Ở tuổi 21, Trịnh Quang Nhã (Cà Mau) được biết đến là một trong những người hiếm hoi làm trang sức từ xương rắn ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, cùng với sự cởi mở trong quan niệm thẩm mỹ, các phụ kiện thời trang góp phần thể hiện cá tính của giới trẻ cũng dần trở nên đa dạng hơn.
Riêng về trang sức, các sản phẩm nhỏ nhắn này giờ đây không chỉ được làm từ vàng, bạc hay hợp kim, mà còn được chế tác từ xương động vật đầy sáng tạo. Loại hình trang sức này hiện đang được các bạn trẻ hưởng ứng khá nhiệt tình bởi độ độc lạ, tinh xảo và kì công trong thiết kế.
Tại thị trường trong nước, các sản phẩm này đang dần được phổ biến qua bàn tay của bạn Trịnh Quang Nhã, một Gen Z gốc Cà Mau. Đặc biệt, cậu bạn cũng được biết đến là một trong những người hiếm hoi làm trang sức từ xương rắn ở Việt Nam.
Trịnh Quang Nhã
Trịnh Quang Nhã (21 tuổi, đến từ Cá Mau), hiện đang là chủ một cửa hàng trang sức làm từ tiêu bản xương rắn.
Cơ duyên nào đưa bạn đến với lĩnh vực tiêu bản nhuộm xương?
Lần đầu tiên mình được biết đến loại hình nghệ thuật này là vào một lần lướt mạng xã hội và vô tình thấy có một hội nhóm làm tiêu bản. Người đăng bài viết là admin nhóm với một bộ xương rắn đẹp hoàn chỉnh, mình thấy tò mò và rất thích. Mình vốn dĩ thích rắn rồi, thế là mình xin vào nhóm đó để học hỏi làm xương.
Về trang sức, mình cũng chỉ là vô tình thôi. Lúc nọ, mình có tìm những trang sức liên quan đến rắn thì thấy có vòng tay xương rắn thật nhưng không có bán ở Việt Nam và giá khá cao. Mình nghĩ có thể áp dụng cách làm xương trước đây đã học được để tự làm vòng tay để đeo.
Ban đầu chỉ để phục vụ cá nhân nhưng thấy nhiều bạn bè trên mạng xã hội thích nên bắt đầu chuyển sang bán.
Người thân, bạn bè nói gì về công việc này của bạn?
Không ai ý kiến gì về công việc của mình.
Người ta chỉ thấy tò mò không biết mình làm gì và cảm thấy hơi ghê khi mình mang mấy cái xác về thôi. Có vẻ vì lâu nay mình tự ý quyết định mọi thứ quen rồi nên họ cũng để mình thoải mái.
Quá trình làm ra một sản phẩm trang sức hoàn chỉnh như thế nào?
Đầu tiên, mình tìm xác rắn nhỏ phù hợp về rồi mổ lột da và loại bỏ nội tạng cũng như thịt nhiều nhất có thể. Kế đến, mình cho những con bọ cánh cứng bé xíu với số lượng lớn để loại bỏ toàn bộ thịt còn sót lại và tẩy rửa khử khuẩn những đốt xương sau khi những con bọ giải quyết.
Bước tiếp theo, mình cho vào khuôn silicon và đổ nhựa resin AB cứng vào. Sau khoảng 24h là mình đã có thể tách khuôn và mài dũa cho ra thành phẩm.
Về kỷ niệm có vẻ không có nhiều. Mình chỉ nhớ nhiều có đợt làm hỏng một lúc 30 chiếc nhẫn và xém nữa không kịp hàng giao cho khách.
Thông thường, bạn mất bao lâu để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh? Và đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình này?
Bình thường thì một sản phẩm như nhẫn hay vòng tay mất khoảng 2 - 3 ngày.
Việc khó khăn nhất với mình là khi đổ nhựa resin bởi vì mình không phải thợ resin chuyên nghiệp gì cả, cũng như là xương có nhiều lỗ nhỏ li ti khiến bọt khí trào lên trong resin làm mất thẩm mỹ có khi là hỏng luôn sản phẩm đó.
Trước khi có được những thành phẩm như ngày hôm nay, có phải bạn cũng đã trải qua không ít lần bị “fail”?
Mình làm hỏng khá nhiều trong khoảng 2 tháng đầu tiên bước chân vào ngành nghệ thuật khoa học này. Lúc đó mình không có tí kiến thức nào cả và sau những lần như vậy mình cuối cùng cũng đã tạo ra được quy trình riêng, đồng thời học hỏi thêm từ nhiều nơi.
