Đài tưởng niệm không chỉ cần ghi nhớ quá khứ mà còn phải có ảnh hưởng đến tương lai.
Đại dịch toàn cầu Covid-19 ảnh hưởng nặng nề về người và của trên toàn thế giới. Vô số người đã thiệt mạng và tất cả những người còn ở lại chỉ có thể nhớ về và đau buồn cùng những mảng ký ức.
Nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế ở các quốc gia đang chia sẻ ý tưởng về những đài tưởng niệm, vật tưởng niệm Covid như một sự an ủi cho mọi người và một bài học cho tương lai.
Spencer Bailey, tác giả của một cuốn sách gần đây viết về các đài tưởng niệm, có mối liên hệ cá nhân đặc biệt với các đài tưởng niệm, nói rằng: "Tôi nghĩ chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn nhiều nếu chúng ta nhận thức được nhiều hơn về phương diện văn hóa hơn về những gì đã xảy ra vào năm 1918. Một trong những lý do mà chúng ta nhận thấy chính mình trong phản ứng hỗn loạn với Covid là dường như không có bất kỳ đài tưởng niệm nào về bệnh cúm năm 1918".
Nhiều người đang có ý định đảm bảo rằng đại dịch này sẽ không bị mất đi lịch sử như lần trước. Mặc dù rất có thể sẽ mất nhiều năm để có ai đó xây dựng đài tưởng niệm Covid ở Washington, Mỹ. Nhưng các kiến trúc sư, nghệ sĩ và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ khắp nơi trên thế giới đã và đang suy nghĩ về cách để ghi nhớ nó, điều này có thể đòi hỏi chúng ta sáng tạo lại ý tưởng về đài tưởng niệm.
Bailey đã suy nghĩ về cách chúng ta tưởng nhớ thảm kịch kể từ khi anh còn là một đứa trẻ, khi bức ảnh mang tính biểu tượng của anh, mô tả anh được đưa ra khỏi vụ tai nạn máy bay ở Lowa. Sự việc khiến mẹ anh qua đời, trở thành một tượng đài mẫu cho thảm họa.
Bailey đã được vinh danh, nhưng anh cảm thấy nó không công bằng với sự mất mát của mọi người bằng cách cố gắng kể một câu chuyện đề cao chủ nghĩa anh hùng. Và anh nghĩ rằng bất kỳ đài tưởng niệm Covid nào cũng cần phải là về "sự đồng cảm và đối mặt với chấn thương tâm lý".
"Đã có rất nhiều sinh mạng mất đi trên khắp thế giới. Tôi nghĩ sẽ là một ý tưởng hay nếu chúng ta bắt đầu suy nghĩ về quy mô chưa từng có", anh nói.
Kiến trúc sư nổi tiếng Daniel Libeskind, người đã thiết kế kế hoạch tổng thể cho việc tái thiết khu Trung tâm Thương mại Thế giới và một số đài tưởng niệm Holocaust, cho biết những thách thức về thiết kế là rất lớn.
Không ai biết một di tích đại dịch trông như thế nào và có rất ít ví dụ lịch sử để học hỏi. Làm thế nào nó có thể kể toàn bộ câu chuyện mà không làm mất dấu vết của từng cá nhân? Làm thế nào để nó hợp nhất các tỷ lệ toàn cầu của đại dịch mà vẫn là một địa điểm cụ thể? Và làm thế nào để nó có thể phù hợp cho cả thế hệ hiện tại của những người bị ảnh hưởng bởi Covid và cả các thế hệ tương lai mà có thể sẽ không có kinh nghiệm cá nhân nào về nó?
"Nó là điều chưa từng có", Libeskind, người đang thực hiện một đài tưởng niệm cho 11 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại Giáo đường Do Thái (Tree of Life) ở Pittsburgh vào năm 2018, chia sẻ. "Chỉ có những con số khổng lồ. Và ý tưởng rằng mỗi con số là một cái tên. Và mỗi cái tên là một câu chuyện".
Ông cho rằng việc tạo ra một nơi mà những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch có thể tìm thấy niềm an ủi và ý nghĩa trong cuộc sống của họ là điều quan trọng hơn cả. "Chúng ta không có thời gian để chờ đợi", ông nói. "Đây là một việc khẩn cấp bởi vì có rất nhiều người đang ở đây bây giờ. Ký ức là ngọn lửa bùng cháy trong trái tim của họ".
