Có bố mẹ là giáo viên, Gen Z: Vừa hãnh diện, vừa áp lực!

Thầy cô lại thêm một mùa Tết vào những ngày cuối tháng 11!

Có một mùa gọi là mùa tri ân!

Ngày - tháng - năm... đời người đi qua bằng mốc thời gian như thế. Thấm thoát cũng đã đến mùa tri ân, mùa của những người "lái đò sang sông", người "gùi chữ qua đèo". Dù cho đó là nơi núi cao trắc trở hay hải đảo xa xôi, vẫn có những con người gắn bó với cái nghề thầm lặng, sáng đứng lớp, đêm soạn bài để mang tri thức đến với cuộc đời, không quản nhọc - Nghề Nhà giáo!

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0

Thầy cô lại thêm một mùa Tết vào những ngày cuối tháng 11! Ấy vậy mà khác với mọi năm, mùa tri ân năm nay vắng bóng những chiếc tập san, báo tường, không còn râm ran cái không khí văn nghệ hay những buổi lễ dưới sân trường. Nghề giáo từ lâu đã là một nghề cao quý nhưng chứng kiến biết bao sự đổi thay của xã hội, nó không còn là sự lựa chọn của người trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Tuy nhiên, nằm trong số những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của những người bố, người mẹ theo đuổi nghề giáo, nhiều đứa trẻ Gen Z cũng đỗi tự hào nhưng cũng có phần nhiều áp lực để xứng với danh xưng "con nhà giáo". Hãy cùng lắng nghe những tâm sự của các bạn trẻ được sinh ra trong gia đình có bố mẹ là giáo viên để thấu hiểu nỗi lòng của "con nhà giáo".

Bố mẹ là nhà giáo! Đó là niềm tự hào rất lớn của con trẻ

Dù cho cuộc sống có thay đổi trên nhiều phương diện, người trẻ không còn đặt quá nhiều nguyện vọng vào nghề "gõ đầu trẻ" nhưng nghề này vẫn là một trong những nghề cao quý. Bởi trên hành trình mang tri thức đến với cuộc đời, thầy cô không chỉ gánh trên vai nghiệp "cõng chữ qua sông" mà còn gánh cả trách nhiệm trồng người.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha làm thầy giáo, Mạnh Khang, sinh viên năm 4, Trường ĐHKHXH&NV trải lòng:

"Để trở thành một giáo viên tiểu học trong giai đoạn điều kiện kinh tế còn thiếu thốn là một điều vô cùng khó khăn. Nhưng cha mình đã cố gắng rất nhiều để theo đuổi sự nghiệp giảng dạy với mong muốn trở thành "người lái đò thầm lặng" hơn 2 thập kỷ qua. Có lẽ không chỉ mình, mà tất cả thành viên luôn tự hào và tin yêu đối với người trụ cột gia đình ấy. Khi được ngắm nhìn bậc phụ huynh của mình luôn yêu thương, nắn nót từng khung chữ, vẽ lên bao nhiêu ước mơ cho các thế hệ học trò, lòng mình không khỏi ngưỡng mộ".

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Bạn Mạnh Khang, sinh viên năm 4, Trường ĐH KHXH&NV

Dòng đời quẩn quanh, cuốn con người vào cuộc sống mưu sinh với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nhiều người không còn đủ vững để trụ lại với nghề nhà giáo. Nhưng vượt lên trên hoàn cảnh, có những người thầy, người cô sẵn sàng gắn bó với nghiệp giảng dạy bằng một trái tim phi thường. Hơn 20 năm sống trong tình thương của người cha làm nghề giáo, đó là một niềm tự hào của Khang. "Tuy chưa từng được ngồi lớp dưới sự giảng dạy của cha, nhưng nếu được một lần trải nghiệm thì cảm giác ấy chắc sẽ tuyệt vời lắm!", Khang bồi hồi chia sẻ.

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo viên, cũng giống như Khang, cô bạn Lan Vy, sinh viên năm 4, Trường Đại học Cần Thơ cũng rất đỗi tự hào về cha của mình!

"Khi được hỏi về cha, mình đã luôn tự hào khoe cha là thầy giáo. Tự hào vì cha luôn tần tảo với nghề, tự hào cách cha nâng niu từng trang sách, và cách cha làm trụ cột gia đình. Hồi trước, thầy cô giáo ở quê mình vất vả lắm! Ngoài giờ lên lớp, cha cũng phải làm vườn, làm ruộng bắt cá như một nông dân thực thụ. Sáng đi dạy, chiều về đi thăm ruộng. Có ngày cha lên lớp tay vẫn dính bùn. Nhưng với mình, cha đã là một thầy giáo tuyệt vời".

