Bản rap đầu tiên dành cho mẹ của Đen Vâu, chạm đến từng ngõ ngách cảm xúc, ký ức của nhiều người.
Sau một thời gian dài để Đồng Âm chờ đợi, ngày 29/12 Đen Vâu đã cho ra mắt một sản phẩm "quen nhưng lạ". Quen vì cách rap và story-telling của Đen vẫn vậy: chân thật.
Lạ ở chỗ câu hát ru quen thuộc của mẹ đã được làm mới khiến người nghe nổi da gà. Đây dường như là một lead single mở đường cho những dự án mang tính quốc tế của Đen Vâu.
Như câu rap:
"Nhạc rap đến từ Đông Nam Á
Mang lời mẹ kể cho 7 lục địa nghe
Vâng lời mẹ/ không gian trá
Xuất khẩu âm nhạc mang tiền về"
Chân thành dành cho mẹ
Không ồn ào, cũng chẳng cầu kỳ, âm nhạc của Đen vẫn luôn có một sức hút kỳ lạ với khán giả, bởi vì nó…đơn giản, là những tâm sự đơn giản, những câu nói bình thường, những điều quen thuộc trong cuộc sống.
Với Mang Tiền Về Cho Mẹ, Đen Vâu khéo léo tập hợp những lời căn dặn của tất cả các bà mẹ trên đời thường nói với con, đặc biệt là con trai thì càng nghiêm khắc hơn:
"Mẹ chỉ muốn chúng mày phải tự lo cho mình
Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn
Mấy đứa chúng mày liệu mà ăn cho nhiều
Đừng ham chơi và chọn bạn mà chơi cho đúng
Nếu có gì thì gọi ngay cho mẹ
Chạy xe ra đường đừng rồ ga bốc đầu"
Người mẹ nào cũng vậy, lo nhất vẫn là miếng ăn - giấc ngủ của con, khi con xa nhà chỉ mong con có thể vững vàng, tự chèo chống trước sóng gió cuộc đời.
Và Đen cũng lồng vào một câu nói đùa rất quen thuộc ngày xưa: "Xe mẹ mua, đua mẹ đánh" đưa vào bài rap thành "Chạy xe ra đường đừng rồ ga bốc đầu", một cách duyên dáng, tình cảm.
Vì sao nghe Mang Tiền Về Cho Mẹ mà cảm thấy xúc động? Vì nó chân thành, từ những lời khuyên của mẹ, từ cái cách người con cẩn thận ghi nhớ (mà có lẽ là do đã nghe quá nhiều, vì những người mẹ thường nhắc đi nhắc lại sợ con quên).
Giọng hát Nguyên Thảo cất lên đầy cảm xúc, vừa có đủ độ mềm mại, vừa có độ phiêu của bản thân bài nhạc và cũng rõ từng lời từng chữ như người mẹ dành cho con của mình.
Cách kể chuyện theo kiểu đối thoại này của Đen, làm tăng thêm mạch cảm xúc cho Mang Tiền Về Cho Mẹ. Lắng nghe bản rap, chưa bàn đến phần nhìn, đã có thể mường tượng rõ chân dung mà Đen khắc hoạ về người mẹ của mình và cả cuộc sống của những đứa con xa nhà.
Những cụm từ vị giác "Mặn, ngọt, cay, chua, đắng" đơn giản nhưng thấm từng từ cho những ai đã từng xa gia đình, trải qua nhiều lần bị cơn sóng cuộc đời vùi dập, nhưng lời mẹ dặn ngày bé văng vẳng bên tai chính là nguồn động lực rất lớn.
Chân thật từ con trai
"Nếu không có mẹ, con cũng chỉ là đồ bỏ mà thôi
Sẽ không có nề có nếp, dù đặt mình lên cái chõ đồ xôi"
Phong cách của Đen vẫn luôn mang theo một sự mộc mạc, giản dị và gần gũi với văn hóa Việt Nam. Lần cuối bạn nghe được từ "cái chõ đồ xôi" trong một bài hát là khi nào? Chắc chắn là từ rất lâu rồi.
Ấy thế mà Đen lại sử dụng hình ảnh này, và biến nó thành một Wordplay để nói về ảnh hưởng của người mẹ lên con trai. Cặp từ "nếp" - "chõ đồ xôi" được nam rapper sử dụng vừa đơn giản, vừa đắt giá, và đó là công thức của anh trong tất cả mọi sản phẩm.
Một hình ảnh tương đối thú vị của Đen: "Giờ con đeo túi tòte đi mua cho mẹ cái túi Dior". Khác với những rapper khác flexin bằng việc mua đồ hiệu cho chính bản thân mình, anh chọn việc khoe rằng anh có nhiều tiền, đủ để mua tặng mẹ mình một chiếc túi Dior với mức giá không hề rẻ. Đó chính là sự ngông cuồng một cách tinh tế của Đen Vâu khi flexin một cách rất "ngoan".
Đen cũng thể hiện tình yêu với mẹ mình theo một cách rất "văn học" khi sử dụng wordplay với từ son: "Nếu có nhiều tiền, con sản xuất son môi/ Màu cho các mẹ con đặt tên là 'son sắt"'. Những người phụ nữ luôn gắn liền với màu son. Người ít thì 1 cây, nhiều thì 2 hoặc hơn. Chính vì thế, cách Đen tri ân những người mẹ sẽ là việc sản xuất son môi với tên là "son sắt".
"Son sắt" ở đây rõ ràng mang theo nhiều thông điệp đến từ Đen. Nhiều người sẽ nhìn ra ngay, "son sắt" chính là thuỷ chung, không bao giờ đổi thay, không bao giờ phai nhạt. Nhưng đó còn là một ẩn dụ dành cho sự rắn chắc của "sắt" bên trong nét mềm mại đến từ "son".
