Hơn nửa năm sống trong dịch Covid-19 và nhiều hơn một lần phải "ở yên một chỗ" thực hiện cách ly xã hội, nhiều bạn trẻ đã phải thay đổi những thói quen giải trí thường nhật và dần "sống khác".
Không còn rạp chiếu phim, không còn những chuyến du lịch xa, không còn những buổi concert "đu idol", cũng không còn những ngày lê la cùng bạn bè tại các quán cà phê, trà sữa,... Giới trẻ thời gian qua như đang sống trong một cuộc "cải cách" về những thói quen giải trí hàng ngày.
Không ai nghĩ, một thế hệ năng động, thích xê dịch như Gen Z lại có thể thực hiện tốt quy chuẩn cách ly xã hội đến như thế. Để bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội họ buộc phải chấp nhận thay đổi và thích nghi với việc ở nhà cùng những thói quen giải trí có phần tẻ nhạt. Và thực hư Covid-19 đã làm thay đổi thói quen giải trí của Gen Z như thế nào?
TikTok - ứng dụng giải trí "ăn nên làm ra" trong đại dịch Covid-19
Ở một góc nhìn tối tăm, dịch Covid-19 đang là kẻ thù chung của cả loài người. Những ảnh hưởng, thiệt hại mà nó mang lại là điều không ai có thể thông cảm được. Covid-19 cho chúng ta trải nghiệm về một cuộc chiến tranh thực sự, cuộc chiến mà "mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch".
Thời gian của tất cả mọi người lẽ ra phải dành để đi thăm thú các trung tâm mua sắm, tận hưởng những chuyến du lịch xa hoặc đơn giản là hàng quán cùng bạn bè sau mỗi giờ tan ca, tan học,... thì giờ đây lại được dành trọn vẹn cho chiếc ghế sofa!
Trong thời kỳ xã hội bị cô lập do đại dịch, không có gì ngạc nhiên khi mọi người tiêu thụ rất nhiều những phương tiện truyền thông để giải trí. Global Web Index cho thấy hơn 80% người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang sử dụng Internet như một công cụ để giải trí tại nhà với hình thức phổ biến nhất chính là xem video trực tuyến thông qua Youtube, TikTok,...
Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một nghiên cứu mới đây của một công ty thị trường cho thấy, kể từ khi đại dịch bùng phát, có tới 80% người Việt đã giảm tần suất ra ngoài cũng như hạn chế các hoạt động giải trí như ăn uống, gặp gỡ bạn bè… Đồng thời tần suất sử dụng mạng internet, trong đó chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giải trí đã tăng gần gấp đôi.
TikTok bỗng trở thành một cái tên "ăn nên làm ra" trong đại dịch Covid-19. Ứng dụng vừa tròn 3 tuổi này có thêm 315 triệu lượt tải trong 3 tháng đầu năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ khi ra mắt toàn cầu vào tháng 9-2017, TikTok đã có trên 2 tỷ lượt tải. Có thể nói, tệp khách hàng của TikTok ngày nay không chỉ gói gọn bởi những "TikToker'' mà nó trở thành một công cụ giải trí thực sự hữu ích của người người nhà nhà, bao gồm cả những influencers, các ngôi sao giải trí trong và ngoài nước với hàng triệu lượt theo dõi.
TikTok phải chăng là thứ vui vẻ giúp người ta thoát khỏi các tin tức sầu thảm về con virus và tác hại của nó…?
Sự lên ngôi của các ứng dụng giải trí trực tuyến "yêu cầu trả phí": Netflix, Spotify…
Khi ánh đèn tại rạp chiếu phim và sân khấu nghệ thuật tắt đi vì Covid-19 cũng là lúc ngành công nghiệp giải trí mất đi một nửa nguồn doanh thu. Nhìn ở mặt tích cực, đại dịch đã thúc đẩy sự lên ngôi của dịch vụ xem phim và nghe nhạc trực tuyến (streaming), vốn trước giờ vẫn còn xa lạ với đại đa số người dùng Việt bởi chưa quen trả tiền để thưởng thức nghệ thuật. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những nền tảng giải trí trực tuyến "yêu cầu trả phí" là Netflix và Spotify.