Còn những sản phẩm như nhẫn xương rắn thì cũng loại bỏ khoảng 10 - 20% số sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, có thể gọi là những chiếc bị "fail" (pv: hư hỏng).
Đâu là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra một tiêu bản hoàn hảo, theo bạn?
Điều quan trọng nhất có lẽ là kiên trì, tất nhiên kinh nghiệm và việc học hỏi rất quan trọng nhưng nếu không kiên trì thì rất dễ nản khi ráp sai hoặc ráp ra mà không được đẹp như tưởng tượng.
Một trong những công đoạn của tiêu bản xương là xử lý nội tạng động vật. Liệu nó có đáng sợ như người ta tưởng?
Các công đoạn như xử lý nội tạng hay cho bọ ăn xác thì với nhiều người khá kinh dị, đôi khi gây nôn mửa, có người sợ máu, có người sợ những con bọ hay đa phần là nhiều người sợ rắn. Nói chung với mình không có gì đáng sợ nhưng với mọi người thì đúng là nó thấy ghê thật!
Chi phí cho các nguyên vật liệu có gây nhiều trở ngại cho công việc của bạn?
Chi phí cho nguyên liệu khá rẻ và dễ kiếm. Vì mình ở Cà Mau nên nhiều nơi bán rắn làm thực phẩm thì những con chết rất nhiều, mình thu mua toàn bộ với giá chỉ tầm 1/4 lúc nó còn sống thôi. Các nguyên liệu khác như dây hay là oxy già thì rẻ và có thể dễ dàng mua tại các trang bán hàng online.
Các sản phẩm của bạn thường được định giá như thế nào?
Sản phẩm thì tùy vào độ phức tạp cũng như thời gian công sức bỏ ra mà có giá khác nhau. Ví dụ vòng tay thì dễ dàng thắt và xương to dễ xử lý thì có giá tầm trung.
Còn những chiếc nhẫn hay vòng resin thì có giá cao hơn bởi xử lý phức tạp hơn, giá giao động khoảng 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy vào độ khó. Với những bộ xương đầy đủ thì khoảng 7-15 triệu tùy theo yêu cầu cũng như kích thước.
Khách hàng của bạn thường là những người như thế nào? Theo bạn, có điểm chung nào giữa những người muốn sở hữu các sản phẩm trang sức làm từ tiêu bản động vật?
Khách hàng mình chủ yếu là những bạn trẻ đồng lứa, những người cá tính và đôi khi có cả những người mua vì lý do phong thủy. Những người thích sản phẩm mình chủ yếu vì lạ mắt độc đáo, có khi là lần đầu họ thấy và họ thích đồ thủ công, nó mang giá trị tinh thần...
Các sản phẩm trang sức thường có yêu cầu nhất định về tính thẩm mỹ. Vậy bên cạnh việc làm từ xương động vật, đâu là những nét độc đáo người ta có thể tìm thấy trong những sản phẩm của bạn?
Có lẽ là về phần độc đáo, mình có thể khẳng định hiện tại Việt Nam chỉ có mình cung cấp những chiếc nhẫn xương rắn này.
Mục tiêu lớn nhất của bạn trong lĩnh vực này là gì?
Mình mong có thể nâng cao giá trị những sản phẩm, cũng như ngày càng cho ra những sản phẩm đẹp mắt độc đáo hơn nữa để khẳng định tính độc quyền của mình.
Vì mình không phải nhà khoa học và chưa làm ra những bộ xương quá hoàn hảo nên cũng không dám nói đóng góp cho khoa học hay phát triển ngành này tại Việt Nam.
Câu chuyện đạo đức khi hành nghề là vấn đề muôn thuở. Cụ thể, có nhiều người sử dụng xác động vật chết không tự nhiên để làm tiêu bản. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?
Với những người sử dụng, giết hại những động vật hoang dã quý hiếm bị liệt trong Sách Đỏ, thì đó là việc mình không ủng hộ. Bởi nó không chỉ gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái mà còn đến bản thân người làm điều đó.
Còn với những bạn hiện đang tập sự, các bạn ấy ra chợ mua những con vật vốn dùng làm thực phẩm để thí nghiệm thì mình cho là chuyện bình thường. Vì trong chương trình giáo dục bậc trung học cơ sở, học sinh cũng đã được học về sinh vật hay thí nghiệm mổ ếch sống.
Cảm ơn Quãng Nhã vì cuộc trò chuyện này! Chúc bạn có nhiều sức khỏe và luôn thành công trong sự nghiệp.
Dù chỉ mới học lớp 4 nhưng cậu bé Nguyễn Nam Long đã có khả năng lập trình đầy ấn tượng, tương đương với sinh viên IT năm cuối và trình độ tiếng Anh đáng ngưỡng mộ.