Hệ thống SOTUS không phải là hệ thống chỉ tồn tại trên phim ảnh học đường Thái Lan.
Một trong những điều đáng sợ nhất mà một học sinh trung học phổ thông Thái Lan phải đối mặt là nỗi lo không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh và vào được trường đại học mơ ước.
Nhưng một khi họ vượt qua được rào cản đó thì "cơn ác mộng" thực sự mới bắt đầu: SOTUS - nghi thức định hướng hay còn gọi là hoạt động chào đón tân sinh viên. "SOTUS" không còn là một từ xa lạ đối với những người từng xem các bộ phim Thái Lan, đặc biệt là những bộ phim về học đường. Tuy nhiên, hệ thống này không phải chỉ xuất hiện trên phim ảnh mà còn là hệ thống được áp dụng và diễn ra trong đời sống thật.
Trên thực tế, các trường đại học Thái Lan không còn xa lạ gì với những định kiến tiêu cực xoay quanh truyền thống này. Không chỉ là một nghi lễ vui vẻ, ở Thái Lan đã có những báo cáo về hành vi gây hấn và lạm dụng mà thậm chí đã dẫn đến cái chết của sinh viên vì bị bắt nạt quá mức.
Vậy hệ thống SOTUS là gì?
Hệ thống "SOTUS" là một hệ thống đào tạo sinh viên thông qua cơ chế có cường độ cao và có hệ thống. Cụm từ này là sự kết hợp những chữ cái đầu tiên của 5 niềm tin.
- S - Seniority: Nghĩa là "sự tôn trọng" lẫn nhau, đặc biệt là sự tôn trọng đối với người lớn, những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm hơn.
- O - Order: Nghĩa là "kỷ luật". Trong xã hội có nhiều tầng lớp, nhiều công việc được phân chia theo thứ tự, đòi hỏi mỗi người cần phải biết tuân thủ kỷ luật, biết trước, biết sau và có tổ chức.
- T - Tradition: Nghĩa là "truyền thống", ý nói rằng cần phải có sự tôn trọng đối với văn hóa và truyền thống, những điều đã được chứng minh là thấm nhuần giá trị và tốt đẹp, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
- U - Unity: Nghĩa là "sự hòa hợp, đoàn kết", chỉ khả năng làm việc cùng với bạn bè đồng trang lứa, cũng như với người lạ. Đây được coi là một kỹ năng sống quan trọng.
- S - Spirit: Nghĩa là "tinh thần". Sự phát triển, rèn luyện tinh thần có thể khiến một người có được lòng trắc ẩn, tinh thần phục vụ và tinh thần cộng đồng tốt.
Hệ thống SOTUS diễn ra như thế nào?
Vào đầu mỗi học kỳ mới của hầu hết các trường đại học và một số trường trung học phổ thông, hệ thống này sẽ được sử dụng để chào đón sinh viên, học sinh mới. Các hoạt động diễn ra đầy thú vị với những nụ cười tươi rói giữa các sinh viên khóa trên và tân sinh viên.
Các sinh viên năm nhất được phát áo sơ mi và băng đô mang tên khoa hoặc trường. Ngoài ra, họ cũng thường đăng tải ảnh của bản thân và bạn bè trong chuỗi hoạt động SOTUS lên mạng xã hội.
Nhìn vào vẻ bề ngoài thì những hoạt động này dường như hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, điều ẩn chứa bên trong hệ thống này lại là sự thất vọng, bạo lực, căng thẳng và lo lắng giữa sinh viên khóa trên và sinh viên năm nhất.
Hệ thống SOTUS không chỉ bao gồm khía cạnh bạo lực về thể chất mà thường "cho phép" sinh viên khóa trên gây tổn hại về thể chất và quấy rối các sinh viên mới trong các hoạt động này, mà hệ thống "ma cũ bắt nạt ma mới" ấy còn phản ánh một văn hóa của chủ nghĩa chuyên chế có nguồn gốc sâu xa.
Sinh viên năm nhất được giới thiệu về hệ thống của sự tôn trọng, điều dạy họ tôn trọng và tuân theo mệnh lệnh, kỷ luật của đàn anh, đàn chị khóa trên. Không chỉ vậy, nó cũng dạy họ rằng xã hội bên ngoài trường học rất khắc nghiệt, và để tồn tại, họ phải cố gắng, phấn đấu vì sự thống nhất, đoàn kết trong xã hội.