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Bạn Lan Vy, sinh viên năm 4, Trường Đại học Cần Thơ

Có lẽ, những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách dẫu "đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông". Đến lớp, họ là những người dìu dắt ước mơ cho bao thế hệ học trò. Về đến nhà, họ là người cha, người mẹ ưu tú, luôn dành cho con sự giáo dục nghiêm khắc nhất để con lớn khôn và trưởng thành.

Vừa là niềm hãnh diện nhưng cũng vừa là nỗi áp lực

Từ bao đời nay, người ta luôn đặt nhiều chuẩn mực riêng cho nghề nhà giáo. Bởi lẽ, cái nghề này thường gắn với nhiều danh xưng cao quý, sự cao quý đó không phải tự nhiên mà có, "cao quý vì nó tạo dựng con người". Vì thế, đứng trước cái bóng cả của cha mẹ làm nghề giáo, Gen Z mang trong mình một trọng trách thiêng liêng làm sao để xứng với cái danh xưng "con nhà giáo". Đó vừa là niềm hãnh diện nhưng cũng vừa là nỗi áp lực.

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Vừa là mẹ, vừa là cô giáo Hoa luôn có những áp lực vô hình

"Bởi vì là một người con của giáo viên, mình luôn bị nhận định là phải học giỏi, phải ngoan ngoãn lễ phép. Chưa kể mẹ cũng kỳ vọng mình phải thật thành công, phải giỏi nên ngay từ bé mình đã phải cố gắng nỗ lực học tập thật tốt và rất sợ bị điểm kém. Hơn nữa, vì là con giáo viên nên mình chịu áp lực rất nhiều.

Mình nhớ năm lớp 11, mình đã phải chuyển tới một ngôi trường xa nhà 40km để có môi trường học tốt hơn, phải ở trọ một mình và khoảng thời gian đó khá là khó khăn nhưng mà mình đã cố gắng vượt qua mọi thứ để xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình". Bạn Ka Trương Mỹ Hoa, sinh viên năm 4, Trường ĐH KHXH&NV trải lòng.

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Bạn Mỹ Hoa, sinh viên năm 4, Trường ĐHKHXH&NV
co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Hoa đã biến những áp lực thành nỗ lực để không phụ lòng mẹ

Hình ảnh về tiêu chuẩn nghề nghiệp của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đối với suy nghĩ của những bạn trẻ Gen Z, đặc biệt là nghề giáo viên. Bởi lẽ, sống trong một gia đình có những người bố, người mẹ mang trên mình những chuẩn mực nhất định buộc con cái phải bỏ mình vào chiếc hộp khuôn khổ và nhiều quy chuẩn. Vì lẽ đó mà bao đời nay, những đứa trẻ "nhà nòi" luôn cố gắng sống đúng với cái danh xưng "con nhà giáo".

Cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ là giáo viên, đồng cảm với Mỹ Hoa, cô bạn Bích Tiên, sinh viên năm 3, Học viện Cán bộ TPHCM cũng bộc bạch: "Từ lúc đi học cho đến tận bây giờ, mình phải luôn ứng xử trong chừng mực để tránh trường hợp để mẹ phải khó xử. Từ nhỏ mình đã rất cố gắng trong việc rèn luyện đạo đức, tác phong và trong cả học tập, phong trào. Mình phấn đấu không chỉ ở cấp tiểu học - môi trường có mẹ làm giáo viên mà mình đã rất nỗ lực ở cấp 2, cấp 3 và bây giờ là đại học".

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Bạn Bích Tiên, sinh viên năm 3, Học viện Cán bộ TP.HCM

Thế mới thấy, sống trong môi trường giáo dục đầy tính nghiêm khắc nên những đứa trẻ "con nhà giáo" bắt buộc phải tự nghiêm khắc với chính bản thân mình. Hơn ai hết, những đứa trẻ này phải luôn là những người chịu nhiều áp lực bên cạnh niềm hãnh diện.

Có cha mẹ làm nhà giáo, Gen Z nhận được những gì từ cách giáo dục của cha mẹ mình?

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng "con giáo viên" sẽ nhận được nhiều đặc quyền và ưu tiên so với những đứa trẻ cùng trang lứa khác trên giảng đường về điểm số hay vị trí. Đôi khi nhiều người quên "con giáo viên" cũng đang cố gắng từng ngày để có được những "phần thưởng" của sự nỗ lực. "Cha mình luôn dặn mình phải chủ động, phải tự lập trong mọi vấn đề trong cuộc sống để không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một quan điểm tiêu cực nào ngoài kia. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn làm mai một đi thành quả mà mình đạt được", Khang chia sẻ.

