Khi có một chiếc bánh to, bạn không thể lẳng lặng ăn một mình được, nếu như lần sau người khác lại làm điều tương tự như vậy với bạn, liệu bạn có còn cho đó là điều bình thường?
Ai rồi cũng sẽ có một khoảng thời gian nào đó phải "chung đụng" với nhau trong cuộc sống tập thể. Điển hình là khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Nhiều bạn sẽ lựa chọn gắn bó với kí túc xá, hay ở trọ ghép… để tiết kiệm chi phí sinh hoạt và để thuận tiện hơn cho việc học tập. Đó đều là những môi trường tập thể căn bản.
Trong tập thể, mỗi cá nhân là mỗi màu sắc riêng biệt, họ có thể đến từ nhiều nơi và mang một đặc điểm tính cách khác nhau. Nhưng một khi đã sống trong một tập thể với nhau, chúng ta đều cần buông nhẹ cái tôi cá nhân để hòa nhập vào cái chung và điều đó không hẳn là một việc dễ dàng. Điều chúng ta cần là thấu hiểu và tôn trọng nhau, như vậy tập thể mới "vững mạnh" và ít có mâu thuẫn.
Hoà cái ''tôi'' cá nhân vào cái ''chung'' của chúng ta
Cái "chung" ở tập thể rất nhiều như sống chung, ăn chung, ngủ chung, chơi chung,… Hãy dẹp bỏ sự hẹp hòi, ích kỷ sang một bên, thay vào đó là sự sẻ chia và mở lòng - điều đó giúp mọi người gắn kết và yêu thương nhau hơn.
Khi có một chiếc bánh to, bạn không thể lẳng lặng ăn một mình được, nếu như lần sau người khác lại làm điều tương tự như vậy với bạn, liệu bạn có còn cho đó là điều bình thường, "của mình thì mình ăn thôi" không? Hãy chia sẻ những gì có thể chia sẻ được cho mọi người, hãy cởi mở, bao dung sống với nhau những ngày yên bình và giúp nhau vượt qua những lúc khó khăn.
Tôn trọng lẫn nhau
Khi ở một mình bạn mở loa nghe nhạc to cỡ nào cũng được, bừa bộn, cẩu thả bao nhiêu cũng không sao, nhưng bạn phải thay đổi khi ở trong tập thể. Vì cho dù đó là thói quen hay sở thích của bạn nhưng nó ảnh hưởng lại đến người khác thì khó bỏ bao nhiêu bạn cũng phải từ từ tiết chế. Không gian là của chung và người khác cũng cần sự yên tĩnh.
Tôn trọng lẫn nhau nhất là tôn trọng sự riêng tư của nhau, cho dù là sống chung nhưng mỗi người cũng có một góc riêng tư của bản thân như nhật ký, điện thoại, vật dụng cá nhân… Đó là sự tôn trọng tối thiểu.
"Cho nhau không gian riêng". Ở chung một không gian không có nghĩa là cuộc sống sinh hoạt của mỗi cá nhân cũng phải dính chặt lấy nhau. Xử lý tốt chuyện của mình, hạn chế làm phiền người khác. Nếu đủ mạnh mẽ, đừng quá để ý đến việc phải một mình. Đừng vì muốn có mối quan hệ tốt với mọi người mà bất chấp tất cả kiếm về cho mình cái danh "người tốt", điều đó chỉ khiến bạn mệt mỏi và chẳng bao giờ vui vẻ" - TS Lê Thẩm Dương từng chia sẻ.
Giúp đỡ lẫn nhau
Sống trong một tập thể nên giúp đỡ lẫn nhau, "có qua thì có lại", nhất là những lúc ốm đau. Khi bạn buồn tôi an ủi bạn còn khi tôi suy sụp về một phương diện nào đó bạn lại động viên tôi.
Vì đã xác định là gắn bó với nhau lâu dài nên mỗi người nên tự ý thức và quan tâm đến mọi người trong tập thể, vì ít nhất là trong khoảng thời gian này họ là người đi cùng và sát cánh cùng nhau. Giúp đỡ lẫn nhau là cách nhanh nhất để gắn kết tình cảm trong tập thể, mọi người từ thấu hiểu sẽ đồng cảm và sẻ chia với nhau nhiều hơn.
Giao tiếp và lắng nghe
Trong quá trình học tập, sinh hoạt chung sẽ khó tránh khỏi những cuộc cãi vã hay mâu thuẫn, nhưng hãy kiềm chế và bình tĩnh một chút. Trước khi to tiếng với nhau chúng ta còn nhiều cách khác để ngồi lại và lắng nghe nhau, cũng có thể từ từ góp ý và bày tỏ ý kiến riêng theo những cách lịch sự hơn.
Ai cũng có cái tôi riêng nhưng khi sống trong tập thể chúng ta nhất thiết phải biết tiết chế nó. Mọi mâu thuẫn cần được giải quyết dứt điểm, những cuộc chiến tranh lạnh trong tập thể thực sự là một "quả bom nổ chậm" khiến chúng ta có những kỉ niệm không tốt đẹp về nhau và rõ ràng nhất là khiến mỗi chúng ta đều không thoải mái.
Mọi người đều là vì muốn có một cuộc sống tự lập mới mà trở thành những mảnh ghép chung trong một tập thể. Vậy hà cớ gì mà chúng ta lại không thể sống những ngày tháng yên bình và vui vẻ, cùng nhau tạo nên những ký ức khó quên của một tuổi trẻ đáng sống.
Nguồn: TH&PL