Những câu chuyện về môn Lịch sử chưa bao giờ trở thành đề tài bàn tán lớn như thời gian gần đây.
Lịch sử vốn là bộ môn khoa học nghiên cứu hay một môn học, được dạy cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 trong suốt hơn chục năm qua. Nhưng bỗng nhiên nó lại trở thành đề tài tạo nên nhiều tranh cãi gay gắt vì những câu chuyện như: Lịch sử trở thành môn học tự chọn, tiếp cận Lịch sử qua mạng xã hội, sáng tác nghệ thuật lồng ghép yếu tố Lịch sử...
Nội dung liên quan
Trước những tranh cãi lớn này, bạn Nguyễn Hoàng Yến Nhi (lớp 12 CV - THPT Trần Đại Nghĩa) đã bày tỏ những suy nghĩ xoay quanh vấn đề với vai trò là một học sinh chuyên sử. Được biết, Học sinh giỏi Thành phố vừa qua, Yến Nhi đã giành được giải Nhất môn Lịch sử.
"Mình ủng hộ sáng tác nghệ thuật sử dụng yếu tố lịch sử, tuy nhiên.."
Khi vừa ra mắt, ca khúc Đôi Mi Em Đang U Sầu của ca sĩ Đông Nhi đã nhanh chóng "càn quét" các bảng xếp hạng âm nhạc. Ngoài phần nhạc chất lượng thì nội dung MV của nữ ca sĩ cũng được đầu tư không kém khi sử dụng phần huyền sử Trọng Thuỷ - Mỵ Châu để phát triển thành ngoại truyện.
Tuy nhiên việc này đã khiến sản phẩm âm nhạc của cô vấp phải không ít tranh cãi vì những chi tiết liên quan đến lịch sử được nữ ca sĩ "cài cắm" vào. Điển hình như ý nghĩa của hình xăm phía sau lưng Đông Nhi hay phần nội dung được sáng tạo từ huyền sử.
Vậy liệu yếu tố lịch sử có nên được lồng ghép vào nghệ thuật nhưng theo chiều hướng sáng tạo phi lịch sử hay không? Trả lời cho câu hỏi này, Yến Nhi chia sẻ: "Mình rất ủng hộ chuyện có những sáng tạo nghệ thuật liên quan đến lịch sử miễn là nó không mang tính chất xuyên tạc lịch sử".
Dưới góc độ là người đang theo học bộ môn tại trường, Yến Nhi bày tỏ việc tiếp cận lịch sử qua MV hay phim ảnh cũng dễ tạo hứng thú học tập hơn cho học sinh. Bởi, đã là người Việt Nam thì lòng yêu nước vẫn luôn tồn tại trong tim giúp khơi gợi sự tò mò về lịch sử nước nhà.
Trao đổi về vấn đề này, cô Đỗ Thị Hạt, giáo viên môn Lịch sử tại trường THPT Trần Văn Giàu (TP.HCM) nhấn mạnh: "Lồng ghép lịch sử vào nghệ thuật, đó là cách giáo dục rất tốt nhưng phải theo chiều hướng đúng cốt cách của câu chuyện, truyền thuyết. Sáng tạo không có giới hạn, tùy tác giả sáng tạo tới đâu nhưng phải giữ nguyên nội dung, tính chất của lịch sử, không được xuyên tạc".
"Sẽ không công bằng nếu Lịch sử trở thành môn học tự chọn"
Thời gian gần đây, thông tin môn Lịch sử trở thành một trong số những môn học tự chọn đã tạo ra những cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội với hai luồng ý kiến trái chiều.
Một bên cho rằng, môn Lịch sử nên được xem trọng vì đây là "cánh cửa" gần nhất giúp người Việt Nam hiểu biết về cội nguồn lịch sử dân tộc. Còn theo phía khác, Lịch sử là môn học nhàm chán, nặng lý thuyết và ít có cơ hội xét tuyển vào nhiều ngành nghề, vì vậy việc môn học này trở thành môn tự chọn là điều hợp lý.
Tuy nhiên, đối với Yến Nhi: "Nếu môn Lịch sử trở thành môn tự chọn thì đó sẽ là một điều không công bằng cho Lịch sử vì nó xứng đáng trở thành môn học bắt buộc. Có nhiều người giải thích rằng môn Sử đã được học ở cấp TH và THCS thì kiến thức ở bậc THPT cũng chỉ lặp lại thôi.
Nhưng nếu Lịch sử không được học nhuần nhuyễn và mở rộng kiến thức thì chúng ta sẽ không thể xác định được phần lịch sử nào bị xuyên tạc và không nắm được nội dung lịch sử của nước nhà trong khi Việt Nam có rất nhiều giai đoạn và sự kiện lịch sử.
Dù có nhiều người nói rằng các môn học khác vẫn truyền tải được tinh thần yêu nước dưới dạng tinh gọn hơn, tuy nhiên không môn học nào có thể đem đến cho học sinh niềm tự hào, yêu nước mạnh mẽ như Lịch sử".
Theo Yến Nhi, có hai vấn đề chính khiến giới trẻ ngày nay chán học sử. Thứ nhất, những kiến thức trên trường lớp thường nặng lý thuyết, học thuộc và kiểm tra. Thứ hai, môn Lịch sử vẫn chưa được coi trọng trong cuộc sống.
Là người học chuyên Sử, Yến Nhi cũng đã không ít lần nhận được những câu hỏi như: "Học sử để làm gì?". Trong việc thi tốt nghiệp THPT, môn Lịch sử không có nhiều sự đa dạng về khối ngành như những môn khác nên mọi người chỉ xem đây là môn tự chọn dù môn này có vai trò lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước.
"Học sử qua clip ngắn, rủi ro nhiều hơn lợi ích"
Ngoài trường học, lịch sử cũng có thể được tiếp cận qua nhiều phương thức khác nhau như sách, báo, phim ảnh và âm nhạc. Tuy nhiên, mạng xã hội thời gian gần đây đã xuất hiện vô số các tài khoản nói về lịch sử nhưng chỉ với thời lượng từ 15 đến 30 giây. Chính vì vậy, không ít người đã đặt ra dấu chấm hỏi cho việc nội dung của những kênh này có thật sự chất lượng hay không?
Trước vấn đề này, Yến Nhi cho rằng: "Không thể chắc rằng những nội dung này có thật sự được đầu tư hay không với thời lượng ngắn như vậy. Nếu những đoạn clip này chứa đựng nội dung sai sự thật, nó sẽ rất dễ bị lan truyền, dẫn đến việc cả một cộng đồng tiếp thu kiến thức sai. Vì vậy, mình không ủng hộ việc truyền tải lịch sử thông qua những đoạn clip ngắn.
Trong xã hội hiện nay, quyền tự do ngôn luận được sử dụng sôi nổi hơn trên các nền tảng mạng xã hội nên con người có thể truyền tải bất kỳ điều gì họ nghĩ là đúng. Nhưng nếu không có đánh giá của những người biết rõ về lịch sử thì chúng ta sẽ dễ bị dẫn dắt bởi các thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Vì vậy người dùng mạng xã hội cần có sự nghiên cứu sau khi xem clip để biết rằng kiến thức mình tiếp thu có đúng hay không".
Bên cạnh đó, Yến Nhi cũng đưa ra một cách đơn giản giúp các bạn học sinh kiểm chứng các thông tin lịch sử trên mạng xã hội chính là hỏi thêm ý kiến từ thầy cô giáo để nắm rõ hơn về độ chính xác của những thông tin mình có được từ các clip.
Nguồn: TH&PL