Hiệu ứng Google, còn được gọi là chứng hay quên kỹ thuật số.
Trong thời đại vàng của mạng Internet, mọi thông tin đều cập nhập nhanh chóng chỉ bằng vài nút chạm. Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi gây nên sự phụ lớn của con người lên các công cụ tìm kiếm điển hình như Google.
Có thể nói Google là một trong những phát minh vĩ đại nhất thế giới. Cho đến nay không một ai là không sử dụng đến Google, độ phổ biến cũng như tính hữu dụng là không thể bàn cãi. Cũng vì thế mà lượng truy cập vào trang web mỗi ngày là vô cùng lớn khoảng 7 tỷ lượt và 1,7 tỷ người dùng trung bình mỗi ngày.
Các con số trên đang nói lên một thực trạng là con người đang quá phụ thuộc vào Google cũng như các trang tìm kiếm khác. Dần dần khả năng thu nạp thông tin giảm đi vì quá chăm chăm vào một kho dự trữ thông tin lớn như Google.
Hiệu ứng Google là một công bố mới trên tạp chí Science của nhà tâm lý học Betsy Sparrow và các đồng nghiệp tại Đại học Columbia. Theo hiệu ứng này, mọi người có xu hướng ít nhớ một số chi tiết mà họ tin rằng có thể tìm lại qua các công cụ tìm kiếm trên mạng.
Làm thế nào khi không có Internet?
Internet giờ đây đã là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Bạn có thể truy cập hầu hết mọi thông tin và giao tiếp với bất kỳ ai trên thế giới chỉ cần có điều kiện là Internet. Bên cạnh đó là rất nhiều chức năng như giải trí, mua sắm, cập nhật tin tức chỉ trong vài giây ngắn ngủi.
Câu hỏi đặt ra là bạn sẽ ứng phó như thế nào khi mà Internet không tồn tại? Một điều hiển nhiên là các dịch vụ tuyệt vời ở trên sẽ không còn nữa và nhu cầu của con người sẽ không được đáp ứng nhưng thường lệ. Đó chính là lúc chúng ta mới nhận thức rằng mình đang quá phụ thuộc vào công nghệ hiện đại.
Quay lại với hiệu ứng Google, khi không có Internet đồng nghĩa Google không thể hoạt động và công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hành tinh sẽ mất đi chức năng vốn có của nó. Không thể phủ nhận rằng sự hiện diện của Google đã làm thay đổi rất nhiều về cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin, tìm kiếm địa điểm cần thiết chỉ cần một cú click chuột trên thanh công cụ Google.
Tuy nhiên chính sự hiện đại hóa và sự phát triển vượt bậc ấy có làm cho con người trở nên lười biếng trong việc suy nghĩ và mất đi sự chủ động ghi nhớ thông tin mình đã xem hoặc học qua?
Tại sao xảy ra hiệu ứng Google?
Điều này chỉ xuất hiện khi mọi người sử dụng công nghệ quá nhiều và dựa dẫm vào nó như một nơi cất giữ tài liệu, thông tin. Những ai cảm thấy khó khăn hoặc lười biếng trong việc ghi nhớ những nội dung họ đã tìm thấy trên Internet thường sẽ chọn cách nhớ "địa chỉ" của nguồn thông tin đó như tên trang web, link website,... để tìm lại khi cần.
Kết quả là khi các thông tin đó được lưu trữ ở một nơi như vậy, họ có xu hướng ghi nhớ nơi họ đã tìm thấy nó hơn là bản thân thông tin đó.
Tuy nhiên với lượng thông tin quá nhiều hoặc không cần thiết chúng ra vẫn có quyền lưu trữ vị trí để tìm lại thông tin đó thì vẫn tốt hơn. Sống trong thời đại công nghệ hiện đại, việc tận dụng tốt tài nguyên tuyệt vời này đối với con người là một điều tốt nhưng đừng chạm mức phụ thuộc quá nhiều vào chúng.
Không thể nào phủ nhận mặt tiện ích của Google với đời sống giới trẻ nhưng họ đã biến những mặt tiện ích vốn có của công nghệ thông tin thành cái cớ cho sự lười suy nghĩ của mình. Là một bạn trẻ trong thời đại mới, chúng ta hãy biết điều chỉnh hướng đi đúng trong việc tiếp nhận nguồn thông tin từ công nghệ, và mở mang những kiến thức trong cuộc sống và đừng nên lạm dụng một cách thái quá vì cái gì cũng có bản chất hai mặt của nó.
Nguồn: TH&PL