WHO cho rằng: "Không có dấu hiệu nào cho thấy vaccine không có tác dụng. Ngay cả khi giảm hiệu quả, tốt hơn là vẫn nên tiêm vaccine vì nó sẽ cứu mạng bạn".
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó COVID-19 của WHO khẳng định đây vẫn là "những ngày đầu" để đánh giá xem liệu biến thể Omicron - hiện đã có mặt ở 23 quốc gia trên toàn thế giới - có khả năng lây lan cao hơn, gây ra bệnh nặng hơn hay làm cho vaccine kém hiệu quả hơn hay không.
"Các nhà khoa học sẽ công bố thông tin sơ bộ về cách thức biến thể Omicron lây lan trong vài ngày tới" - Tiến sĩ Van Kerkhove phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 1/12 từ Geneva.
Nhưng bà cho biết hiện tại "không có dấu hiệu" nào cho thấy các loại vaccine hiện có sẽ không cung cấp bất kỳ biện pháp bảo vệ nào và khẳng định vaccine sẽ ngăn ngừa được bệnh nặng.
Theo các chuyên gia WHO, những người mắc biến thể Omicron trải qua một loạt các triệu chứng nhẹ đến nặng, nhưng các loại vaccine hiện có vẫn bảo vệ người nhiễm khỏi bệnh nghiêm trọng.
Chúng tôi biết vaccine có tác dụng bảo vệ, nhưng vẫn cần tìm hiểu xem liệu biến thể Omicron có kháng vaccine ở một mức độ nào đó hay không. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng dù thế nào vaccine vẫn sẽ bảo vệ chống lại mắc bệnh nặng, giống như tác dụng của chúng đối với các biến thể khác.
Tiến sĩ Van Kerkhove nói rằng, biến thể Omicron đã được phát hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 5 trong số 6 khu vực toàn cầu của WHO, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên.
"Chắc chắn có thể xảy ra một trong những tình huống là khi virus tiếp tục đột biến, chúng có thể dễ lây lan hơn, thậm chí dễ lây lan hơn Delta, nhưng chúng ta chưa biết rõ về mức độ nghiêm trọng. Tôi nghĩ chúng ta nên đề phòng trường hợp tốt nhất và trường hợp xấu nhất, loại virus này càng lưu hành thì càng có nhiều ca lây nhiễm, càng có nhiều ca lây nhiễm, càng có nhiều người tử vong. Và đây là điều có thể ngăn chặn được" - bà Van Kerkhove nói.
Không có dấu hiệu nào cho thấy vaccine không có tác dụng. Ngay cả khi giảm hiệu quả, tốt hơn là vẫn nên tiêm vaccine vì nó sẽ cứu mạng bạn.
Vì Omicron vẫn đang được xem là "biến thể đáng lo ngại", WHO khuyến nghị các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene các trường hợp bị nhiễm, báo cáo các trường hợp hoặc chùm ca bệnh ban đầu cho WHO, thực hiện điều tra dịch tễ tại thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về Omicron liên quan đến hiệu quả vắc xin, các biện pháp cộng đồng, điều trị, chẩn đoán...
Với người dân, WHO khuyến cáo giữ khoảng cách ít nhất 1m khi tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang vừa vặn, mở cửa sổ để thông thoáng không khí, giữ tay sạch.
Đến nay đã có 69 quốc gia triển khai các biện pháp tạm dừng, hạn chế đi lại quốc tế để phòng chống biến chủng Omicron. Trong đó hầu hết đều áp dụng từ chối tiếp nhận hành khách đến từ các quốc gia châu Phi và các khu vực xuất hiện biến chủng Omicron, hoặc tiến hành cách ly y tế, chỉ tiếp nhận hành khách đã tiêm đủ vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h.
Nguồn: TH&PL