Cổ phiếu của hãng Netflix đã tăng 6% trong tháng 2 khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. Các thuê bao nghe nhạc trả tiền của Spotify đã tăng lên 130 triệu trong quý đầu tiên của năm 2020. Gen Z - một thế hệ tiệm cận với nền giải trí văn minh - họ sẵn sàng cân nhắc và chi trả phí cho các dịch vụ giải trí trực tuyến. Một dấu hiệu đáng mừng góp phần làm thay đổi thói quen xem phim và nghe nhạc trả phí ở giới trẻ.
Rõ ràng, xem phim online có ưu thế hơn nhiều trong mùa dịch. Khán giả không phải ra ngoài đường vẫn được theo dõi hàng nghìn bộ phim từ truyền hình đến điện ảnh với chất lượng âm thanh, hình ảnh không thua ngoài rạp. Các trang cũng cho phép bạn chia sẻ tài khoản với gia đình, bạn bè, tiết kiệm chi phí không nhỏ. Ví dụ gói Premium của Netflix hiện là 260 nghìn với 5 profile, chia ra mỗi người chỉ phải trả hơn 50 nghìn/tháng, còn rẻ hơn một lần đi xem phim ngoài rạp.
''Mình là một người khá năng động, mình rất thích việc ra ngoài xem phim, ăn uống, gặp gỡ bạn bè vào những lúc rảnh rỗi nên việc phải ở nhà trong khoảng thời gian dài là một thử thách với mình. Dù bây giờ dịch bệnh ở Việt Nam mình đang kiểm soát tốt, nhưng chủ quan càng là điều không nên làm. Chính vì thế mình vẫn chọn cách giải trí tại nhà thay vì ra ngoài. Mình thường hay xem phim, chơi game online,... sử dụng các hình thức giải trí trực tuyến. Bằng cách này, mình cũng tiết kiệm được một số tiền nho nhỏ cho bản thân, thay vì ra ngoài và sử dụng phung phí như trước'' - Bạn Kim Oanh, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ.
Ở khía cạnh âm nhạc và giải trí sân khấu, người ta cũng hoàn toàn ghi nhận những ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 lên sự nghiệp của các nghệ sĩ lẫn thói quen ''quẩy show" cuối tuần của các bạn trẻ. Trước đây, cứ đến cuối tuần là các nghệ sĩ lại mời khán giả của mình đến nhà hát, các sân khấu lớn, các buổi hòa nhạc,... Nhưng nay vật đổi sao dời, văn nghệ sĩ đồng lòng kêu gọi người hâm mộ cùng ở nhà, livestream giao lưu, thưởng thức nghệ thuật.
Hàng loạt những cái tên như Mỹ Linh, Đức Tuấn, Tuấn Hưng,... liên tiếp tổ chức những buổi liveshow online vào những khung giờ cố định để phục vụ khán giả nghe nhạc. Đáng kể nhất là hoạt động xem nhạc online thu phí của nam ca sĩ Tuấn Hưng vào tháng 3. Khán giả muốn tham gia vào chương trình Livestream in SweetHome 20h thứ bảy hàng tuần này phải chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của ca sĩ Tuấn Hưng với các gói: Một đêm - 250 nghìn đồng, 10 đêm - 1 triệu đồng và 20 đêm - 1,5 triệu đồng. Sau từng đêm diễn, Tuấn Hưng cùng ê kíp quyết định toàn bộ số tiền thu được từ show diễn để ủng hộ cho quỹ chống Covid-19.
Tiếp cận với những thói quen giải trí lành mạnh nhờ đại dịch
Bên cạnh những giải trí đơn thuần, nhiều bạn trẻ cũng đã dần thay đổi suy nghĩ và tập làm quen với nhiều bộ môn thư giãn mới, hữu ích hơn.
Đầu tiên phải kể đến là thay đổi thói quen đọc sách. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong bối cảnh phải ở nhà suốt ngày, nhiều bạn trẻ đã chọn đọc sách như một cách để thư giãn, vừa học vừa chơi. Sách kỹ năng sống, sách thiếu nhi, sách văn học được đặt mua nhiều qua mạng xã hội. Trong đó 2 cuốn truyện dành cho thiếu nhi của thiền sư Thích Nhất Hạnh là Bồ Tát Ngàn Tay Ngàn Mắt, Mẹ Con Sư Tử do NXB Phụ Nữ ấn hành đã "cháy hàng" và đang được tái bản.
