Khi từ thiện không còn là hành động xuất phát từ tâm, mà là cuộc chạy đua "deadline" với những con số cần minh chứng rõ ràng, tỉ mỉ và chi tiết.
"Giàu có như vậy mà không đi làm từ thiện", "Tiền nhiều thì đi làm từ thiện đi", "Người nổi tiếng, tiền chất đống mà cứ giữ khư khư không làm từ thiện",... Trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch thì câu chuyện làm từ thiện cũng bị réo gọi, khắp các mặt báo, khắp các trang mạng xã hội và một câu hỏi lớn đang đặt ra: từ thiện là trách nhiệm của ai, nó có phải của nghệ sĩ?
Câu chuyện từ thiện giữa những ngày qua
Những ngày qua, chúng ta thấy gì? Một đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn mang trong mình niềm tin rằng tất cả rồi sẽ bình yên trở lại vì chúng ta tự hào là một Việt Nam: gã tí hon làm nên những điều khổng lồ. Tuy nhiên, giữa những ngày như thế người ta vẫn đau đáu nhắc về những câu chuyện từ thiện của giới nghệ sĩ, về cuộc chạy deadline giải ngân gần 14 tỷ tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, hay các nghệ sĩ khác như Trấn Thành, Thủy Tiên,... làm dấy lên những mối quan tâm quanh việc nghệ sĩ làm từ thiện. Điều này đặt ra một câu hỏi: Từ thiện là trách nhiệm của ai?"
Trước đây, khi miền Trung còn trong những đợt lũ về, đồng bào ở khúc ruột này phải đau đáu nỗi đau, những tổn thương mất mát về vật chất lẫn tinh thần. Một bộ phận cư dân mạng từng trách móc Sơn Tùng M-TP vì không có những động thái ủng hộ chống dịch. Cùng cảnh ngộ với Sơn Tùng còn có vợ chồng Đông Nhi - Ông Cao Thắng bị chỉ trích nặng nề khi là sao nhất nhì Showbiz mà chỉ ủng hộ 50 triệu đồng. Hay Văn Toàn và các ngôi sao bóng đá cũng là một trong những nạn nhân của những cuộc chỉ trích vì không ủng hộ hoặc ủng hộ quá ít so với số tiền đáng lẽ ra phải được ủng hộ.
Hay mới đây là vụ việc của nghệ sĩ Hoài Linh, câu chuyện giải ngân chậm tiền từ thiện gần 14 tỷ trong việc cứu trợ đồng bào miền Trung đã bị đào bới và réo gọi gay gắt. Một đám đông lao vào cắn xé, họ tràn vào trang cá nhân và đặt lại những bình luận xúc phạm. Họ phanh phui và mổ xẻ tất cả những thứ mà họ cho là bằng chứng để buộc tội người khác.
Trên bảng tin hàng đầu của các trang báo, dễ dàng tìm thấy cụm từ nghệ sĩ Hoài Linh đứng ở vị trí đầu tiên, kèm theo một dòng tìm kiếm: 14 tỷ gửi ngân hàng thì lãi bao nhiêu tiền nhỉ? Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ chứng minh rằng câu chuyện này đang hot đến mức độ nào. Nghệ sĩ Trấn Thành và Thủy Tiên cũng bị lên sóng với chủ đề "Từ thiện chuyên nghiệp", bị một bộ phận cư dân mạng đem ra bàn tán và chỉ trích. Nhưng tấm lòng của một nghệ sĩ lại được đem ra cân đo đong đếm khi bị chê ít chê nhiều. Không ít người còn không ủng hộ và cho đây là chuyện bao đồng...
Thật ra không có ai sinh ra để làm từ thiện và cũng không có cơ sở đào tạo ngành nghề từ thiện, nó là tự nguyện
Khi nói về câu chuyện từ thiện, giữa những người nổi tiếng và người bình thường, chúng ta quan tâm ai nhiều hơn. Tất nhiên câu trả lời là người nổi tiếng. Bởi lẽ, "Một cái tên quá nổi tiếng phải mang gánh nặng to lớn biết bao" (Voltaire). Người ta quy chung lại, từ thiện là trách nhiệm của nghệ sĩ. Thật ra không có ai sinh ra để làm từ thiện và cũng không có cơ sở nào đào tạo ngành nghề làm từ thiện. Từ thiện được hiểu nôm na là một hành động trợ giúp người khó khăn, là việc thiện nguyện không ai bắt buộc đối với một cá nhân hay tổ chức nào.
Công chúng mặc định rằng nghệ sĩ là những người giàu có từ những đồng tiền dễ dàng kiếm được, họ phải từ thiện như một nhiệm vụ bắt buộc. Nhưng nhiệm vụ này càng trở nên nặng nề hơn khi nó gắn liền với sự minh bạch trong từng con số, từng hình ảnh chứng minh. Nghệ sĩ cũng là những người lao động chân chính. Trước khi nhắc đến về phương diện nghệ sĩ, họ cũng cần phải sống đã, họ cũng có gia đình, có con cái, có trăm ngàn thứ phải lo. Và họ cũng là những người lao động chân chính bằng tài năng, bằng sự cống hiến cho nghệ thuật thì mới có được.
