Chia sẻ với , Hiếu PC cho biết: "Để nâng cao được nhận thức an toàn thông tin phải cần có thời gian, kiên trì và sự trao dồi kiến thức không ngừng".
Ngô Minh Hiếu, hay còn gọi là Hiếu PC, anh hiện là chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia Việt Nam. Trước đó, anh từng được Mỹ đánh giá là một trong những hacker nguy hiểm nhất thế giới trong đường dây tội phạm mạng đa quốc gia.
Trở về từ Mỹ sau 7 năm tù, anh cho biết muốn góp phần ngăn chặn những "cú nhấp chuột sai lầm" gây ra nhiều hậu quả cho người dùng mạng Việt Nam. Đầu năm 2021, anh đã ra mắt dự án vì cộng đồng mạng có tên Chống Lừa Đảo - một ứng dụng miễn phí cho trình duyệt để người dùng luôn được bảo vệ trong lúc lên mạng tìm kiếm, mua sắm và lướt web.
Việt Nam nằm trong top những nước bị tấn công, lừa đảo nhiều nhất Đông Nam Á
Là một người làm trong lĩnh vực an ninh mạng, Hiếu PC cho biết hiện tại có rất nhiều nạn lừa đảo, giả danh và tin giả ở Việt Nam. Cũng qua đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tình trạng bị tấn công, lừa đảo trên không gian mạng nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong 7 tháng đầu năm có hơn 3.900 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong số này, 26,1% các cuộc tấn công là lừa đảo phishing. Kẻ xấu tạo các website, email hoặc ứng dụng mạo danh để dụ người dùng truy cập, từ đó phát tán mã độc hoặc lừa lấy thông tin cá nhân.
Ngoài ra, theo hãng bảo mật Kaspersky, trong nửa đầu năm 2020, không gian mạng Việt Nam cũng có hơn 464 nghìn trường hợp lừa đảo mạo danh, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
"Lừa đảo ở Việt Nam xuất phát từ đa phần ở mạng xã hội Facebook. Nơi mà kẻ xấu có thể tạo ra nhiều tài khoản giả mạo để lừa đảo, kêu gọi đầu tư hay quyên góp tiền… Chưa kể đến người sử dụng Internet tại Việt Nam nhận thức về an toàn thông tin còn rất kém cũng là một yếu tố rất quan trọng" - Hiếu PC chia sẻ lý do vì sao vấn đề lừa đảo trên không gian mạng lại diễn ra nhiều tại Việt Nam như vậy.
Anh cùng những người bạn có cùng đam mê lĩnh vực bảo mật đã trăn trở hoài về những câu chuyện lừa đảo, khiến "tiền mất tật mang" bởi những trang web độc hại, giả mạo,... Gần đây nhất, lợi dụng tình hình dịch bệnh khó khăn, nhiều kẻ xấu đã gửi đi những dòng tin nhắn mạo danh đến từ cơ quan Bảo hiểm xã hội để thông báo về việc nhận trợ cấp mùa dịch bằng những… đường link lạ.
Như Hiếu PC từng chia sẻ thì sự hiểu biết của người dân về không gian mạng vẫn còn kém, và điểm yếu là tính cách "tin người" của người Việt cũng khó lòng tránh khỏi những vụ lừa đảo qua mạng. Đó là động cơ lớn nhất để anh thành lập dự án "Chống lừa đảo" để giúp đỡ mọi người.
Khó có một chuẩn mực và thước đo cho khái niệm "bạo lực không gian mạng"
Bạo lực mạng là một vấn đề diễn ra từng phút từng giây trên mạng xã hội. Khó có thể phủ nhận tất cả chúng ta đều đang và từng là "thủ phạm" của bạo lực mạng mà… không hề biết điều đó. Rất nhiều người cứ thản nhiên trút đi sự phẫn nộ qua cái cớ "chia sẻ quan điểm cá nhân" làm tổn hại danh dự và nhân phẩm của người khác khi chưa rõ đầu đuôi câu chuyện.
Hiếu PC cho rằng, bạo lực trên không gian mạng cũng là một loại vi phạm an ninh mạng nhưng có lẽ khó có một chuẩn mực và thước đo nào để người dùng mạng hiểu được đâu là giới hạn giữa bạo lực và không bạo lực mạng.
