Gen Z liệu có phải là thế hệ "cứu Trái Đất" khỏi vòng xoáy hàng giả và giảm thiểu rác thải thời trang?
Khi cuộc sống đã hiện đại và đầy đủ tiện nghi, chuyện ăn mặc luôn được Gen Z hết sức quan tâm, bởi vẻ ngoài chỉn chu là một lợi thế trong xã hội ngày nay. Sự nhạy cảm đối với thời trang của Gen Z không chỉ dừng lại ở chuyện mặc sao cho đẹp hay xu hướng theo từng thời kỳ, mà việc nhận diện các thương hiệu cũng luôn được bàn tán sôi nổi.
Giờ đây, thời trang từ bình dân đến cao cấp, từ thương hiệu nội địa đến thương hiệu quốc tế đều được người trẻ tiếp cận một cách kỹ lưỡng, đầy am hiểu.
Thế nhưng, tiếp cận và hiểu biết là một chuyện, tất cả người trẻ thuộc Gen Z có thật sự sử dụng hàng chính hãng không lại là một chuyện khác. Đôi khi, cán cân giữa ngân sách và chất lượng không thể ngang bằng khiến họ dần bỏ qua ý thức trong chuyện mua sắm, làm lơ trước những hậu quả nghiêm trọng và tạo cơ hội cho hàng nhái phát triển.
Gen Z - nhà đầu tư tiềm năng đang đẩy lùi lo âu cho các thương hiệu?
Bên cạnh những người trẻ cổ xúy cho hành vi đạo nhái, thì vẫn có một lượng đông đảo Gen Z ủng hộ và nhận thức tốt trong việc tôn trọng những thương hiệu đã dày công làm ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Gen Z ngày càng coi thời trang là một loại tài sản thay thế, có ý nghĩa về mặt văn hóa hơn so với việc đầu tư vào cổ phiếu. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trẻ đầu tư vào các thương hiệu với những món đồ mang tính biểu tượng, chúng đóng vai trò là tải sản trong tủ đồ của họ.
Những nhà đầu tư trẻ tuổi này cũng vô cùng khó tính khi họ thực sự quan tâm đến vấn đề hàng thật - hàng nhái. Họ không dễ bị ảnh hưởng bởi hoạt động tiếp thị và có sự hiểu biết về kỹ thuật số để định hướng giữa các mặt hàng có thực sự uy tín hay không. Ngoài nghiên cứu về các mặt hàng thời trang thông qua trực tuyến, Gen Z cần nhiều bằng chứng xác thực hơn từ gia đình, bạn bè, những người nổi tiếng để đưa ra quyết định đầu tư cho sản phẩm mình hướng tới.
Một thương hiệu có phải chính hãng hay không phải hội tụ đủ các yếu tố: tính liên tục, uy tín, toàn vẹn và tính biểu tượng. Sự xác thực của sản phẩm vô cùng quan trọng đối với Gen Z. Họ phản ứng với giá trị thương hiệu, có thể bị thu hút bởi sự mới mẻ, nhưng xa hơn, cái mà họ muốn nhìn thấy chính là chất lượng.
H.Anh (sinh viên năm 4, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) bày tỏ suy nghĩ: "Mình thấy cũng không có gì quá mức hay khó chịu. Vì mỗi người sẽ có mức chi khác nhau cho việc mua sắm, điều kiện thu nhập mỗi người mỗi khác nên mình không bài xích hay lên án, gièm pha điều đó. Nhưng mà nếu được thì mình nghĩ nên để dành, tiết kiệm để mua được đồ chính hãng để sử dụng, vì đúng nghĩa tiền nào của nấy.
Xài đồ auth cũng là một sự tôn trọng thiết kế, tôn trọng chất xám của người làm ra nó nữa. Mình nghĩ mỗi người sẽ thấy nó đáng hay không đáng theo cách khác nhau, bản thân mình thì thấy việc mua 5 món đồ fake thì mình sẽ nhịn tí nữa ráng tí nữa để mua được món đồ chính hãng để xài được lâu".
