Ở tuổi 22, bạn có gì trong tay khi nhiều người vẫn còn đang chông chênh?
Gen Z chập chững bước vào đời, ở tuổi 22, 23 họ có gì trong tay? Là một sinh viên năm cuối, một sinh viên mới ra trường, có người lại là sinh viên trường Y, việc kiếm được 8, 9 số trong tài khoản ngân hàng là điều nghe có vẻ rất mơ hồ. Vài chục triệu đến trăm triệu một tháng là một mức lương, số tiền "khủng" ai ai cũng phải ngưỡng mộ và mong ước. Đối với sinh viên câu chuyện này còn khó khăn hơn rất nhiều lần.
Nội dung liên quan
Khó không đồng nghĩa với việc không làm được, có nhiều bạn sinh viên đã thành công khi mới vừa bước qua tuổi 22, họ xuất thân từ những gia đình bình thường, từng phải ngã rất đau và trả giá trên thương trường khi không có nhiều kinh nghiệm.
Sau tất cả chướng ngại cùng với nhiều lần đóng phí cho đời, các bạn Gen Z đã làm nên chuyện khi mới đôi mươi.
Như đúng quy trình, ở tuổi 22 ai ai cũng bắt đầu bước vào đời với những công việc toàn thời gian, có người vẫn đang loay hoay thử việc với mức lương thấp hoặc làm cùng lúc nhiều công việc trong ngày. Nhưng đồng thời, ở tuổi 22, 23 có những người trẻ chọn kinh doanh, khởi nghiệp từ rất sớm. Với con số trăm triệu/1 tháng, đó là sự chăm chỉ, táo bạo và hơn hết là sự liều lĩnh, dám nghĩ dám làm của Gen Z.
Kiếm tiền + xài tiền = bài học trả phí
Để có được cuộc sống như mơ thì những Gen Z kiếm được con số vài chục triệu, trăm triệu/tháng cũng phải trải qua nhiều thất bại. Mỗi câu chuyện kinh doanh hay đầu tư đều có những bài học đắt giá phía sau đó. Nó được xem như sự tự học đối với tuổi trẻ của các bạn.
Thúy Vy (23 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế) hiện đang là chủ của một cửa hàng bán quần áo, sản phẩm làm đẹp. Cô bạn đã và đang có trong tay một thu nhập khá lý tưởng đối với sinh viên, đủ chi trả và tận hưởng cuộc sống theo ý mình.
Nội dung liên quan
Xuất phát điểm từ đam mê bán hàng cho bạn bè cùng lớp, số vốn nhỏ từ tiền dành dụm, sau đó phát triển dần từ số tiền "lời", kinh doanh online đã trở thành một phần cuộc sống của Vy suốt từ những năm học cấp hai đến hiện tại.
Tuy nhiên, công việc được cho rằng hái ra tiền này đã lấy của Vy rất nhiều về giấc ngủ cùng với việc lỡ hẹn nhiều cuộc vui. Hơn hết, sắp đến cô bạn này lựa chọn sẽ đi làm tại một công ty để có thêm kinh nghiệm , áp dụng được nhiều hơn những gì đã được đào tạo tại trường.
"Học ra học, làm ra làm. Khi mình còn làm một mình chưa có tuyển thêm nhân viên, hôm nào khách đông hoặc hàng hoá về cần cập nhật, lượng công việc nhiều có khi hoàn thành xong cũng 11-12h đêm, sau đó bài vở trên lớp chưa xong mình cũng thức để hoàn thành đến 3-4h sáng ngủ và 8h lại thức để đến trường. Có hơi mệt nhưng quan trọng là cách mình sắp xếp công việc cũng như cuộc sống của bản thân" - Vy chia sẻ.
