Người trong cuộc thì như đứng giữa đôi dòng nước, người ngoài cuộc lại bàn tán "giống như chuyện nhà mình". Vậy, có nên "hơi một chút là chia tay"?
Những ngày qua, ồn ào đại gia U60 cặp kè ca sĩ trẻ gây xôn xao dư luận. Giữa làn sóng này, quan điểm của mẹ vợ đại gia - bà Nguyễn Thị Sơn được nhiều người chú ý. "Nữ tướng" Sơn Kim Group hỏi: "Có cần thiết hễ sai thì phải bỏ nhau không?".
Theo đó, nhiều người đồng tình với "bà lão", nhưng cũng có người phản biện, cho rằng cần phải "khắt khe" hơn trong các cuộc tình. Câu hỏi: "Có nên hơi một chút là chia tay không" vẫn đang nhận được nhiều tương tác, quan tâm.
Chia tay để...
"Hơi một chút" ở đây có thể được hiểu theo nhiều chiều hướng, nhưng nôm na là người trong cuộc đã phạm phải lỗi lầm dẫn đến mối quan hệ không còn được êm ấm, yên vui. Có thể họ lừa dối, cũng có thể là phản bội, ngoại tình... Chung quy, vấn đề được nhiều người đề cập nhất trong câu chuyện này là "ngoại tình thì có nên chia tay?".
Vậy, tâm lý của những người khi quyết định chia tay là...?
Trong mối quan hệ, khi một người phạm phải lỗi lầm, người còn lại chọn cách chia tay. Hoặc họ quá tuyệt vọng, mất niềm tin về mối quan hệ đó, muốn tìm cho mình một lối đi riêng, để "tự do", để "giải thoát"... Hoặc có thể để họ chứng minh: Tôi không cần một người vợ/ người chồng/ người tình bội bạc; Tôi đủ sức sống cuộc đời về sau mà không cần người kia...
Có muôn vàn lý do để chấm dứt một mối quan hệ sau khi có người phạm lỗi. Song, cách nhìn nhận của mỗi người luôn khác nhau, và lý do của việc họ lựa chọn quyết định đó mỗi người mỗi khác. Ở góc độ bên ngoài, những cá nhân không trực tiếp trải qua câu chuyện sẽ có muôn vàn lời lẽ, thiếu sự khách quan.
Chia tay thì...
Sau chia tay, hai người tan vỡ, và nhiều hơn nỗi đau chính là những vấn đề cần phải giải quyết. Nếu là đôi tình nhân thì phải trằn trọc có nên đòi lại quà sau này gặp mặt đối phương ra sao, là đôi vợ chồng phải phân chia tài sản, con cái sống với ai, con có bị mặc cảm, tự ti và 7749 vấn đề khác. Vậy mới thấy, lời chia tay thì dễ nói ra, nhưng phải giải quyết nó là một vấn đề vô cùng khó.
Dĩ nhiên, bất kể dù hai người chia tay như thế nào, từ cả hai phía hay đến từ một phía, dù là người ra đi hay người bị "đá", tổn thương tinh thần để lại vẫn vô cùng lớn. Có người chọn cách buộc bản thân bận rộn, chọn cách uống thật say để quên đi người cũ và cũng có người chọn bước tiếp đến mối quan hệ mới không hề đắn đo.
Suy cho cùng, chỉ những người trong cuộc đã và đang chia tay mới thấu hiểu những gì mà hai từ này để lại. Vậy khi nào thì "đường ai nấy đi" và từ này có thể "tùy tiện" dùng khi bỗng dưng cảm thấy không còn muốn gắn bó nữa nữa?
Có nên "hơi một chút là chia tay"?
Chia tay là điều không dễ dàng, nhưng hôn nhân là một kết ước lâu dài. Có người nói rằng "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu'', bởi lẽ khi lấy nhau về, đôi lúc tình cảm cũng khác đi so với thời còn quen nhau. Và cách mà mọi người hay chọn đó là "ăn phở" để đổi khẩu vị.
Nội dung liên quan
Dù tốt, dù xấu, một khi đã ly hôn sẽ để lại vết đen trong cuộc đời, đặc biệt là phụ nữ. "Miệng đời" là thứ không phải ai cũng tránh được, người ta sẽ bàn tán, chỉ trỏ về "vết đen" này của mỗi người. Vì thế mà nhiều người trẻ hiện nay chọn cách yêu chứ không lấy. Hoặc có những người âm thầm tiếp tục cuộc hôn nhân dù đã có người thứ ba xen vào.
Đơn cử như chuyện tình của cặp vợ chồng quyền lực nhất giới chính trị: Bill Clinton và Hillary Clinton. Dẫu cho nhiều người nói rằng cuộc hôn nhân của họ đơn giản chỉ là mối quan hệ làm ăn giữa hai con người thông minh xuất chúng và khao khát quyền lực, nhưng họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng "hôn nhân không phải là mồ của tình yêu".