Hàng chính hãng vốn có giá cả không hề rẻ, thế nhưng ai cũng mong muốn được sở hữu. Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng hàng chính hãng mà Gen Z đưa ra là tính thỏa mãn nhu cầu thời trang của bản thân, việc trải nghiệm chất liệu và bảo hành tốt tương xứng giá tiền thực sự rất tuyệt vời.
Đối với những lợi ích nhận được từ hàng chính hãng, bạn K.Phương (sinh năm 1998, sống tại TP.HCM) chia sẻ: "Mình thoải mái lắm, không nghĩ là sẽ làm cho bản thân sang trọng hay là ta đây có tiền xài đồ hiệu. Mình mua và mang nó thì cũng như bao người ngoài kia, không có sự khác biệt hay giúp cái "tôi" của mình trở nên to tát hơn. Mình chỉ nghĩ đến các tiêu chí món đồ đó xài được lâu, chất liệu nó tốt thì mình mua thôi.
Mua đồ chính hãng còn dạy mình bài học về tiết kiệm, mình là sinh viên cũng đi làm thêm nên chẳng có nhiều tiền. Việc mình muốn mua một đôi giày hay một cái áo thì mình cũng phải cân đo đong đếm tiền mỗi tháng, để dành tích cóp mới tậu được món đồ mình thích đem về. Mình thấy việc đó có lợi, đừng nghĩ bỏ tiền mua đồ auth là phí tiền, xa xỉ, vì ở mỗi độ tuổi, khi thu nhập khác đi thì nhu cầu sử dụng, mua sắm cũng sẽ biến chuyển".
Rủi ro tiềm ẩn phía sau việc sử dụng hàng nhái - tiền mất tật mang?
Khi nói đến thời trang, Gen Z chính là tệp khách hàng tiềm năng và giá trị nhất mà các thương hiệu muốn giữ chân. Theo Entrepreneur Asia Pacific, Gen Z chiếm khoảng 40% tổng số vào năm 2020, nhưng số lượng Gen Z sử dụng hàng nhái vẫn rất nhiều và có xu hướng gia tăng. Trong thời đại phát triển công nghệ vượt bậc, các thông tin về hàng nhái và hàng thật có ở khắp các nền tảng truyền thông, câu hỏi cần phải đặt ra chính là: Họ có quan tâm đó là hàng nhái hay không?
Thông qua cuộc khảo sát của Red Points cho thấy: 43.6% người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 29 đã mua phải hàng giả, 19.9% trong số đó cố ý mua hàng giả, 74.2% Gen Z được hỏi hài lòng với việc mua hàng giả của họ, 50.7% không quan tâm đến vấn đề của ngành công nghiệp hàng giả.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho Gen Z sử dụng hàng nhái, một trong số đó chính là sự độc quyền. Lực hấp dẫn của cụm từ "bản giới hạn" khiến những người trẻ ưa xa hoa cố gắng sở hữu mặt hàng đó bằng được, nhưng khả năng tài chính không cho phép nên họ chuyển hướng sang sử dụng hàng giả. Điển hình nhất chính là cộng đồng thời trang replica khổng lồ trên Reddit.
Các sàn thương mại điện tử và nhiều nền tảng trực tuyến khác có đầy đủ những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của Gen Z, vì thế có thể hiểu tại sao Gen Z lại có xu hướng mua hàng giả nhiều hơn. Một ví dụ đơn giản, khi họ thấy thần tượng của mình mặc trang phục hay đeo những phụ kiện đẹp, chỉ cần một vài thao tác đơn giản là có thể tìm ra những bản sao giống đến hơn 95% nhưng giá cả phải chăng để tạo ra "cheap moment" với thần tượng.
