Hội chứng "Cơn bão Cytokine" đằng sau sự ra đi của nghệ sĩ Phi Nhung

Nghệ sĩ Phi Nhung qua đời ở tuổi 49 vào lúc 12h15 trưa nay ngày 28/9 sau khi phát hiện mắc Covid-19 vào tháng 8/2021

Trước sự ra đi của ca sĩ Phi Nhung không ít người không tránh khỏi bàng hoàng và xót xa. Dù được đội ngũ y bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa nhưng Phi Nhung đã không may mắn vượt qua căn  bệnh này.

Nữ ca sĩ Phi Nhung được phát hiện mắc Covid-19 và được đưa vào điều trị từ ngày 19/08 tại bệnh viện Gia An 155, Tp. Hồ Chí Minh sau đó chuyển qua cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy khi tình hình sức khoẻ chuyển biến xấu. Thời gian tiếp theo Phi Nhung phải thở máy ECMO và lọc máu liên tục vì biến chứng nặng từ phổi đông đặc đến hoại tử một phần phổi.

hoi chung con bao cytokine dang sau su ra di cua nghe si phi nhung - anh 0
Nghệ sĩ Phi Nhung đã qua đời trưa ngày 28/9 trước sự thương xót của nhiều người

Ngoài ra hội chứng "bão cytokine", một hội chứng ở bệnh nhân mắc Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh tình Phi Nhung trở nặng và vì không chống chọi lại được nó mà nữ ca sĩ đã ra đi mãi mãi.

Chúng ta biết gì về hội chứng "bão cytokine"?

Trong bài viết về sức khoẻ tổng quát, TS.BS Hoàng Minh Đức thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cho biết "bão cytokines" hay "cytokine storm" là một thuật ngữ khoa học được sử dụng lần đầu tiên trong một bài báo khoa học vào năm 1993 miêu tả quá trình phản ứng dữ dội của hệ miễn dịch trong một nghiên cứu về bệnh ghép chống chủ "Graft-versus-host disease".

Trên lý thuyết, cơn bão cytokine được định nghĩa là hiện tượng tăng đột ngột không kiểm soát một lượng lớn các cytokines được tiết ra từ các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch do bị kích thích bởi nhiều tác nhân khác nhau, đặc biệt là trong nhiễm trùng và phản ứng của cơ thể chống lại sự tấn công của virus.

hoi chung con bao cytokine dang sau su ra di cua nghe si phi nhung - anh 0
Ảnh minh hoạ các Cytokines

Cytokines là một quần thể đa dạng các hoạt chất protein được tiết ra từ các tế bào với mục đích dẫn truyền các tín hiệu nội bào và tham gia trực tiếp vào quá trình giao tiếp giữa các tế bào trong cơ thể (cell-cell communication).

Chức năng hoạt động của cytokines dựa trên 03 cơ chế chính: Autocrine (cơ chế tự kích hoạt của tế bào – cytokines được tiết ra từ tế bào mẹ và kích hoạt chính tế bào đó), paracrine (cơ chế kích hoạt các tế bào xung quanh – cytokines được tiết ra từ một tế bào và tác động lên các tế bào xung quanh nó), và endocrine (cơ chế kích hoạt nội tiết – cytokines được tiết ra từ một hoặc nhiều tế bào và tác động lên các tế bào đích nằm ở các vị trí khác nhau trên cơ thể).

hoi chung con bao cytokine dang sau su ra di cua nghe si phi nhung - anh 0
Hội chứng "bão Cytokine"

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết Hội chứng cơn bão cytokine có thể dẫn đến tử vong khi các cytokine tấn công nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể như phổi, gan. Hội chứng này còn gặp phải ở những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khác như thuỷ đậu, cúm gia cầm, Ebola, hội chứng suy hô hấp cấp tính, viêm khớp ở người trẻ tuổi,…