Nhưng giữa thời đại này, việc từ thiện trở nên ngao ngán bởi gạch đá của cư dân mạng. Chỉ với vụ việc của nghệ sĩ Hoài Linh làm từ thiện vừa qua cũng đủ để chúng ta thấy sức mạnh ghê gớm của mạng xã hội. Người ta bắt buộc nghệ sĩ làm từ thiện phải có minh chứng rõ ràng thông qua các bài viết, hình ảnh đăng tải công việc thiện nguyện lên trang cá nhân. Như vậy, công việc thiện nguyện có còn đúng như tính chất là thiện nguyện của nó nữa không?
Chúng ta đang sống giữa một thời đại, nói chua chát là không ai dám làm người tốt
Ngày xưa ông bà ta đã từng dạy "Nhường cơm sẻ áo", tức là mỗi người sống trên đời này phải biết yêu thương giúp đỡ người khác. Nhưng dường như, xã hội chúng ta đang sống nói một cách đau lòng là không ai dám làm người tốt. Không ít những trường hợp đưa người bị nạn vào viện và bị người nhà chửi bới côn đồ vì nhầm tưởng là người gây ra tai nạn. Vụ việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người đã leo vội lên mái tôn để cứu cháu bé rơi từ tầng 12 xuống cũng là trường hợp người tốt bị đối xử như những kẻ làm việc xấu.
Mới đây, tự dưng câu chuyện làm từ thiện lại được đào bới lên và nó thành chủ đề bàn tán của dư luận. Nó không phải là trách nhiệm của nghệ sĩ nhưng người ta bắt họ phải làm chu toàn mọi thứ. Nhiều người nghĩ giàu có là phải đi làm từ thiện, đôi khi họ bị chửi là làm đối phó, làm từ thiện nhiều là để PR đánh bóng tên tuổi và không có tâm. Vậy thử hỏi khi những người tốt đang bị tấn công bởi dư luận thì ai dám làm người tốt nữa?
Có một thuật ngữ mang tên là Victim Blaming: Khi nạn nhân là kẻ có tội. Thuật ngữ này nói về việc nạn nhân là những kẻ phải chịu tội. Nhưng trong thời đại ngày nay con người ta thường làm một việc khác là chỉ trích, tung tin sai sự thật về một người nhằm mục đích tẩy chay hay hả hê cơn giận. Nó còn tệ hơn cả victim blaming vì nó có thể hủy hoại danh tiếng của một người. Thậm chí đã từng có nghệ sĩ tự vẫn vì chuyện này. Sự việc của Kim Jong Hynh hay Sulli - những sao Hàn tự sát vì bạo lực mạng là điển hình cho sự đáng sợ đó.
MC Đại Nghĩa cho biết: "Mặc dù có nhiều người nói tại sao đi làm từ thiện phải trương cái tên mình lên làm gì nhưng phải đưa lên để quý vị biết chúng tôi làm rồi. Ngay cả việc chúng tôi ngồi đây quay cái clip này cũng vậy. Chúng tôi sợ mắc công người ta nói nhận tiền rồi có làm gì hay không". Luồng dư luận lớn đến mức Trấn Thành phải lên trang cá nhân viết: "Cái này mình có thì mình giúp những người đang thiếu. Mà quý vị cứ nói là giải trình số tiền này ra cái này cái nọ, nói thiệt tụi em không làm. Đó không phải nhiệm vụ, không phải sinh ra để làm từ thiện".
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi tại sao một người bị nạn mà không ai dám đưa vào viện? Tại sao không còn ai dũng cảm như Nguyễn Ngọc Mạnh? Tại sao nghệ sĩ không còn làm từ thiện nữa? Vì từ thiện là “khoản tiền trách nhiệm” còn tấm lòng của người làm từ thiện bị đem ra cân đo đong đếm. Có lẽ không ai dám làm người tốt nữa, vì làm người tốt chẳng khác gì rước họa vào thân.
Từ thiện thật ra là trách nhiệm của ai?
Từ thiện xuất phát từ tấm lòng của mỗi người, từ nguồn lực và mong muốn cá nhân. Đôi khi việc một đứa trẻ đạp ống heo để ủng hộ 50 ngàn vào quỹ chống dịch cũng rất đáng để tôn vinh, một cụ già mang mì gói đến tặng khu cách ly cũng rất ý nghĩa, một quỹ từ thiện từ những người của ít lòng nhiều cũng rất cảm động hay câu chuyện nghệ sĩ ủng hộ tiền tỷ giúp bà con chống lũ, chống mặn. Mọi đóng góp đều đáng quý như nhau. Mì gói, cái chăn, mười ngàn, một trăm ngàn, một triệu, căn nhà tình thương, công trình tiền tỷ hay đơn giản là góp sức cứu trợ, cùng nhau làm từ từ thiện đều đáng quý.
Những dư luận trong thời gian vừa qua có thể sẽ là nỗi sợ phải gánh lấy rủi ro khi làm điều tốt có lẽ sẽ khiến cho nghệ sĩ dè dặt hơn trong việc làm từ thiện. Nhưng tôi vẫn tin còn rất nhiều điều tốt đẹp và tử tế trên đời này. Ai cũng có thể tham gia công tác thiện nguyện, có thêm một người làm từ thiện thì cuộc sống vẫn tốt đẹp hơn.
Với tâm thế của chúng ta, việc cần làm là làm từ thiện khi việc đó thực sự xuất phát từ tâm, việc cần làm là phải nhớ ơn những người đã cho chúng ta. Không xét lại, không đánh giá, không moi móc hay bàn luận. Từ thiện là người ta gửi vào đó sự trân trọng thì người nhận cũng phải nhận và dùng một cách trân trọng.
Nguồn: TH&PL