Theo tạp chí Scientific American, mặc đồ giả cũng có thể tác động đến tâm lý. Người ta tin rằng những người đánh bóng hình ảnh bằng hàng giả có thể dẫn đến việc gian lận, đáng nghi và nói dối. Một số chuyên gia cho biết, mặc hàng nhái để gây ấn tượng với người khác là dấu hiệu của lòng tự trọng thấp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mọi người có xu hướng coi thường người tiêu dùng mua hoặc sử dụng hàng nhái, đặc biệt là những người cố gắng mạo nhận hàng nhái là hàng thật.
Hệ quả của việc ngó lơ trước hành vi làm hàng giả đồng nghĩa với việc gây suy yếu những nỗ lực sáng tạo của các thương hiệu và dung túng các tổ chức phi pháp. Việc sản xuất hàng giả đơn thuần chỉ vì lợi ích kinh tế và hoàn toàn không chứa đựng những yếu tố bền vững - vốn là một trong những giá trị quan trọng nhất đối với hành vi tiêu dùng của Gen Z hiện nay.
Giải pháp vẹn toàn cho ngân sách nhưng vẫn tôn trọng bản quyền thương hiệu
Giả sử bạn mua một đôi giày hàng rep 1:1 vài trăm ngàn, nếu để đi thường xuyên thì tuổi thọ của đôi giày có thể chưa đến một năm, gót giày bị mòn đi nhanh chóng, thậm chí dính nước mưa sẽ hư hại nặng, bạn sẽ phải mua tiếp đôi khác. Nhưng nếu bạn bỏ ra một số tiền kha khá để sở hữu đôi giày hàng chính hãng, có bảo hành thì cái bạn nhận được là trải nghiệm tuyệt vời, vẻ ngoài cắt may chuẩn xác từng đường kim mũi chỉ, giày ôm chân vừa vặn, khó hư hại do dính nước, tuổi thọ có thể lên đến vài năm.
Rõ ràng, đặt hàng nhái và hàng thật lên cùng một cán cân, "món hời" bạn nhận được từ hàng chính hãng nhiều hơn hẳn so với hàng nhái. Nói một cách dễ hiểu, mua hàng chính hãng đồng nghĩa với việc bạn đang góp phần vào sự phát triển bền vững, bạn sẽ ít phải thải ra các món đồ thời trang mà mình đã từng rất thích và mua bằng được.
Hiện nay, đã có rất nhiều thương hiệu thời trang trẻ mới nổi ở cả trong và ngoài nước với những thiết kế đầy tính sáng tạo, bắt mắt, quan trọng hơn là bảo vệ môi trường, hạn chế lượng rác thải gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất. Lương nhân công ở các nước phát triển vô cùng cao, buộc lòng các thương hiệu thời trang lớn đặt xưởng ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Không khó để thấy tem mác của nhiều thương hiệu in dòng chữ "Made in Vietnam". Điều đó chứng minh những thợ may của nước ta rất lành nghề, vì vậy, ủng hộ mặt hàng thời trang nội địa bạn vẫn có thể nhận được chất lượng vô cùng hài lòng mà không phải tốn quá nhiều tiền như các thương hiệu quốc tế - vốn đắt đỏ bởi thuế và chi phí vận chuyển.
Một xu hướng khác trong thời gian gần đây mà Gen Z cực ưa chuộng là thời trang thrifting. Bạn có thể tìm đến những thrift shop tha hồ lựa chọn những món đồ mà mình yêu thích. Thời trang vốn là một vòng lặp, sẽ có lúc bạn phải tìm lại những kiểu quần áo cũ và item trong thrift shop vẫn ở đấy với vô vàn phong cách chờ bạn đến "đón".
Call me TrendZ đưa bạn đi vòng quanh thế giới để nắm bắt những xu hướng thời trang - làm đẹp đang được Gen Z ưa chuộng trong thời điểm hiện tại. Từ phong cách ăn mặc, trang điểm cho đến những gương mặt có sức ảnh hưởng đến "gu" của thế hệ trẻ, Call me TrendZ sẽ cùng bạn khám phá!
Nguồn: TH&PL