Phương thức học online được áp dụng tối ưu nhất trong mùa dịch có thực sự hiệu quả?
“Bị lag nên em out ra”, “mạng chập chờn”, “thầy nói em không nghe rõ",... Đây là hàng loạt câu than thở của học sinh, sinh viên trong thời gian học online trong mùa dịch Covid-19. Người trẻ cũng đã và đang tập thích nghi dần với việc học online mỗi sáng, lòng khát khao mong dịch sớm qua để trở lại trường học.
Ngày chưa có dịch, nỗi ám ảnh mỗi sáng thức dậy đến trường luôn làm người trẻ oằn mình, ngán ngẫm. Ai cũng khóc than cảnh 5 tiết học dài quá đỗi, ngáp ngắn ngáp dài ở lớp, vậy mà giờ đây khi dịch diễn ra, được ở nhà, nhưng chẳng vui tí nào!
Như lời của Bảo An chia sẻ khi đã học online gần hai tháng qua, "Mình sáng nào cũng thức dậy lúc 7h để vào tiết trên Google Meet, học trực tiếp ở trường đã khó tập trung học ở nhà còn khó hơn rất nhiều lần. Mình luôn trong tình trạng đầu bù tóc rối, đang học thì nấu cơm, gọi ăn cơm...Nói chung, mình mong dịch qua nhanh để đi học lại, để được gặp thầy cô, bạn bè. Mình hơi ngán học online".
Biến động của dịch Covid 19 làm thay đổi hình thức học tập của GenZ: vừa học online, vừa xem youtube, vừa làm việc nhà
Corona - thực thể nhỏ bé hơn cả vi khuẩn cho đến thời điểm hiện tại đã len lỏi vào trong cơ thể của hơn 80 triệu người trên khắp thế giới. Hơn một năm vừa qua, Gen Z không còn những giờ học vui đùa cùng các bạn và thầy cô như những thế hệ trước. Dịch Covid-19 bùng phát làm cho những giờ học trở nên ít đi và mỗi bạn đến lớp trong thời gian giãn cách xã hội cũng không có cơ hội để tiếp xúc gần nhau.
Khi đại dịch lên mức đỉnh điểm, mọi trường học đều tạm dừng hoạt động, người dân được khuyến khích ở nhà càng nhiều càng tốt, quán ăn, rạp chiếu phim, các khu vui chơi giải trí đều thực hiện lệnh đóng cửa. Với các bạn trẻ, đây đáng lẽ là giai đoạn để các bạn tập trung cao độ cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới và cũng là giai đoạn để các bạn thư giãn sau những giờ học tập mệt mỏi. Nhưng hầu như những hình thức học tập cũng như giải trí đều quy tụ trên một chiếc điện thoại hay một chiếc máy tính.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các buổi concert, các quán trà sữa hay rạp chiếu phim,… đều ngưng hoạt động. Chính vì thế mà hình thức học tập hay giải trí đều thực hiện online. Trào lưu review phim đến với giới trẻ như một món ăn tinh thần giữa mùa đại dịch. Các clip Tik Tok, review là những tìm kiếm dẫn đầu danh sách có lượt tải nhiều nhất trong năm 2020. Trong suốt một năm qua, giới trẻ xem những hình thức giải trí này là món ăn tinh thần trong mùa dịch.
Sự phát triển của công nghệ 4.0, các ứng dụng học tập trực tuyến ra đời như một công cụ đắt giá của thế hệ trẻ. Trong thời gian giãn cách xã hội, các ứng dụng này là mối liên kết giữa thầy cô và các bạn trong quá trình giảng dạy. Hầu như chiếc điện thoại thông minh là người bạn đồng hành của các bạn trẻ ở thời điểm này. Chưa bao giờ, thế hệ trẻ vừa ăn, vừa xem mukbang, vừa học trực tuyến như trong thời điểm này. Đây là phương thức học tập được áp dụng tối ưu nhất trong mùa dịch. Thế nhưng, giới trẻ nhận ra rằng việc học tập trên lớp bị chê bai bấy lâu hóa ra lại là phương pháp học tập hiệu quả nhất.