Nói về những ngày khó khăn khi phải gồng gánh một mình với việc nhập hàng, lên đơn cùng với đó là quản lý shop online, Vy đã nhiều đêm thức trắng để lo việc kinh doanh và bài vở trên lớp. Việc kinh doanh online cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc học vì thời gian linh hoạt, ba mẹ cũng không khiển trách, chỉ một điều mà Vy nhận thấy là bản thân ham công việc nên thường xuyên thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nội dung liên quan
Vy cho biết: "Mình cảm thấy rất mừng vì có hai bạn nhân viên làm cùng, mình chia sẻ và giữ chân họ bằng sự rõ ràng, chia sẻ những kinh nghiệm mình đã trải qua. Sau này, nếu hai bạn không làm cùng mình nữa thì cũng có thể có thêm kỹ năng trong kinh doanh, bán hàng online".
Cũng bắt đầu bén duyên với việc kinh doanh online, Vĩnh Phúc (sinh viên năm cuối Đại học Tài chính - Marketing) cũng đã phải chật vật đi tìm mặt hàng để buôn bán. Xuất phát điểm bán đồng hồ, sau đó đi theo con đường đầu tư chứng khoán để đầu tư sinh lời.
Việc kiếm ra nhiều tiền mang đến cho chàng trai này áp lực về công việc, về suy nghĩ đầu tư để duy trì dòng tiền. Cậu bạn cho biết nhiều lần phải cắn răng chịu cảnh "tay trắng" vì những khoản đầu tư thất bại. Mất khoản tiền vài chục triệu đồng để có được những bài học đắt giá khi kiếm trăm triệu đồng, bài học đắt nhất mà Phúc từng phải trải qua là sự mơ hồ khi bước vào con đường đầu tư, không chạy theo hiệu ứng FOMO mà nhận lấy đắng cay.
Nội dung liên quan
"Một lần mất tiền là một lần đóng 'học phí' nhớ đời, khi đã trải qua rồi thì thị trường sẽ dạy cho mình cách kiếm tiền và xài tiền. Mình là một người tham lam, tham công tiếc việc và tham làm giàu" - Phúc chia sẻ về câu chuyện kiếm tiền của mình.
Khác với Vy và Phúc, chàng sinh viên năm cuối Đại học Y dược cũng chọn cho làm giàu khi theo học một ngành học dài đằng đẳng và được đánh giá học "nặng", Lâm Thịnh cũng đã chọn bán hàng online những dòng nước hoa cao cấp. Từ khoản tiền được gia đình hỗ trợ, cậu bạn đã chăm chỉ để "tiền đẻ ra tiền".
"Dù là một sinh viên y khoa nhưng mình vẫn muốn kiếm thêm thu nhập, có những khoảng thời gian lịch học, trực bệnh viện cũng như đi thực tập ở tỉnh nhưng mình vẫn cố gắng duy trì việc bán hàng online. Mình tập trung khai thác tối đa những mối quan hệ, mạng xã hội để có được nguồn khách ổn định. Mình luôn quan điểm rằng muốn có được những thứ người khác không có thì bạn phải trải qua những điều bạn nghĩ bạn không làm được" - Thịnh cho biết.
Công việc bắt đầu từ những đơn hàng nhỏ lẻ dần dà được phát triển thành một trang bán nước hoa cao cấp được nhiều người biết đến. Cũng chính vì như thế mà mức thu nhập của Lâm Thịnh luôn ở mức khủng. Tuy không cố định theo tháng nhưng để có 8,9 chữ số thì cũng không phải chuyện khó.
Nội dung liên quan
Ba mẹ giàu khác với việc bạn giàu, "giàu" không đồng nghĩa với việc bỏ học
Hiểu bản thân là ai, luôn biết mình muốn gì và có kế hoạch đường dài là những yếu tố cần có của những Gen Z khi bước vào con đường kiếm tiền "khủng". Xuất phát điểm của cả Vy, Phúc và Thịnh không phải là "con nhà nghèo vượt khó", họ sinh ra không ở vạch đích nhưng cuộc sống vẫn ở mức đủ.
Nhưng đây là Gen Z thích kinh doanh, thích tạo ra nguồn thu nhập cá nhân mà không phải phụ thuộc vào ai. Họ luôn quan điểm rằng: "Ba mẹ giàu khác với việc bạn giàu".
