Cộng đồng LGBTQI+ không phải là sự phát minh của sự tiến bộ thời đại mà nó là bản chất của con người.
Giáo dục được biết đến như một môi trường bình đẳng, an toàn cho trẻ em. Nhưng vấn nạn bạo lực học đường lại gia tăng với tốc độ nhanh chóng và trong số đó có nhiều trường hợp nạn nhân thuộc cộng đồng LGBTIQ+.
Khi những đứa trẻ chưa đủ kinh nghiệm trong việc đối diện và giải quyết những vấn đề của chúng, giáo dục và xã hội chưa có sự quan tâm sâu sắc đối với những vấn đề về LGBTIQ+, thì đâu mới thật sự là môi trường cho những đứa trẻ phát triển toàn diện?
Môi trường thiếu sự bao dung và tôn trọng khác biệt
Bạo lực học đường (school violence) được hiểu là sử dụng sức mạnh vũ lực để tấn công nhau, đánh đập hay diễn ra với các hình thức khác như dọa nạt, lăng mạ, xúc phạm, tẩy chay… Và nghiêm trọng hơn là quấy rối xâm hại tình dục ngay trong chính trường học, môi trường giáo dục. Bạo lực trên cơ sở SOGIE (Sexual Orientation Gender Identity & Expression: xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới) ngay trong chính nơi được cho là an toàn với các em.
Đến từ việc các em không đủ khả năng tự bảo vệ mình. Thông thường, những đứa trẻ khi gặp những rắc rối trong cuộc sống có xu hướng tìm đến thầy cô hay cha mẹ để chia sẻ. Nhưng với những đứa trẻ thuộc cộng đồng LGBTIQ+ lại được xếp vào hàng thiểu số và theo cơ chế vận hành của xã hội, đám đông thường chú ý; không chấp nhận sự khác biệt đó và thường bàn luận về nó.
Và rồi các em chọn sự im lặng che giấu đi bản dạng giới của mình. Trong khi đó, tại Việt Nam môi trường giáo dục thiếu kiến thức về LGBTIQ+ hay SOGIE cùng với thiếu sót trong việc giáo dục về sự bao dung, yêu thương hay tôn trọng sự đặc biệt của cá nhân đã vô hình chung khiến các một bộ phận trở nên vô cảm đến tàn nhẫn. Vậy vấn đề cần đặt ra trong giáo dục là làm sao rút ngắn được khoảng cách của số đông với quyền được lên tiếng của cộng đồng thiểu số?
Bạo lực học đường gia tăng và hậu quả đáng sợ
Quay lại vụ việc vào năm 2017, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip ghi lại cảnh một nam sinh được cho là người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ bị bạn bè trêu chọc, điều đáng nói là một bộ phận khác không đứng ra lên tiếng mà còn cười đùa và dùng điện thoại ghi lại. Vụ việc như một hồi chuông cảnh báo cho vấn đề bạo lực. Tuy nhiên, đó chỉ là điển hình cho rất nhiều sự việc bạo lực học đường với cộng đồng LGBTIQ+ đang diễn ra.
Theo nghiên cứu CCIHP tiến hành vào năm 2012 có 40.7% người LGBTIQ+ bị bạo lực và phân biệt đối xử ở trường học, 13.2% bị bạo lực bởi nhân viên nhà trường. Một cuộc nghiên cứu của UNESCO diễn ra năm 2015 tại 20 nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy 70% học sinh LGBTIQ+ từng bị bắt nạt bằng lời nói (gọi tên và các kiểu chọc ghẹo), cao nhất so với các nước là Trung Quốc, Nhật, Hàn, Thái Lan. Từ sự phân biệt đối xử đó mà học sinh thuộc cộng đồng LGBTIQ+ phải trốn học (9.8%) hoặc thậm chí bỏ học (5.0%).
Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến nhân cách và khả năng hòa nhập của các em, ngại giao tiếp với bạn bè, sự suy giảm khả năng học tập cùng với việc che giấu bản thân khiến các em dễ dàng rơi vào trầm cảm. Nhiều vụ việc được ghi nhận cũng đến từ việc bạo lực học đường mà nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng phải chọn con đường cuối cùng để giải thoát chính bản thân mình - tự tử.
Đó không phải là sự ngu dốt trong chính bản thân họ mà do cơ chế của những định kiến, khi bản thân là nạn nhân nhưng không được bảo vệ. Và đau đớn hơn là những người mà các em cho là người cha, người mẹ thứ hai lại kỳ thị các em.
Giáo dục cần quan tâm đến cộng đồng LGBTIQ+
Không bây giờ thì bao giờ? Đứng trước những vấn đề mang tính xã hội đó, khi nhà trường là "cái nôi" cho nhân cách con người thì cần có sự quan tâm đặc biệt đến các em thuộc cộng đồng LGBTIQ+.
Vào những giai đoạn nhất định khi các em nhận ra xu hướng tính dục của mình thì rất dễ rơi vào sự hoang mang, người làm nghề giáo cần có sự hiểu biết về tâm sinh lý của học sinh để không chỉ là nơi cho các em kiến thức mà còn là nơi đủ an toàn cho các em chia sẽ.
Song đó, giáo dục cần có đủ kiến thức sâu rộng cũng như tôn trọng sự khác biệt của học sinh để các em có một môi trường tốt nhất hoàn thiện bản thân mình, nhanh chóng đẩy mạnh đưa các dự án giáo dục về giới ngay trong chính nhà trường để mọi cá nhân đều có kiến thức không chỉ về LGBTIQ+ mà còn về bình đẳng giới.
Ngoài ra, gia đình cũng cần có sự yêu thương, bao dung và lắng nghe con mình nhiều hơn, hãy chính là nguồn động lực và là nơi để các con tìm về. Bản thân những đứa trẻ trong cộng đồng đáng nhận được sự quan tâm thay vì kì thị. Giáo dục chỉ tạo tiền đề cho mỗi đứa trẻ phát triển nhưng gia đình mới là cốt lõi của quá trình đó
Cuối cùng, việc bạo hành LGBTIQ+ cần nhanh chóng chấm dứt vì họ sẽ có thể là bạn, là đồng nghiệp hay chính là người thân của chúng ta và vì chúng ta đều là con người. Cộng đồng LGBTQI+ không phải là sự phát minh của sự tiến bộ thời đại mà nó là bản chất của con người.
Nguồn: TH&PL