Những người đã trải qua hệ thống SOTUS gắn liền với niềm tin rằng họ cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Nó được nuôi dưỡng thông qua các hoạt động giữa sinh viên khóa trên và sinh viên năm nhất, tạo ra các mối quan hệ chặt chẽ được phát triển từ cách mà sinh viên khóa trên dạy dỗ tân sinh viên và hành động như người giám sát của họ, cũng như bắt buộc họ phải tuân theo mệnh lệnh và chấp nhận các quy tắc của hệ thống SOTUS.
Sau một khoảng thời gian thích hợp sau các hoạt động "ma cũ bắt nạt ma mới" này, sinh viên năm nhất sẽ được phép "phá vỡ" một số quy tắc mà từng bị hạn chế, chẳng hạn như những quy tắc liên quan đến kiểu tóc và trang phục, cũng như giành được quyền phụ trách sinh viên khóa mới.
Vòng lặp của nghi lễ này diễn biến liên tục đến mức mà nó đã phát triển thành một mối quan hệ dựa trên "các tầng lớp" sinh viên được chia thành các cấp bậc và phân công nhiệm vụ cho mỗi người, tiếp tục gìn giữ truyền thống "ma cũ nạt ma mới" và duy trì hệ thống SOTUS. Điều này thúc đẩy việc tạo ra một hệ thống phân cấp trong một nhóm sinh viên, trong đó, các sinh viên khóa trên, đặc biệt là sinh viên năm cuối sẽ là những người có quyền lực nhất.
Ngoài ra, hệ thống này cũng đã tạo ra một truyền thống buộc sinh viên mới phải tuân theo một số quy định, chẳng hạn như buộc họ mặc đồng phục và đeo bảng tên, buộc họ ăn mặc giống nhau hoặc buộc họ làm quen với nhau trong một khoảng thời gian giới hạn trong khoảng thời gian diễn ra chuỗi hoạt động chào đón tân sinh viên.
Sự thật về hệ thống nhận được nhiều ý kiến phản đối dữ dội
Một nghi thức chào đón tân sinh viên nhưng lại không mang đến nhiều sự vui vẻ cho lắm khi nghi thức này diễn ra song song với quá trình học của tân sinh viên. Nghĩa là tân sinh viên sau giờ học sẽ phải ở lại trường, tập trung và tham gia các chuỗi hoạt động này một cách bắt buộc. Hoạt động này không khỏi khiến nhiều sinh viên năm nhất mệt mỏi, kiệt sức và áp lực.
Ngoài ra, mục đích của SOTUS vốn là để tạo dựng sự đoàn kết, thống nhất và kết nối giữa các sinh viên mới, để giúp họ hòa nhập vào trường đại học tốt hơn. Tuy nhiên, những gì vốn nhằm mục đích thúc đẩy sự hòa hợp và tình bạn thân thiết có thể nhanh chóng biến thành một nghi lễ đầy nhục nhã đối với những sinh viên mới, những người thường bị ép buộc tham gia.
Ở nhiều trường đại học, hệ thống này còn có những hoạt động đi quá giới hạn, sinh viên khóa trên lấy danh nghĩa là tiền bối để bắt nạt hậu bối một cách công khai và hợp lý. Họ khiến các sinh viên khóa dưới bắt buộc phải nghe theo mình, chỉ có vậy mới được gọi là tôn trọng truyền thống, thực hiện đúng theo tinh thần của SOTUS.
Chính vì sự ngông cuồng và lạm dụng quyền lực mà hệ thống này đã gây ra nhiều cái chết thảm thương của sinh viên tại quốc gia này.
Hệ thống SOTUS đang thể hiện sự mâu thuẫn với trật tự thế giới đang thay đổi. Giáo dục không được tạo ra để dạy mọi người đi theo cùng một hướng mà để tạo cơ hội và trau dồi tri thức cần thiết cho mọi người để họ phát triển thành những công dân sẵn sàng sống cuộc sống của họ trong xã hội. Do đó, lớp học là một xã hội thu nhỏ tồn tại trong xã hội lớn hơn.
Nhiều người cho rằng sinh viên nên được tự do lựa chọn các hoạt động của riêng mình, chẳng hạn như các hoạt động tình nguyện cho phép họ làm quen với nhau. Các hoạt động này nên dựa trên tư tưởng tự do và tự do ngôn luận để khuyến khích tư duy phản biện có thể khơi dậy sự sáng tạo và ý tưởng mới để giúp đất nước phát triển nay vì ép buộc tất cả sinh viên phải thực hiện chung một hoạt động.
Nguồn: TH&PL