Đài tưởng niệm những người đã mất vì bệnh tật sẽ phù hợp với xu hướng ngày càng tăng đối với việc tưởng nhớ những người đã mất trong một loạt các chấn thương xã hội.
Bà Julie Rhoad, hiện là giám đốc cấp cao tại MASS Design Group, công ty đã thiết kế Đài tưởng niệm Quốc gia về Hòa bình và Công lý ở Alabama - đài tưởng niệm lớn đầu tiên về di sản của chế độ nô lệ, tư hình và chế độ phân chủng trong lịch sử Hoa Kỳ - cho rằng những nơi như vậy không chỉ cần ghi nhớ quá khứ mà còn phải có ảnh hưởng đến tương lai.
Bà nói: "Các đài tưởng niệm và vật tưởng niệm là nơi để hình dung cách thế hệ tương lai học hỏi từ các thế hệ trong quá khứ để không mắc phải sai lầm lần thứ hai. Chúng cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau qua địa lý và thời gian, qua nhiều thế hệ".
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít đài tưởng niệm dành cho những người thiệt mạng vì bệnh tật.
Ở Hồng Kông, một đài tưởng niệm SARS đã cá nhân hóa đợt bùng phát đầu những năm 2000 bằng cách họa lại tượng nửa người của các nhân viên chăm sóc sức khỏe thiệt mạng trong đợt dịch đó.
Và ở Vienna, những người Áo ở thế kỷ 21, trong quá trình chiến đấu với Covid, đã nhận thấy ý nghĩa mới trong Cột biểu tượng bệnh dịch hạch của họ, một đài tưởng niệm Baroque ở trung tâm thành phố cho hàng chục nghìn người thiệt mạng trong đợt bùng phát dịch bệnh vào năm 1679.
Các đài tưởng niệm, vật tưởng niệm Covid-19 nhỏ hơn hoặc tạm thời đã mọc lên trên khắp đất nước Mỹ và trên toàn thế giới. Từ trái tim hoa ở thành phố New York đến những chiếc ghế trống ở Phoenix, rồi công viên tưởng niệm ở Ấn Độ được xây dựng bằng tro cốt của 6.000 người thiệt mạng vì Covid-19.
Ở Milan, Ý, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt đại dịch đầu tiên, kiến trúc sư Angelo Renna đã đề xuất biến sân vận động bóng đá lịch sử San Siro của thành phố thành một đài tưởng niệm Covid. Hàng nghìn cây bách - loài cây thường thấy ở các nghĩa trang Địa Trung Hải - sẽ được trồng trên các phần đất trống.
"Hy vọng của tôi là tạo ra một nơi tâm linh và thiêng liêng, nơi mọi người sẽ có thể kết nối lại với những người thân yêu của họ", Angelo Renna nói với trang tin kiến trúc Dezeen.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thành lập Ủy ban Tưởng niệm Covid của Vương quốc Anh để phát triển ý tưởng cho một đài tưởng niệm trong tương lai. Ông nói rằng "nỗ lực quốc gia - vượt ra ngoài đảng phái chính trị - là tưởng nhớ những người thân yêu mà chúng ta đã mất".
Vì đại dịch ảnh hưởng đến toàn thế giới, một số người, như Rojkind Arquitectos ở Thành phố Mexico, đã đề xuất các thiết kế có thể được nhân rộng trên toàn thế giới, với sự phát triển của địa phương, kết nối các thành phố trong một trải nghiệm chung.
Và ở Mỹ, vào cuối tháng 9, hơn 600.000 lá cờ trắng nhỏ được cắm lên giữa các đài tưởng niệm chiến tranh và các bức tượng bằng đá cẩm thạch trên Quảng trường Quốc gia, tưởng nhớ từng Mỹ đã mất trong đại dịch và con số tăng lên được bổ sung mỗi ngày.
"Mọi người nói với tôi rằng điều này đã mang lại cho họ niềm an ủi, rằng họ đang thực sự bắt đầu quá trình đau buồn đó", Suzanne Firstenberg, nghệ sĩ đứng sau tác phẩm sắp đặt tạm thời này cho biết.
(Theo NBC News)
Nguồn: TH&PL