Ít ai biết sau cuộc hôn nhân vĩ đại này, cựu tổng thống Bill Clinton từng ngoại tình với thực tập sinh Nhà Trắng vào lúc ông còn đương nhiệm chỉ để "kiềm chế mối lo âu". Khác hẳn với suy nghĩ của những người phụ nữ khác, bà Hillary Clinton quyết định vẫn sát cánh cùng chồng, đứng về phía ông và bác bỏ mọi cáo buộc.
Vậy tại sao người phụ nữ này lại quyết định như thế? Phải chăng ở thời đại đó, hôn nhân luôn gắn liền với chính trị và bất kể gia đình có quyền lực, địa vị cũng không được phép ly hôn?
Dĩ nhiên, hôn nhân của người bình thường và hôn nhân của những người nổi tiếng lại thêm cả quyền lực không hoàn toàn giống nhau. Những vấn đề mà người thường phải giải quyết hậu chia tay so với người nổi tiếng có thể nói là ít hơn. Chưa kể, hôn nhân của hai người nhưng lại ảnh hưởng đến xã hội và giới chính trị. Cũng có lẽ vì lý do đó mà bà Hillary Clinton đã quyết định không "hơi một chút là chia tay".
Quay lại với quan điểm của "lão phật gia" Nguyễn Thị Sơn về hôn nhân của con gái bà và CEO Hồ Nhân. Đây cũng là một trường hợp khá tương tự với ông Bill Clinton và bà Hillary Clinton. Rõ ràng là vấn đề của hai người nhưng cả mạng xã hội đều một mực quan tâm bởi gia thế của Sơn Kim Group và "người thứ ba" là ca sĩ Hiền Hồ.
Với một đôi đang trong trạng thái hẹn hò và một đôi đã kết hôn thì có lẽ quan điểm sẽ trái ngược nhau. Như đã nói, hôn nhân là một kết ước lâu dài, khi người ta đã quyết định ký tên vào đơn đăng ký kết hôn thì đã xác định đó là người bạn đồng hành cả đời.
Và người bạn đồng hành ấy đôi lúc sẽ mắc lỗi lầm, có chán cơm thèm phở. Trong hôn nhân, khi đối phương mắc sai lầm, thay vì chọn chia tay thì phương án mà đa số người chồng/ người vợ đặt ra là tha thứ. Đôi khi cảm thông cho nhau cũng là cách để hôn nhân tồn tại, lâu bền.
Dĩ nhiên, không cổ xúy cho việc "ngoại tình thì đáng được tha thứ'' nhưng phải xét đến nhiều nguyên nhân khác như con cái, tài sản và sự nghiệp, bộ mặt gia đình... Do đó, sai không nhất thiết phải bỏ nhau mà có lẽ thứ mà người trong cuộc muốn nhận lại được đơn giản chỉ là lời xin lỗi và hành động sửa chữa lỗi lầm.
Bên cạnh đó, việc "đường ai nấy đi" cần phải đặt để trong từng thời đại. Thời xưa, với những định kiến còn tồn tại khắc nghiệt thì việc ly hôn như một cung đường khó khăn mà không thể nào đi đến được. Dù cho chồng có ngoại tình, có đánh đập, có đối xử tệ bạc như thế nào đi nữa thì người ta vẫn cam chịu như một lẽ dĩ nhiên. Bởi thể diện gia đình, danh dự của một người còn quý hơn ngàn vàng.
Tuy nhiên, xét ở thời đại ngày nay, vấn đề "hơi một chút là chia tay" lại cần phải nhìn nhận lại. Thời đại mới, lối sống mới, nếp suy nghĩ hiện đại hơn, cuộc đời là của mọi người và họ có quyền tự quyết định, không cần màn đến lời bàn tán của người khác.
Nội dung liên quan
Theo một khảo sát, tỷ lệ ly hôn của người dân Việt Nam trong những năm gần đây tăng cao, lên tới 60.000 vụ, trung bình cứ 1000 dân sẽ có 1 vụ ly hôn. Đáng lo ngại hơn nữa là cứ 4 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì có 1 đôi ly hôn sau đó. Do đó có thể thấy rằng, chỉ cần đối phương phạm phải lỗi lầm thì họ không chấp nhận cam chịu mà sẵn sàng ra tòa để bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của bản thân.
Tựu trung, vấn đề "có nhất thiết hễ sai là phải bỏ nhau không" phải xét đến trường hợp cả hai ở trong mối quan hệ hẹn hò bình thường hay đã được pháp luật công nhận và ở thời đại nào. Tình yêu cần phải vun đắp và bao dung cho nhau thì mới bền chắc. Nếu là một người trưởng thành, có suy nghĩ và nhận thức đầy đủ thì tự họ sẽ biết cần làm thế nào để bảo vệ hạnh phúc chứ không cần đến bất kỳ "đạo lý" nào từ những người ngoài cuộc.
Nguồn: TH&PL