Như bao đứa trẻ khác, Khang cũng được lớn lên trong sự giáo dục nghiêm khắc từ cha. Sống với nghề, cha Khang hiểu rằng: "Giáo dục con người không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng hành vi". Làm sao phải giữ học trò nhận ra bản thân mình, làm sao để khơi dậy năng lực trong mỗi học sinh, khơi dậy những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Và trong cách giáo dục con mình, cha của Khang cũng thế!

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0

Bạn Bích Tiên cũng chia sẻ: "Có mẹ là nhà giáo, đặc biệt là giáo viên tiểu học cho nên ngay từ bé mẹ đã dạy mình bài học làm người và cả những bài học tri thức đầu tiên. Mình nhận được từ mẹ rất nhiều, nhưng sâu sắc nhất chắc có lẽ là tính mẫu mực, sự bao dung, lòng nhẫn nại. Mình thấy mình thật may mắn khi mọi thứ mình nhận được từ mẹ và "cô giáo" đều nhân đôi".

Cách giáo dục của những ông bố bà mẹ luôn đặc biệt theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, đối với những đứa con được sinh ra trong gia đình nhà giáo cũng sẽ có một cách riêng nhất định. Nhưng cho dù là một người nông dân bình thường, một bác sĩ, một ca sĩ hay thậm chí là một giáo viên thì mục đích duy nhất của họ muốn hướng đến là mong những đứa con của mình sẽ thật trưởng thành và khôn lớn trên bước đường tương lai.

Nhân ngày 20/11! Những đứa trẻ Gen Z muốn gửi lời nhắn nhủ nào đến những người thầy, người cô của mình?

Những chuyến đò xưa, những chuyến đò hôm nay và của mai sau cứ lặng lẽ trôi đi trên dòng sông nhiều sóng gió. Tiễn chân bao thế hệ học trò, những người thầy, người cô vẫn lặng thầm trở về nơi bến cũ sông xưa miệt mài bên vô vàn những chuyến đò mới không tên. Trên cương vị là những người con, người học trò, Gen Z đã bày tỏ tấm lòng của mình như thế nào đối với những người thầy, người cô của mình?

"Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con xin chúc cha sẽ mãi nhiệt huyết và đầy yêu thương với nghề, với lớp lớp học trò ngoan ngoãn đang được cha chỉ dạy với sự tận tâm và chu đáo. Con cũng xin gửi lời chúc đến những vị nhà giáo đã ngày đêm "lái đò" miệt mài để đưa từng thế hệ học sinh đến với bến bờ tri thức, chúc thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công rực rỡ!" - Mạnh Khang xúc động gửi lời cảm ơn đến cha mình cũng như quý thầy cô.

co bo me la giao vien gen z vua hanh dien vua ap luc - anh 0
Ảnh: (Khoảng khắc - THPT Tân Châu)

Đối với các bạn trẻ, bên cạnh rất nhiều thầy cô giáo đáng kính mà mình đã được học ở trường, cho đến lúc đã trưởng thành, vẫn có một người "thầy" mà các bạn luôn dành tình cảm đặc biệt nhất đó là cha, là mẹ của mình.

"20/11 đặc biệt năm nay, cha không đến trường dự lễ với đồng nghiệp, với học trò, sẽ không có những chiếc hoa cài áo, không có những giai điệu "Bụi phấn", "Người thầy" ngân vang trong ngày hiến chương. Nhưng mình sẽ thay học trò của cha gửi gắm tình yêu thương ấy.

Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, con xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến cha, cùng với những thầy giáo, cô giáo kính yêu. Chúc những người thầy người cô đặc biệt của con luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và đủ tâm trí lực để tiếp tục thành công trong sự nghiệp trồng người". Đây là lời chúc của bạn Lan Vy.

"Ngày 20/11 mình muốn chúc mẹ mình sẽ luôn vui vẻ, nhanh thành thạo máy tính để có thể dạy online trơn tru hơn. Chúc cả thầy cô luôn luôn mạnh khỏe, và mong sớm được gặp lại thầy cô!" Lời chúc của bạn Mỹ Hoa gửi đến mẹ mình cùng quý thầy cô.

Ngày nhà giáo Việt Nam "khác biệt" nhưng vô cùng "đặc biệt"!

Nghề giáo rất giàu… nhưng giàu về tình cảm!

Chính thức trở thành "nhà giáo" trong thời Covid-19, Gen Z nghĩ gì?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