Thuý Vy cho biết rằng: "Mình không bị gánh nặng về tiền bạc, mà là do sở thích của mình là kiếm tiền nên bắt đầu kinh doanh online từ cấp 2 đến bây giờ và mình vẫn phát triển công việc đó như một cái duyên. Việc làm ra tiền đã giúp mình đỡ phải trở thành gánh nặng của gia đình và thoải mái hơn với việc làm đẹp, yêu bản thân và những cuộc vui chơi cùng bạn bè".
Vĩnh Phúc lại chọn kiếm tiền sớm và đam mê đầu tư vì cậu bạn hiểu rõ mình là ai và muốn gì. Phúc là người theo chủ nghĩa YOLO, việc chi tiêu của cậu bạn rất mạnh tay và có phần thoáng. Cậu bạn bảo rằng: "Kiểu người của mình không tiết kiệm được nên mình luôn quan niệm là thay vì tiết kiệm thì mình sẽ cố làm ra nhiều tiền hơn để phục vụ cho việc chi tiêu nhiều".
Xuất phát điểm cũng là một "cậu ấm" nhưng không vì thế mà Thịnh cho mình quyền được dựa dẫm vào gia đình. May mắn hơn ba mẹ cũng không tạo cho cậu áp lực vì việc ra trường sau bạn bè hay muộn màng trong việc xây dựng cơ ngơi cho bản thân.
Thịnh tâm sự: "Mình luôn được ba mẹ ủng hộ trong học tập, đích đến của mình vẫn là một bác sĩ chứ không phải là một người bán nước hoa nên việc học vẫn là ưu tiên hơn hết. Tiền và việc kiếm ra tiền từ kinh doanh nước hoa quan trọng, nhưng nó chỉ là yếu tố hỗ trợ mình trở thành một bác sĩ đa khoa".
Dù bận rộn đối với việc vừa học vừa làm, kiếm ra số tiền khủng cũng là lúc nhiều bạn trẻ chạy theo đồng tiền mà tạm gác lại việc học. Nhưng đối với ba người trẻ này, họ vẫn thấy rằng việc học là ưu tiên tuyệt đối. Tuy không giống những sinh viên khác, không có nhiều thời gian tham gia hoạt động tập thể, cộng đồng nhưng riêng với việc học, Gen Z vẫn học cách cân bằng và duy trì tốt.
"Mình lựa chọn đi học vì đó là tiền đề để mình ứng dụng vào thực tế, cũng như kinh doanh hiệu quả hơn. Việc sinh viên chỉ cần có thu nhập cao sẵn sàng bỏ học mình không đánh giá xấu, nhưng đối với bản thân mình thì không nên.
Vì đôi khi mức thu nhập cao đó chỉ là thấy cái lợi trước mắt. Chưa chắc bạn sẽ được mức thu nhập đó sẽ ổn định đến 10-20 năm nữa, lúc đó không có bằng cấp thì mức lương sẽ trả theo trình độ học vấn của bạn. Chẳng hạn như những công ty tuyển nhân viên đều yêu cầu bằng cấp trước rồi mới đến các kinh nghiệm và kĩ năng mềm sau. Chính điều đó nên mình không cổ xúy việc nghỉ học".
Dù có một khoản tiền "đủ" ở tuổi 22, nhưng Phúc vẫn cho rằng việc học luôn là cần thiết, nó như một yếu tố quan trọng đối với cuộc sống sau này của bạn ấy. "Đối với mình 4 năm đại học và tấm bằng là một cột mốc, có được nó trước đã rồi làm gì thì làm. Kiến thức chưa bao giờ là phí, sẽ giúp ích cho mình rất nhiều. Đối với việc các bạn sinh viên khác sẵn sàng bỏ học mình thấy bình thường thôi vì mỗi người luôn có đồng hồ riêng, nếu bạn thấy điều đó phù hợp với bạn và tốt nhất cho bạn thì mình cứ làm".
Nguồn: TH&PL