Trên bệnh nhân Covid-19, khi virus xâm nhập vào tế bào, chúng sẽ nhanh chóng tự nhân bản và kích hoạt các tế bào miễn dịch gửi tín hiệu cho cơ thể để chiến đấu với virus.Trong đó có những bệnh nhân với hệ miễn dịch khỏe mạnh đã bảo vệ cơ thể khỏi virus mà không làm xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc ho, mặc dù những bệnh nhân này vẫn có khả năng lây truyền virus cho người khác.

hoi chung con bao cytokine dang sau su ra di cua nghe si phi nhung - anh 0
Hội chứng bão cytokine ở bệnh nhân Covid - 19 có thể gây tử vong

Trong một số trường hợp khác, "bão Cytokine" khiến hệ miễn dịch ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải phản ứng liên tục và kéo dài, ngay cả khi virus đã không còn khả năng đe dọa. Lúc đó, việc giải phóng quá nhiều cytokine sẽ nhanh chóng đẩy cơ thể vào tình trạng bị kiệt sức. Những cytokine này tấn công vào phổi và làm phá vỡ các mô phổi. Khi đó, những túi khí nhỏ chứa chất lỏng trong mô phổi bị rò rỉ sẽ gây ra viêm phổi và làm thiếu hụt oxy trong máu.

Khi phổi bị tổn thương nặng và gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính, các cơ quan khác bắt đầu bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng suy đa tạng. Nếu chuyển biến nặng thì hội chứng bão cytokine ở bệnh nhân Covid - 19 có thể gây tử vong.

TS.BS Quan Thế Dân cũng cho hay "bão Cytokine" tàn phá phổi một cách nặng nề. Trong đó ông giải thích rõ các cytokine tràn ngập trong máu, như một cơn bão… gây nên các các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho, thâm nhiễm tế bào đơn nhân các cơ quan. Phản ứng viêm quá mức xảy ra, các phế nang xung huyết, tràn ngập dịch viêm, thành phế nang dày lên, giảm sức căng bề mặt, các mao mạch xung huyết. Tất cả cản trở hấp thụ oxy khiến oxy trong máu giảm thấp.

hoi chung con bao cytokine dang sau su ra di cua nghe si phi nhung - anh 0
Trên phim X-quang người ta thấy hình ảnh hai lá phổi trắng xóa

Tuy nhiên có điều kỳ lạ là mặc dù oxy máu giảm thấp nhưng người bệnh không nhận thức được tình trạng này. Cytokine làm đông máu rải rác khắp các mao mạch phổi, tắc nghẽn lượng máu đến các phế nang, dẫn đến trao đổi oxy càng tồi tệ thêm. Hậu quả là hai lá phổi sũng nước, đông đặc lại. Người ta dùng thuật ngữ phổi bị gan hóa. Tức là lá phổi khỏe mạnh có màu trắng hồng, xốp, chứa đầy hơi, khi thả xuống nước thì nổi. Còn lá phổi viêm đông đặc xung huyết thì màu tía, chắc nặng như lá gan, thả xuống nước là chìm.

Lúc này người bệnh khó thở rất nặng, môi và đầu ngón chân ngón tay tím tái, người bệnh rất mệt há mồm ra thở, nhịp thở trên 30 lần/phút, nặng nữa thì lú lẫn hôn mê. Đo bão hoà oxy máu thấy xuống thấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. 

Mặc dù nữ ca sĩ Phi Nhung đã được hỗ trợ thở ECMO kết hợp những phương pháp điều trị tích cực khác nhưng có lẽ "cơn bão Cytokine" này ảnh hưởng quá lớn, khi không thể chống cự, nữ ca sĩ đã ra đi mãi mãi trong vô vàn tiếc nuối của bạn bè, gia đình và người hâm mộ.

Gia tài tuổi trẻ vô giá của những khán giả mến mộ ca sĩ Phi Nhung

Covid-19 phải có chủng ngừa hàng năm như một loại virus "sống cùng" con người

"Tiêu diệt Covid" và "Sống chung với Covid": Mỗi quốc gia một chiến lược khác nhau

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