Những người phụ nữ Việt Nam đa phần đều có khả năng cân bằng được giữa sự mềm mỏng và cứng rắn khi dạy con. Chính vì thế, son sắt - một từ đủ sức bao hàm hết tất cả những đặc tính của người mẹ - đã được sử dụng ở đúng vị trí cần nó nhất. Một Punchline không thể chất lượng hơn đến từ cái tên Đen Vâu.
"Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang
Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan"
Những sự chân thật đến trong từng câu, từng chữ của Mang Tiền Về Cho Mẹ. Dù ở ngoài kia có là ai đi chăng nữa, chắc chắn khi về nhà, chúng ta vẫn có điểm chung là con của mẹ ta, là cháu của ông bà. Chính vì thế, những bữa ăn ở nhà hàng sang trọng có lẽ không mang vị ngon đủ đầy bằng bữa cơm mẹ nấu bằng bếp củi.
Những món ăn được các đầu bếp chuyên nghiệp làm cũng chưa chắc bằng được nồi thức ăn mẹ nấu bằng "xoong gang". Điểm đặc biệt trong khả năng Rap của Đen là việc anh có những bộ vần rất "dị" mà không nhiều rapper nghĩ ra được. Điều này đến từ bộ từ vựng mang tính Việt Nam không chỉ sâu mà còn rất rộng của nam rapper.
Bước đi bằng đôi chân trần
Hình tượng chân trần mà chúng tôi sử dụng chính là để nói về sự thô ráp và những nỗ lực rõ ràng của Đen Vâu trên con đường tiến đến tham vọng Mang Tiền Về Cho Mẹ.
"Con trai mẹ chỉ là người phục vụ nhưng muốn đời đối với mẹ như một bà hoàng"
Những hình ảnh đối lập, và mang theo toàn bộ thông điệp mà đen mong muốn truyền tải trong sản phẩm lần này. Đen luôn xem việc thành công của mình là "gói gọn trong hai từ: may vãi". Chính vì thế, anh tự xem mình là người phục vụ cho tất cả mọi người.
Anh không đặt mình đứng ở vị trí thần tượng, "anh chỉ là một người hát rap" và thứ anh cần chỉ đơn giản là "mang tiền về cho mẹ" để "đời đối với mẹ như một bà hoàng". Đây có lẽ là những hình ảnh Đen lấy từ thực tế, khi rất nhiều người vẫn đã và đang là những người phục vụ tại các hàng quán và những nơi mua sắm.
Có lẽ, anh cũng muốn khuyên nhủ những người con rằng hãy "Lao động hăng say, hơn cả tiền đề", "đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền lệ". Những người con cần "cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền tệ" và hãy đưa tiền cho mẹ, vì "mẹ là tiền vệ".
Lý do tại sao những người mẹ luôn nói con đi làm về đưa tiền cho mẹ là vì họ mong muốn bảo vệ tiền cho con mình trước những cám dỗ bên ngoài kia. Nếu không có mẹ bảo vệ, số tiền trong tài khoản hay những khoản tiền dành dụm sẽ mau chóng vơi đi với tính cách của những người trẻ bồng bột và thích tiêu pha.
Cách rap theo kiểu văn nói và đối thoại như Đen rất phù hợp với việc truyền tải những thông điệp mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, và anh đã làm những thứ đó một cách hoàn hảo ở Mang tiền về cho mẹ.
Anh thể hiện quan điểm của mình, đồng thời đưa ra những bài học cho người khác bằng những màn wordplay rải khắp các verse rap của mình. Ví dụ như câu "Tiền của con không có cần phải rửa/ Nó cũng chỉ ám mùi mồ hôi" hay "Sống phải đẹp như là hoa hậu/ Dù không cần thiết được tặng vương miện".
Những câu rap từ cái tên Đen Vâu luôn hướng mọi người đi theo một sự thiện lành nhất định, và điều đó đem lại sự tương thích cho những gì quen thuộc với người Việt Nam.
Có cảm giác, nhưng câu Rap của Đen Vâu như những câu thành ngữ của thời hiện đại vậy, khi anh mang những hình ảnh trong các câu thành ngữ vào bài hát của mình và gọt dũa để phù hợp với những khoảng trống mà anh muốn đặt vào.
Ví dụ như câu "Chim thì có tổ, là con người thì chắc chắn phải có tông" là biến tấu của câu tục ngữ "Chim có tổ, người có tông". Hay cả câu "Muốn bay vào trời cao rộng, con nào không cần có lông?" cũng nhắc đến thành ngữ "đủ lông đủ cánh" được sử dụng rất nhiều trong những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành.
Kể cả hình phạt của việc mang muộn phiền về cho mẹ, Đen cũng đưa vào đó hình ảnh quen thuộc trong những câu chuyện của người Việt Nam: "thiên lôi đánh". Đó là nỗi sợ trời đánh khi làm những việc xấu từ xưa đến nay vẫn được mẹ nhắc nhớ.
Và Đen Vâu đã dẫn mọi người đi qua câu chuyện về mẹ mà bất cứ ai cũng có thể đồng cảm được. Những hình ảnh, từ ngữ và các sắp xếp bố cục bài mang đậm dấu ấn của văn nói. Nhờ đó, Mang Tiền Về Cho Mẹ như một câu trả lời dành cho câu hỏi "Tết này ông làm gì?".
Sau Đi Về Nhà, Đen đã có thêm một bản hit chạm đến trái tim của những người con đất Việt. Nói không ngoa, hãy gọi Đen là rapper quốc dân vì sự thân thuộc luôn xuất hiện trong âm nhạc của anh.
Nguồn: TH&PL