - anh 0
Việc "cai nghiện" điện thoại cũng sẽ giúp cho quá trình khắc phục chứng sợ nói chuyện điện thoại.

Giáo sư tâm lý học tại Đại học Yonsei - Lee Dong Gwi đã chỉ ra rằng: "Nếu kéo dài chứng sợ nói chuyện điện thoại thì triệu chứng bất an có thể nghiêm trọng hơn. Điều này dẫn đến việc không chỉ trong việc gọi điện thoại, mà khi thực hiện công việc hay cuộc sống hàng ngày, hội chứng ám ảnh sợ xã hội có thể trầm trọng hơn".

Tiếp đó, ông cho biết: "Nếu bạn liên tục gọi điện thoại hoặc trò chuyện, gặp mặt những đối tượng mang lại cảm giác ổn định tâm lý như gia đình hoặc người quen gần gũi, bạn có thể loại bỏ sự ngại ngùng và tăng cường khả năng miễn dịch của bạn". Ông giải thích: “Việc ‘cai nghiện’ điện thoại cũng sẽ giúp cho quá trình khắc phục chứng sợ nói chuyện điện thoại. Dù chỉ là một giờ mỗi ngày, việc tắt điện thoại di động, máy tính và thay vào đó gặp gỡ người thân thiết hoặc gọi điện thoại cho họ sẽ giúp ích rất nhiều".

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