Người trẻ lỡ hẹn chuyến xe cuối để về nhà đón Tết, ở lại TP.HCM để làm thêm, lương nhân ba.
Chỉ còn vỏn vẹn khoảng 3 tuần nữa, tết đã cận kề sau một năm nhọc nhằn nhưng đến thời điểm này, nhiều bạn trẻ vẫn còn ngập ngừng theo kiểu nửa về quê nửa ở lại TP.HCM. Rất nhiều lý do phải nghĩ để đi đến quyết định ở hay về.
Hơn hết những bài hát về Tết, về gia đình những ngày gần đây được giới trẻ ríu rít trên mạng xã hội như một lời nhắc nhớ một cái Tết lại sắp đến, là khoảng thời gian trở về nhà đoàn tụ bên gia đình, sum vầy bữa cơm đoàn viên. Nghe bài rap của Đen Vâu, những câu từ ý nghĩa của bài hát Tết Này Con Sẽ Về đã làm nhiều người trẻ rộn ràng chờ ngày về nhà.
Năm vừa qua là một năm vô cùng đáng nhớ và nhiều thử thách cho tất cả mọi người, vượt qua nỗi sợ dịch bệnh, những ngày đóng băng vì giãn cách, bỏ lỡ nhiều dự định và hơn hết là chẳng thể về nhà. Khoảnh khắc cuối năm ai cũng mong chờ ngày đoàn viên nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều bạn trẻ lại chọn ở lại thành phố, đi làm thêm để có thêm những khoảng dư "mang tiền về cho mẹ" dịp gần nhất.
"Tết đầu tiên...mình chọn ở lại"
Khác hẳn với mọi năm trước đây, thay vì ngồi trước lịch bàn lấy bút gạch từng con số trên tờ lịch, chờ thông báo trường cho nghỉ học để về nhà đón Tết. Năm nay, tết đối với cậu bạn Kim Long có phần khác biệt, cảm giác lạ hơn nhưng hứa hẹn một cái tết Nhâm Dần đáng nhớ.
Kim Long (quê cà Mau) hiện đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đã quyết định ở lại TP.HCM vào dịp Tết này để làm thêm, kiếm thêm tí thu nhập để trang trải chi phí học tập. Khi dịch bùng phát tại TP.HCM, sinh viên được trở về nhà để tránh dịch, cậu bạn 10X này cũng không là ngoại lệ. Long cho biết mình đã có hơn 8 tháng ở quê, những dự định của năm 2021 vẫn còn nhiều dang dở. Cậu bạn tranh thủ trở lại thành phố ngay sau khi hết giãn cách xã hội.
"Bản thân mình phải ở nhà hơn nửa năm, trong thời gian đó mình chẳng làm được gì theo kế hoạch đã vạch ra trước đó, cho nên bây giờ mình muốn tận dụng thời gian này ở lại thành phố để làm thêm kiếm tiền, để thực hiện nhiều dự định đã bỏ lỡ ở năm cũ" - Long chia sẻ.
Cậu bạn trở lại TP.HCM được khoảng hơn 3 tháng, tìm kiếm cho mình một công việc tại chuỗi nhà hàng lớn nên cũng có mức thu nhập đủ trang trải sinh hoạt phí, tiết kiệm để có thể đóng học phí,...Đây là lần đầu tiên quyết định ở lại để làm thêm Tết, Long cũng có chút phân vân với quyết định của bản thân.
" Đây là lần đầu tiên, mình ở lại Sài Gòn làm Tết, bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập, làm việc vào các ngày Tết sẽ được hưởng quyền lợi như lương x3, các anh Sếp lớn lì xì, các anh chị sẻ chia,...
Bên cạnh việc làm Tết, mình quyết định ở lại ăn Tết Sài Gòn vì muốn trải nghiệm được cảm giấc yên bình của Sài Gòn, bởi nghe thiên hạ đồn, Tết đến Sài Gòn trở nên yên lặng lắm,..." - Long kể về những dự định trong tết này.
Đồng thời cậu bạn quyết định ở lại cũng vì muốn được bảo vệ sức khỏe cho gia đình trong thời gian dịch bệnh căng thẳng.
"Quyết định ở lại Sài Gòn ngoài trang trải và có thêm khoảng thu nhập thì mình ở lại để bảo vệ sức khoẻ của mọi người trong gia đình ở quê. Mình sợ nếu về mà lại dương tính thì gia đình sẽ không có được một cái Tết trọn vẹn".
Kim Long cũng cho biết thêm gia đình đã ủng hộ và vui vẻ trước quyết định này của cậu bạn. Mọi người thường xuyên gọi điện cho nhau để chia sẻ và hơn hết Long và gia đình cho rằng đây là một trải nghiệm thú vị trong hành trình tuổi trẻ của Long.
