Nơi làm việc có nhiều thế hệ luôn khiến việc giao tiếp thật khó khăn, hãy bỏ túi những tips dưới đây để Gen Z vượt qua điều đó.
Mỗi môi trường làm việc luôn có một cách vận hành và giao tiếp khác nhau. Với kinh nghiệm đào tạo cho nhiều thế hệ trong nhiều năm, chuyên gia Ryan Jenkins đã chỉ ra năm cách đơn giản để các Gen Z có thể giao tiếp “vượt thế hệ” thành công, đơn giản và hiệu quả.
1. Nhận thức được đặc điểm của các thế hệ
Xác định được phương thức đặc trưng của mỗi thế hệ chính là chìa khoá trong giao tiếp. Chúng ta không cần hiểu tường tận toàn bộ cách thức giao tiếp, điều quan trọng là chọn cách phù hợp nhất với đối tượng mà ta nhắm đến.
Baby Boomers (thế hệ có năm sinh từ 1946 đến 1964) ưa thích cách giao tiếp trực tiếp. Những cuộc gọi hay gặp mặt trực tiếp với thái độ trang trọng sẽ phù hợp với họ. Đặc biệt, hãy chuẩn bị thông tin và tài liệu thật chính xác, vì họ sẽ rất chú ý đến những chi tiết nhỏ.
Gen X (thế hệ có năm sinh từ 1965 đến 1980) linh hoạt hơn trong giao tiếp. Từ email, điện thoại cho đến Facebook, họ đều có thể sử dụng thành thạo. Gen X chú trọng vào thái độ chuyên nghiệp trong giao tiếp nhiều hơn phương thức.
Millennials (thế hệ có năm sinh từ 1981 đến 1994) có thể giao tiếp thông qua phần lớn các phương thức hiện nay, họ linh động hơn Gen X ở việc đa dạng hoá các phương tiện mạng xã hội. Millennials thích sự hiệu quả và ưu tiên các phương thức hiện đại.
Gen Z (thế hệ có năm sinh từ 1995 đến 2010) có thể sử dụng thành thạo hầu như mọi phương tiện hiện nay với khả năng học hỏi và thích nghi nhanh. Gen Z ưu tiên các phương tiện mạng xã hội nhưng cũng thoải mái với các cách tiếp cận truyền thống.
2. Xác định đúng thế hệ và phương tiện phù hợp
Từ những đặc điểm trên, chúng ta có thể chọn cách tiếp cận phù hợp đến từng thế hệ cụ thể. Ví dụ, Baby Boomers muốn kết nối với Gen Z thì không nên gọi trực tiếp hay để lại lời nhắn thoại. Nhắn tin hay email sẽ là cách mang lại nhiều hiệu quả hơn. Ngược lại, Gen Z nên gọi hoặc hẹn gặp trực tiếp Baby Boomers, thay vì FaceTime hay qua mạng xã hội.
Ngoài ra, lựa chọn phương tiện còn phải phù hợp với loại thông tin mà chúng ta muốn truyền tải. Liên lạc qua điện thoại thường phù hợp với các cuộc trò chuyện dài, nhiều cảm xúc và khó thể hiện qua chữ viết. Email thường dùng để giao/nhận brief, các tài liệu giàu thông tin và có cấu trúc phức tạp. Chat (qua mạng xã hội) thích hợp cho thông báo chung, tin tức mới hoặc giao tiếp hàng ngày. Videocall (Zoom, FaceTime, v.v) phù hợp với những cuộc nói chuyện dài, nhiều tương tác, trao đổi và có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp.
3. Lựa chọn cách phản hồi hợp lý
Khi phản hồi lại một thông điệp giao tiếp, chúng ta nên chọn cách trả lời bằng chính cách gửi đi. Điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn trong cuộc trò chuyện. Ví dụ, khi Gen X nhận được tin nhắn từ Baby Boomers, họ nên gửi lại tin nhắn thay vì gọi trực tiếp cho đối phương.
Nếu phải bắt buộc thay đổi phương tiện khi trả lời, hãy nắm thật rõ nội dung của thông điệp nhận được để có thể phản hồi chính xác và hợp lý.
4. Hãy yêu cầu cách giao tiếp mà mình mong muốn
Mặc dù chúng ta có thể nắm được những đặc điểm cơ bản của từng thế hệ, tuy nhiên, mỗi người luôn có một phương tiện ưa thích khác nhau. Do đó hãy thẳng thắn trình bày phương tiện mà bạn mong muốn đồng nghiệp sử dụng khi cần liên hệ với bạn. Đồng thời, bạn cũng phải tôn trọng và ghi nhớ cách thức mà mọi người muốn bạn liên lạc với họ, nhằm tạo ra sự thoải mái và tiện lợi nhất trong công việc.
5. Tạo “team” và thống nhất cách giao tiếp
Giống như điều thứ 4 nhưng rộng ra, bạn có thể tạo một team trong công việc, thống nhất với nhau về các phương tiện khi giao tiếp trong các tình huống nhất định. Với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hoá các phương tiện giao tiếp, việc có một nhóm như việc sẽ giúp công việc trôi chảy, hiệu quả và ít tốn thời gian hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc ở trong một nhóm và đạt được các thoả thuận đồng nghĩa với việc chúng ta phải tuân theo, tôn trọng và không được vi phạm chúng, để nhóm có thể hoạt động hiệu quả trong thời gian dài.
Giao tiếp là một kỹ năng yêu cầu thời gian để có thể thành thạo và vận dụng hiệu quả. Đây là một kỹ năng tối quan trọng trong công việc, đặc biệt là với các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi bạn đã hoàn toàn hiểu rõ và nắm được kỹ năng này, việc giao tiếp trong công việc của bạn sẽ trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều, cho dù đối phương đến từ thế hệ nào đi chăng nữa.
Nguồn: TH&PL