Những tác phẩm văn học về thảm họa dịch bệnh của thế giới như: Dịch Hạch của Albert camus, Station Eleven (Nhà ga số 11) của Emily St. John Mandel, The Water Knife (Con dao nước) của Paolo Bacigalupi, The Only Ones (Những người duy nhất) của Carola Dibbell… được bạn đọc săn lùng. Riêng cuốn sách The Eyes Of Darkness (Đôi mắt của bóng đêm) đang gây bão trên mạng vì đề cập đến một loại virus chết người có nguồn gốc từ Vũ Hán.
Trong suốt mùa dịch vừa qua, các tài khoản mạng xã hội còn rầm rộ, chia sẻ việc tham gia vào hai nhóm Yêu Bếp và Nghiện Nhà với không ích những chia sẻ tích cực khiến cho mối quan tâm về hai nhóm này càng được đẩy lên cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Yêu Bếp đã có 1,4 triệu thành viên và Nghiện Nhà cũng sở hữu 1,3 triệu tài khoản tham gia - những con số đáng nể đối với một nhóm trên Facebook. Vì đâu mà các hội nhóm này lại thu hút sự chú ý của giới trẻ như vậy?
Có lẽ phần vì buồn chán, phần vì muốn tiết kiệm dần dà việc nấu nướng, yêu bếp, thương nhà trở thành một trào lưu rầm rộ và chủ đạo trên mạng xã hội giữa đại dịch ảm đạm.
Vốn không phải người quá đam mê nấu nướng nhưng nhiều ngày phải cách ly xã hội, bạn Hồng Hạnh, một sinh viên xa quê hiện đang sinh sống tại TP.HCM đã gia nhập khá nhiều nhóm về ẩm thực để tìm kiếm gợi ý các món ăn hàng ngày nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống cho bản thân.
''Với mục đích ban đầu vào nhóm chỉ để tham khảo thực đơn hàng ngày, dần dần mình cũng có kinh nghiệm trong việc đi chợ, mua rau, mua cá và học cách bày biện món ăn đẹp mắt từ mọi người. Tự dưng mình trở nên yêu thích công việc nấu ăn và mình thấy rằng tự nấu ăn cũng là một cách giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân mình nữa'' - bạn Hạnh chia sẻ.
Không chỉ thu hút các chị em phụ nữ, Yêu Bếp và Nghiện Nhà có rất nhiều thành viên là nam giới, dân văn phòng hay công nghệ. Tuy nhiên, các thành viên này cũng không hề kém cạnh khi chia sẻ hình ảnh, công thức món ăn hay "chiêu thức" làm đẹp nhà tiết kiệm chi phí.
Chăm thể dục thể thao và rèn luyện sức khỏe cũng là một trong những thay đổi tích cực của giới trẻ sau biến cố đại dịch. Covid-19 dây tử vong hàng triệu người trên thế giới và con số ấy chưa từng có dấu hiệu sẽ dừng lại. Gen Z nhận ra rằng chỉ cần có sức khỏe là có thể làm được mọi việc dù khó khăn thế nào.
"Trước đây mình nghĩ cứ phải chạy một vòng ở công viên mới là tập thể dục, đến trung tâm gym mới là tập gym. Những ngày cách ly xã hội, mình đã... chạy vòng quanh nhà, nhưng chạy nhiều lần, cũng là tập thể dục vậy. Thay vì nâng tạ, mình đã nâng... em trai của mình, cũng là tập gym vậy. Mọi thứ đều có thể thực hiện và chẳng có gì khó khăn nếu luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan” - Nam, sinh viên năm cuối trường Đại học Sài Gòn thổ lộ.
Tạm kết
Dĩ nhiên, thói quen thường được hình thành trong một thời gian dài, qua một đợt dịch bệnh thì khó làm chuyển biến căn bản nhưng rõ ràng với nhiều người, chính thời gian này sẽ làm họ tự ý thức hơn, tự bảo vệ hơn, bước đầu có thể tạo nên những thói quen mới. Không chỉ vậy, trải qua một thời gian khó khăn, phải ứng phó với nhiều thử thách, có thể một bạn trẻ sẽ có thái độ sống tích cực hơn, biết quan tâm đến người khác hơn, biết tự chăm sóc bản thân hơn, biết cách phòng tránh các rủi ro cao hơn…
Không ai mong muốn có dịch bệnh để làm thay đổi các thói quen chưa tốt, nhưng qua đây, sự thích nghi đã hình thành nên nếp sống mới tốt hơn thì cũng nên ghi nhận đó là một khía cạnh tích cực của một rủi ro!
Nguồn: TH&PL