Food Reviewer không còn quá xa lạ với nhiều người, thế nhưng những ông hoàng ẩm thực liên tục khiến dân tình vỡ mộng vì lời nói dối gian.
Food Reviewer nói láo ăn tiền?
- Food vlogger có review láo ăn tiền?
Nếu ví thực khách như con mồi, các hàng quán là kẻ săn mồi thì Food Reviewer được xem là… công cụ đi săn. Hái ra tiền nhờ việc "ăn giùm thiên hạ", Food Reviewer chỉ những người tự trải nghiệm, nếm thử và đưa ra nhận xét về các món ăn, thức uống trên mạng xã hội.
Nội dung liên quan
Trước đây, Food Reviewer là ngành nghề khá mới và có ích cho cộng đồng, bởi người đọc có thể dựa vào những bài đánh giá đó để lựa chọn địa điểm ăn uống phù hợp với nhu cầu. Với mức thù lao hậu hĩnh, vừa "được ăn được nói" và được "săn đón" trên mạng xã hội, nghề phê bình ẩm thực online trở thành xu hướng và thu hút nhiều bạn trẻ.
Tuy nhiên, số lượng lại không đi liền với chất lượng. Food Reviewer mọc lên như nấm, nhưng có vẻ "nấm độc" lại nhiều hơn "nấm linh chi".
Đời không như mơ
- Lời nói dối ngọt ngào
Công việc hấp dẫn này nổi lên giữa thời đại Internet Việt Nam ngày càng phát triển và nhanh chóng trở thành một trào lưu vì tính chất đơn giản nhưng đem lại nguồn thu. Lướt bất kỳ một trang mạng xã hội từ Facebook, Instagram đến TikTok, không khó để thấy vô vàn "chuyên gia ẩm thực" online.
Chỉ cần nếm thử món ăn, viết một ít lời ngon ngọt dành cho món ăn đó liền nhận được thông báo "ting ting" vào tài khoản. Ai mà chả mê cho được?
Nhưng khi việc bày tỏ cảm nghĩ về đồ ăn trở nên phổ biến, những lời đánh giá đến từ những "nhà phê bình ẩm thực" có vẻ không còn khách quan như ban đầu.
- Food Review hay Phét Rì-Viu?
Cứ 10 bài review thì 11 bài khen nức mũi. Không còn những lời khen chê thẳng thắn, giờ đây các Food Reviewer phải "thêm mắm dặm muối" sao cho đáp ứng được nhu cầu của bên booking, thu hút được nhiều "con mồi".
Thậm chí, nhiều nhà phê bình ẩm thực online còn nhận tiền quảng cáo và "khen lấy khen để" một quán nào đó dù món... không ngon. Chỉ tới khi thực khách đến tận nơi mới "té ngửa" vì chất lượng món ăn, hình thức, thái độ phục vụ... đều kém xa quảng cáo.
Những "con mồi" không hề hay biết, cứ tin tưởng vào những lời tâng bốc, hình ảnh hào nhoáng trên mạng. Dần dần, họ rơi vào bẫy của "kẻ săn mồi". Không ít "thượng đế" phải ôm cả bụng tức đi về vì tin tưởng vào những lời đường mật của "Phét Rì-viu".
"Sau 1 thời gian nghe theo các Food Reviewer nổi tiếng với cơ man ảnh đẹp, món ngon, hí hửng rủ bạn bè đi ăn thì 10 lần hơn nửa lần bỏ về vì quá dở. Từ đó xin chừa, không dám tin vào review trên mạng nữa".
"Tôi cũng háo hức đến lắm, nhưng mua xong thì thất vọng toàn tập. Đác thì được 3-4 hạt, dâu thì lên men và hơi cay. Đá thì nhiều".
- Nhận quảng cáo là đánh mất chính mình?
Sự khác biệt giữa quảng cáo và thực tế khiến nhiều người rơi vào trường hợp dở khóc dở cười, hóa ra mọi chuyện đều không như là mơ. Tin vào lời quảng cáo nhiều người có thể rơi vào hoàn cảnh tiền mất tật mang.
