"10 tháng bị bắt tạm giam khóc hết nước mắt", nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn.
Bà Nguyễn Thị Sơn - Nhà sáng lập Sơn Kim Group - là một "nữ cường nhân" thực lực trong giới kinh doanh Việt Nam tự cổ chí kim. Người phụ nữ này đã trải qua vô vàn những thăng trầm của cuộc sống và sự nghiệp để dựng nên một "đế chế" đa ngành trải dài từ: thời trang, bất động sản, dược phẩm, dịch vụ ăn uống, phim trường,...
Đặc biệt, đời kinh doanh của bà thường gắn liền với mỗi khúc quanh lịch sử đầy biến động của đất nước. Ở thời kỳ đầu của chính sách mở cửa, danh tiếng của vị nữ Giám đốc Nguyễn Thị Sơn nổi như cồn, báo đài trong và ngoài nước ca ngợi, bà được nhắc đến là một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam thời bấy giờ.
Nhưng ít ai biết, bà Nguyễn Thị Sơn từng có giai đoạn vướng vào vòng lao lý với "10 tháng bị bắt tạm giam khóc hết nước mắt" và 10 năm đi "định nghĩa" lại thương hiệu của chính mình.
Nội dung liên quan
"Start up" từ những sợi vải
Bà Nguyễn Thị Sơn sinh ra ở làng quan họ Bắc Ninh và lớn lên tại TP.HCM. Bố mẹ của bà là người Bắc Ninh nhưng sớm di cư vào Sài Gòn lập nghiệp. Gia đình bà có truyền thống kinh doanh ngành vải sợi, khi còn ở Hà Nội, mẹ của bà sở hữu một cửa hiệu bán vải lụa tại phố Khâm Thiên nức tiếng một thời.
Năm 1956, bà cùng gia đình di cư vào Sài Gòn, sống bằng nghề kinh doanh vải và mở nhiều cơ sở may quần áo thương hiệu Đại Thành. Ở bậc trung học, bà đã phụ giúp mẹ quản lý công việc điều hành, làm sổ sách kế toán, thanh toán mua hàng cho đến theo dõi công nợ. Nhờ vậy mà có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới kinh doanh. Bà đã biết tự thiết kế trang phục cho mình rồi dần dần thương mại hóa những sản phẩm do chính mình tạo ra.
Ở tuổi 18 (tức vào năm 1968), bà Sơn đã sớm "hít thở" bầu khí quyển tự do của nền kinh tế thị trường. Thời trang thay đổi theo mùa, đòi hỏi năng lực sáng tạo liên tục. Mỗi năm, ''cô chủ trẻ'' đều có một chủ đề mới, sản xuất số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Start up" tuổi 18 thành công rực rỡ đối với cô gái trẻ Nguyễn Thị Sơn.
Tuy nhiên, cuộc đời của bà lại là sự đan xen giữa niềm đắm say hanh phúc và cả những câu chuyện buồn. Chia sẻ với báo giới, bà tiết lộ sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, tất cả thanh niên tại Sài Gòn đều phải đi nhập ngũ, ông Triệu - chồng bà lúc đó đang là sinh viên y khoa cũng phải đi lính.
Mãi đến cuối năm 1977, chồng bà mới được trở về đoàn tụ với gia đình và được bố trí về làm việc tại phòng khám lao của quận. Sau đó, bà quyết định sang Đức và Tiệp Khắc để học sản xuất giày và nghiên cứu thị trường.
Tiền thân của Kim Sơn Group được bắt đầu hình thành từ những năm 1975, khởi đầu là Hợp tác xã Đại Thành hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu lớn nhất Việt Nam thời ấy, với nhân công lên tới 10.000 người cùng lúc. Để đi đến được ngày nay là do sự chèo lái của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sơn – TGĐ Legamex.
Tuy nhiên, đến năm 1987 chồng bà Sơn qua đời do bệnh hiểm nghèo, một mình bà còn lại vừa nuôi 5 đứa con vừa lo việc kinh doanh của Hợp tác xã Đại Thành. Mất chồng từ rất sớm, nhưng bà không chỉ một mình nuôi dạy con khôn lớn thành người mà còn hỗ trợ các con rất tích cực từ kinh nghiệm, tri thức cho đến tài chính; để đến ngày nay, cả 5 người đã và đang trở thành những doanh nhân hàng đầu tại TP. HCM.
"1 nách 5 con", bà Sơn còn giữ thêm vị trí Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ HTX, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Liên Hiệp Xã quận, đại biểu HĐND quận, rồi Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM. Không ai biết được, làm cách nào mà người phụ nữ này lại có thể đảm đương hết mọi trách nhiệm công việc tại thời điểm ấy, ở giữa thời kì còn "nhá nhem" những tư tưởng phong kiến cũ, thì thành công của một người phụ nữ như bà là "quá sức tưởng tượng".
... Vướng vào vòng lao lý: 10 tháng tạm giam "khóc hết nước mắt"
Cũng trong năm 1987, sau khi chồng qua đời, bà được Nhà nước giao trọng trách đứng đầu Công ty Legamex. Khi ấy, bà chỉ mới ngoài 30, lại vừa trải qua nỗi đau mất chồng. Tuy nhiên, bà vẫn đưa doanh nghiệp đi lên mạnh mẽ trở thành công ty may mặc lớn nhất Việt Nam với quy mô công nhân viên lên đến 15.000 người. Đồng thời, xuất khẩu hàng may mặc đi khắp các nước Á, Âu.