Lắng nghe giới trẻ nói về những bất cập khi học online trong mùa dịch Covid-19
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc học trực tiếp ở trường trở nên khó khăn hơn. Giới trẻ ngày nay tiếp thu bài vở bằng cách học trực tuyến. Tưởng chừng đây là phương pháp học tập mà giới trẻ mong muốn vì không cần phải đến lớp, không cần phải đối mặt với những giờ kiểm tra áp lực nữa. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tiêu cực nhất, dịch covid dạy cho các bạn trẻ một bài học nhớ đời: những giờ học trên lớp thật ra đáng quý hơn bao giờ hết. Cùng lắng nghe Gen Z nói về những cảm nhận của mình về những khó khăn gặp phải trong mùa dịch Covid-19.
Bạn Nguyễn Bảo Hân hiện đang là sinh viên năm nhất của Học viện hàng không Việt Nam chia sẻ rằng: “Khi học online thì bắt buộc phải có kết nối internet, phải có thiết bị công nghệ để kết nối với giáo viên , trao đổi kiến thức với giáo viên chỉ qua internet. Điều này đôi lúc cũng gây ra không ít bất tiện đối với mình. Do quê mình ở vùng sâu vùng xa nên việc kết nối với internet là rất khó, nhiều khi mạng yếu chập chờn lại bị out ra khỏi lớp học. Có khi một buổi học lại bị out ra mấy lần”.
Bạn Hứa Khải Minh, sinh viên năm nhất của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nói rằng: “Khi sử dụng internet để học tập thì có rất nhiều thứ làm mình bị phân tâm bởi vô vàn những thứ hay ho khác trên mạng xã hội, các bộ phim hay ở trên YouTube hay những màn đấu game quyết liệt. Điều này khiến cho hiệu quả những lần học online mình thấy không cao”.
Bạn Nguyễn Hoàng Sang, sinh viên năm ba của Trường Đại học Khoa học tự nhiên chia sẻ: “Bản thân mình là người học công nghệ thông tin, gắn liền với máy tính và thiết bị internet thường xuyên. Thế nhưng khi học online, mình thấy không có hứng thú bởi vì thiếu sự tương tác trực tiếp, đối diện hàng giờ đồng hồ với màn hình chữ với chữ khiến mình rất nhàm chán. Nhiều khi nằm ngủ khi nào không hay".
Bạn Tạ Hữu Nhân cũng chia sẻ với : “Mình cảm thấy môi trường học Đại học với các bài giảng cứng nhắc làm cho mình có cảm giác mỗi ngày lên giảng đường là một ngày chán nản. Nhưng ít ra vẫn tốt hơn học trực tuyến rất nhiều. Bởi vì trên lớp còn được gặp bạn bè, thầy cô còn có lúc gọi mình để phát biểu, buổi học còn hứng thú hơn. Học online làm mình không có hứng thú để ngồi hàng giờ với máy tính”.
Giới trẻ cố gắng bỏ túi 5 bí kíp sau đây để học online hiệu quả nhé!
Để đánh bại những giờ học online chán nản, ngay từ bây giờ các bạn trẻ hãy lưu lại những bí kíp sau đây để có những giờ học tập thật hiệu quả:
-Hãy thức dậy sớm và chuẩn bị cho mình một tinh thần thoải mái.
-Tạo cho mình không gian học tập riêng biệt tùy theo sự yêu thích của bản thân.
-Lập thời gian biểu cho riêng mình một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
-Tích cực tham gia thảo luận, đóng góp xây dựng bài học.
-Xây dựng thời gian giải lao hiệu quả bằng việc chăm sóc lại sức khỏe.
Cuối cùng, các bạn hãy nhớ rằng dù học bằng hình thức nào, hãy luôn giữ cho mình niềm đam mê và động lực học tập. Duy chỉ có đam mê và ước muốn của bản thân mới giúp công việc cũng như học tập của bạn mới thực sự hiệu quả.
Nguồn: TH&PL