Đa số Reviewer luôn đề cao mọi thứ, từ món dở cũng thành ngon, từ xấu xí cũng sẽ trở nên xinh lung linh với 7749 app chỉnh màu. Có thể nói Reviewer như trợ thủ đắc lực của nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Food Reviewer ngày càng được nhiều cửa hàng trọng dụng như một công cụ để thực hiện nhiều chiến lược Marketing. Từ những bài đăng bình thường trên Facebook, hay thậm chí là quay những clip riêng để thưởng thức, trải nghiệm sản phẩm và sau đó là chia sẻ cảm nghĩ về món ăn đó.
Tuy nhiên "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" , có lẽ các bạn làm "nghề" Food Reviewer chỉ biết "nuông chiều" cửa hàng nhận quảng cáo, không nghĩ đến cảm nhận của người xem.
TikToker Nhân Đi Ăn chia sẻ: "Nếu nhận quảng cáo, mình phải sử dụng trước món đó xem chất lượng thế nào. Và chuyện ngon hay dở cũng tùy khẩu vị mỗi người. Đôi khi mình chỉ đi ăn, thấy ngon rồi review khen, nhưng có bạn ăn dở rồi quay sang bảo mình PR thì cũng đành chịu".
Nhân còn cho biết, ngoài món ăn, bạn vẫn chú trọng đến vệ sinh, cách phục vụ. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí đó, Nhân vẫn chê "nhè nhẹ" để không quá ảnh hưởng đến quán.
Nội dung liên quan
- Hành trình trở thành một Food Reviewer không khó
Các bạn trẻ hiện tại ngày càng biết lựa chọn con đường để phát triển bản thân, "làm này làm kia nè" biết theo xu hướng chung của thế giới. "Nghề" Food Reviewer ngày càng được đề cao và truyền tai nhau bởi độ sung sướng, chỉ cần ăn và nói đã kiếm được chục triệu.
Trở thành một Food Reviewer không khó, từ mọi ngành nghề khác nhau miễn có sở thích ăn uống thì trở thành một "chuyên gia" đánh giá ẩm thực.
Nhưng đâu ai biết, hậu quả của những lần ăn ngon, là nhiều lần đánh đổi về sức khỏe. Nhiều bạn trẻ cứ đâm đầu vào để rồi đem lại nhiều câu chuyện trên trời dưới đất của netizen.
Các TikToker hiện nay bất ngờ nổi lên như một hiện tượng thì lại bắt đầu thử sức trong một vai trò mới là Food Reviewer. Từ khi nào một TikToker kiêm Food Reviewer mà lại có thể "nói văn nói hoa" về một món ăn nhưng không có bất kỳ kiến thức nào về ẩm thực?
"Hãy đến trải nghiệm sẽ không bao giờ thấy thất vọng",
"Nhanh tranh thủ thời gian giãn cách ít người chạy ra quán để sống ảo"
"Trà đào cam sả ở đây ngon lắm, mọi người ghé nhất định phải thử",
...
Trải nghiệm dưới góc độ cá nhân, thế nhưng nhiều bạn trẻ lại có những câu khẳng định như đinh đóng cột thì đương nhiên sẽ có nhiều người tin theo và sẽ đến để thử.
Dường như trong từ điển cuộc sống Food Reviewer không khái niệm "dở", nhiều bạn cứ tung hô món ăn ngon, nước uống đáng thử xứng đáng giá tiền. Với các mác KOLs nhiều bạn TikToker cứ thả ga nhận quảng cáo và không có điểm dừng.
Chân thực là điều quan trọng nhất
- Thực khách mất lòng tin
Sau nhiều lần thực khách trao Food Reviewer con tim nhưng Food Reviewer trao lại một cú lừa, không ít người chọn cách quay lưng với những "chuyên gia ẩm thực" bất tín này.
Một trang Food Review sở hữu hơn 4 triệu người theo dõi với dấu tích xanh, đăng tải bài viết về một xe bánh tráng ở quận Tân Phú cùng những lời tâng bốc "lên mây". Vì có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, thực khách dễ dàng tin tưởng vào lời ngon tiếng ngọt của "chuyên gia ẩm thực online" đầy uy tín này.
