Có đến tận 9 ngành nghề siêu hot dành cho sinh viên thuộc nhóm ngành ngôn ngữ.
"Bỏ 4 năm để học đại học chuyên ngành ngôn ngữ là uổng phí", "học ngôn ngữ cũng có thể học ở trung tâm hay tự học được mà!", hay "học ngôn ngữ nữa ra trường làm gì trời?"... Đây dường như là những câu hỏi có phần hạn hẹp về khối lượng ngành nghề mà nhiều người gắn mác cho sinh viên ngành ngôn ngữ. Vậy thật ra có bao nhiêu cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngôn ngữ?
Ngành ngôn ngữ - thoáng nghe qua cái tên, nhiều người không hình dung được cái nghề cụ thể
Gạt bỏ những định kiến có phần khắt khe về nghề nghiệp, Gen Z ngày nay mạnh dạn tìm cho mình nhiều lối đi riêng. Tuy có phần mạo hiểm nhưng thế hệ này hứa hẹn sẽ chinh phục được nó. Trước đây người ta thường chú trọng những ngành nghề truyền thống được nhiều người lựa chọn như giáo viên, công an, bác sĩ... Nhưng kể từ khi Gen Z ra đời, ngành nghề được thế hệ này theo đuổi cũng có phần khác biệt hơn.
Cũng trước đây, người ta chỉ chú trọng và theo đuổi khối ngành khoa học tự nhiên. Nhưng những năm gần đây, khối ngành khoa học xã hội nhân văn được đông đảo bạn trẻ lựa chọn và dần lấy lại ưu thế. Sư phát triển của khối ngành thuộc lĩnh vực xã hội đã kéo theo nhiều ngành mới ra đời. Trong đó, có khối ngành ngôn ngữ đang thuộc top thực hành, được phần đông các bạn trẻ lựa chọn để theo học.
Ngành ngôn ngữ, thoáng nghe qua cái tên, nhiều người không thể hình dung được một cái nghề cụ thể. Bởi người ta quan niệm rằng, học ngôn ngữ cũng có thể tự học, ai cũng học được. Vậy thì cần hẳn một chuyên ngành để làm gì? Tuy nhiên, đừng vội nhận định đây là một ngành học không có tính chuyên môn sâu.
Samuael Johnson phát biểu rằng: "Ngôn ngữ là y phục của tư duy". Ngôn ngữ học là một trong những môn học quan trọng nhất trong các môn thuộc khoa học nhân văn, là môn học nền tảng, có liên quan và chi phối nhiều môn học khác. Nó cung cấp tri thức về ngôn ngữ, qua đó người học có điều kiện phát triển năng lực tư duy và có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tốt. Ngôn ngữ học không chỉ cần thiết cho mọi lĩnh vực mà nó còn ngày càng thể hiện vai trò và vị thế của một ngành khoa học chuyên sâu.
Vậy người học ngành ngôn ngữ sau khi ra trường có thể làm những công việc gì?
Giáo viên/Giảng viên dạy ngôn ngữ
Sau khi hoàn thành chương trình đại học, sinh viên có thể thực hiện giảng dạy ngôn ngữ mình đã học chuyên sâu tại các trung tâm, trường học bằng việc tham gia lớp nghiepek vụ sư phạm. Ngoài việc thực hiện giảng dạy mà bản thân theo học, sinh viên ngành ngôn ngữ có thể lựa chọn bộ môn giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Chuyên viên/Nghiên cứu viên ngôn ngữ
Công việc này chủ yếu là làm nghiên cứu, phát triển và bảo tồn ngôn ngữ. Đây là những người biên soạn nên sách giáo khoa và từ điển ngôn ngữ.
Biên/Phiên dịch
Đây là một trong những việc làm được mọi người biết đến khi nhắc đến các ngành ngôn ngữ. Sinh viên ngành ngôn ngữ ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp, nhà đài, sự kiện hay hội nghị quốc tế.
Hướng dẫn viên du lịch
Du lịch - Nhà hàng - khách sạn là một trong những ngành đòi hỏi ngôn ngữ khá cao. Với lợi thế về ngôn ngữ, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này có thể có chỗ đứng tốt trong ngành công nghiệp không khói.
Biên tập viên
Sau khi học chuyên ngành với sự hiểu biết sâu sắc và kỹ năng thấu hiểu ngôn ngữ sẽ giúp bạn trở thành một ứng cử viên biên tập tiềm năng. Công việc của bạn sẽ là lên ý tưởng, sửa chữa lỗi về mặt nội dung, hình thức của tác phẩm trước khi được công bố.
Trợ lý/Thư ký
Với những công ty, tập đoàn lớn, công việc của một trợ lý hay thứ ký đòi hỏi ngôn ngữ rất cao. Nếu bạn đang là mọt sinh viên ngôn ngữ ưa thích công việc này thì có thể lựa chọn.
Nội dung liên quan
Tiếp viên hàng không
Nếu bạn là một sinh viên ngành ngôn ngữ có lợi thế về ngoại hình, kỹ năng giao tiếp và yêu thích khám phá, thì công việc này là cơ hội để bạn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt và tiềm năng thăng tiến vượt trội.
Freelancer
Nếu bạn là một người yêu thích sự tự do, bạn có thể chọn để trở thành một freelancer như cộng tác viên dịch thuật, cộng tác viên content. Hoặc làm bản dịch, lồng tiếng cho các bộ phim, truyện.
Blogger/Tác giả
Việc học ngôn ngữ sẽ hình thành tư duy ngôn ngữ và hình ảnh rất phong phú. Nếu bạn là người có tư duy ngôn ngữ tốt và yêu thích viết lách thì blogger, tác giả sẽ là một công việc rất phù hợp với bạn.
Nguồn: TH&PL