"Thước đo này tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên trên không gian mạng thì càng khó để mà xác định được, suy cho cùng ai cũng có một chính kiến riêng. Trong quá trình học tập trường lớp thì thầy cô cũng đã dạy chúng ta rất nhiều về cách sống văn minh lịch sự. Đừng để lời nói của mình làm gây ảnh hưởng xấu đến người khác hay đến cả chính bản thân" - Hiếu PC cho biết.
Bàn về vấn đề lừa đảo và bạo lực trên không gian mạng, những người trẻ Gen Z thường sẽ mang tâm lý "làm gì đến lượt mình bị lừa" và phớt lờ đi những thông tin cảnh báo lừa đảo. Vì với Gen Z, họ cho rằng mình có đủ sự hiểu biết và tỉnh táo trước những vấn đề đó. Hiếu PC cho biết tư tưởng như vậy cũng rất dễ hiểu ở những bạn trẻ Gen Z, vì họ đã tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, nên khi xảy ra chuyện thì họ sẽ hiểu rõ hơn vấn đề và tránh né.
Tuy vậy, chẳng ai bảo đảm được mình sẽ luôn ở trong "vùng an toàn" trên không gian mạng vì đây là một thế giới ẩn danh. "May thay, có khá nhiều bạn trẻ yêu thích công nghệ, rất quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin trên mạng. Nên hầu như những buổi livestream các bạn trẻ rất nhiệt tình đặt câu hỏi và tham gia thảo luận. Có lẽ để nâng cao được nhận thức an toàn thông tin phải cần có thời gian, kiên trì và sự trao dồi kiến thức không ngừng…"- Hiếu PC chia sẻ.
Hãy biết tự bảo vệ mình giữa cuộc sống ngày càng "online hóa"
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của con người cũng dần chuyển hoá sang hình thức online nhiều hơn từ công việc đến học tập. Theo đó, "cuộc sống online" của con người cũng gặp nhiều rủi ro hơn bởi cuộc "tổng tấn công" của những kẻ giả mạo, lừa đảo, hay thậm chí là… quấy phá.
Hiếu PC tiết lộ, hiện nay có là một hội nhóm chuyên đi phá những cuộc họp, buổi học online của các bạn học sinh, sinh viên. Những thành phần vị thành niên phá hoại này nhắm tới những nhóm học online ở các trường trong nước và các cuộc họp online ở cả các công ty. Bọn chúng chia sẻ nhau những đường dẫn trên các hội nhóm Facebook và chat box kín nhằm phát tán hình ảnh nhạy cảm, độc hại và đồi trụy nhằm phá hoại - gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và học tập của nhiều người.
"Để học và họp online được an toàn thì chúng ta nên cẩn trọng trong việc xét duyệt thành viên tham gia. Đồng thời, cũng cần cài đặt lại chế độ bảo mật và tắt hết những tính năng cho thành viên tham dự như chia sẻ màn hình, tự do mở mic, mà chỉ có người chủ trì cuộc họp được nắm quyền và kiểm soát" - Hiếu PC chia sẻ cách để bảo mật cuộc họp thông qua các ứng dụng meeting online.
Bên cạnh đó, Hiếu PC cũng cho biết rằng sự ẩn danh của các nick ảo, nick clone (nick không chính chủ) cũng có ảnh hưởng rất lớn đến công tác kiểm soát an toàn trên không gian mạng. Facebook cũng đang cố gắng trong công cuộc quét và khóa các tài khoản ảo, và đưa ra những chính sách khó hơn. Thế nhưng Hiếu PC nhận định "không có nền tảng nào là hoàn hảo, suy cho cùng nếu bọn xấu muốn thì họ vẫn kiếm cách để mà lừa đảo, quấy phá. Nên cách tốt nhất vẫn là biết cách để tự bảo vệ mình trên không gian mạng".
Anh cho biết: "Người dùng Facebook cần một nhận thức chung là chúng ta ai cũng có quyền lựa chọn nên xem tin nào và không nên theo dõi ai, nếu thấy bất kỳ những gì quá tiêu cực, nên khóa hay bỏ theo dõi những trang như vậy trên Facebook. Đặc biệt có rất nhiều thành phần xấu và rỗi thời gian, hay vào bình luận tiêu cực, cách tốt nhất là nên chặn từ khóa ở phần bình luận, hoặc nếu thấy không thích quan điểm tiêu cực ấy cứ việc khóa thẳng tay vào danh sách đen".
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL