Hospitality tại sao lại hot đến vậy? Điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưỡng và một tấm vé cạnh tranh.
Hospitality là gì và gồm những ngành nào?
Hospitality là một trong những ngành phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thuật ngữ này có vẻ xa lạ đối với những người nằm ngoài khối ngành này. Bởi vì nó chỉ phổ biến ở Việt Nam trong vòng hơn một thập niên trở lại đây.
Hospitality thật ra là một thuật ngữ phổ biến để chỉ chung ngành dịch vụ khách hàng. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn hay nhầm lẫn hospitality là chỉ riêng ngành khách sạn, du lịch. Tuy nhiên, ngành này rộng hơn với 3 mảng chính đó là Ẩm thực, Dịch vụ lưu trú, Dịch vụ - lữ hành.
Tại sao Hospitality lại có điểm đầu vào cao ngất ngưỡng và là một tấm vé cạnh tranh?
Được ví von như ngành công nghiệp không khói trị giá hàng tỷ USD. Ở các nước phát triển, hospitality luôn chiếm giữ một tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế. Thậm chí, ở một số quốc gia như: Thụy Sĩ, Singapore, đây còn là một ngành mũi nhọn.
Ngành Hospitality ở Việt Nam đang ngày càng phát triển. Do đó, đòi hỏi một số lượng lớn nhân sự chất lượng cao. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần thêm 25.000 nhân sự mới cho ngành hospitality.
Khi mỗi mùa tuyển sinh đến, những câu chuyện về việc lựa chọn ngành cho các bạn học sinh lớp 12 lại cứ râm ran. Các bạn nghe nói nhiều về ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành. Không biết từ khi nào người ta truyền tai nhau là "đăng ký ngành Du lịch đi vì ai cũng bảo nó hot".
Cũng chính vì thế, ngành du lịch của các trường cứ dần tăng lên theo thời gian. Thậm chí điểm số của ngành này ngày một tăng và là ngành có điểm số đầu vào cao ngất ngưỡng.
Đột nhiên, dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng rất lớn đến các ngành và trong đó du lịch là một trong những ngành có ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, nguyện vọng vào ngành này của các bạn trẻ vẫn đang là xu hướng. Năm 2020 điểm chuẩn của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐHKHXH&NV thuộc khối C là 27,3 và khối D01, D14 là 26,25, chỉ xếp thứ hai sau ngành Báo chí.
Mặc khác, chúng ta không thể không phủ nhận mức độ phủ sóng của các ngành hot ngày nay. Bởi lẽ, ngành nào được đông đảo các bạn lựa chọn để theo học là y như rằng đó là nguyện vọng đầu tiên. Do tác động của hiệu ứng đám đông, ngành nào, trường nào càng nhiều người lựa chọn thì khối lượng học sinh đăng ký vào càng lớn.
Cơ hội nghề nghiệp của Hospitality trong ngành du lịch khách sạn: Dễ nhưng cũng rất khó
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới năm 2018, ngành Hospitality tạo ra số lượng việc làm dẫn đầu thế giới. Trong 10 năm tới, ngành này sẽ tạo ra 444 triệu việc làm mới, chiếm 1/10 công việc trên toàn cầu. Theo đó, cơ hội nghề nghiệp ngành Hospitality có thể phát triển theo nhiều hướng và ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các bạn sinh viên theo học ở ngành này có thể là việc ở nhiều vị trí khác nhau và nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ riêng trong các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng mà còn những cơ hội ngành nghề khác. Vì Hospitality liên quan trực tiếp đến dịch vụ chăm sóc khách hàng nên sinh viên sau khi ra trường có thể làm ở những bộ phận tiếp xúc với khách hàng ở các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, cơ hội nghề nghiệp của Hospitality trong ngành du lịch khách sạn dễ nhưng cũng rất khó. Cái khó ở đây là Hospitality là một ngành mang tính đặc thù, nhằm mang đến cho khách hàng sự hài lòng cao nhất và những trải nghiệm tuyệt vời. Do đó, để làm việc và thăng tiến trong ngành này cần có nhiều tiêu chí.
Tiêu chí đầu tiên là có kiến thức, trình độ chuyên môn. Ngày nay, nhu cầu của khách hàng ngày càng trở nên cao cấp và khắt khe hơn, sự cạnh tranh giữa các nhà hàng, khách sạn cũng rất lớn. Do đó, nhà tuyển dụng nào cũng đều cần một đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, am hiểu về ngành để mang đến cho sự phục vụ chu đáo và chuyên nghiệp nhất.
Thứ hai, giỏi kỹ năng mềm. Những kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... là những tố chất cần thiết đối với nhân sự làm việc trong ngành Hospitality vì bạn phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, giải đáp mọi thắc mắc, phàn nàn từ khách hàng...
Thứ ba là ngoại ngữ. Đây được xem là tiêu chí quan trọng nhất đối với một người làm trong ngành hospitality vì nó quyết định đến mức độ thăng tiến trong nghề nghiệp của bạn. Với xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay thì trình độ ngoại ngữ là một điểm cộng cho bạn và nó là yếu tố cần cho người làm trong ngành. Bởi ngành Hospitality rất năng động, chuyên nghiệp, bạn sẽ phải gặp gỡ và làm việc với nhiều người đến từ nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau.
Nguồn: TH&PL