"Mang lại niềm vui cho những người không thể về nhà"
Lại thêm một năm lỡ hẹn để về nhà đón Tết cùng gia đình, Gia Bảo (quê Lâm Đồng) đã quen với việc ở lại Sài Gòn suốt ba năm qua. Một khoảng thời gian dài không về, cậu bạn này cũng chọn đi làm thêm để có cho mình những khoảng thu nhập nhất định. Gia Bảo có niềm đam mê với công việc F&B nên cậu luôn chọn làm Tết ở những quán cà phê, nơi được phục vụ khách hàng để vơi đi cảm giác xa nhà vào dịp quan trọng như này.
"Tính đến hiện tại thì đã 3 năm rồi mình chưa về quê, cũng một khoảng thời gian khá dài. Mình dự định sẽ tiếp tục làm việc và dành thời gian để về quê hoặc một kỳ nghỉ sau Tết nếu có cơ hội. Mình vẫn cố làm việc để có thêm nguồn thu, để 'mang tiền về cho mẹ', Tết là dịp mình giàu có hơn so với ngày thường" - Gia Bảo chia sẻ.
Dẫu biết, về quê trong dịp Tết không có gì vui hơn ngoài việc các thành viên trong gia đình được đoàn tụ ăn bữa cơm, trò chuyện, thăm hỏi, cùng chúc cho nhau một năm mới an lành, hạnh phúc và luôn gặp nhiều may mắn... nhưng vì nhiều lý do nên Bảo vẫn chọn ở lại Sài Gòn để làm việc.
Với mức lương nhân ba, đôi lúc được cho thêm tiền từ khách, Gia Bảo cảm thấy Tết ở Sài Gòn cũng không quá buồn như tưởng tượng trước đây. Cậu bạn thường đăng kí "full" lịch vào các mùng, luôn bận rộn với công việc F&B.
"Sau khi hết dịch thì mình dành phần lớn thời gian của mình cho công việc, nên lần này có dịp mình sẽ đi ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp tại Sài Gòn sau khi tan ca để có thể nói chuyện, kể nhau nghe về bản thân trong một năm đầy khó khăn vừa qua".
Với ba năm gắn bó với Sài Gòn vào dịp Tết, Gia Bảo luôn thích được đi làm, được đem lại niềm vui cho những đứa con xa quê như cậu bạn. Gia đình Bảo cũng dần quen với việc cậu con trai xa nhà vào dịp Tết nhưng lại sum vầy sau những ngày Tết đi qua.
"Đây không phải lần đầu mình ở lại Sài Gòn vào ngày Tết"
Cũng giống như Gia Bảo, cậu bạn Tiến Khôi (quê Kiên Giang) cũng đã có ba cái Tết xa nhà. Luôn cảm thấy buồn, có chút tủi thân khi ngày Tết không được về quê bên gia đình. Vì lựa chọn tự lập, Khôi cho rằng dịp lễ, tết là cơ hội để phát triển công việc dịch vụ của mình.Những năm gần đây, cứ đến dịp gần Tết, cửa hàng cho nhân viên đăng kí làm Tết, Khôi luôn đánh dấu đủ các mùng mà chẳng để dư ra khoảng trống nào.
"Nếu không về nhà dịp Tết này mình nghĩ mình sẽ buồn, nhưng mà mình cũng quen với cảm giác này rồi. Mình chọn chăm chỉ đi làm để bận rộn hơn, có thêm tiền để lo cho cuộc sống của bản thân thêm tốt hơn. Bên cạnh đó, mình cũng được dịp nhìn Sài Gòn khác lạ hơn so với ngày thường".
Công việc ngày Tết đối với Khôi vừa vui vừa buồn, vui vì được nhìn thấy mọi người náo nhiệt đón Tết, đi chơi Tết sau một năm dài vất vả. Nhưng đồng thời đó, công việc vào ngày Tết đòi hỏi hơn về sức khỏe, khối lượng công việc cũng có phần "nặng" hơn so với ngày thường.
"Nhắc đến Tết là mình luôn nhớ đến cảm giác bận từ sáng đến chiều, nhung vui vì có đồng nghiệp kề bên. Lúc nào cũng động viên nhau cố lên, cố thêm tí nữa. Nhưng nhiều hôm cũng buồn, mùng 1 Tết năm trước mình bị la 'khai bát' đầu năm chỉ vì bưng nước ra cho khách chậm" - Tiến Khôi tâm sự.
Tết Nhâm Dần sắp đến, điều mong ước duy nhất lúc này là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mọi người được an toàn đón Tết. Một cái Tết bình an sẽ đến với mọi nhà.
Nguồn: TH&PL