Omicron sẽ giống như một loại vaccine giảm độc lực, một chế phẩm có chứa virus sống nhưng đã bị suy yếu.
Giám đốc Trung tâm Khoa học và Lâm sàng thuộc Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan (Nga), ông Albert Rizvanov ngày 7/12 cho biết rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn nhưng mang ít mầm bệnh hơn và có thể hoạt động như một loại vaccine tự nhiên.
Ông Rizvanov nói: "Đúng là có khả năng biến thể Omicron và các biến thể tương tự của SARS-CoV-2 sẽ làm biến mất mức độ nghiêm trọng của bệnh, tức là chúng có ít mầm bệnh hơn nhưng lại dễ lây nhiễm hơn. Và điều này sẽ khiến chúng giống như một loại vaccine giảm độc lực, một chế phẩm có chứa virus sống nhưng đã bị suy yếu".
Nhưng nói rằng đây là một thần dược cho con người là không hoàn toàn chính xác, bởi vì ngay cả vaccine giảm độc lực cũng có rất nhiều chống chỉ định.
Chuyên gia này cũng giải thích thêm rằng ngay cả khi bị nhiễm các loại virus đã bị suy yếu như vậy thì những người bị suy giảm khả năng miễn dịch và mắc các bệnh mãn tính vẫn có thể bị tác dụng phụ nghiêm trọng. Từ đó, ông Rizvanov khẳng định tiêm chủng truyền thống vẫn là phương pháp an toàn nhất để chống lại dịch bệnh.
Tình hình lây nhiễm của biến thể Omicron trên thế giới
Về vấn đề lây lan, các nhà khoa học đang chú ý tới những gì xảy ra ở Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được phát hiện. Các chuyên gia y tế lo ngại rằng quốc gia này đang ở giai đoạn đầu của một làn sóng mới có thể gây áp lực quá tải lên các bệnh viện.
Biến thể mới đã nhanh chóng đưa Nam Phi từ giai đoạn có mức độ lây truyền thấp, trung bình dưới 200 ca mắc mới mỗi ngày vào giữa tháng 11, lên hơn 16.000 ca mỗi ngày vào cuối tuần qua. Omicron chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới ở tỉnh Gauteng - tâm chấn của làn sóng mới.
Từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, biến thể này đã lây lan sang ít nhất 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng tại Mỹ, 17 bang ghi nhận có biến thể này.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ vừa ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày. Đây là mức trung bình cao nhất trong 2 tháng qua. Phần lớn các ca mắc mới ở Mỹ là nhiễm biến thể Delta, nhưng tính đến ngày 6/12, theo báo New York Times, các chuyên gia y tế ở Mỹ phát hiện ra biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 17 tiểu bang.
Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến thể Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan là rất lớn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trước biến thể Omicron.
Nguồn: TH&PL