Danh tiếng của vị nữ Giám đốc Nguyễn Thị Sơn "nổi như cồn". Truyền thông trong và ngoài nước ca ngợi chị và Legamex được nhắc đến là một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam thời kỳ đầu của chính sách mở cửa.
Tuy nhiên, những biến cố liên quan đến việc cổ phần hóa Legamex sau đó gần như đã đánh sập nữ doanh nhân này.
Năm 1991, từ cấp quận, công ty trở thành đơn vị trực thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM. Hai năm sau, Nhà nước cho chính sách mới cổ phần hóa doanh nghiệp và Legamex được chọn làm thí điểm đầu tiên. Bà Sơn cũng lại là người hăng hái đi đầu với nhận định cổ phần hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của Nhà nước.
Mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì kết luận của Ủy ban Thanh tra TP.Hồ Chí Minh "bay" đến và 3 ngày tiếp theo là quyết định đình chỉ toàn bộ công tác Ban Giám đốc Công ty Legamex. Vụ án được khởi tố, bà Nguyễn Thị Sơn trở thành bị can với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Chia sẻ về câu chuyện này, bà nói: "10 tháng là thời gian mà tôi khóc hết nước mắt" - bà nghĩ đến các con, lo lắng không biết ở nhà chúng ra sao, nỗi lo thường tình của một người mẹ, nhưng rồi bà cũng xua chúng đi bằng công việc. Cuối cùng bà cũng trở về nhà sau 10 tháng tạm giam, cơ quan tố tụng không đủ cơ sở để khởi tố bà.
Tai họa ập đến khiến gia đình xáo trộn. Cha bà, dù luôn tin rằng con gái vô tội, nhưng vẫn không tránh khỏi tổn thương. Con trai út, năm ấy mới 16 tuổi, bị bạn bè chế giễu nên không muốn đến trường, về nhà lại bị anh chị la lắng nên cậu bỏ nhà đi lang thang. Sau khi rời trại tạm giam, bà đi khắp nơi, tìm bằng được con mình về.
Nhưng oan khuất không làm bà gục ngã...
10 năm "định nghĩa" lại đế chế riêng, sự nghiệp trong ngành giáo dục "đáng nể"
Rời Legamex, bà Sơn tiếp tục trở về kinh doanh cùng Sơn Kim Group. Câu chuyện về đế chế Sơn Kim khởi nguồn từ những năm 1950 dưới sự thành lập của Đại Thành, tập đoàn dệt may nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam được lưu truyền qua ba thế hệ nhà họ Nguyễn.
Nhờ nền tảng kinh doanh từ những thế hệ đi trước, thế hệ thứ ba của nhà họ Nguyễn đã thành lập Sơn Kim Group vào năm 1993, sau khi ông Nguyễn Hoàng Tuấn, con trai bà Nguyễn Thị Sơn du học về nước.
Thời điểm này, bà một lúc kiêm ba vai trò: Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, giảng viên đứng lớp và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Với vai trò mới trong ngành hoàn toàn mới là giáo dục, bà tiếp tục thành công rực rỡ. Năm 2004, đề án thành lập trường Đại học Tư thục VCCI của bà và cộng sự được thông qua. Sau đó, bà Sơn thành lập CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và xây dựng Trường THCS, THPT Duy Tân danh tiếng ở độ tuổi 60.
Hiện bà Sơn vẫn đang là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Chủ tịch HĐQT – CEO của SEAEDI, một công ty do tất cả thành viên 3 thế hệ trong gia đình cùng góp vốn và tham gia điều hành.
Nội dung liên quan
Trong một bài chia sẻ trên trang cá nhân, bà kể về sự nghiệp của mình rằng:
"Khi còn trẻ bà lão có 9 năm làm kế toán trưởng nên nói về tài chính, bà lão chỉ nghe vài con số đánh giá là biết đơn vị nào đầu tư vào đâu có hiệu quả, đầu tư chứng khoán dài hạn hay ngắn hạn thì nên như thế nào.
Bà lão có 25 năm quản lý kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, nên ăn mặc như thế nào là đẹp, là phù hợp với từng đối tượng. Trang phục như thế nào để phù hợp với địa vị xã hội, tuổi tác, phù hợp với xu hướng thời trang của từng khu vực, từng thời kỳ. Kinh nghiệm về quy trình sản xuất thời trang công nghiệp tự động hóa và hệ thống phân phối toàn cầu.
Bà lão có 24 năm làm Hiệu trưởng, Viện trưởng, đồng thời nghiên cứu giảng dậy về luật pháp quốc tế và quản trị kinh doanh nên hiểu nhiều vấn đề bất cập trong thực tế của một nền kinh tế.
Nhưng bà lão chọn cho mình cách sống an lành nên nhiều lúc rất bực mình nhưng lại không nói gì. Chẳng hạn bà lão ghét chiến tranh, cực ghét vì chiến tranh là cực ác, giết hại bao nhiêu người dân hiền lành của cả hai phía, làm cho nhiều người mất nhà mất cửa, mất cả sự nghiệp dành dụm cả đời, mà bà lão cũng không nói gì, không phân tích hay phản biện gì, chỉ biết đau lòng thôi".
Câu chuyện về nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn được nhiều người lan tỏa, bà bất ngờ trở thành "vĩ nhân" trong mắt nhiều người trẻ ngày nay bởi tài kinh doanh của một người phụ nữ giao thoa hai thế hệ. Lịch sử thương trường trong mấy mươi năm "cầm cân nảy mực" của nữ tướng Sơn Kim cũng trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ mới.
Nguồn: TH&PL