Khi điều ước trở thành sự thật, thay vì cảm thấy may mắn mọi người đã thực sự quá chán với kỳ nghỉ "hiếm có" này rồi.
Covid-19 mãi vẫn chưa chịu rời đi, buộc chúng ta "ăn lễ" từ 30/4 cho đến 2/9 mà cũng có thể còn "ăn lễ" dài dài nữa. Nhớ hồi trước "than trời trách đất": "Nghỉ lễ gì mà có 3-4 ngày, còn chưa kịp lên kèo, book vé, đặt tour", "Sao không có cái lễ nào dài cả tuần để kịp về nhà mẹ nuôi cho lên vài cân nhỉ",...
Và bây giờ mọi người thực sự quá "mãn nguyện" với kỳ nghỉ lễ lịch sử này!
Covid-19 đã cho chúng ta những mùa lễ thật đáng nhớ. Nếu được nghỉ với thời gian như mọi năm, hẳn nhiều người sẽ than vãn sao mà nhà trường, cơ quan, công ty cho nghỉ ít thế, chưa kịp làm gì đã hết lễ. Bây giờ thì hễ cứ nghe nghỉ, chưa biết nghỉ vì việc gì thì đã ngán ngẩm cả rồi.
Mà "ngáo ngơ" nhất vẫn là thế hệ sinh viên, cứ ngỡ được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tranh thủ về với gia đình dăm ba hôm, ngót nghét bây giờ cũng đã được 3-4 tháng. Nào thì không lường trước "đợt lễ khi ấy lại lâu đến thế" nên không đem theo nhiều áo quần, sách vở,...
Các bạn sinh viên bắt đầu lo lắng cho số phận của những chiếc xe dưới hầm gửi xe, nồi cơm điện chưa kịp giấu trong khu ký túc xá, đống áo quần đi vội bắt chuyến xe đò còn chưa kịp thu,... Ngồi ở nhà mà cũng không thôi yên lòng!
Những bạn quê xa tính 30/4 - 1/5 không kịp về, đành ở lại cầm cự qua lễ cùng với những lời hứa ngọt ngào của những đứa chung phòng được về quê: "Điển hình mấy em sinh viên đối diện phòng mình. 'Em về mấy hôm hết lễ em lên chị hen! Em mang quà quê lên cho'. Và từ đó không thấy mấy em lên nữa cũng 3 tháng rồi! Chắc chúng nó sợ mình ăn hết quà quê nên không dám lên chăng?".
Đợt nghỉ lễ được coi là "kỷ lục của lịch sử" này mọi người đa số không mấy thích thú và mặn mà. Bây giờ ai cũng chỉ mong nhanh hết dịch để được ra đường, trở lại cuộc sống tất bật, bân bịu như binh thường. Khi đã ở nhà quá lâu, hai từ "nghỉ ngơi" thật khiến người ta ngán ngẩm.
Học sinh sinh viên khi còn được hoạt động trên trường thường hay lười biếng dậy sớm và trễ nải trong việc đi học. Học online một thời gian dài khiến mọi người thèm khát cái cảm giác được đi học, vui chơi với bạn bè, mới thêm trân quý từng cái bàn, cái bảng trên lớp hơn.
"Năm ngoái đánh dấu kết thúc kỳ nghỉ tết lịch sử năm nay lại đánh dấu bắt đầu kỷ nghỉ hè lịch sử hy vọng năm sau là đánh dấu hết dịch ở Việt Nam" - mong muốn nhỏ nhoi của bạn Tuấn Phương. Cũng là là mong muốn chúng của toàn cộng đồng về một cuộc sống bình thường mới.
Như một phần không thể thiếu, cứ có dịp hẳn chúng ta sẽ không từ chối được các cuộc liên hoan hội họp nhưng vui vẻ chơi lễ mùa Covid sao cho đúng?
Dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu ở đó"; tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Không tụ tập, tới chỗ đông người, nếu vẫn muốn "tụ tập" thì hãy lựa chọn hình thức "nhậu online" - cuộc vui vẫn diễn ra nhưng đảm bảo các quy định giãn cách.
Tận dụng thời gian "nghỉ lễ" để phát triển bản thân và nâng cao sức khoẻ. Thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến mọi người có thiên hướng trì hoãn và ì ạch trong nhiều công việc. Hãy tranh thủ thời gian này để chăm sóc cho bản thân và quan tâm người thân nhiều hơn.
Cập nhật thông tin mỗi ngày và hãy là người tiếp cận thông tin một cách khôn ngoan. Ngoài việc tuân thủ 5K của Bộ y tế trong phòng chống dịch bệnh, hãy áp dụng 5K trong việc tiếp cận và thu thập thông tin. Đây là thời gian nhạy cảm mà nhiều thông tin sai sự thật, tin giả được dịp "phát triển" khiến hoang mang dư luận, phá huỷ công sức của cả một cộng động người. Mỗi người dân hãy là một lá chắn trong cuộc chiến phòng chống tin giả mùa Covid.
Đặc biệt hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu. Không thể tiếp xúc trực tiếp thì chúng ta có thể trực tuyến giao tiếp. Dăm mười phút gọi video hỏi thăm tình hình sức khoẻ mọi người hay tán gẫu mỗi khi nhàm chán với bạn bè, ngoài để gắn kết tình cảm còn giúp bản thân giải toả những bí bách khi phải ở nhà quá nhiều.
Một mùa lễ online lành mạnh, rồi một ngày lễ bình thường sẽ quay lại nhanh thôi. Tất cả phụ thuộc vào ý thức chống dịch của mỗi chúng ta. Ai cũng mong muốn một cuộc sống bình thường mới nhanh đến vậy hãy tự nâng cao quyết tâm và trách nhiệm của bản thân chúng ta.
Nguồn: TH&PL