Khách hàng thay nhau đổ xô đi trải nghiệm món ngon này. Song, khác hẳn với những gì được đề cập trên bài quảng cáo, các bình luận bên dưới tỏ ra đầy thất vọng với trải nghiệm "nhớ đời".
"Mua cô này toàn làm sai thôi. Không ăn cay, dặn không ớt mà cứ liếc mắt ngang dọc, đảo mắt liên hồi để bắt khách rồi múc lộn. Rồi cái gì rơi vãi ra ngoài là hốt vô lại, dòm sợ luôn".
"Lại cái hàng này. Bán mà cái mặt như ai ăn hết của dị. Bánh tráng cuốn cuốn cho vui chứ đụng nó bung hết. Bánh tráng trộn thì không ngon, sao mà đăng đi đăng lại hoài".
Nội dung liên quan
Hàng loạt bình luận khác cũng đều xoay quanh thái độ phục vụ và chất lượng của xe bánh tráng lẫn nghi ngờ độ tin cậy của trang review: "Combo đứng chờ + chửi + mặt hay quạo nên tui bái bai chị ấy, qua chị bên hông vừa ngon mà nhiều hơn", "Cần những Food Review có tâm không chạy theo tiền quảng cáo và có tầm để đánh giá đồ ăn", "Nên có thêm nghề Food Reviewer Reviewer để đánh giá độ xác thực của các bạn Food Reviewer"...
Người đăng thì khen hết lời từ hương vị, cách phục vụ đến vệ sinh thực phẩm, còn thực khách - những người đã từng trải nghiệm chỉ biết la ó "kêu trời"!
Đôi khi, chính "đồng nghiệp" với nhau vẫn dính bẫy. Thấy Food Reviewer khen gà chiên ở chợ Hồ Thị Kỷ, Nhân Đi Ăn cũng đã đến trải nghiệm. Chờ đợi 45 phút, nhưng món lại chẳng ngon như lời đồn.
Hay chủ nhân của kênh Hà Nội Phố - Duy Nến nhận nhiều gạch đá khi liên tục "on the mic" với kiến thức sai lệch, sai tên đường, "chế" tên món ăn khiến người xem lắc đầu ngao ngán.
Thái độ của anh chàng cũng khiến netizen bực bội, một khoảnh khắc bị cộng đồng đào lại khi nhận hóa đơn thanh toán của một quán ăn tại Hà Nội. Trước khi thanh toán thì khen nức nở nhưng khi nhìn đến số tiền thanh toán không hề nhỏ, Food Reviewer lươn lẹo này bắt đầu "nóng máu".
Anh lật mặt, liên tục tỏ ra thái độ không hài lòng với món ăn. Cách cư xử không chuẩn mực khiến dân tình liệt Duy Nến vào top những Reviewer có tư duy lệch lạc và không đáng xem nhất Việt Nam
Cùng một địa điểm ăn uống, nhưng Food Reviewer và thực khách chân chính lại có những trải nghiệm khác xa nhau. Từ đó, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội và dần dần niềm tin vào các Food Reviewer bị đánh mất.
- Chân chính thì sẽ được đón nhận
"Nghề" Food Reviewer không phải thích là làm, nhiều tiền là chọn, quan trọng nhất là phải đặt cái tâm vào từng lời nói và hành động. Có thể chấp nhận việc sử dụng ứng dụng để chỉnh màu cho những bức hình về món ăn, ẩm thực, nhưng vẫn phải giữ đúng nguyên vẹn tính chất của nó.
Thấy ngon thì khen, nếu món ăn dở thì mình có quyền không nhận quảng cáo hoặc góp ý cùng với chủ quán. Gieo hy vọng thật nhiều đến lúc thất vọng cũng thật đau, các Reviewer hãy cẩn trọng lời nói đừng để người xem vỡ mộng.
Mấu chốt cho sự thành công của một Reviewer đó chính là sự chân thực và lòng tin của khán giả dành cho họ. Hãy tự tạo nên một màu sắc riêng, một gu ẩm thực nhất định để khẳng định vị thế của bản thân Reviewer. Đừng để đồng tiền che mờ lý trí và đừng khiến khán giả phải quay lưng.
Nguồn: TH&PL