Nếu được làm cháu của bà Nguyễn Thị Sơn, bạn sẽ...
Những ngày qua, cái tên của bà Nguyễn Thị Sơn - người được mệnh danh là "thái hoàng thái hậu" của gia tộc Sơn Kim Group - đã phủ sóng khắp cõi mạng. Nhiều người gọi vui bà là "Idol giới trẻ" bởi tài thao lược kinh doanh hơn người, sự kiên định trong tính cách, ý chí vượt lên nghịch cảnh và hơn hết là sự "thâm sâu" quyền quý của một người thế gia vọng tộc.
Nhiều người trẻ bắt đầu có ước mong trở thành cháu của "người bà quốc dân" Nguyễn Thị Sơn để "hưởng sái" chút vinh hoa, hơn hết là một kho tàng những bài học quý giá trong hơn 50 năm thương trường và giáo dục. Không phải tự nhiên mà một người phụ nữ mất chồng sớm, "1 nách 5 con" vẫn có thể thành công rực rỡ giữa những cột mốc lịch sử đầy biến động như vậy!
Bài học 1: Hãy luôn là người tiên phong!
Nhắc đến bà Nguyễn Thị Sơn, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh nữ doanh nhân tiên phong trong thời kỳ đổi mới với thương hiệu Legamex lẫy lừng. Bà cũng là người đi đầu trong việc tạo dựng những thương hiệu thời trang nội y như Vera, J.Buss, Misaki,...
Vượt qua bao rào cản của cơ chế cũ, bà đã lèo lái cơ ngơi của dòng họ ba đời kinh doanh may mặc vượt qua bao cơn sóng dữ để rồi tạo nhiều "cơn sóng" khác đầy lớn mạnh ở lĩnh vực bất động sản, truyền thông, bán lẻ,...
Chia sẻ về "tôn chỉ" trong hoạt động kinh doanh của mình, bà Nguyễn Thị Sơn cho rằng: "Muốn có sản phẩm tốt phải có người thực hiện tốt, muốn có thị trường lâu dài phải luôn có sản phẩm mới, muốn có vốn phát triển mở rộng phải biết hợp tác với đối tác có tiềm năng".
Hiện nay, thế hệ Gen Z dần trở thành lực lượng thống trị thị trường lao động, là thế hệ "tiên phong" tạo ra sân chơi cho chính mình thay vì phải theo đuổi một cuộc chơi đã được sắp đặt sẵn. Sẽ không có gì bất ngờ nếu trong vòng vài năm nữa, thương trường sẽ tạo ra một "cơn bão tiên phong" đến từ những đứa trẻ thế hệ Z, điều đó có thể đến từ từ sức ảnh hưởng của bà Nguyễn Thị Sơn.
Bài học 2: Sống phải có "máu chứng minh"
Nhìn cơ ngơi hiện tại của bà Nguyễn Thị Sơn, ít ai biết lịch sử thương trường của bà cũng lắm thăng trầm. "Nổi như cồn" với thành công vẻ vang của Legamex khi được Nhà nước giao trọng trách đứng đầu, nhưng cũng chính những biến cố liên quan đến việc cổ phần hoá Legamex sau đó gần như đã đánh sập nữ doanh nhân này.
Bà từng vướng vào vòng lao lý với tội oan: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Sau 10 tháng tạm giam, bà được thả ra tù (năm 1995). Bà trở về nhà mong chờ lãnh đạo xem xét bố trí lại công tác. Tuy nhiên ai cũng khuyên bà xin về làm tư nhân nhưng bà bảo rằng mình được Nhà nước tin cậy và tuyển dụng để trở thành cán bộ viên chức Nhà nước, đấy là danh dự của bà.
Nội dung liên quan
"Hơn nữa tôi muốn tiếp tục được khẳng định mình, muốn chứng minh rằng cán bộ Nhà nước vẫn còn những người thành công bằng sự trung thực và bằng chính khả năng thật sự của mình", bà Nguyễn Thị Sơn chia sẻ trong tự truyện "Tình yêu - Gia đình - Sự nghiệp".
"Nhưng sự việc chẳng hiểu tại sao cứ im lặng suốt hai năm trời một cách đáng sợ", bà nói. Quyết định rời Legamex, bà tiếp tục trở về gây dựng nên Sơn Kim Group trong vòng 10 năm định nghĩa lại đế chế riêng của mình.
Bài học 3: Giàu nhưng không "kiêu"
Sự tự trọng, danh dự, danh tiếng của gia đình là nền tảng để cho đế chế Sơn Kim giữ được chữ "tín" trên thương trường. Đồng thời, phong cách sống đúng mực, không lãng phí, cư xử hoà nhã với tất cả mọi người,... là những điều cốt lõi của một gia đình lớn "tứ đại đồng đường" như gia tộc Sơn Kim.
Trong một cuộc trò chuyện với Lao động và Công đoàn, bà chia sẻ: "Tôi thương yêu con cháu, có trách nhiệm đào tạo từng người con nhưng không chiều chuộng, muốn gì được nấy. Bản thân tôi cố gắng sống đạo đức, tự trọng với bản thân, hòa nhã với mọi người nên tôi cũng có uy tín với đối tác, bạn bè và nhân viên thuộc cấp".
Bằng chứng cho điều này, chúng ta có thể thấy dù gia tộc Sơn Kim cực kỳ "bành trướng" trên thương trường nhưng những người trong dòng họ lại có một cuộc sống kín tiếng, không phô trương xa hoa "nhà đẹp, xe sang" như những hào môn khác.
Bài học 4: Sự thuỷ chung trong tình yêu!
Chồng bà Sơn qua đời do bệnh hiểm nghèo khi bà chỉ mới ngoài 30. Dù mất chồng từ rất sớm, nhưng bà không chỉ một mình nuôi dạy con khôn lớn thành người mà còn hỗ trợ các con rất tích cực từ kinh nghiệm, tri thức cho đến tài chính; để đến ngày nay, cả 5 người đã và đang trở thành những doanh nhân hàng đầu tại TP. HCM.
Bà Sơn từng chia sẻ rằng, việc không đi bước nữa khi chồng mất đó là sự hy sinh của bà đối với các con, từ đó, bà lại càng trở nên uy quyền với con cháu của mình.
Là người duy nhất trong gia tộc lên tiếng về ồn ào tình ái liên quan trực tiếp đến con rể Hồ Nhân của mình, câu nói của bà cũng tác động rất lớn đến suy nghĩ của giới trẻ ngày nay: "Tôi muốn hỏi những người đàn ông, có ai đã tự rút ra những bài học cho chính mình để bảo vệ những đứa trẻ được quyền hưởng hạnh phúc".
Hiện tại bà cũng đang làm việc tại Viện Khoa học Pháp lý và SEAEDI cùng đam mê với Facebook – mục tiêu là mỗi ngày nhất định phải có 1 status trên nền tảng mạng xã hội này, nên bà không còn thời gian để can thiệp vào chuyện kinh doanh lẫn "cuộc sống hôn nhân" của con cái.
Nguồn: TH&PL