Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng lại có phát ngôn gây sốc rằng: "Gái mà xấu thì tốt nhất đừng xăm không lại càng xấu hơn".
Từ những bình luận trên mạng về một show truyền hình tới những quan điểm khắt khe ngoài đời thực. Tất cả đều phản ánh chung một thực tế vẫn tồn tại bấy lâu nay chúng ta đang bình thường hóa chuyện thiếu tôn trọng phụ nữ.
Mới đây, tại chương trình tuần Có Hẹn Lúc 22 Giờ, các nghệ sĩ đã cùng nhau bàn luận về chủ đề: "Đàn ông nghĩ gì khi phụ nữ xăm hình nghệ thuật?".
Sau một hồi đưa ra quan điểm của mình cùng với diễn viên Hứa Minh Đạt và Quang Tuấn, đạo diễn Lê Hoàng đã có phát ngôn gây sốc. Vì trong phát ngôn của mình, ông đề cập giữa xăm mình và ngoại hình mỗi người khi nói: "Xăm hình cũng có xăm đẹp và xăm xấu. Tuy nhiên, tôi nghĩ có một quy luật rằng, gái đẹp xăm gì cũng đẹp, còn gái xấu xăm gì cũng xấu. Không biết tôi nghĩ thế có bị ác không?
Tôi nghĩ vậy vì một cô gái sở hữu làn da trắng muốt, nếu có thêm một hình xăm nhỏ điểm xuyến thì sẽ rất hấp dẫn.
Theo tôi, ba yếu tố để thấy người con gái có hình xăm đẹp đó là: Hình xăm đẹp, gương mặt đẹp và chỗ xăm hình cũng phải đẹp như da trắng, eo thon… Gái mà xấu thì tốt nhất đừng xăm không lại càng xấu hơn".
Những câu nói đẫm mùi chê bai ngoại hình, nói trắng ra là bình thường hóa chuyện thiếu tôn trọng phụ nữ, đang khiến nhiều người phẫn nộ. Đằng sau đó là cả một vấn đề không có hồi kết.
Tại sao lại thẳng thắn chê bai phụ nữ trên sóng truyền hình?
Body Shaming (miệt thị ngoại hình) chưa bao giờ là câu chuyện mới nhưng nó vẫn còn tồn tại mặc định trong tâm trí của một vài cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề miệt thị ngoại hình thường xảy ra với nữ giới nhiều hơn vì dung mạo vẫn là thứ được nhận xét gắn với phụ nữ, điều hiếm thấy ở nam giới. Trên sân khấu của chương trình Có Hẹn Lúc 22 Giờ vừa qua, người ta lại thấy nhận định trên được kiểm chứng khi đạo diễn Lê Hoàng buông ra câu phát ngôn đầy miệt thị về ngoại hình của phụ nữ.
"Gái mà xấu thì tốt nhất đừng xăm không lại càng xấu hơn", một câu nói sặc mùi chê bai ngoại hình được phát ngôn thẳng trên sóng truyền hình. Nhiều người tự hỏi rằng, đằng sau một chương trình phủ sóng truyền hình, liệu những câu nói, bình phẩm như vậy sẽ tác động tiềm tàng của nó tới người xem như thế nào? Đáng buồn khi đối tượng trong tầm ngắm lại là phụ nữ.
Từ lâu, vẻ bề ngoài của phụ nữ vốn là câu chuyện "hấp dẫn" trong con mắt của phần đông đại chúng, đặc biệt là đấng mày râu. Vì nhắc đến phụ nữ là người ta nghĩ ngay đến "phái đẹp". Thượng đế đã ban cho phụ nữ những nét đẹp ngoại hình có phần thi vị. Thậm chí vẻ đẹp của họ còn đi vào thơ ca của Nguyễn Du, "Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da".
Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào được sinh ra cũng sở hữu phần nhan sắc trời ban ấy. Nhưng "xấu không phải là cái tội", góp một lời bình phẩm, thêm một lời phân biệt ngoại hình cũng góp phần bình thường hóa chuyện thiếu tôn trọng phụ nữ.
Bình thường hóa chuyện thiếu tôn trọng phụ nữ: Vấn đề không có hồi kết!
"Gái đẹp xăm gì cũng đẹp, còn gái xấu xăm gì cũng xấu", có phải khoảng cách giữa đẹp và xấu ngày càng gia tăng trong xã hội với các tiêu chuẩn cụ thể được thiết lập. Sắc đẹp càng được tôn vinh công khai thì "cái xấu" càng được dè bỉu công khai. Những lời nhận xét vô "phạt" như thế này có thể là nỗi mặc cảm đối với một số người khi nghe chúng. Bởi vấn đề Body Shaming phụ nữ vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết.
Mặt đẹp - da trắng - eo thon, có chăng người ta luôn mượn những tiêu chuẩn về cái đẹp để bày tỏ quan điểm xấu xí và lệch lạc của mình về ngoại hình của người khác. Với họ thế nào là đẹp? Người con gái đẹp phải có cơ thể săn chắc, cân đối như những người mẫu thể hình trên Instagram. Béo quá đương nhiên là không đẹp, mà gầy quá cũng chưa vừa ý họ đâu. Những định kiến bấp bênh về vẻ đẹp ngoại hình càng đẩy sự xấu xí xuống vực thẳm. Thậm chí "xấu là một cái tội".
Khi tiêu chuẩn sắc đẹp ngày càng thăng hạng cũng là lúc chuyện xấu đẹp được đưa ra bàn tán khắp nơi. "Xấu mà có trang điểm lộng lẫy cũng xấu", "xấu mà có mặc đẹp cũng xấu" hay "xấu mà có làm gì thì cũng xấu", nghiễm nhiên đã trở thành bằng chứng rõ ràng nhất cho việc, không ít người trong chúng ta đang bình thường hoá việc xúc phạm phụ nữ.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cơ hội được tiếp cận Internet đến quảng đại quần chúng, cũng là dịp để thiên hạ được tha hồ bày tỏ quan điểm. Trong thế giới ảo ấy, "Cyber-bullying" (bắt nạt qua mạng) nổi lên như một vấn đề nhức nhối. Mà đáng buồn thay, phụ nữ dễ dàng trở thành nạn nhân của Cyber-bullying hơn đàn ông. Cyber-bullying thì muôn hình vạn trạng lắm: chê ngoại hình, chê nhân cách, chê học vấn, công ăn việc làm thu nhập. Thiên hạ khen thì khó chứ chê thì dễ lắm.
Trong vài thập kỷ qua, cuộc đấu tranh về bình đẳng giới đã có những bước phát triển nhất định. Những áp đặt lên phụ nữ có phần giảm đi rất nhiều. Trên diễn tiến bình đẳng đó, tất nhiên vẫn không bằng phẳng khi các định kiến về ngoại hình của nữ giới vẫn còn là câu chuyện nhức nhối trong xã hội.
Nếu tất cả chúng ta đều nghĩ rằng việc cười cợt trên ngoại hình người khác là chuyện thường ngày, thì chẳng phải chính ta cũng đang khiến cuộc sống của mình bị bó hẹp lại bởi những lời đánh giá và cái nhìn đầy giễu cợt hay sao?
Nguồn: TH&PL